»

Thứ bảy, 18/01/2025, 07:53:46 AM (GMT+7)

Rừng Cần Giờ vô giá nhưng cũng khá mong manh

(12:16:06 PM 17/09/2020)
(Tin Môi Trường) - Không chỉ là tấm khiên bảo vệ TPHCM, rừng Cần Giờ còn là “bể chứa CO2” trị giá hàng trăm triệu USD. Nếu rừng Cần Giờ bị xâm hại, TPHCM cũng lâm nguy. Tháng 12/2006, sau khi tàn phá Philippines với tốc độ gió lên đến 250km/giờ, siêu bão Durian tiếp tục đi vào phía nam Việt Nam và vấp phải sự kháng cự, hóa giải của rừng Cần Giờ.

Tấm khiên bảo vệ TPHCM

 
Trong ký ức của người dân địa phương và Ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ, cả cánh rừng khi ấy phải oằn mình chống chọi với những cơn gió khủng khiếp. Durian mạnh tới mức có thể hất tung một cây cầu bê tông nằm gần rừng, liên tục quần thảo nhiều giờ trong tầng tầng lớp lớp thân đước, mắm, cóc trắng. Khu rừng như bức tường dày quyết chặn chân cơn bão, không cho chạm vào nội thành TPHCM. Hơn 10ha rừng đã ngã xuống trong lúc bảo vệ thành phố.
 
Rừng[-]Cần[-]Giờ[-]vô[-]giá[-]nhưng[-]cũng[-]khá[-]mong[-]manh
Rừng Cần Giờ được xem là tấm khiên che chắn cho TPHCM trước gió bão và nước biển dâng - Ảnh: Trung Thanh
 
Cơn bão chuyển hướng đi xuống vùng Tây Nam Bộ - nơi mà sau đó, nhiều làng mạc, thị trấn ven biển bị phá tan hoang.
 
“Không có rừng Cần Giờ, siêu bão Durian đã quét cả thành phố” là kết luận chung của Ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ và nhiều chuyên gia sinh thái học khi nghe nhắc đến trận siêu bão 14 năm trước. 
 
Trong lịch sử phát triển của TPHCM, Durian không phải là cơn bão đầu tiên mà rừng hiên ngang cản bước. Bão gió cũng không phải là tai ương duy nhất mà rừng Cần Giờ đương đầu để bảo vệ mảnh đất này. Với diện tích hơn 35.000ha, rừng ngập mặn Cần Giờ được tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam - ví như tấm khiên của TPHCM. Nhờ có tấm khiên này mà ngày nay, TPHCM được che chắn khỏi đầu sóng ngọn gió.
 
Theo ông Long, nếu rừng Cần Giờ bị thu hẹp và biến mất, trong tương lai, sóng biển và gió bão sẽ đánh vào sâu bên trong vùng cửa sông, cuốn trôi các công trình của thành phố. 
 
“Không dừng lại ở đó, người dân TPHCM và cả tỉnh Long An, TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. Không còn cánh rừng làm tấm khiên trước biển, mặn sẽ xâm nhập vào sâu đất liền” - ông Long nhận định. 
 
Tấm khiên này càng có ý nghĩa vô giá trong bối cảnh tốc độ sụt lún của TPHCM ngày càng gia tăng. Theo Viện Nghiên cứu Deltares Gilles Erkens (Hà Lan), TPHCM được dự báo là một trong năm thành phố trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ chìm dần xuống biển.
 
Ông Long lý giải, phần lớn cây trong rừng được trồng lại sau chiến tranh nhưng bộ rễ đã kịp bám sâu dưới lòng đất, đảm bảo được chức năng giữ cân bằng về thủy lực học và động lực học, từ đó “phanh” được tốc độ sụt lún vùng ven bờ sông và vùng bên trong thành phố. 

Bể chứa trị giá hàng trăm triệu đô 
 
Năm 2000, UNESCO đã công nhận Cần Giờ là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Hơn 23 năm (tính từ năm 1997) được phục hồi sau khi bị bom đạn và chất hóa học trong chiến tranh phá hủy, khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam này đang thể hiện rõ vai trò không thể thiếu trong việc điều hòa môi trường cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
 
Khi mật độ dân số không ngừng tăng, diện tích mảng xanh trong nội thành thấp ở mức báo động, các khu rừng ở huyện Củ Chi và khu vực gần TPHCM như tỉnh Tây Ninh đang bị thu hẹp, rừng Cần Giờ đang ngày đêm lọc không khí cho toàn thành phố.
 
Theo ông Long, chất lượng không khí ở TP. Hà Nội tệ hơn TPHCM, trong đó một phần do xung quanh Hà Nội không có cánh rừng bạt ngàn hấp thụ khí CO2, thanh lọc và điều hòa không khí như rừng Cần Giờ. “Rừng Cần Giờ chính là chiếc máy điều hòa, là lá phổi cung cấp ô-xy, hấp thụ CO2. Không có mảng xanh Cần Giờ, TPHCM có thể sẽ chết ngạt” - ông Long nói. 
 
Không chỉ bảo vệ vùng cửa sông ven biển, hạn chế tác hại của gió bão, nhờ khả năng hấp thụ CO2, hệ thống cây rừng nơi đây còn giúp giảm phát thải khí nhà kính cho khu vực.
 
Nghiên cứu của các chuyên gia Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga về khả năng hấp thụ CO2 của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ đã ghi nhận, tổng hàm lượng CO2 hấp thụ từ khí quyển trong một năm của rừng Cần Giờ cao hơn so với một số khu rừng nhiệt đới trên cạn mà trung tâm này từng đo trước đó.
 
Trong giai đoạn từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2018, trung tâm này ghi nhận, rừng ngập mặn Cần Giờ hấp thụ được 48,48 tấn CO2/ha. 
 
Rừng[-]Cần[-]Giờ[-]vô[-]giá[-]nhưng[-]cũng[-]khá[-]mong[-]manh
Rừng ngập mặn Cần Giờ chính là sự sống còn của TPHCM - Ảnh: Trung Thanh
 
Một nghiên cứu khác vào năm 2014 của thạc sĩ sinh thái học Nguyễn Thị Mộng Hằng cũng chỉ ra, rừng ngập mặn Cần Giờ có khả năng hấp thụ CO2 trung bình 55,69 tấn/ha. Với khả năng hấp thụ như vậy, rừng Cần Giờ có giá trị rất lớn nếu quy đổi về mặt kinh tế. Giá kinh tế của CO2 hay chi phí xã hội của CO2 được đo lường bằng những thiệt hại mà nền kinh tế phải chịu khi có thêm 1 tấn CO2 phát thải vào khí quyển.
 
Theo giá của thị trường châu Âu năm 2014 (5,97 euro/tấn CO2), 1ha rừng Cần Giờ mang lại giá trị kinh tế khoảng hơn 9 tỷ đồng, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng cho cả khu rừng. 
 
Tuy nhiên, giá kinh tế của CO2 hiện tại đã tăng hơn rất nhiều. Nghiên cứu năm 2018 của nhà khoa học về biến đổi khí hậu Katherine Ricke (Đại học California, Hoa Kỳ) trên tạp chí Nature Climate Change ước tính, chi phí xã hội của CO2 là 54,7 USD/tấn CO2.
 
Trong khi đó, báo cáo của nhà nghiên cứu Pei Wang (Đại học Temple, Hoa Kỳ) đăng trên tạp chí Cleaner Production năm 2019 ước tính, chi phí này là 417 USD/tấn CO2. Như vậy, giá trị CO2 thương mại của rừng Cần Giờ có thể đạt từ 106-812 triệu USD.  
 
Sự mong manh của hệ sinh thái 
 
Có vai trò quan trọng và giá trị kinh tế lớn nhưng rừng Cần Giờ lại rất dễ bị tổn thương. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về chất lượng rừng Cần Giờ, lãnh đạo Ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ và nhiều chuyên gia cho rằng, sức khỏe của rừng này đang yếu dần, mật độ cây cao hơn nhiều so với quy định nhưng chưa một lần được tỉa thưa - một biện pháp lâm sinh bắt buộc. Mật độ dày khiến cây không còn không gian sinh trưởng, sâu bệnh phát triển, đặc biệt là sâu đục thân.
 
Hệ sinh thái rừng được chia thành các phân khu chức năng như khu vành đai biển, khu vùng đệm, vùng lõi, nhưng theo các chuyên gia, để làm nên tấm khiên hộ mệnh cho TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống rừng từ trong ra ngoài.
 
“Sự phân chia khu vực là do con người đặt ra, còn trong tự nhiên, sự sống là một mạch liên tục và liên đới với nhau. Vùng cửa sông hay trong nội địa, ven biển hay ngoài khơi có một mối tương tác chặt chẽ. Hệ sinh thái rừng Cần Giờ vốn rất nhạy cảm và mong manh, chỉ cần một tác động nhỏ từ việc xây dựng và lấn chiếm vùng đất ướt của Cần Giờ cũng đủ làm đứt gãy sự sống bên trong lõi rừng” - ông Long nêu ý kiến. 
 
Bàn về vai trò của rừng ngập mặn Cần Giờ với TPHCM, ông Long cho biết thêm, Cần Giờ là vùng đất khan hiếm nước ngọt và có giới hạn tính chống chịu. Nếu khai thác nước ngầm quá mức để phục vụ cho nhu cầu du lịch và đô thị hóa sắp tới của các dự án phát triển, Cần Giờ sẽ đối mặt với nguy cơ sụt lún như ở đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó, TPHCM sẽ mất tấm khiên bảo vệ.   
 
Ông Long nhấn mạnh: “Chúng ta phải biết ơn và bảo vệ những cây đước, cây mắm, cây bần… mảnh mai. Rừng ngập mặn Cần Giờ chính là sự sống còn của TPHCM. Chúng ta và thế hệ con cháu sẽ phải di cư đến nơi khác nếu làm mất nó”.
(Bảo Uyên/PNO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Rừng Cần Giờ vô giá nhưng cũng khá mong manh

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI