»

Thứ tư, 30/10/2024, 00:29:23 AM (GMT+7)

Phòng chống tác động bất lợi của môi trường sống và sinh vật hại cho Cây Di sản

(11:10:51 AM 22/03/2020)
(Tin Môi Trường) - Nhân dịp 10 năm phát động Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, xin đăng tải loạt bài viết liên quan. Thời gian 10 năm chưa dài nhưng cũng đủ, để nói rằng Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam phát động đã góp phần không nhỏ vào lĩnh vực bảo vệ môi trường và thiết thực bảo vệ sức khỏe cho người dân địa phương. Bài viết số 1: Phòng chống tác động bất lợi của môi trường sống và sinh vật hại cho Cây Di sản của GS.TS. Phạm Văn Lầm, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (Hội BVTN%MT Việt Nam)

Các Cây Di sản Việt Nam đã được công nhận đều là cổ thụ, có từ hơn 100 năm tuổi (đối với cây do con người trồng) đến hơn 200 năm tuổi (đối với cây mọc tự nhiên). Như vậy, có không ít Cây Di sản có thể đã có số năm tuổi đạt tới hoặc gần tới giới hạn tuổi thọ của loài. Do đó, hầu hết các Cây Di sản có sức đề kháng kém đối với các tác động bất lợi của điều kiện môi trường sống và sinh vật gây hại. Điều này dẫn đến có những Cây Di sản sau khi được công nhận và vinh danh thì bị suy giảm dần sức sống và cuối cùng bị chết. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay cần phải có giải pháp phòng chống tác động bất lợi của môi trường sống sinh vật hại Cây Di sản.

 

Phòng[-]chống[-]tác[-]động[-]bất[-]lợi[-]của[-]môi[-]trường[-]sống[-]và[-]sinh[-]vật[-]hại[-]cho[-]Cây[-]Di[-]sản
GS. Phạm Văn Lầm, hướng dẫn Chăm sóc, chữa trị bệnh cho cây Táu tại Việt trì, Phú Thọ
 
Trong tập 1 và tập 2 bộ sách “Cây Di sản Việt Nam” đều đã đề cập tới 6 giải pháp chăm sọc và kéo dài tuổi thọ cho Cây Di sản. Bài viết này bổ sung và làm rõ thêm về một số giải pháp khắc phục những tác động bất lợi của mô trường sống và phòng chống sinh vật hại cho Cây Di sản.
 
I. Nguyên nhân rơi vào tình trạng sinh trưởng xấu hoặc bị chết của Cây Di sản
 
Những quan sát các Cây Di sản bị rơi vào tình trạng sinh trưởng xấu hoặc bị chết cho thấy các nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là:
 
- Như đã nêu, hầu hết các Cây Di sản đều là cổ thụ, có nhiều năm tuổi, số năm tuổi của nhiều Cây Di sản đã đạt tới hoặc gần tới giới hạn tuổi thọ của loài. Đồng thời các Cây Di sản lại phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những hoạt động kinh tế của con người trong điều kiện biến đổi khí hậu. Do đó, một số Cây Di sản đã bị rơi vào tình trạng sinh trưởng xấu và rất xấu mà không thể cứu chữa cuối cùng đã bị chết.
 
- Nhiều Cây Di sản thường ở trên khuôn viên của các di tích lịch sử văn hóa (đình làng, chùa, đền thờ những người có công xây dựng quê hương đất nước,…) ở các địa phương. Khi tôn tạo, tu sửa các di tích này đã tác động mạnh đến khu mặt bằng xung quanh Cây Di sản như làm đường đi hoặc đổ một lớp bê tông dày liền khối sát vào gốc Cây Di sản,… Điều này đã ngăn cản sự trao đổi không khí/nước tự nhiên ở đất vùng rễ Cây Di sản, khi trời nắng to gây hiệu ứng nóng cục bộ kéo dài đến tận sau khi mặt trời lặn. Có địa phương, sau khi công nhận và vinh danh Cây Di sản đã tiến hành xây bồn cao (vài chục phân đến hàng mét) bao xung quanh vùng gốc Cây Di sản và đổ đất lấp đầy bồn. Điều này khiến vùng cổ rễ Cây Di sản bị ngập sâu trong đất, gây khó khăn cho sự trao đổi khí của vùng cổ rễ cây. Những tình trạng nêu trên kéo dài đều gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, dẫn đến làm suy giảm sức sống nói chung và sức đề kháng của cây nói riêng, nhất là đối với những cây đã “có tuổi” như Cây Di sản. Hậu quả cuối cùng là Cây Di sản sẽ bị rơi vào tình trạng sinh trưởng xấu, rất xấu và dần dần bị chết.
 
- Nhiều Cây Di sản bị các sinh vật hại tấn công, nhưng không được phòng chống kịp thời. Sau nhiều năm các sinh vật hại này tích lũy thành số lượng lớn và dưới tác động gây hại của chúng đã làm gây chết Cây Di sản.
 
II. Những nhóm sinh vật gây hại chính trên Cây Di sản
 
Giống như các cây trông nông lâm nghiệp, Cây Di sản bị nhiều loài sinh vật hại tấn công. Cho đến nay, ở nước ta vấn đề nghiên cứu sinh vật hại cây cổ thụ nói chung và Cây Di sản nói riêng chưa được quan tâm. Tuy nhiên, những quan sát các Cây Di sản trong vài năm qua cho thấy những sinh vật gây hại chính trên Cây Di sản bao gồm:
 
- Các loài côn trùng hại thuộc bộ cánh cứng: có nhiều loài côn trùng hại tấn công Cây Di sản, có loài gây hại lá, có loài gây hại thân, cành, rễ,… của Cây Di sản. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là những côn trùng thuộc bộ cánh cứng gây hại thân và các cành cấp một của Cây Di sản. Đó là sâu non các loài xén tóc thuộc họ Cerambycidae, bọ bổ củi giả (hay còn gọi bọ cát đinh) thuộc họ Buprestidae và các loài mọt thuộc họ Scolytidae. Các loài xén tóc và bọ bổ củi giả có thời gian vòng đời khá dài (thường 1 năm chỉ hoàn thành một vòng đời), còn các loài mọt thuộc họ Scolytidae có thời gian vòng đời ngắn hơn (một năm hoàn thành vài vòng đời).
 
- Các loài mối: có một số loài mối đã ghi nhận gây hại cho nhiều loài thực vật sống, trong đó thường gặp là Microtermes pakistanicus, Odontotermes angustignathus, O. ceylonicus, O. hainanensis, Coptotermes formosanus,… Các loài mối có thể ăn vỏ cây, gặm cổ rễ cây, đục rỗng thân cây, dẫn đến cây bị chết.
 
- Vi sinh vật gây bệnh cho cây: vi sinh vật gây bệnh cho thực vật rất đa dạng và phong phú, có loài gây bệnh cho lá cây (đốm lá, cháy lá,…), có loài gây bệnh thối thân cây, rỗng thân cây, khô cành cây, thối rễ cây,… Tuy nhiên, với cây thân gỗ lâu năm như Cây Di sản đã quan sát thấy những bệnh hại nguy hiểm là bệnh rỗng ruột cây thân gỗ do nhóm nấm Ganoderma spp., Trametes sp. và bệnh thối rễ do các nấm Pythium spp., Phytophthora spp. Những nhóm nấm này cùng tấn công cây Di sản, nếu không phát hiện sớm để cứu chữa thì sẽ dẫn đến khó cứu chữa và dần dần cây bị chết.
 
- Một số ít Cây Di sản bị các loài thực vật khác sống gửi. Loài thực vật sống gửi phát triển mạnh, lấy phần lớn dinh dưỡng từ Cây Di sản làm cho Cây Di sản trở nên thiếu dinh dưỡng, suy nhược dần và chết.
 
III. Giải pháp tránh tác động bất lợi của môi trường sống và phòng chống sinh vật hại cho Cây Di sản
 
1. Giải pháp tránh tác động bất lợi của môi trường và nâng cao sức đề kháng của Cây Di sản
 
a. Tạo khoảng mặt đất xung quanh gốc Cây Di sản thông thoáng
 
Tùy điều kiện cụ thể của địa phương nơi có Cây Di sản, cố gắng để vùng mặt đất xung quanh gốc Cây Di sản một khoảng rộng (tối đa có thể theo hình chiếu thẳng đứng của tán lá Cây Di sản), thông thoáng tạo điều kiện cho rễ cây dễ dàng trao đổi không khí và tiếp nhận nguồn nước (nước mưa, nước tưới). Không đào bới xới xáo sâu chạm vào rễ cây ở vùng mặt đất xung quanh gốc Cây Di sản. Không đổ lớp bê tông phủ mặt đất làm đường đi hoặc sân sát vào gốc Cây Di sản. Trong trường hợp bất khả kháng phải làm đường hoặc sân thì cũng tránh vùng gốc Cây Di sản không đổ lớp bê tông sát tận vào gốc cây, cần để lại một vòng tròn xung quanh gốc (rộng nhất có thể) và ở phía dưới hình chiếu thẳng đứng của tán lá Cây Di sản không đổ một lớp bê tông liền khối rộng, mà nên dùng các phiến bê tông nhỏ để lát, giữa các phiến bê tông để khoảng cách rộng không dưới 5 cm. Các khe rãnh này sẽ giúp cho sự trao đổi không khí của đất ở vùng rễ cây và rễ cây dễ dàng tiếp nhận nguồn nước mưa/nước tưới.
 
 Vùng đất xung quanh gốc Cây Di sản không để các loài thực vật thân bụi phát triển rậm rạp; các loài thực vật thân thảo phải được định kỳ cắt sát mặt đất tạo thành lớp thảm cỏ để giữ ẩm cho đất gốc cây. Phần sát gốc Cây Di sản tránh để cỏ rậm rạp tạo nên ẩm độ cao, mà phải tạo sự thông thoáng tối đa bất lợi cho sự phát sinh phát triển của các nấm đất gây bệnh thối gốc, thối cổ rễ Cây Di sản.

b. Tưới nước cho cây khi cần thiết
 
Nước là yếu tố rất cần cho sự sống, sự phát triển của động thực vật nói chung và cho Cây Di sản nói riêng. Cây Di sản rất mẫn cảm với sự thiếu hụt nước do hệ rễ quá già cỗi. Khi thiếu nước, lá nhanh chóng bị héo và rụng, dẫn đến trạng thái sinh lý yếu. Khi Cây Di sản có trạng thái sinh lý trở nên yếu sẽ dễ hấp dẫn một số loài côn trùng đến gây hại. Vì vậy, khi thời tiết nắng liên tục, không có mưa thì phải ngay lập tức tưới nước cho Cây Di sản (tránh tưới quá nhiều nước trong một lần) và việc tưới được duy trì đến hết  thời gian khô hạn.
 
c. Bón phân hợp lý cho cây
 
Các loài cây xanh nói chung và Cây Di sản nói riêng đều phải lấy chất khoáng dinh dưỡng từ đất. Nhưng, hầu như việc bón phân cho Cây Di sản lại chưa được quan tâm đúng mực. Vì vậy, bón phân hợp lý (cung cấp bổ sung dinh dưỡng vào đất cho Cây Di sản) là một biện pháp giúp Cây Di sản có đủ dinh dưỡng khoáng, góp phần làm tăng sức đề kháng của Cây Di sản đối với các tác động bất lợi do môi trường gây ra đồng thời kéo dài tuổi thọ của Cây Di sản.
 
Xác định sự cần thiết của việc bón phân cho Cây Di sản tốt nhất là phải dựa vào kết quả phân tích đất lấy ở vùng rễ Cây Di sản và theo hướng dẫn cụ thể của các chuyên gia về phân bón. Nếu không có điều kiện phân tích đất thì có thể dựa vào màu sắc của tán lá Cây Di sản. Thí dụ, tán lá Cây Di sản chuyển màu vàng là biểu hiện thiếu đạm, các lá có những biến màu khác nhau (khảm vàng, xanh đậm,…) là biểu hiện của thiếu nguyên tố vi lượng. Khi có các biểu hiện biến màu lá của Cây Di sản cần xác định xem có đúng do thiếu nguyên tố vi lượng hay bị vi sinh vật xâm nhiễm gây bệnh. Khi xác định đúng do thiếu nguyên tố vi lượng thì bón bổ sung phân vi lượng. Nên bón phân vào mùa sinh trưởng của Cây Di sản. Hàng năm nên bón thêm phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh cho Cây Di sản.
 
d. Phủ lớp vật liệu hữu cơ lên vùng gốc Cây Di sản
 
Định kỳ tiến hành phủ lớp mỏng (5-10 cm) vật liệu nguồn gốc thực vật (dăm gỗ, mùn cưa, vỏ cây, rơm rạ mục,...) lên vùng mặt đất xung quanh gốc Cây Di sản (không phủ sát vào gốc cây). Lớp vật liệu này giúp duy trì độ ẩm của đất và theo thời gian chúng phân hủy sẽ giúp cải thiện tính chất đất ở vùng rễ, bổ sung dinh dưỡng giúp Cây Di sản sinh trưởng phát triển tốt.
 
2. Giải pháp phòng chống sinh vật hại cho Cây Di sản
 
a. Thường xuyên quan sát để phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của các sinh vật hại trên Cây Di sản
 
Có Cây Di sản bị chết do sinh vật hại vì phát hiện sự xâm nhiễm của các sinh vật hại quá muộn (thậm chí muộn hàng năm). Để khắc phục tình trạng này, phải thường xuyên quan sát để phát hiện những triệu chứng bất thường xuất hiện trên Cây Di sản, cùng cán bộ có chuyên môn để xác định và xử lý kịp thời.
 
b. Biện pháp thủ công
 
- Cắt bỏ các bộ phận của Cây Di sản bị nhiễm sâu bệnh hại, cắt bỏ cành khô, cành gẫy, cành tăm (không cắt vào thời gian có mưa). Việc cắt các cành cây bị sâu bệnh phải do những người có chuyên môn thực hiện.
 
- Định kỳ dọn sạch sạch các loài thực vật sống gửi trên Cây Di sản và các loài cây thân bụi mọc xung quanh gốc Cây Di sản.
 
- Nếu thấy có phân mới của côn trùng thải qua lỗ đục ra ngoài thì dùng dây thép luồn vào đường đục để diệt sâu hoặc bơm thuốc trừ sâu vào lỗ đục để diệt sâu.
 
c. Dùng mồi nhử diệt mối
 
Khi Cây Di sản có triệu chứng bị mối tấn công, cần áp dụng phương pháp mồi nhử với bả diệt mối (BDM 10).
 
d. Sử dụng chế phẩm sinh học
 
- Dùng chế phẩm sinh học từ nấm côn trùng (Beauveria bassiana) để trừ mối (theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì).
 
- Định kỳ (vào mùa sinh trưởng của cây) dùng chế phẩm sinh học (chứa vi sinh vật đối kháng như nấm đối kháng nấm Trichodema spp., vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis,…) bón vào đất vùng gốc Cây Di sản để khống chế sự phát sinh phát triển của các nấm đất hại rễ và gây rỗng thân Cây Di sản.
 
e. Sử dụng thuốc hóa học trừ sâu đối với côn trùng hại thân/cành Cây Di sản
 
- Phần lớn trưởng thành cái các loài côn trùng hại cây thân gỗ (xén tóc, bọ bổ củi giả,…) thường đẻ trứng vào các khe nhỏ trên vỏ cây. Khi thấy chúng xuất hiện trên Cây Di sản tức là chúng đến để đẻ trứng lên Cây Di sản. Ngay sau đó cần tiến hành phun thuốc trừ sâu săn có trên thị trường (thuốc có cơ chế thấm sâu hoặc nội hấp) để diệt sâu non mới nở từ trứng khi bắt đầu bị đục vào trong thân/cành cây. Sử dụng các thuốc này theo khuyến cáo của nhà sản suất ghi trên bao bì.
 
- Sử dụng thuốc hóa học có sẵn trên thị trường thuốc vảo vệ thực vật được khuyến cáo để phòng chống mối và áp dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì.
 
- Định kỳ (vào mùa sinh trưởng của cây) dùng các chế phẩm thuốc trừ nấm có sẵn trên thị trường được khuyến cáo để trừ nấm đất (Pythium spp., Phytophthora spp.) gây thối rễ và nấm gây rỗng thân (Ganoderma spp., Trametes sp.) để phun hoặc tưới gốc Cây Di sản. Việc sử dụng các thuốc trừ nấm tuân theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất.
 
- Định kỳ (vào mùa sinh trưởng của cây) dùng các thuốc kích thích ra rễ (có sẵn trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật) để tưới vào vùng đất xung quanh gốc giúp Cây Di sản ra rễ mới.
 
- Khi cần (trạng thái sinh lý cây yếu) có thể dùng thuốc kích thích sinh trưởng (có sẵn trên thị trường) phun lên tán lá cho cây phục hồi, tăng sức đề kháng với sinh vật hại. Thuốc kích thích sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì. 
 
GS.TS. Phạm Văn Lầm, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam- Hội BVTN%MT Việt Nam
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phòng chống tác động bất lợi của môi trường sống và sinh vật hại cho Cây Di sản

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI