»

Thứ sáu, 22/11/2024, 16:52:56 PM (GMT+7)

'Gậy ông đập lưng ông' khi phương Tây trừng phạt Nga Tin mới nhất

(14:36:00 PM 28/07/2014)
(Tin Môi Trường) - Thắt chặt trừng phạt sẽ làm tổn hại kinh tế Nga, nhưng các công ty phương Tây như BP, McDonald's hay Unilever cũng sẽ bị liên đới, đặc biệt nếu nước này có biện pháp đáp trả.

Thảm kịch của chuyến bay số hiệu MH17 có thể là bước ngoặt trong quan hệ giữa phương Tây và Nga. Từ sau khủng hoảng Ukraine năm ngoái, các lệnh trừng phạt chủ yếu nhắm vào cá nhân và công ty có liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea hoặc những người bị cho là kích động bất ổn tại Ukraine.


Cuối tuần trước, châu Âu đã mở rộng lệnh trừng phạt, bổ sung vào danh sách đen 15 cá nhân và 18 tổ chức. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng họ có thể công bố thêm "vòng trừng phạt thứ 3" lên toàn bộ nền kinh tế Nga. Trong đó có hạn chế công ty quốc doanh Nga tiếp cận thị trường vốn, cấm vận vũ khí, cấm xuất khẩu công nghệ năng lượng và các thiết bị có thể dùng cho cả quân sự và dân sự, như máy tính.
 
 
Trước tai nạn một ngày, ngày 16/7, Mỹ cũng tuyên bố thắt chặt trừng phạt lên Nga để cảnh cáo các hành vi được cho là can thiệp vào Ukraine. Lệnh trừng phạt nhằm vào những doanh nghiệp chủ chốt của Nga, trong đó có ngân hàng Gazprombank và tập đoàn dầu khí Rosneft, cùng nhiều công ty quốc phòng.

Thắt chặt trừng phạt sẽ làm tổn hại kinh tế Nga, nhưng các công ty phương Tây cũng sẽ bị liên đới, Guardian cho biết. Điển hình là Đức, với 6.000 công ty đang làm ăn với Nga, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, các tập đoàn lớn mới là những người chịu thiệt hại nặng nhất, đặc biệt nếu Nga có biện pháp trả đũa.

1. BP, Exxon Mobil, Shell

BP (Anh) hiện có 20% cổ phần trong hãng năng lượng quốc doanh Nga - Rosneft. Lệnh cấm xuất khẩu công nghệ năng lượng của EU sẽ khiến BP gần như chắc chắn phải ngừng khai thác tại Bắc Cực. Tuy nhiên, vì sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, công nghệ khí đốt khó có thể nằm trong danh sách trừng phạt của EU.
 
 

Exxon Mobil (Mỹ) cũng đang hỗ trợ Rosneft khai thác dầu mỏ tại Siberia, còn Shell (Hà Lan - Anh) hợp tác với Gazprom trong nhiều dự án dầu khí tại Viễn Đông. Đến nay, hai hãng này vẫn chưa gặp phải trở ngại nào từ Moscow. Tuy nhiên, khi giới chính trị gia Nga đang bàn thảo biện pháp trả đũa bằng phong tỏa tài sản, đây cũng là rủi ro họ không nên bỏ qua.
 

2. Boeing

Một cách đơn giản khác để Nga đáp trả phương Tây là cấm xuất khẩu kim loại được dùng phổ biến trong ôtô và máy bay. Theo đó, Boeing sẽ là hãng thiệt hại nặng nhất do nhập khẩu hơn một phần ba titan từ Nga.
 

Việc tìm nhà cung cấp khác trong thời gian ngắn sẽ khiến chi phí đội lên hoặc sản xuất đình trệ. Nếu kinh tế Nga sụp đổ, Boeing cũng sẽ mất cơ hội kiếm lời từ thị trường được đánh giá quy mô hơn 135 tỷ USD trong 20 năm tới.

3. Unilever

Tuần trước, đại gia hàng tiêu dùng đã thừa nhận việc kinh doanh tại Nga đang gặp khó. "Anh có thể đoán được là tại sao mà", Giám đốc Tài chính của hãng cho biết. Hơn nửa doanh thu Unilever đến từ các nước đang phát triển, trong đó có Nga. Những năm gần đây, thị trường trà tại Nga tăng trưởng rất nhanh, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu chậm lại.
 

Trong báo cáo, Unilever cho biết Nga là thị trường quan trọng với kế hoạch dài hạn nhằm tăng gấp đôi lợi nhuận của mình. Việc trừng phạt Nga sẽ có ảnh hưởng đến hãng, nếu thị trường nước này tăng trưởng chậm lại và các thương vụ mới bị đóng băng.

Tháng trước, CEO Unilever - Paul Polman cho biết doanh thu tại Nga chỉ tăng trưởng một chữ số, thay vì 2 như trước đây. Một trong các hãng tiêu dùng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn là Carlsberg, với một phần ba sản phẩm được tiêu thụ tại Nga qua nhà máy bia Baltika.

4. McDonald's

Tuần trước, bánh mì kẹp thịt phomai của McDonald’s đã bị cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Nga - Rospotrebnadzor khẳng định có "thông số hóa học, vật lý không phù hợp". Thời gian gần đây, cơ quan này cũng cấm bán rượu và nước của Georgia, thịt Ba Lan và rau châu Âu, thường vào thời điểm căng thẳng chính trị.
 
McDonald's là một trong những hãng sẽ chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt Nga. Ảnh: Telegraph

Hồi tháng 4, McDonald's đã tạm đóng cửa ba cửa hàng tại Crimea. Động thái này đã khiến chính trị gia Nga - Vladimir Zhirinovsky kêu gọi hãng đóng toàn bộ cửa hàng tại Nga. Tâm lý chống Mỹ đang là rủi ro với McDonald's, trong khi Nga hiện là thị trường lớn thứ 7 của hãng.

5. Ngân hàng Raiffeisen

Các ngân hàng thường được coi là người thiệt hại chính trước các quyết định loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính thế giới. Tuy nhiên, ngân hàng chịu rủi ro lớn nhất trong việc này có lẽ là Raiffeisen Bank (Áo).

 
Đây là một trong những nhà băng ngoại lớn nhất tại Nga, với 75% lợi nhuận trước thuế năm 2013 đến từ thị trường này. Hiện các khoản vay tại Nga của nhà băng này cũng lên tới 13 tỷ euro. Vì vậy, đồng ruble mất giá, người vay vỡ nợ và thị trường trái phiếu Nga suy giảm sẽ khiến ngân hàng này lao đao.

Không riêng Raiffeisen Bank, nhiều tổ chức tài chính khác tại châu Âu cũng sẽ chịu hậu quả. Tính đến cuối tháng 3, các ngân hàng châu Âu cho Nga vay tới 155 tỷ USD, theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS).

 

T.H (Tổng hợp) - Hà Thu
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: 'Gậy ông đập lưng ông' khi phương Tây trừng phạt Nga

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI