(Tin Môi Trường) - Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xác nhận chưa giao dự án nào trên địa bàn cho doanh nghiệp có tên Alibaba
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng cũng như cảnh báo đến người tiêu dùng về việc Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM (Công ty Alibaba Tây Bắc) có những thông tin sai sự thật về dự án Alibaba Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP HCM).
Rao bán cái mình chưa có
HoREA cảnh báo người tiêu dùng và nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp cần cảnh giác để tránh thiệt hại có thể xảy ra, trước những thông tin sai sự thật về việc Công ty
Alibaba Tây Bắc và Công ty CP Địa ốc
Alibaba (Công ty Địa ốc Alibaba) tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha, pháp lý: sổ đỏ thổ cư 100%", thuộc khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.
Công ty
Alibaba Tây Bắc và Công ty Địa ốc
Alibaba có trụ sở chính tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM nhưng hoạt động thường xuyên tại chi nhánh 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM.
Chỉ sau 1 năm hoạt động, vốn điều lệ của Công ty CP Địa ốc Alibaba bỗng dưng tăng từ 1 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cung cấp một số thông tin chi tiết của Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng khu đô thị Tây Bắc về dự án khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại khu VIII - 3 thuộc khu đô thị Tây Bắc. Đây là 1 trong 133 dự án được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP HCM tổ chức ngày 11-10.
Cụ thể, dự án có diện tích 91,45 ha, thuộc một phần khu VIII khu đô thị Tây Bắc. Mục tiêu dự án là xây dựng nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị, y tế. Dự án có tầng cao 1-4; mật độ xây dựng 40%-75%; hệ số sử dụng đất 0,8-3 lần. Đặc biệt, khu đất chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng giao thông kết nối với các dự án đang được kêu gọi đầu tư.
Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ tài trợ công tác lập quy hoạch chỉnh trang theo định hướng của TP HCM đối với khu vực lập dự án, đồng thời thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có), đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu đất này. Sau khi hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật nội khu, nhà đầu tư sẽ bàn giao cho thành phố quản lý mà không yêu cầu hoàn trả vốn đã đầu tư. Bên mời thầu là Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng khu đô thị Tây Bắc.
Như vậy, dự án khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại khu VIII -3 thuộc khu đô thị Tây Bắc đang được TP HCM mời gọi đầu tư. Dự án chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán. Dự án này đến nay cũng chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư nên Công ty
Alibaba Tây Bắc và Công ty Địa ốc
Alibaba không có tư cách để tự xưng là chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trong bản vẽ "Sơ đồ phân lô dự kiến", Công ty Địa ốc
Alibaba ghi rõ: "Đây là sơ đồ dự kiến cùng các thông tin đang chờ duyệt qua. Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đang trong quá trình bàn giao cho Công ty Cổ phần Địa ốc
Alibaba làm chủ đầu tư nên dự kiến quý I/2018 sẽ tiến hành làm cơ sở hạ tầng".
Ông Lê Hoàng Châu cho biết: "Dự án này cũng chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị. Vì vậy, Công ty Địa ốc Alibaba, Công ty
Alibaba Tây Bắc không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn, kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ".
1 năm, vốn điều lệ tăng 1.600 lần!
Trước đó, Công ty Địa ốc
Alibaba đã bị nhiều người nghi ngờ về tính trung thực. Cụ thể, từ 1 tỉ đồng vốn điều lệ lúc thành lập (ngày 5-5-2016) do ông Nguyễn Thái Lĩnh làm đại diện pháp luật, đến tháng 9-2017, Công ty Địa ốc
Alibaba đã đăng ký thay đổi thông tin với số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỉ đồng. Như vậy, chỉ hơn 1 năm, vốn điều lệ công ty này tăng 1.600 lần.
Điều đáng nói, công ty này từng có những cam kết "mập mờ" với khách hàng thông qua những nhân viên môi giới. Cụ thể, những người này giới thiệu có 14 dự án
đất nền tại Long Thành (Đồng Nai), với tên gọi từ Long Phước 1 đến Long Phước 14. Để thu hút người mua, họ đưa ra chính sách cam kết lợi nhuận lên đến 28%/năm. Tuy nhiên, nội dung hợp đồng thỏa thuận sơ sài, không rõ ràng và được các luật sư nhận xét là không có giá trị pháp lý. Chẳng hạn, "công ty cam kết thu mua lại lợi nhuận 28%/12 tháng trên số tiền đầu tư, khi khách hàng đầu tư vào dự án
Alibaba Long Phước 5 - nơi đầu tư chắc ăn". Những người hiểu biết về pháp lý sẽ nhận ra đây là một câu hứa không có giá trị pháp lý, vậy mà ông Nguyễn Thái Lĩnh đã ký tên và đóng dấu.
Rủi ro hơn nữa là, theo tìm hiểu của phóng viên, đa số dự án này chỉ là bãi đất hoang, chưa có hạ tầng để bảo đảm sẽ bàn giao nền sớm như họ giới thiệu với khách hàng.
Ông Trương Văn Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành, xác nhận huyện chưa giao dự án nào cho doanh nghiệp có tên là Alibaba trên địa bàn. Đây chỉ là đơn vị môi giới nhưng lại giới thiệu với khách là chủ đầu tư. Từ ngày 20-4 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã tạm dừng việc phân lô tách thửa. Mới đây, tỉnh chỉ đồng ý tách thửa cho người dân - đối với trường hợp đất đã chuyển đổi thành đất thổ cư và nằm trong khu dân cư hiện hữu. Đất nông nghiệp muốn chuyển qua đất thổ cư phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, được cơ quan chức năng nghiệm thu đủ điều kiện mới được chuyển sang đất ở và tiến hành tách thửa.
Ông Phương nhìn nhận trên địa bàn có hiện tượng một số doanh nghiệp cùng cá nhân gom đất, sau đó ủy quyền lại cho doanh nghiệp, tổ chức sự kiện thu hút người mua. Dù địa phương đã ngăn chặn nhưng họ vẫn lén lút tổ chức. "Người dân nên tìm hiểu thông tin dự án, giá trị pháp lý trước khi mua để tránh bị lừa" - ông Phương khuyến cáo.
Cơ quan chức năng phải ra tay
TS - luật sư Bùi Quang Tín cho rằng với những thông tin mà HoREA cung cấp cho thấy Công ty Alibaba Tây Bắc đã có những hoạt động không rõ ràng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc và nhà đầu tư phải thận trọng để không bị "dính bẫy". Theo ông, cơ quan chức năng cần xem xét hồ sơ pháp lý, đặc biệt là hồ sơ đóng thuế, cũng như các yếu tố liên quan đến việc đầu tư dự án, tăng vốn điều lệ của công ty này, đồng thời cần xử lý mạnh để răn đe và ngăn chặn rủi ro cho nhà đầu tư.