»

Chủ nhật, 19/01/2025, 02:41:38 AM (GMT+7)

Tự tử tăng cao tại châu Á do suy thoái kinh tế

(23:36:53 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Một nhà ga ở Hàn Quốc phải thiết lập hệ thống cửa ngăn những người có ý định tự tử bằng cách nhảy vào đầu đoàn tàu. Tại nước này, cứ 100.000 dân thì có 24,8 người chọn giải pháp tự tử để giải quyết khó khăn kinh tế.

Một nhà ga ở Hàn Quốc phải thiết lập hệ thống cửa ngăn những người có ý định tự tử bằng cách nhảy vào đầu đoàn tàu. Tại nước này, cứ 100.000 dân thì có 24,8 người chọn giải pháp tự tử để giải quyết khó khăn kinh tế.

 

Nhiều người lâm vào bi kịch mất nhà cửa, việc làm. Ảnh: Dailylife

 

Kể từ khi cơn bão suy thoái lan đến châu Á, hàng triệu người tại đây đã mất việc. Một số lượng lớn các nhà đầu tư mất cả cuộc sống khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và sự sụp đổ của các quỹ đầu tư.

 

Paul Yip, một nhà tâm thần học và là chuyên gia chống tự tử tại Hong Kong, tính toán rằng số lượng bệnh nhân đến phòng khám của ông xin giúp đỡ tăng vọt trong thời gian qua, hầu hết có nguyên nhân bắt nguồn từ sự suy thoái tài chính.

 

Paul Yip nói: "Đối với người châu Á, công ăn việc làm vô cùng quan trọng. Mất việc làm không chỉ là mất cần câu cơm mà còn là sự mất thể diện. Nên bi kịch thất nghiệp càng lớn hơn nhiều so với các nơi khác”.

 

Đã thế, người châu Á còn cảm thấy rất xấu hổ khi phải tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia, Yip nói thêm: “Tại các nước phương tây, tìm đến các phương pháp trị liệu là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên ở đây, người ta có thể nghĩ bạn mắc bệnh tâm thần nếu biết bạn đến gặp bác sĩ khoa thần kinh. Người châu Á thường không thích cởi mở các vấn đề cá nhân và họ cũng thường đánh giá thấp các biểu hiện bệnh”.

 

Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế phát triển tại châu Á, có tỷ lệ tự tử cao nhất trên thế giới. Tại Hàn Quốc, cứ 100.000 người thì có 24,8 người tự tử. Con số này tại Nhật Bản là 24, tiếp đó là Bỉ với 21,3 người trên 100.000 và Phần Lan với 20.35 người. Tỷ lệ này tại Mỹ là 11,1.

 

Tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc gần như tăng gấp đôi trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 10 năm trước. Thời gian đó, cùng lúc với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người ta ngày ngày chứng kiến hàng loạt bi kịch bên bờ sông Hàn.

 

Do đó, từ năm 2008 khi Hàn Quốc rơi vào cơn suy thoái kinh tế lớn nhất trong suốt cả thập kỷ, tỷ lệ xuất khẩu giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, cơ quan Sức khỏe ở nước này đã lập tức đưa ra chương trình chống tự tử quốc gia. Chính phủ nước này lo ngại khi thống kê cho thấy số lượng người tự tử do các vấn đề tài chính năm 2008 đã tăng gấp đôi so với 2007.

 

Một quan chức của cơ quan bảo vệ sức khỏe giấu tên nói: “Có mối liên hệ sâu sắc giữa những khó khăn kinh tế với tỷ lệ tự tử tăng cao tại Hàn Quốc”.

 

Người này cho biết chính phủ Hàn Quốc đang bắt đầu lên kế hoạch kêu gọi tăng số lượng các trung tâm chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp và trung tâm tư vấn, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tự tử xuống còn 20 trên 100.000 vào năm 2013.

 

Cùng lúc đó, tuyến tàu điện Seoul, tuyến xe điện ngầm chạy trong khu vực thủ đô Seoul, đã thiết lập hệ thống cửa tự động tại sân ga, nhằm ngăn chặn những người nhảy vào đầu đoàn tàu tự tử”.

 

Một quản lý nhà ga nói: “Cho đến nay, số lượng người tự tử tại tuyến xe điện ngầm tăng mạnh so với trước. Tôi tin rằng điều này phản ánh một thực tế là kinh tế xã hội đang vô cùng ảm đạm”. Ông nói thêm: “Việc lắp đặt hệ thống cửa như thế này là cách duy nhất ngăn chặn những người có ý định nhảy vào đường ray. Chúng tôi đẩy nhanh kế hoạch lắp đặt hệ thống cửa và phấn đấu sẽ lắp tại tất cả các nhà ga trước cuối năm nay”.

 

Tại Nhật Bản, thêm khoảng nửa triệu công nhân có thể bị sa thải trước tháng 4/2009. Trung tâm công nghiệp Aichi tại miền trung Nhật Bản, nơi có các nhà máy lớn như Toyota, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão tài chính. Một quản lý tại Aichi cho biết số người mang theo các khó khăn kinh tế đến trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần học tăng gần 15% riêng trong tháng 12/2008 so với cùng kỳ năm 2007.

 

Tỷ lệ tự tử của Nhật Bản tăng mạnh trong thời kỳ khó khăn những năm 1990. Đó là thời kỳ chế độ bảo đảm việc làm suốt đời bị phá bỏ, hàng loạt nhân công bị sa thải và các sinh viên mới ra trường tranh đấu kịch liệt để giành giật từng việc làm.

 

Các bác sĩ tại Hong Kong đang lập báo cáo về việc số lượng bệnh nhân mang các triệu chứng tâm thần tăng cao như tiêu chảy, ù tai, đau đầu, thở dốc, mất ngủ và đau ngực.

 

Nhà tâm lý học Dominic Lee tại Hong Kong nói: “Cơn suy thoái đã gõ cửa từng nhà. Chúng tôi chứng kiến nhiều cặp vợ chồng cãi nhau triền miên khi họ đứng trước nguy cơ mất việc”.

 

Chuyên gia Pinky Yung từ Trung tâm Caritas Family Crisis Line & Education Center cho biết nhiều người đã mất tất cả số tiền tiết kiệm, những người khác mất việc làm, mất cả cơ nghiệp và lâm vào cảnh nợ nần. Trong số 2.301 bệnh nhân đã chữa trị tại trung tâm kể từ giữa tháng 10/2008, có tới 8 phần trăm người đã nghĩ đến chuyện tự tử, ông cho biết.

 

Yung nói: “rất nhiều người trong số họ từng sống trong cảnh giàu sang. Với những người này tình trạng càng trở nên tồi tệ”.

 

Yung nhận định: "Những ai có sự hỗ trợ của gia đình, có sở thích, thú vui cá nhân và có việc làm sẽ đương đầu tốt hơn với thử thách. Mọi thứ sẽ trở nên vô cùng tồi tệ nếu ở trong hoàn cảnh ngược lại. Hầu hết trong số họ đều đã ở độ tuổi trung niên và việc đi kiếm việc làm mới và kiếm tiền trở nên khó hơn nhiều. Họ trở nên bất an và mất ngủ triền miên”.

 

(Theo Reuters, VnExpress)

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tự tử tăng cao tại châu Á do suy thoái kinh tế

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI