Tin tức » Tin thế giới
Triều Tiên dọa nhiều nhưng có dám làm thật?
(10:44:03 AM 01/04/2013)Triều Tiên dọa nhiều nhưng có dám làm thật?
Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt bổ sung chống Triều Tiên, ngày 8/3/2013, Bình Nhưỡng đã tuyên bố hủy hiệp định đình chiến với Hàn Quốc, cắt đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên và cảnh báo Mỹ sẽ phải hứng chịu một “cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu.” Phải chăng Triều Tiên đang trở nên không thể kiểm soát được mình hay đó chỉ là một ngón bịp?
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra những tuyên bố mang tính khiêu khích kiểu này. Người ta thậm chí còn cho rằng đây là một thói quen của Bình Nhưỡng. Chỉ có điều, những phát biểu "cao giọng" lần này của Triều Tiên khác hẳn với bức thông điệp của họ kêu gọi một sự hòa giải hồi đầu tháng 1 năm nay.
Triều Tiên lúc thì thể hiện ý muốn mở cửa, lúc lại lên giọng kiên quyết và đe dọa, song cũng không nên coi đó là dấu hiệu của một chế độ không kiểm soát được mình. Bằng cách đe dọa Mỹ để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và một lần nữa tỏ thái độ hung hăng với nước láng giềng Hàn Quốc, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên muốn thể hiện phong cách của mình, tự coi mình là một con người hùng mạnh.
Kim Jong Un cho rằng sự im lặng của ông ta ngay lập tức sẽ bị hiểu là một dấu hiệu suy yếu. Vì vậy, đây không phải là một ngón bịp, mà là Bình Nhưỡng vẫn hoàn toàn làm chủ được hành động của mình.
Dù Triều Tiên khoe khoang rất nhiều, nhưng phần đông giới quan sát đều cho rằng họ thực sự ít có khả năng tấn công vào nước Mỹ bởi vì để làm được điều đó, Triều Tiên phải có tên lửa đạn đạo tầm xa. Bình Nhưỡng khẳng định là họ ”không khó” để làm được như thế, nhưng trên thực tế chưa có một loại tên lửa nào như thế của họ được thử nghiệm. Và nữa, chế độ này dường như vẫn còn lờ mờ về những khả năng thực sự của mình tới mức người ta có thể nghi ngờ về tầm bắn của các tên lửa mà nước này đang có trong tay.
Như vậy, một lời tuyên chiến sẽ là tự sát đối với Kim Jong Un, và ông ta biết rõ như vậy, cũng như cha ông, lúc sinh thời cũng biết rất rõ như thế. Tuy nhiên, mọi chiến lược của Bình Nhưỡng đều dựa vào nghệ thuật thương lượng và sự mặc cả. Để làm được như vậy, Bình Nhưỡng phải gây sức ép với các đối phương và gia tăng những mối đe dọa để lái cuộc thương lượng có lợi cho mình.
Dù có khiến phương Tây vô cùng bực tức, nhưng cho đến bây giờ, chiến lược này vẫn tỏ ra có hiệu quả: Chế độ vẫn đứng vững và mỗi một cuộc khủng hoảng quan trọng đều dẫn đến các cuộc thương lượng dựa trên cơ sở do Bình Nhưỡng áp đặt. Tuy nhiên, đây là một chiến lược cực kỳ nguy hiểm bởi vì chỉ với một sai lầm, dù là rất nhỏ, cũng đồng nghĩa với sự kết thúc của chế độ.
Song, khi người ta lãnh đạo một đất nước bị cách biệt với thế giới bên ngoài như Triều Tiên thì liệu có còn giải pháp nào khác để duy trì được chế độ? Đây không phải là lần đầu tiên chế độ Triều Tiên thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế bằng cách đưa ra những phát biểu khoa trương và những lời đe dọa đối với Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ có điều mới là lần này, Triều Tiên - với nhà lãnh đạo mới, còn rất trẻ là Kim Jong Un - có những lời lẽ hiếu chiến hơn trước đây rất nhiều.
Vì sao Kim Jong Un dám hành động như vậy? Chủ yếu ông ta dựa vào hai thành tựu công nghệ-quân sự vừa qua. Đó là vụ thử hạt nhân ngày 12/2/2013 và vụ thử tên lửa tháng 12/2012. Hai vụ thử này được xem như những kỳ tích và được coi là bằng chứng về một bí quyết công nghệ nào đó, mang lại cho chế độ Triều Tiên những lý lẽ mạnh mẽ hơn. Qua đó, ông ta cảm thấy tự tin hơn trong việc thách thức kẻ thù.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này, mà mới cách đây hơn một năm người ta vẫn còn chưa biết gì về ông, đang ra sức chứng tỏ rằng ông là một nhà lãnh đạo thực thụ và đầy sức mạnh, bất chấp việc ông còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Ông muốn chứng tỏ rằng ông không kém gì cha và ông nội của ông, rằng ông có thể đe dọa và có thể đạt được tất cả những gì mình muốn.
Cho dù các nhà quân sự Mỹ không tin là thái độ hiếu chiến của Kim Jong Un sẽ dẫn đến một cuộc xung đột, song trước những hành động khiêu khích và đe dọa như thế của Triều Tiên, cả Hàn Quốc và Mỹ đều đã tăng cường các điều kiện của hiệp ước hợp tác quân sự. Hiệp ước này qui định Mỹ ủng hộ Hàn Quốc ngay cả khi xuất hiện những hành động khiêu khích "nhỏ nhất" từ phía Triều Tiên.
Về việc Triều Tiên chấm dứt Hiệp định đình chiến với Hàn Quốc, trước hết cần phải nhắc lại rằng mặc dù có hiệp định này, song hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1950. Hiệp định đình chiến chưa bao giờ dẫn đến một hiệp ước hòa bình, và hiến pháp của hai nước về mặt lãnh thổ là vẫn bao hàm toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Về một mặt nào đó, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vẫn chưa chấm dứt, và vì thế, đương nhiên hai nước này chưa hề có mối quan hệ hòa bình.
Ngoài ra, các cuộc tấn công chống Hàn Quốc không phải gần đây mới xuất hiện, mà nó đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử của bán đảo Triều Tiên từ một nửa thế kỷ nay, và như người ta đã thấy năm 2010 là thời điểm đặc biệt gay gắt. Nếu nổ ra một cuộc tấn công mới, chắc chắn cả Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ bị mất tất cả vì Seoul cách khu phi quân sự chỉ 40 km và sẽ phải hứng chịu tên lửa của Triều Tiên, còn Triều Tiên cũng sẽ bị tiêu diệt chỉ trong vòng vài tuần lễ, có thể còn nhanh hơn, nếu Mỹ can thiệp để ủng hộ đồng minh Hàn Quốc.
Người ta cũng không loại trừ khả năng là khi muốn đóng tập hồ sơ Triều Tiên lại, rất có thể là Mỹ hoặc một nước nào khác sẽ tiến hành cuộc tấn công phòng ngừa nhằm vào Triều Tiên, nhưng dường như khả năng ấy rất ít xảy ra bởi nếu như vậy, đây sẽ là một sai lầm mang tính chiến lược.
Nếu như vậy, khi đó, đương nhiên Triều Tiên sẽ giáng trả bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo nhằm vào Mỹ. Ngoài ra, Bình Nhưỡng sẽ dùng vũ khí thông thường để tấn công giáng trả Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận của Mỹ, và khi ấy, giải pháp tấn công phòng ngừa sẽ làm bùng nổ tình hình với những hậu quả khôn lường.
Cũng có khá nhiều nhận định cho rằng dù rất hiếu chiến, nhưng Kim Jong Un không thể gây chiến với nước láng giềng Hàn Quốc, bởi ông ta thừa hiểu tương quan lực lượng hiện không có lợi cho Triều Tiên. Hàn Quốc có một quân đội hiện đại hơn, được trang bị đầy đủ hơn, lại được Mỹ ủng hộ, cộng thêm sức mạnh của 28.000 quân Mỹ đang đóng tại bán đảo Triều Tiên và quân Mỹ đóng tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh xảy ra, vấn đề duy nhất đối với Hàn Quốc là những hậu quả của một cuộc chiến tranh như thế sẽ vô cùng thảm khốc.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Campuchia tuyên bố không tham vấn thêm về kênh Funan Techo
- Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đầu tiên hỗ trợ phát thải bằng 0 trong AZEC
- Động đất tại Trung Quốc: Số nạn nhân tăng lên hơn 100 người
- Indonesia đề xuất nhiều biện pháp tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC)
- Voi chết hàng loạt ở Botswana do thiếu thức ăn
- Địa điểm lý tưởng nhất thế giới để chiêm ngưỡng nhật thực năm 2024
- Rực rỡ bức tranh "mèo ôm cá" trên cánh đồng lúa ở Thái Lan
- Tuyết dày gần 40 cm bao phủ 90% lãnh thổ Mông Cổ
- “Loạn giá” khí thải carbon của các doanh nghiệp
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/01/2025, UBND thành phố Bến Tre long trọng tổ chức lễ công bố và trao bằng công nhận cây Thiên tuế tại đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) là Cây Di sản Việt Nam.
Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ
(Tin Môi Trường) - Bộ Nông nghiệp và Môi trường là tên gọi thống nhất sau hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.