»

Thứ hai, 20/01/2025, 12:06:16 PM (GMT+7)

Dân Myanmar phản đối mỏ đồng của Trung Quốc

(07:19:16 AM 06/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Sau khi cho ngưng một dự án thủy điện ở Myitsone do TQ đầu tư năm 2011, lần này Myanmar dường như không muốn mất thêm lợi ích từ dự án mỏ khai thác đồng ở Sagaing cùng các dự án đầu tư khác của TQ

 

 

Người biểu tình ở Yangon giơ biểu ngữ phản đối dự án mỏ khai thác đồng Monywa - Ảnh: Reuters

 

Dự án mở rộng mỏ đồng Monywa liên doanh với Trung Quốc ở tây bắc vùng Sagaing, do dẫn đến việc cưỡng chế đất quy mô lớn, đã gây ra các cuộc biểu tình dữ dội hồi tuần trước ngay tại nơi triển khai dự án và trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon. Những cuộc biểu tình phản đối này một lần nữa gợi lại tâm lý phản đối Trung Quốc ở Myanmar và khiến Tổng thống Thein Sein phải phản ứng tức thời.

 

Văn phòng Tổng thống Myanmar ngày 1-12 cho biết lãnh đạo đối lập - bà Aung San Suu Kyi - sẽ được cử đứng đầu một ủy ban điều tra về dự án. Ủy ban này gồm 30 người và có nhiệm vụ xem xét các vấn đề xã hội cũng như môi trường. Dự kiến ủy ban sẽ báo cáo kết quả vào cuối tháng này.

 

Không đủ tiền bồi thường

 

Mỏ đồng Monywa là dự án liên doanh giữa Công ty Wan Bao của Trung Quốc và một công ty do quân đội Myanmar quản lý. Reuters cho biết dự án mở rộng mỏ đồng trị giá 1 tỉ USD này sẽ dẫn đến việc phải thu hồi hơn 3.160ha đất, bốn trong số 26 ngôi làng ở khu vực dự án sẽ phải di dời, bao gồm cả các ngôi chùa và trường học.

 

Báo Irrawaddy cho biết chánh văn phòng tổng thống Aung Min khi nói chuyện với dân địa phương đã thừa nhận chính phủ đang do dự khi đụng đến những lợi ích kinh tế của Trung Quốc, do “những hậu quả về tài chính” sẽ phải gánh chịu về phía Myanmar.

 

“Nếu như phía Trung Quốc đòi bồi thường thì ngay cả dự án đập Myitsone cũng tốn tới cả 3 tỉ USD” - Irrawaddy dẫn lời ông Aung Min nói. Ông cũng khuyên người biểu tình nên suy nghĩ thật kỹ về những thiệt hại kinh tế cho Myanmar nếu như ngưng dự án khai thác mỏ đồng này. Báo Irrawaddy cho biết Trung Quốc khi ký “các hợp đồng bí mật” với phía Myanmar đều đã thận trọng “gài” thêm điều khoản Myanmar sẽ phải bồi thường lớn nếu hủy bỏ một dự án. Dù vậy, Tổng thống Thein Sein vẫn đã ra lệnh ngừng dự án xây đập Myitsone, nhưng xem ra lần này “ông buộc phải thỏa hiệp với Trung Quốc”, như nhận định của báo Asie-Info (Pháp).

 

Myanmar: trạm trung chuyển

 

Thế nhưng Myanmar không chỉ có những khoản phải bồi thường mà còn nhiều món lợi khác nữa với Trung Quốc, khi tầm quan trọng chiến lược của Myanmar đối với Bắc Kinh đang ngày càng tăng và khi Bắc Kinh ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp dầu từ Trung Đông.

 

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tính toán nguồn nhập khẩu dầu từ Iraq của Trung Quốc sẽ tăng từ 275.000 thùng/ngày năm 2011 (chiếm khoảng 5% lượng dầu nhập của Trung Quốc) lên hơn 8 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Tập đoàn Dầu khí hải ngoại quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đầu tư hàng tỉ USD trong những giếng dầu của Iraq. Nếu như không có những bất ổn, Iraq có thể sẽ trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới trước cả Saudi Arabia với khách hàng lớn nhất là Trung Quốc.

 

Do vậy, Bắc Kinh đã xây dựng một đường ống dẫn dầu qua Myanmar để nối Ấn Độ Dương với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đường ống này sẽ bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2013. Với việc xây dựng thêm trạm trung chuyển ngoài biên giới trong cảng Kyaukphyu (bang Rakhine) của Myanmar, CNPC ước tính chi phí cho toàn bộ đường ống này sẽ lên đến 4,7 tỉ USD. Khả năng vận chuyển của đường ống này là 23 triệu tấn/năm, nhưng điều này là chưa đủ và nó lại đi qua vùng phía bắc của Myanmar, những vùng sinh sống của những bộ tộc có vũ trang. Dù sao, nếu đường ống này hoạt động ổn thỏa, “nhiều khả năng các công ty dầu khí Trung Quốc sẽ còn xây dựng thêm các đường ống dẫn dầu khác đi qua nước này” - như đánh giá của Colin Reynolds, chuyên gia phân tích độc lập, khi trao đổi với báo Irrawaddy. Đối với đường ống dẫn dầu, Myanmar có thể nhận được tối đa 36,8 triệu USD/năm về tiền trung chuyển.

 

Vẫn theo IEA, vấn đề đối với Trung Quốc không phải là giảm chi phí vận chuyển. Trong mục tiêu tăng cường nguồn nhập khẩu dầu khổng lồ từ Trung Đông, điều quan trọng với Bắc Kinh là tránh đi qua eo biển Malacca vừa hẹp vừa nhiêu khê và có thể bị đóng lại một khi xảy ra khủng hoảng chính trị với một trong số những nước ven bờ là Indonesia, Malaysia và Singapore.

 

Sản lượng dầu do Trung Quốc sản xuất sẽ lên đến 220 triệu tấn/năm vào năm 2020. Và nếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục bằng hay vượt hơn 7%/năm, nhu cầu về dầu của Trung Quốc sẽ tăng lên đến 650 triệu tấn/năm. Bởi vậy, Trung Quốc hiểu rõ họ sẽ có nguy cơ ngày càng bị lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu từ Trung Đông và từ việc chuyển dầu qua Myanmar, một nước mà ở đó hình ảnh của họ không mấy thân thiện. 

(Nguồn: VIỆT PHƯƠNG - T.N. /TTO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Dân Myanmar phản đối mỏ đồng của Trung Quốc

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI