Thống kê của Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho thấy, từ tháng 10.2008 đến tháng 7.2011, lực lượng kiểm lâm, Ban lâm nghiệp xã, đơn vị chủ rừng đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản đến 6.282 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR).
Trong đó, phá rừng trái phép 1.760 vụ (929 ha); mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 2.574 vụ; vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản 1.311 vụ… Phương tiện và lâm sản tịch thu lên đến 1.254 chiếc xe và 9.748m3 gỗ các loại; đồng thời thu giữ, tiêu hủy và thả về tự nhiên hơn 1.000 kg thịt cùng 459 cá thể động vật rừng các loại.
|
Điều đáng nói, ngay cả ở những diện tích rừng đã giao cho các doanh nghiệp thuê để thực hiện dự án đầu tư cũng xảy ra phá rừng và lấn chiếm đất rừng.
Năm 2009, nhiều người dân tộc thiểu số tập trung đông người kéo vào rừng dựng lán trại, phá rừng trái phép tại diện tích đã giao cho các doanh nghiệp như: Công ty cao su Bảo Lâm (189 ha), Công ty TNHH Lâm Thành (H.Đạ Tẻh; 16,6 ha), Công ty Ánh Quang (H.Đạ Tẻh, 18 ha)…
Liên tiếp trong 2 ngày giữa tháng 2.2011, hàng trăm người ở xã Lộc Tân (H.Bảo Lâm) đã phá khoảng 16 ha rừng trên diện tích đã giao cho Công ty Tiên Phong thuê. Tại khu vực xã Đạ Sar (H.Lạc Dương), trên diện tích 2,1 ha rừng đã giao cho Công ty TNHH Thành Văn thuê cũng xảy ra vụ ken gốc khiến hàng trăm cây thông chết đứng…
|
Chống người thi hành công vụ
Ông Lê Văn Minh - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, từ tháng 10.2008 đến nay, trên địa bàn có đến 28 vụ chống người thi hành công vụ; riêng từ đầu năm 2011 đến nay đã có 9 vụ, làm bị thương 7 kiểm lâm, cán bộ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và hư hỏng 3 xe ô tô.
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng vi phạm đã hình thành băng nhóm, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ thì sẵn sàng huy động số đông để tham gia uy hiếp, thậm chí dùng hung khí đe dọa, tấn công người thi hành công vụ để giải thoát đồng bọn và tẩu tán tang vật.
Cuối tháng 4.2011, tại thị trấn Mađaguôi, khi Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai tổ chức ngăn chặn 2 xe ô tô vận chuyển lâm sản trái phép trên QL20, các đối tượng vi phạm đã dùng nhiều xe máy chạy đánh võng trên đường để ngăn cản lực lượng thi hành công vụ. Không chỉ vậy, chiếc ô tô vi phạm còn đâm thẳng vào xe của lực lượng kiểm lâm làm xe bị hư hỏng nặng.
Mới đây, ngày 10.8, tại H.Di Linh có 25 đối tượng cầm gậy gộc, giáo mác đi trên 15 xe máy áp tải 2 xe máy khác vận chuyển lâm sản trái phép. Khi lực lượng QLBVR của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Di Linh dùng ô tô truy đuổi, các đối tượng này cản trở, dùng rựa ném vào xe.
Đến cuối giờ chiều cùng ngày, trên đường về nhà, 5 nhân viên của công ty đã bị 3 kẻ lạ mặt dùng dao tấn công làm 2 người bị thương nặng...
|
Theo ông Lê Văn Minh, do nhu cầu đất sản xuất ngày càng tăng, đất đai ngày càng có giá trị, giá cà phê đang ở mức cao và nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ, lâm sản gia tăng trong khi khả năng cung cấp các mặt hàng này từ rừng ngày càng khan hiếm… là những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm Luật BV-PTR.
Công tác QLBVR tại các doanh nghiệp nhận thuê đất, thuê rừng còn nhiều bất cập, lại không bố trí đủ lực lượng bảo vệ rừng. Hơn nữa, các đơn vị chủ rừng chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác QLBVR; công tác phối hợp kiểm tra truy quét giữa các ngành, địa phương, công an, quân đội, kiểm lâm, chủ rừng chưa được thường xuyên, kịp thời.
Một số cán bộ làm công tác QLBVR còn thiếu tinh thần trách nhiệm, có tư tưởng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ; cá biệt vẫn còn cán bộ làm công tác QLBVR thông đồng, tiếp tay cho lâm tặc. Ngoài ra, cũng theo ông Minh, công tác điều tra, xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ còn chậm, chưa nghiêm đã làm giảm tính răn đe, giáo dục đối tượng vi phạm...
Theo Thanh Niên