»

Thứ tư, 22/01/2025, 16:07:03 PM (GMT+7)

Tận diệt rong mơ

(15:27:37 PM 19/06/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Trong làn nước trong xanh, những gành đá san hô hiện ra như một rừng đá. Một ngư dân tổng kết bằng câu gọn lỏn: "Vùng này vốn là rừng, giờ chỉ còn đá, vì ngư dân đã cuỗm sạch rong mơ".

 

Rừng đáy biển

 

 
 Tận diệt rong mơ

 

Tại gành đá Phú Quý, thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, một ngư dân già "vẽ" lại viễn cảnh rừng dưới đáy biển cách đây 3 - 4 năm: "Tại gành đá này, cây rong cao cả mét. Nếu mình lặn xuống, ém trong rừng rong mơ, thấy cá, tôm nhiều vô kể. Nếu chèo thúng vô bờ thì phải chèo ngang, nếu chèo thẳng sẽ bị kẹt trong rừng rong. Nhưng rong bây giờ hết sạch, chỉ còn đá san hô đen sì thôi".

 

Dọc vùng biển miền Trung, những rừng rong mơ phát triển rất phong phú. Rong mơ thường sống tại các gành đá ven bờ, khi sinh trưởng, rong biển có thể cao hơn 3m và mọc dày đặc như rừng. Ngư dân chỉ cần một chiếc thúng, một cây vợt, ra neo thúng vào rừng mơ và chờ đợi. Những đàn cá kình dày đặc từ rừng rong mơ vọt lên thì lấy vợt, khom lưng xúc cật lực. Rong mơ chính là nơi để ngư dân có thể kiếm cơm qua ngày, nếu không ra khơi đánh bắt.

 

Rừng rong mơ ven bờ chính là thảm thực vật giúp cho các loài cá, tôm trú ngụ. Ngoài các loài cá, đây còn là nơi có nhiều tôm, mực vào sinh sản. Nếu biển trở thành cái nôi nuôi sống ngư dân, thì rừng rong mơ là một trong những cánh rừng thu hút sự tò mò, khám phá đối với các ngư dân.

 

Vào mùa đông, những con sóng lớn quật rừng rong mơ tơi tả. Đi dọc các làng chài, xác rong cuốn vào nằm rải rác khắp nơi. Những quả rong mơ nhỏ li ti như những chiếc bóng nước nổi dập dềnh trên mặt biển. Và đó chính là lúc cây rong mơ gieo hạt xuống đáy biển và tiếp tục tái sinh nhanh chóng vào mùa xuân năm sau. Cách đây 4 năm, rừng rong mơ bắt đầu bị đe dọa khi các thương lái đến vùng biển đặt vấn đề thu mua rong mơ để xuất sang thị trường Trung Quốc. Những người dân ào ào xuống biển tận diệt rong mơ để mang bán kiếm tiền. Khắp các bãi biển, nơi nào cũng trở thành bãi phơi rong mơ.

 

Nhà nhà tận diệt rong mơ

 

 
Những tấm lưới này đang "thất nghiệp" vì rong mơ bị khai thác cạn kiệt. Ảnh: Văn Chương

 

Rừng rong mơ còn đang phong phú nên sản lượng thu được rất lớn. Hàng trăm tấn rong mơ biển được móc lên bán cho tư thương với giá rẻ mạt, chỉ vài trăm đồng/kg. Nhiều người dân làng chài nhẩm tính chuyện có thể làm giàu từ việc hái rong mơ mang bán, vì huy động cả gia đình đi hái rong mơ, mỗi ngày tập trung lại bán thì kiếm được cả triệu đồng, một tháng vài chục triệu đồng. Mức thu nhập này cao hơn cả việc đi đánh cá nên cả làng thi nhau đi triệt rong mơ.

 

Những năm đầu tiên nổi lên phong trào hái rong mơ đem bán, ngư dân tại các làng chài đã xảy ra những cuộc ẩu đả vì mâu thuẫn về lợi ích. Người bán rong mơ kiếm tiền, ngư dân hành nghề gần bờ thì không còn cá mà đánh. Chính quyền xã Bình Châu đã huy động cả lực lượng dân quân ra biển ngăn chặn đội quân hái rong mơ đông nghịt. Riêng huyện đảo Lý Sơn, do nhận thức được sự nguy hại của môi trường biển nếu thiếu rong mơ, UBND huyện đã ra quyết định cấm khai thác rong mơ.

 

Và ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản với nội dung quy định chỉ cho phép hái rong mơ từ ngày 1-12 đến ngày 30-4 hàng năm. Khi khai thác, ngư dân cắt rong mơ cách gốc ít nhất là 10cm và không khai thác quá 75% diện tích rong để các loài thủy sản có nơi cư trú và sinh sản. Trong quá trình khai thác, hạn chế việc giẫm đạp, thả neo tàu... làm hư hại các rạn san hô.

 

Quy định là như vậy, nhưng ai sẽ là người theo chân ngư dân ra đến tận nơi để giám sát việc cắt gốc hay nhổ sạch, việc khai thác theo vùng hay làm theo kiểu tận diệt? Ai là người tổ chức cho ngư dân đi hái theo đúng thời gian quy định? Thực tế, ngư dân nhiều làng chài đã mạnh ai nấy đi, có nhiều hái nhiều, có ít hái ít, bòn mót sạch những cây rong mơ mới nhú lên từ đáy biển. Không có vùng nào ngư dân chừa ra cho tôm, cá sinh sản, tất cả trở thành vùng trắng.

 

Một ngư dân nước da đen nhẻm, phất tay nói át tiếng sóng: "Luật lệ thì vậy chớ xuống biển, mạnh ai nấy cứ bứt phá tan hoang rừng rong mơ. Nói chuyện chừa gốc để rong mơ tái sinh thì chắc không ai thực hiện". Và cũng như nhiều ngư dân khác, ông tâm sự rằng không muốn hái rong mơ làm cho môi trường cạn kiệt cá, tôm. Nhưng mình không đi hái, người khác họ đi phá thì cũng thế thôi.

 

Chính quyền các địa phương ven biển cho biết, nếu giao các rừng rong mơ cho cộng đồng dân cư quản lý và thực hiện, thì mới bảo vệ được phần nào môi trường sinh thái dưới đáy biển. Tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, có một thời người dân ra giám sát không cho ngư dân khai thác rong mơ, nhưng rồi làn sóng khai thác ồ ạt khiến các ngư dân phải bó tay nhìn rừng rong mơ bị tận diệt, cá, tôm dần dần biến mất.

 

Hậu quả nhãn tiền

 

Tại gành Lá Ngái ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, các ngư dân mang những tấm lưới chuyên đánh cá trong rừng rong mơ ném lên gác bếp. Các ngư dân ở đây cho biết: Đây là ngư lưới cụ dành cho ngư dân ở các làng chài nghèo, không có bến neo đậu và phát triển tàu thuyền. Giờ đây triệt tiêu hết rừng rong mơ, ngư dân không còn gì để làm nữa.

 

Ở vùng biển miền Trung, những lão ngư dân 60 tuổi chọn rừng rong mơ làm kế mưu sinh lúc về già. Không còn đi khơi được, các ngư dân chèo thúng lặn vào rừng rong mơ để bắt cá. Chỉ mất một buổi sáng, vợ chồng một lão ngư già có thể kiếm được 70 - 100 nghìn đồng, đủ để họ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, không phải dựa vào con cháu, đồng thời lấy đó làm niềm vui. Một lão ngư dân già cho biết, kiếm tiền từ biển khi mình đã về già, ông cảm thấy biển thực sự là cái nôi nuôi sống suốt đời. Những năm trước đây, cứ vào mùa cá kình, một lão ngư dân hì hục với rừng rong mơ ven bờ thì mãn mùa cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng. Còn giờ thì rừng rong mơ chỉ còn trong dĩ vãng.

 

Những năm đầu tiên rong mơ được thương lái thu mua với giá 300 - 400 đồng/kg. Hiện nay, rong mơ bị tận diệt, thị trường đã tăng lên 8.500 đồng/kg. Tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, các cánh rừng rong mơ dưới biển đều đã bị tận diệt. Những cánh rừng rong mơ đẹp như vườn cổ tích dưới đáy biển, từng là thiên đường của các loại cá, mực không còn nữa. Một ngư dân hái rong mơ tại đây cho biết: "Mơ với mống gì nữa, giờ hết sạch trơn rồi! Mấy năm trước, mơ khai thác cả tháng, bây giờ chỉ 2 ngày là không còn. Nếu mà ngư dân phá tan hoang rừng mơ thì cũng không khác gì lấy dao tự chặt vào chân mình".

(Lê Văn Chương- Báo Biên phòng)
Từ khóa liên quan: tận diệt, rong mơ, quảng ngãi
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tận diệt rong mơ

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI