Chạc quẹch là cách gọi của người địa phương, còn theo “Dược điển Việt Nam”, loại cây này có tên khoa học là Caulis Spatholobi Suberecti. Đây là loại cây dây leo, có thân to và dài, có khả năng giữ độ ẩm và tạo lớp phủ trên bề mặt thực bì của rừng.
Thời gian trước, thương lái thu mua với giá 2.000đ/kg, nhưng vài tháng trở lại đây, giá đã tăng lên 3.000đ/kg vì loại cây này đang dần khan hiếm, tuy nhiên cũng có người may mắn tìm được cây lớn, giá bán cả triệu đồng. Theo những người dân ở đây, rừng ở các xã Sơn Kim, Sơn Hồng (H.Hương Sơn) rất nhiều loại cây này nhưng đến nay đã cạn kiệt. “Giờ chúng tôi phải vào rừng sâu bên huyện Thanh Chương của Nghệ An mới tìm được”. Chị Trần Thị Thủy, một người dân ở xã Sơn Giang (H.Hương Sơn) cho biết.
Theo ghi nhận của PV, hiện trên địa bàn H. Hương Sơn, xuất hiện nhiều điểm thu gom, tập kết hàng của các thương lái. Riêng ở thị trấn Phố Châu đã có gần chục điểm thu mua, chưa kể đến những xã khác như Tây Sơn, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Quang…
Người dân ở đây cho biết, các thương lái ngoài Bắc vào mua loại cây này để xuất sang Trung Quốc. Người dân cũng cho biết, họ thường đi mỗi nhóm từ 3-5 người, kéo dài khoảng 4 ngày, có khi mất cả tuần để chặt và đưa được loại cây này ra ngoài. Nhiều lúc phải đốn hạ những cây gỗ to nếu chạc quẹch leo lên đó.
Theo ông Nguyễn Khắc Tùng, Trưởng khoa Dược-Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh, trong Đông y, loại cây này được gọi là cây kê huyết đằng, trong thân cây có nước đỏ như máu và là một vị thuốc quý, có thể trị chứng huyết hư gây huyết ứ trệ, thông kinh, chống tụ huyết, phong thấp đau lưng, đau xương khớp… và cần được bảo vệ.