(Tin Môi Trường) - Vào đầu thế kỷ 20, bệnh sốt rét đã lan rộng đến vùng Đông dương với diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây tử vong cao. Tuy nhiên, việc điều chế thuốc đặc trị sốt rét tại đây gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, mọi hy vọng tập trung vào việc phát triển cây Ký ninh (Quinine- Quinquina). Trước đó, vào năm 1886, ông Paul Bert (Toàn quyền Đông Dương) đã thí điểm trồng cây Ký ninh ở miền Bắc (Ba Vì) nhưng không thành công.
Cành lá mang hoa cây Ký ninh
Lịch sử di thực cây Ký ninh của BS. A. Yersin
Là một nhà bác học đầy tâm huyết, có nhiều cống hiến đặc biệt về lĩnh vực y học và nông nghiệp, BS. Yersin đã nổ lực khảo sát tìm địa điểm phù hợp để di thực cây Ký ninh từ Java về Việt Nam.
Năm 1917, BS. Yersin đã trồng thử nghiệm cây Ký ninh tại Hòn Bà (Khánh Hòa) bằng cây hạt và cây ghép, nhưng do điều kiện khí hậu và đất đai không thuận lợi, cây phát triển chậm, ngoài ra còn bị nhiễm nấm bệnh (?).
Đến năm 1925, BS. Yersin đã chuyển hướng, đưa cây Ký ninh trồng ở Dran, Xuân Thọ (Dalat), tại đây cây Ký ninh đã phát triển tốt, ra hoa và kết trái.
Từ năm 1932 - 1942, BS. Yersin gắn bó với Trạm nghiên cứu Lang Hanh (Lâm Đồng) và Viện Pasteur để xây dựng một quy trình tổng hợp từ ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khai thác, chế biến vỏ cây Ký ninh. Các khu vực trồng cây Ký ninh, khoảng 700 ha, đã được thu hoạch vỏ để điều chế thuốc trị bệnh sốt rét. Tuy nhiên trong thời gian chiến tranh, nhiều diện tích trồng Kí ninh bị bỏ hoang, cây chết dần, hiện còn lại rất ít.
Đầu những năm 2000, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tìm đến Hòn Bà để ghi nhận những công trình nghiên cứu
của BS. Yersin tại đây. Đã có nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm một số loài cây do ông đã di thực, trong đó có cây Ký ninh. Nhưng chỉ phát hiện vết tích một số luống
của vườn ươm, ngoài ra không tìm thấy cây Ký ninh.
Gần đây, với mong muốn di thực cây Kí ninh về trồng tại ngôi mộ
của BS. Yersin và ở đỉnh Hòn Bà, nhân chuẩn bị cho kỷ niêm 130 năm ngày đến Việt Nam (7/1891) và 158 năm ngày sinh
của BS. Yersin (22/9/1863) việc truy tìm cây Ký ninh lại được một số nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra (dựa trên các tư liệu cũ), đã có lúc bị nhầm lẫn với loài cây khác.
Với sự giúp sức
của một số nhà khoa học tận tụy ở Lâm Đồng, Hội Ái hữu BS. Yersin, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Khánh Hòa, sau cùng cây Ký ninh đã được nhận diện tại Xuân Thọ (tháng 8/2020).
Quả và hạt của cây Ký ninh
Thân cây Ký ninh
Tìm hiểu về cây Ký ninh
Danh pháp khoa học:
Cây Ký ninh thuộc chi Cinchona (Tên
của chi này là do ông C. Linnaeus đặt vào năm 1742, theo tên
của nữ Bá tước Chinchon, vợ
của Phó vương Peru). Chi này có khoảng 25 loài, thuộc họ Rubiaceae, hầu hết phân bố ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ.
Theo Phạm Hoàng Hộ (2000), có 4 loài Ký ninh được trồng ở Dalat và các vùng lân cận.
Dựa trên các mẫu vật thu được ở vườn cây Ký ninh tại Xuân Thọ (DL.2020-08-15), cùng với sự giám định
của Viện Sinh thái học Miền Nam, loài này có tên khoa học là Cinchona calisaya Wedd.
Tên đồng danh (Syn.): Cinchona ledgeriana (Howard.) Bern.Moens. ex Trimen
Tên địa phương (Peru): Peruvian Bark, Quinine
Tên Việt Nam: Ký ninh lá thuôn, Ký ninh vàng, Canhkina vàng
Hình thái: Cây gỗ trung bình, đường kính (D1,3) khoảng 30cm, chiều cao 10-15 m. Cành non hơi vuông, có lông mịn. Lá đơn, mép nguyên, mọc đối, phiến lá hình xoan, thuôn, 10-15 x 4-7cm; đầu và đuôi lá nhọn, đặc biệt có các tuyến ở mặt sau lá (nách gân bên); lá kèm hình bản sớm rụng. Lá non có màu nâu đỏ.
Hoa tự : Chùm tụ tán, dạng chùy, cao 15 cm, mọc ở đầu cành, phủ lông mịn.
Hoa nhỏ, mẫu 5, rộng 1 cm, tràng hợp hình ống, cánh hoa màu trắng, mùi thơm dịu, nhiều lông dài. Bầu dưới, 2 ngăn, đầu nhụy chẻ 2.
Quả nang, 2 mảnh, hình trụ hẹp 1,5 x 0,4 cm; hạt nhỏ, dẹp có cánh mỏng
Mùa hoa: tháng 8-9, quả: 10-11.
Sinh thái:
Mọc tự nhiên ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ, độ cao 400-3.000 m, thích hợp với lượng mưa khoảng 2.000 mm/năm, nhiệt độ trung bình 17-240C. Yêu cầu đất ẩm, thoát nước tốt; pH: 5-6; cây chịu nắng vừa, hoặc bóng râm nhẹ.
Cây bắt đầu ra hoa sau 3 - 4 năm. Thu hoạch vỏ sau 8 - 12 năm
Thành phần: Vỏ cây có vị đắng, chứa nhiều ancaloid, đặc biệt là quinine và quinidine. Có tới 70 - 80% tổng số ancaloid có trong vỏ cây là quinine.
Công dụng: Dùng để điều trị và phòng bệnh sốt rét. Ngoài ra, còn có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt trong điều trị cảm cúm, đau dây thần kinh, co cơ và rung tim.
Dùng trong thực phẩm: làm hương liệu đắng trong nước bổ và đồ uống có ga.
Lưu ý: phải tránh dùng liều lượng lớn và liên tục vì sẽ gây tác dụng phụ, nhức đầu, chóng mặt, giảm thính lực và nhịp tim không đều.
Mặc dù ngày nay, đã có nhiều loại thuốc mới để điều trị bệnh sốt rét, nhưng cây Ký ninh vẫn còn được trồng và sử dụng với các tác dụng khác.
Việc di thực cây Ký ninh về lại Hòn Bà mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử sâu sắc, để tỏ lòng tri ân đối với BS. Yersin, Công dân danh dự Việt Nam, người đã thừa nhận Nha Trang – Khánh Hòa là quê hương
của mình.
..........................
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Hoàng Hộ, 2000. Cây cỏ Việt Nam - Quyển 3, p.135. NXB Trẻ.
2. Nguyễn Gia Nùng, 2012. Những mẫu chuyện về Yersin. NXB Trẻ
3. http://www.theplantlist.org/tpl1.1/record/kew-40562
4. https://pfaf.org/user/Plant.aspx?LatinName=Cinchona ledgeriana
Cây Ký ninh (Quinine) có nguồn gốc từ Nam Mỹ (Peru, Bolivia,…). Từ thế kỷ 16, người dân bản địa Peru đã biết sử dụng vỏ cây Quinine, sấy khô và tán thành bột để chữa bệnh sốt rét. Sau đó, các tu sĩ người Tây Ban Nha đã khai thác và chuyển về châu Âu, phương thuốc này giúp cứu sống hàng triệu người khỏi bệnh sốt rét trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ nhất. Hoạt chất Quinine lần đầu tiên được phân lập vào năm 1820 từ vỏ cây Cinchona.