Người tiêu dùng nên mua thịt ở những cửa hàng có thương hiệu và rõ nguồn gốc - ảnh: Q.T |
Thịt bẩn hại thịt sạch
Trước thông tin hàng loạt trường hợp thịt bẩn vận chuyển về TP.HCM bị phát hiện, người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng với thực phẩm này và hệ quả đã thấy ngay trước mắt: tình hình tiêu thụ thịt heo trong những ngày gần đây đã sụt giảm mạnh, có dấu hiệu dội chợ và kéo theo giá giảm mạnh. Tại Đồng Nai, nơi tập trung các trang trại chăn nuôi lớn ở khu vực Đông Nam bộ, nhiều chủ trại nuôi heo cho biết mấy ngày nay giá heo giảm mạnh. Giá heo hiện các thương lái chỉ mua 52.000 - 53.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - mong mỏi: “Các cơ quan quản lý cần có những biện pháp quyết liệt hơn để người chăn nuôi không bị thiệt hại và người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng sản phẩm thịt trong những ngày cuối năm”.
Trước tình hình trên, ngày 13.1, Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận với các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm tăng cường quản lý sản phẩm động vật nhập về TP.HCM. Cụ thể, nguồn động vật, sản phẩm động vật đưa về TP.HCM phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng theo quy định; các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận chuyển sản phẩm động vật phải đáp ứng quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định. Các địa phương cũng cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, kiểm tra giám sát quá trình sử dụng con giống, nguồn nước, thức ăn, thuốc thú y, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tham gia chuỗi thực phẩm an toàn...
Có quản được chất cấm?
Động thái trên có thể mang lại tín hiệu lạc quan trước mắt về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho nguồn thực phẩm. Tuy nhiên, để có được một sự an toàn về chất lượng thịt sạch, không tồn dư hóa chất độc hại thì vẫn còn là cuộc chiến lâu dài. Theo ông Phạm Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, trong năm 2010, 25% nguồn heo sống từ các tỉnh đưa vào giết mổ ở các lò của TP.HCM bị chi cục phát hiện có chứa chất độc Clenbuterol. 6 tháng đầu năm 2011, nghiên cứu trên 334 mẫu thịt gia súc, gia cầm cho thấy 15,57% số mẫu dương tính với hóa chất Clenbuterol, vốn đã bị cấm trên toàn thế giới từ 1996 và bị cấm tại VN từ năm 2002.
Theo cơ quan chức năng, Clenbuterol là một chất được sử dụng trong chăn nuôi làm kích thích tăng trưởng, giảm chi phí thức ăn, tăng tỷ lệ nạc, giảm quá trình tích mỡ, giúp sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Những loại chất Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine... được dùng như thuốc làm giãn phế quản trong điều trị suyễn. Khi dùng cho gia súc với liều cao có tác dụng làm tăng khối cơ và giảm lượng mỡ dư thừa. Nhưng những chất này đã bị cấm vì những tác dụng phụ có thể gây hại cho người sử dụng: rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, liệt cơ, run cơ, phù nề, thậm chí dẫn đến ung thư. Theo thông tin từ Bộ Y tế, nếu ăn thịt gia súc gia cầm tồn dư Clenbuterol như liều lượng chúng ta phát hiện được tại VN gần đây (0,12 - 2,14 ppb, cao hơn nhiều lần so với mức tồn dư cho phép) thì chưa gây ngộ độc cấp tính. Nhưng nếu cứ dùng hằng ngày và tồn dư lâu dài thì tác hại không thể lường được.
Ông Nguyễn Chí Công cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay vẫn thích các loại thịt có màu sắc đỏ tươi, nhiều nạc, ít mỡ. Chính vì nhu cầu này mà chất cấm vẫn có đất để tồn tại”. Ông Công tư vấn: “Các loại thịt sản xuất theo quy trình bình thường luôn có màu sắc tự nhiên, có lẫn thịt và mỡ chứ không toàn nạc. Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen tiêu dùng và tẩy chay các loại thịt nghi ngờ dùng chất cấm để cho nhiều nạc, như vậy dần dần nhu cầu cung cầu sẽ khiến chất cấm không còn đất sống và tự động bị loại thải”.