»

Chủ nhật, 19/01/2025, 23:25:30 PM (GMT+7)

Hi vọng công lý cho nạn nhân rò rỉ dầu ở Nigeria

(20:07:09 PM 07/08/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Hôm 3/8, công ty dầu khí nổi tiếng Shell thừa nhận trách nhiệm pháp lý liên quan đến các vụ tràn dầu từ đường ống của công ty này ở Nigeria sau nhiều năm chối quanh.

 

 

Ảnh chụp dầu nổi gần Ikarama, thuộc đồng bằng Niger - Ảnh: Amnesty International UK

 

Một nghiên cứu công phu suốt 3 năm của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP đánh giá cần 1 tỉ USD và 30 năm để phục hồi sinh thái ở Bodo do chảy dầu từ các đường ống dẫn. UNEP khẳng định Shell và nhiều công ty dầu khí khác đã đầu độc diện tích 1.000km2 của vùng Ogoni ở đồng bằng Niger một cách có hệ thống đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người và các động vật hoang dã.

 

Theo The Guardian, vụ chảy dầu do Công ty Shell năm 2008 làm căng thẳng hơn các vấn đề xã hội và môi trường mà 69.000 người dân sống ở Bodo, thuộc đồng bằng Niger phải gánh chịu.

 

Không khí bốc mùi, nước bốc mùi, những con cua, con cá ở sông nước Bodo cũng có mùi dầu. Dầu thấm vào đất, nguồn nước giếng của người dân, dầu đặc kẹo quện vào bùn đất và những vệt dầu loang lấp loáng chảy khắp mạng lưới sông suối và những khu rừng ngập mặn ở Bodo.

 

Khi Nigeria xuất khẩu dầu mỏ lần đầu tiên vào năm 1958, đó là dầu được khai thác ở một khu vực cách Bodo chưa đầy 10km. Tella James, chủ tịch nhóm công nhân hàng hải, cho biết đời sống của 69.000 người dân sống ở vùng lân cận thay đổi mạnh mẽ từ tháng 8-2008 khi váng dầu nhớp nháp được phát hiện ở một khu trũng ở Bodo, cách ngôi nhà gần nhất vài kilômet.

 

Shell cho rằng dầu chảy ra ngoài là do một mối hàn vỡ trên ống dẫn vào tháng 9-2008. Đường ống này được dùng để vận chuyển khoảng 120.000 thùng dầu/ngày xuyên qua đồng bằng Niger. Đến ngày 7-11-2008, vụ rò rỉ dầu mới được xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm đó khoảng 2.000 thùng dầu có thể đã được đổ thẳng xuống nước ở Bodo mỗi ngày.

 

Tháng 12-2008, cũng lại đường ống già nua 50 tuổi đó bị vỡ một lần nữa. Lần này, Shell không đưa chuyên viên nào đến điều tra và sửa chữa cho đến tận ngày 19-2-2009. Theo các chuyên gia, những người đã xem xét chứng cứ của hai vụ rò rỉ dầu tại thực địa và qua băng ghi hình, khoảng 280.000 thùng dầu đã bị đổ ra ở Bodo.

 

Bodo là trung tâm của rất nhiều đường ống dẫn dầu nối với khoảng 100 giếng dầu ở vùng Ogoni. Rất nhiều lỗ thủng nhỏ trên đường ống làm rò rỉ dầu trong suốt những năm tháng dầu được khai thác. Nhưng trường hợp của Shell là có quy mô lớn hơn hết thảy, Nenibarini Zabby - chủ tịch Trung tâm bảo tồn môi trường, nhân quyền và phát triển ở cảng Harcourt nói.

 

“Dầu tràn diễn ra trong thời gian dài và được đưa đi rất xa bởi sóng và thủy triều. Sức khỏe của người dân bị đe dọa. Shell cần phải bồi thường cho người dân và khôi phục môi trường” - Zabby nói. Theo Zabby, không ai ở Bodo thoát khỏi nạn dầu tràn. Nghèo đói thảm hại đe dọa mọi người. Gần 80% người dân ở Bodo là ngư dân nhưng giờ đây họ đã mất đi sinh kế. Người ta đang bỏ đi để tìm kiếm những nơi xanh hơn có thể sống được… Mọi người sống trong đói khát và nhiều vụ trộm cắp xảy ra chỉ vì quá thiếu thốn.

 

Sẽ càng tiếc hơn nếu biết đồng bằng Niger là một trong những vùng trù mật nhất thế giới. Nơi này mỗi năm phải hứng chịu lượng dầu tràn nhiều hơn lượng dầu đã tràn ở vịnh Mexico năm 2010. Theo số liệu của chính quyền Nigeria, có hơn 7.000 vụ tràn dầu trong giai đoạn từ năm 1970 đến 2000 và có khoảng 2.000 khu vực bị đổ dầu lớn cần phải được dọn sạch.

 

Riêng Công ty Shell phải đối diện với hơn 1.000 vụ thưa kiện liên quan đến rò rỉ dầu. Shell bị phạt rất nhiều lần ở Nigeria vì những sự cố gây ô nhiễm môi trường, nhưng các phiên tòa thường diễn ra trong nhiều năm. Các cộng đồng bị ảnh hưởng phàn nàn rằng chưa bao giờ họ được bồi thường thỏa đáng và môi trường cũng không được dọn sạch.

 

“Một phiên tòa nghiêm túc xem xét những lời tố cáo của người dân sẽ là một cuộc cách mạng về quy trình và hi vọng có thể mang lại nhiều kết quả hơn” - Martyn Day của Công ty Leigh Day and Co nói.

 

Tháng 5-2011, Shell thừa nhận làm tràn 14.000 tấn dầu năm 2009 nhưng biện luận rằng 98% số vụ rò rỉ dầu là do bị cố ý phá hoại, trộm cắp bởi phiến quân, người dân hay các nhóm tội phạm. Chỉ một phần rất nhỏ là do lỗi kỹ thuật của hệ thống.

HỒNG VÂN (Theo The Guardian)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Hi vọng công lý cho nạn nhân rò rỉ dầu ở Nigeria

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI