Tài nguyên - Thiên nhiên » Thực vật
Thứ tư, 30/10/2024, 00:31:49 AM (GMT+7)
Hơn 73ha rừng Cần Giờ bất ngờ… biến mất
(17:57:41 PM 25/11/2019)(Tin Môi Trường) - Rừng Cần Giờ được ví là ‘lá phổi xanh’ của TP.HCM và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng có hơn 73ha đang bị loại khỏi khu vực rừng phòng hộ một cách khó hiểu.
>> Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc >> Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? >> Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN >> Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk >> Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa
Ngay cả những người làm trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM cũng tỏ ra nghi ngờ khi xuất hiện thông tin rằng xã đảo Thạnh An và một số khu vực ven đường Rừng Sác ở H.Cần Giờ, TP.HCM sẽ sốt đất.
“Những người loan tin giải thích, sốt đất là do nhiều diện tích đất rừng ở đây đã được đưa ra khỏi diện bảo vệ để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Nghe cũng có lý nhưng khó tin ở chỗ, rừng Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, nên nếu có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải do Thủ tướng quyết định” - một nhà đầu tư bất động sản nói.
Từ những thông tin hư hư thực thực trên, chúng tôi quyết định làm sáng tỏ vụ việc.
Rừng nơi xã đảo đã không còn được bảo vệ
Đảo nhỏ mất hơn 30ha rừng
Một lần, trên chuyến đò nhỏ từ thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ ra xã đảo Thạnh An, chúng tôi tình cờ thấy hai vị khách ăn mặc khá lịch sự, không giống khách du lịch hay người dân địa phương.
“Đảo Thạnh An nhỏ xíu, có gì hấp dẫn đâu mà gần đây, có một số người lạ đến tham quan, tìm hiểu. Nghe đồn khu vực này sắp tới có thể sẽ được đầu tư phát triển khu du lịch, khu nghỉ dưỡng gì đó” - một người dân ở xã Thạnh An nói với chúng tôi về những vị khách “lạ” trên đò.
Chúng tôi lên đảo lúc gần trưa, chân nóng ran và nắng hoa mắt. Đảo thiếu cây xanh, nhất là ở khu tập trung dân cư đông đúc. Tuy nhiên, quan sát từ trên cao, chúng tôi nhận thấy, trên đảo vẫn còn nhiều thảm rừng xanh ngắt. Những thảm rừng này phân bổ không đều, chưa tạo được một vành đai bao phủ quanh đảo.
Một người cao tuổi ở đảo cho hay, rừng ở đây có từ rất lâu và người dân rất có ý thức bảo vệ rừng. Ông bày tỏ: “Mấy chỗ không có cây là do chưa trồng hoặc bị sạt lở chết chứ dân ở đây không ai dám phá rừng. Nhờ có rừng chắn gió, chắn sóng mà dân Thạnh An mới sống được tới giờ. Lúc trước, dân chưa đông, rừng nhiều nên không khí ở đây mát mẻ lắm, không nóng như bây giờ”.
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, nhiều diện tích rừng ở xã đảo Thạnh An hiện đã bị loại khỏi danh mục rừng phòng hộ. Cụ thể, từ năm 2016 trở về trước, rừng ở xã đảo Thạnh An luôn thuộc diện rừng phòng hộ, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhưng đến năm 2016, tổ kiểm kê rừng (do một lãnh đạo UBND H.Cần Giờ làm tổ trưởng) không đưa hơn 30ha rừng ở đây vào hồ sơ kiểm kê mà đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch rừng tự nhiên - phòng hộ.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, một vị cựu lãnh đạo của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tỏ ra khá bất ngờ: “Xã đảo Thạnh An bé xíu, diện tích chưa tới 50ha mà loại hơn 30ha rừng thì quá nguy hiểm. Đáng lẽ rừng ở đây phải được trồng thêm, đã không trồng thêm mà còn loại khỏi quy hoạch rừng phòng hộ thì rất đáng lo ngại. Theo tôi, vấn đề này nên rà soát lại, làm rõ nguyên nhân và mục đích. Việc này cần phải công khai để người dân được biết”.
Hơn 30ha rừng ở xã Thạnh An, H.Cần Giờ, TP.HCM được đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ một cách khó hiểu
Nơi thẳm xanh cũng… “khai tử”
Ngoài xã đảo Thạnh An, theo tìm hiểu của chúng tôi, có hơn 43ha rừng ở xã An Thới Đông cũng được tổ kiểm kê rừng H.Cần Giờ đề xuất loại khỏi quy hoạch rừng phòng hộ.
Khi chúng tôi đề cập đến vụ việc này, vị cựu lãnh đạo của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cũng giật mình sửng sốt: “Nếu đi theo trục đường Rừng Sác, xã An Thới Đông gần như là trung tâm của rừng Cần Giờ. Nhìn từ trên cao, nơi này rừng phủ kín một màu xanh thẳm, chỉ có một diện tích nhỏ - nơi người dân sinh sống - là có ít mảng xanh. Vì vậy, việc đưa hơn 43ha rừng ở đây ra khỏi diện bảo vệ để chuyển đổi sang mục đích khác là điều vô cùng khó hiểu”.
Trên thực tế, hình ảnh do chúng tôi ghi nhận được cuối tháng 11/2019 trùng khớp với nhận định của vị cựu lãnh đạo chi cục kiểm lâm này. Đối chiếu các tài liệu liên quan đến vụ việc trên, chúng tôi nhận thấy, việc loại hơn 30ha rừng ở xã Thạnh An và 43ha rừng ở xã An Thới Đông ra khỏi diện tích rừng phòng hộ được thực hiện trong đợt điều tra, kiểm kê rừng năm 2016.
Theo kế hoạch điều tra, kiểm kê rừng lúc đó, ngân sách TP.HCM chi hơn 1,9 tỷ đồng để các đơn vị tổ chức thực hiện. Tổ kiểm kê rừng ở H.Cần Giờ được giao cho ông Trương Tiến Triển - Phó chủ tịch UBND huyện - làm tổ trưởng.
Qua đợt kiểm tra nói trên, có hơn 30ha rừng ở xã đảo Thạnh An và hơn 43ha rừng ở xã An Thới Đông được tổ kiểm kê nhất trí đưa ra khỏi quy hoạch rừng tự nhiên - phòng hộ.
Từ kết quả kiểm kê rừng ở TP.HCM nói chung và H.Cần Giờ nói riêng, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tập hợp lại, báo cáo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, sau đó sở báo cáo cho UBND TP.HCM.
Nếu căn cứ vào quyết định phê duyệt của UBND TP.HCM tháng 7/2017, số diện tích rừng nói trên ở H.Cần Giờ xem như đã bị loại khỏi khu vực rừng phòng hộ và có thể bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Xã An Thới Đông, H.Cần Giờ cũng có hơn 43ha rừng bị loại khỏi quy hoạch bảo vệ rừng
Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi nhận thấy, rừng ở xã đảo Thạnh An và xã An Thới Đông không có sự hiện diện, tuần tra của lực lượng kiểm lâm như trước đây.
Theo giải thích của vị cựu lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, khi rừng được đưa ra khỏi khu vực rừng phòng hộ thì lực lượng kiểm lâm không còn thẩm quyền quản lý. “Do đó, nếu xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng thì đơn vị kiểm lâm ở địa bàn đó cũng không thể xử lý vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp được” - vị này nhận định.
Lo ngại cho “lá phổi xanh” của TP.HCM
Được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích hơn 75.740ha; trong đó, vùng lõi 4.721ha, vùng đệm 41.139ha, vùng chuyển tiếp rộng hơn 29.800ha. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo của vùng ngập mặn nên ngày 21/1/2000, rừng Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Một tiến sĩ có nhiều năm nghiên cứu về rừng ngập mặn Cần Giờ cho rằng, rừng Cần Giờ thực sự là “lá phổi xanh” của TP.HCM, nên việc loại hơn 73ha rừng ra khỏi khu vực bảo vệ là rất đáng lo ngại, tạo tiền lệ xấu trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt đây lại là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
“Theo quy định, đối với khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, phải thông qua cấp trung ương. Không biết việc này đã được báo cáo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hay chưa. Nếu hai bộ này đồng ý, cũng phải tham vấn ý kiến của UNESCO, sau đó phải tổ chức đánh giá tác động môi trường. Đây là vấn đề hệ trọng, không thể âm thầm điều chỉnh mục đích sử dụng rừng được” - vị tiến sĩ này đặt vấn đề.
Đi ngược chủ trương về bảo vệ rừng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc kiểm kê, loại bỏ diện tích rừng lớn ở Cần Giờ ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ được tiến hành từ năm 2016 nhưng đến nay, các thủ tục để đưa hơn 73ha rừng ra khỏi diện bảo vệ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có thủ tục điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế.
Đến đầu tháng 11/2019, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM có yêu cầu UBND H.Cần Giờ và nhiều đơn vị liên quan rà soát lại diện tích rừng để cập nhật vào cơ sở dữ liệu, trình UBND TP.HCM phê duyệt trong năm 2019. Đối với các dự án có nhu cầu sử dụng rừng ở Cần Giờ, Chi cục Kiểm lâm đề nghị UBND H.Cần Giờ phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và phương án trồng rừng thay thế.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, việc loại hơn 73ha rừng ra khỏi khu dự trữ sinh quyển thế giới chỉ dựa vào kết quả kiểm kê của một đơn vị do lãnh đạo chính quyền địa phương đứng đầu là hết sức khó hiểu, đi ngược lại chủ trương về bảo vệ rừng.
“Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ rừng. Tiếp đến, đầu năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong bối cảnh đó, việc loại bỏ hơn 73ha rừng Cần Giờ ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ cần phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan” - một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về rừng bày tỏ.
(Theo báo Phụ nữ TPHCM)
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa
- Hơn 750ha rừng thông ở Nghệ An bị sâu róm ăn trụi lá
- Thêm 5 loài cây mới lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam
- Công nhận quần thể 57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là Cây Di sản Việt Nam
- Cây Hoa nhài đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Thêm 88 cây cổ thụ được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam
- Ba cây ở Hà Trung - Thanh Hóa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
- 9 cây Giáng hương ấn tại Làng sinh thái Hương Trà - Quảng Nam là Cây Di sản Việt Nam
- Hải Dương: Cây muồng ràng ràng 300 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.