»

Thứ sáu, 22/11/2024, 08:52:36 AM (GMT+7)

Quốc gia nghèo đang tụt hậu

(23:35:08 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Kinh tế gia đoạt giải Nobel, Robert Solow đã viết về thuyết tăng trưởng trong hai bài báo năm 1956 và 1957 và đến nay vẫn làm nhiều người ngạc nhiên: đầu tư vào máy móc không thể là nguồn gốc của tăng trưởng lâu dài.

Trong toàn bộ giai đoạn 1960-1999, con số 2/5 các nước nghèo nhất gần như tăng trưởng bằng 0 cho thấy các nước nghèo nhất có mức tăng trưởng kém hơn rõ rệt so với các nước giàu. Bốn phần năm các nước nghèo nhất trong năm 1960 (chỉ tính các nước mà chúng ta có dữ liệu) sau này được gọi là các nước thế giới thứ ba. 70% các nước thuộc thế giới thứ ba này trong suốt thời gian đó tăng trưởng chậm hơn so với mức tăng trưởng bình quân đầu người 2,4% của các nước giàu nhất. Rõ ràng, các nước nghèo đang tụt hậu, chứ không phải đang bắt kịp.

Để thấy được làm thế nào mà Solow đi đến kết luận gây ngạc nhiên rằng đầu tư không thể là nguồn gốc của tăng trưởng, chúng ta hãy trở lại với cái nhìn ban đầu về tăng trưởng trong bài viết năm 1956 của ông, và sau đó là bài viết năm 1957. Một nền kinh tế càng có nhiều nhân lực và máy móc, nền kinh đó càng có nhiều sản lượng.

Khi chúng ta nói “tăng trưởng”, chúng ta muốn nói rằng mức sống của mỗi người tiếp tục tăng. Để mỗi người trong chúng ta có mức sống cao hơn, cách duy nhất là mỗi người phải tạo ra nhiều hàng hóa hơn. Bởi thế nên điều chúng ta quan tâm là sản lượng tính theo người lao động, hay còn gọi là năng suất lao động.

Chúng ta muốn năng suất lao động tăng, và chúng ta có hai đầu vào sản xuất: máy móc và người lao động. Do đó, bạn có thể cho rằng để tăng năng suất lao động, số lượng máy móc cần tăng nhanh hơn số người lao động. Nói cách khác, tăng số lượng máy móc chính là tăng năng suất máy móc.

Nhưng tăng số máy móc theo người lao động ngay lập tức gặp phải vấn đề. Khi chúng ta tăng số máy theo người lao động, thì cuối cùng mỗi người lao động cùng một lúc sẽ sử dụng nhiều hơn một máy, và họ phải chạy như cờ lông công từ máy này sang máy kia, giống như Charlie Chaplin trong bộ phim Modern Time (Thời hiện đại). Khó có thể nghĩ rằng sản lượng sẽ tăng lên khi trang bị cho một người lao động vốn đã có tới tám máy thêm một máy mới. Đây chính là nguyên tắc hiệu suất giảm dần.

Nguyên tắc hiệu suất giảm dần có một logic đơn giản và hiển nhiên: tăng thêm mãi một yếu tố sản xuất liên quan tới một yếu tố sản xuất khác không thể làm tăng mãi sản lượng. Khi bạn tăng số máy móc so với công nhân, thì hiệu suất cho mỗi máy tăng thêm sẽ ngày càng giảm đi. Để minh họa cho nguyên tắc hiệu suất giảm dần, tạm thời giả sử rằng một yếu tố là cố định, và bạn cố gắng tăng thêm yếu tố kia.

Thêm bột lần sau nhé

Hôm nay, tôi làm món ăn sáng mà bọn trẻ nhà tôi rất thích, món bánh kếp. Công thức làm bánh của tôi là một cốc sữa và hai cốc bột hiệu Bisquick. Nhưng số lượng thành phần này không cứng nhắc như vậy. Tôi cho rằng các chuyên gia về bánh tráng của tôi cũng sẽ vẫn ăn bánh nếu tôi làm bánh mỏng hơn khi dùng nhiều sữa hơn công thức trên.

Số bột tôi có chỉ đủ để làm bánh cho ba đứa trẻ. Bỗng con gái tôi, Rachel, nhắc tôi rằng Eve, bạn cháu, sẽ đến dùng bữa cùng chúng tôi. Tôi đã biết nhưng lại quên mất. Che bát bột lại, tôi đổ thêm một cốc sữa nữa vào. Sẽ không ai nhận ra được. Rồi thì con trai tôi, Caleb, lại nhắc tôi rằng Kevin, bạn cháu và là người cũng thích món bánh kếp, sẽ đến ăn nữa. Tôi lại đổ thêm sữa vào mẻ bột. Chắc bọn trẻ sẽ không biết đâu. Rồi bà vợ của tôi bước vào nhắc tôi rằng Colleen, bạn của bé Grace nhà tôi, cũng sẽ đến. Vô phương xoay xở, tôi đành đổ thêm cốc sữa nữa vào mẻ bột. Mười lăm phút sau, các khách ẩm thực không thèm chạm đến món bánh kếp mỏng nhất thế giới của tôi.

Đây chính là nguyên tắc hiệu suất giảm dần: tăng thêm một yếu tố trong khi yếu tố còn lại giữ nguyên làm cho tôi không thể tăng mãi sản lượng món bánh kếp. Hiệu suất giảm dần xảy đến cho cái yếu tố mà tôi đang cố gia tăng (sữa) trong khi yếu tố còn lại (bột Bisquick) không đổi. Quả là tôi đã bị hiệu suất giảm dần đối với sữa. Cốc sữa đầu tiên rất có ích cho mẻ bánh kếp của tôi. Không có cốc sữa đó, tôi chẳng có gì ngoài đống bột khô Bisquick; có cốc sữa đó, ít nhất tôi cũng có một cái bánh kếp dày. Nhưng khi tôi đổ ba cốc sữa vào hai cốc bột, rồi lại thêm một cốc sữa nữa thì thật thảm hại làm sao cho mẻ bánh của tôi.

Chúng ta có thể tăng sản lượng GDP với một số lượng người lao động nhất định bằng cách tăng số máy móc theo đầu người. Mọi việc sẽ vẫn ổn nếu thoạt đầu không có chiếc máy nào; sau đó thêm một chiếc máy sẽ tăng sản lượng lên rất nhiều. Nhưng khi có nhiều máy rồi, thì tăng thêm một chiếc máy lại không tác động là bao đến sản lượng.

Hiệu suất sẽ giảm đến mức nào phụ thuộc vào tầm quan trọng của vốn trong sản xuất. Hiệu suất giảm dần trong thí nghiệm làm bánh kếp của tôi phụ thuộc vào tầm quan trọng của yếu tố mà tôi muốn tăng thêm. Cố gắng vô ích của tôi muốn tăng thêm sản lượng bánh kếp bằng cách tăng thêm một yếu tố hẳn sẽ còn tồi tệ hơn nếu tôi tăng thêm một trong các yếu tố sản xuất phụ như là muối, trong khi giữ nguyên các yếu tố khác. Tôi cho là các vị khách của tôi sẽ chẳng thú vị gì nếu tôi cố tăng gấp đôi sản lượng bánh kếp bằng cách cho thêm nhiều muối hơn nữa vào một lượng bột và sữa không đổi.

Mặt khác, nếu một yếu tố phụ như là muối là yếu tố duy nhất không thể thay đổi, tôi hẳn đã có nhiều khả năng tăng sản lượng bánh kếp hơn. Nếu tôi đã hết muối mà vẫn còn nhiều bột và sữa, tôi sẽ vẫn có những chiếc bánh đẹp cho bọn trẻ. Tôi nghĩ là mình vẫn xoay sở được nếu tăng gấp đôi cả bột và sữa nhưng giữ nguyên muối. Rất nhiều cuộc tranh luận về trào lưu vốn chính thống sẽ tùy thuộc vào tầm quan trọng của yếu tố vốn trong sản xuất.

Lý do mà nguyên tắc hiệu suất giảm dần đối với đầu tư của Solow đã có phản ứng dữ dội đặc biệt rằng nhà xưởng và máy móc chỉ là một yếu tố phụ đầy ngạc nhiên trong tổng sản lượng GDP. Chúng ta có thể đo được tầm quan trọng của vốn ở Mỹ bằng cách tính tỷ lệ của thu nhập từ vốn trong tổng thu nhập. Thu nhập từ vốn có nghĩa là tất cả thu nhập của những người sở hữu trực tiếp hay gián tiếp nhà xưởng và máy móc: lợi nhuận công ty, lợi nhuận cổ phần, và thu nhập lãi suất từ các khoản cho vay (vì các khoản cho vay cũng là phần tài chính đầu tư). Trong bài viết năm 1957, Solow dự tính rằng thu nhập từ vốn chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng GDP ở Mỹ. Ngày nay, tỷ lệ này vẫn là khoảng 1/3 tổng thu nhập. Hai phần ba còn lại của thu nhập là thu nhập từ lương, hay là thu nhập của những người lao động.

Bởi thế, vốn chỉ chiếm 1/3 tổng sản lượng, còn người lao động tạo chiếm hai phần ba. Nếu vốn chỉ chiếm 1/3 sản lượng, thì hiện tượng hiệu suất giảm dần của đầu tư sẽ trở nên nghiêm trọng. Khi máy móc khan hiếm, sản lượng tăng thêm từ thêm một cái máy sẽ cao. Khi máy móc có nhiều, sản lượng tăng thêm từ thêm một cái máy sẽ thấp.

Tăng trưởng đã không như vậy

Bằng chứng quan trọng nhất phản bác lại lý thuyết của Solow là nhiều nước nghèo không tăng trưởng. Với mức lợi nhuận trên vốn cao do vốn khan hiếm, các nước nghèo có đủ mọi động lực để tăng trưởng nhanh hơn các nước giàu. Đất nước nào càng nghèo, thì tốc độ tăng trưởng càng dễ tăng cao. Các nước nghèo sẽ phát huy được thế mạnh tăng trưởng. Nhưng thực tế không phải vậy.

Những nhà kinh tế học đầu tiên nhận ra sự thất bại trong nỗ lực tăng trưởng ở nhiều nước nghèo không phải là chuyên gia về các nước nghèo. Các nhà kinh tế phát triển nghiên cứu về các nước nghèo quả cũng nhận thức rằng tình hình ở châu Phi và châu Mỹ La tinh rất xấu, nhưng dường như họ không nhận ra vấn đề của mô hình tăng trưởng cũ. Chính nhà kinh tế học về các nước giàu, Paul Romer đã xem xét dữ liệu và chỉ ra rằng mô hình cũ không đúng.

Romer đã sử dụng dữ liệu thu nhập của hơn 100 nước được Robert Summers và Alan Heston biên soạn. Khi trình bày trước Hội nghị thường niên về Kinh tế học vĩ mô năm 1987 do Cục Nghiên cứu Kinh tế tổ chức, ông có trong tay số liệu tăng trưởng từ năm 1960 tới 1981. Ông chỉ ra thực tế các nước nghèo không phát triển nhanh hơn các nước giàu và chứng minh tính sai lầm khi áp dụng mô hình của Solow cho các nước nhiệt đới.

Theo các dữ liệu, đây là giai đoạn thuận lợi của các nước nghèo. Mức tăng trưởng tồi tệ diễn ra trước và sau những năm đó, những năm mô hình Solow cũ áp dụng cho vùng nhiệt đới.

Năm cuối cùng trong dữ liệu của Solow, năm 1981, cũng là năm cuối cùng thuận lợi đối với nhiều nước nghèo. Như chúng ta sẽ thấy ở chương 5, châu Mỹ La tinh và các nước cận Sahara đã mất hai thập kỷ để phát triển kinh tế sau năm 1981. Chẳng bao lâu sau, các nước Trung Đông và Bắc Phi cũng chung cảnh ngộ. Kể từ năm 1981, các nước nghèo không chỉ không bắt kịp các nước giàu, mà còn có mức phát triển kém hơn các nước giàu. Các nước nghèo đang chịu thiệt.

Kể từ năm 1981, 3/5 các nước nghèo nhất đã có mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người gần hoặc sát dưới 0. Hai phần năm các nước nghèo nhất, vốn đã tăng trưởng chậm chạp trong những năm 1960-1981, tiếp tục giẫm chân tại chỗ từ năm 1981-1998. Một phần năm các nước ở giữa, vốn có mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn 1960-1981, đã tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 1981-1998. Trong khi đó, 20% các nước giàu nhất tiếp tục có mức tăng trưởng bình quân đầu người là 1%; 20% các nước đứng liền kề, trong đó có các nước tăng trưởng nhanh ở Đông Á, cũng có mức tăng trưởng tốt.

Tốc độ tăng trưởng của các nước giàu đã chững lại. Mức tăng trưởng bình quân đầu người ở Mỹ là 1,1% trong giai đoạn 1981-1998 so với 2,2% trong giai đoạn 1960-1980. Nhưng sự chững lại này không thấm vào đâu khi so với Nigeria. Từ 4,8% trong giai đoạn 1960-1980, tốc độ tăng trưởng của đất nước Phi châu này tụt xuống -1,5% trong giai đoạn 1981-1998.

Mặc dù các nước giàu không ngừng than phiền về mức tăng trưởng chậm, nhưng nhìn chung kết quả họ thu được trong nửa thế kỷ qua vẫn tốt đẹp hơn các nước nghèo. Tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người của nước giàu nhất so với nước nghèo nhất đã tăng vọt trong giai đoạn này. Các nước giàu càng giàu hơn; trong khi các nước nghèo thì giẫm chân tại chỗ.

(Trích cuốn sách "truy tìm căn nguyên tăng trưởng" do Công ty Alpha Books phát hành)

(Theo VnExpress)

 

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Quốc gia nghèo đang tụt hậu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI