Tài nguyên - Thiên nhiên » Thực vật
Giấc ngủ dưới tán rừng
(20:49:47 PM 15/11/2012)
>> Kỳ 1: Khu rừng mang tên đại tướng
>> Kỳ 4: Nỗi buồn “tu xửa, pá heo”
Nơi hỏa táng Quàng In trong rừng ma với con ngựa và cái ô sặc sỡ - Ảnh: Vũ Thủy |
Sống rừng nuôi, chết rừng chôn
Bản Tà Vài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La) nằm ngay quốc lộ lớn, xe cộ chạy rầm rập cả ngày đêm. Nhưng người Thái bản Tà Vài vẫn sống như thời còn là Hua Tát, Huổi Lắc - tên gọi xưa cũ của bản làng. Hươn khàng (kiểu nhà sàn của người Thái đen) thấp thoáng dưới những bóng cây, ánh nắng chiếu qua kẽ lá không đủ làm sáng con đường đất sỏi ngoằn ngoèo. Làn sương mờ phủ lấy bản nhỏ khiến chúng tôi nhớ đến những nàng Pùa, nàng Bua trong 12 tích truyện về bản Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp. Và khu rừng ma mấy trăm năm của người Thái bản Tà Vài, nơi linh hồn tổ tiên đời đời trú ngụ vẫn lặng lẽ nằm trước bản như một chốn linh thiêng.
Với mỗi người Thái, rừng là nơi nuôi dưỡng họ. Dòng suối mát họ tắm, củ mài, ngọn măng, con cá, con lợn cho đến cả cái cột dựng nhà... đều là của rừng. Đến khi họ qua đời rừng lại đón về. Người Thái có câu: Tai pá phăng, nhăng pá liệng (Sống rừng nuôi, chết rừng chôn) cũng là từ đó mà ra.
Trời mới tảng sáng, ông già Đào Quang Tố - một thầy giáo người Kinh đã sống ở Chiềng Hặc ngót nửa thế kỷ - dẫn chúng tôi vào rừng ma. Trước đó, ông cứ dặn dò mãi: “Nếu nhà báo sợ thì đừng nên vào”. Bởi theo lời ông kể, dân bản không ai dám bước chân vào khu rừng ma này, từ người già cho đến thanh niên trai tráng.
Cửa rừng chỉ là con đường nhỏ bị mưa xói lở. Bước chân qua cổng rừng, ngay lập tức một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng chúng tôi. Những cây rừng chằng chịt phủ lên nhau thả rễ xuống đất như bộ râu người già. Lâu lâu lại thấy một khoảnh đất được phát quang, tro than nhuộm đen đất rừng, cạnh đó là mỏm đất trồi lên. Ông Tố thì thầm: “Tất cả người chết ở Tà Vài đều được đem vào đây, sau đó thiêu xác cho cháy hết rồi chôn luôn bên cạnh gốc cây”. Cả cánh rừng không có tiếng chim chóc hay động vật, chỉ có tiếng cành củi mục gãy lọc cọc dưới chân người lạ. Mùi củi gỗ cháy còn vương lại trong sương đêm.
Đến một mô đất còn mới tinh, lễ vật gần như còn nguyên vẹn sau cơn mưa đêm, ông Tố nhắc: “Mộ Quàng In đấy”.
Mộ Quàng In nằm giữa một khoảng đất rộng, đầu mộ hướng về phía cổng rừng. Xung quanh nhiều mảnh gỗ khô cháy dang dở nằm ngổn ngang. Một bát cơm vương vãi xung quanh mộ của In. Bên trên mộ là một cây sào chống, treo bên trên cây sào ấy chính là một con ngựa bằng gỗ có cánh, con ngựa được “mặc” phục trang với đủ loại màu sắc: đen, trắng, đỏ, vàng... Bên trên con ngựa là cái ô dùng để che mưa nắng. Cụ Quàng Văn Xướng, người già trong bản, nói rằng: “Con ngựa có cánh để cho linh hồn có thể bay về bản thăm người thân của mình”.
Ông Quàng Phiêng, người già trong bản, kể: “Quàng In chỉ mới 20 tuổi, lúc xưa khi ngấp nghé mười sáu, mười bảy In đã đi lấy chồng. Hôm đó In dắt trâu vào rừng chăn như mọi khi nhưng đến tối không ai thấy cô dắt trâu về cột cạnh gốc duối bên hiên. Anh chồng Quàng Sinh bỏ hai đứa con lại, men theo đường mòn vào rừng kiếm In nhưng không thấy. Sớm mai có con chim lợn lượn quanh đầu nhà, đậu vào cây duối cột trâu hét lên vài tiếng kêu éc éc lạnh lẽo. Quàng Sinh biết In đã chết. Hai ngày sau, dân bản tìm thấy In trong rừng, người In dúm dó như mớ rau vò kỹ, máu mũi chảy ra đen đặc. Thầy cúng nhìn In bảo: In bị bò rừng đâm chết.
“Hồn nó vào rừng ngủ”
Phụ nữ Tà Vài ngồi thêu áo trước sân nhà sàn - Ảnh: Vũ Thủy |
Lật giở trong ký ức đã úa màu thời gian, ông Đào Quang Tố bảo: ông không biết và chưa từng nghe kể về nguồn gốc của rừng ma với tục đốt xác giữa rừng của người Thái đen ở Hua Tát. Chỉ biết rằng những người già chết đi như cây rừng sụm gốc xuống, trước khi chết họ đều dặn dò con cháu: “Đưa tao về với rừng”.
Theo tục của người Thái ở đây, người chết chỉ được giữ trong nhà một ngày, đến đêm người nhà mời thầy cúng đến làm lễ tiễn linh hồn về với rừng xanh. Nhà nào có người chết phải mổ một con trâu hoặc một con bò to để cúng cho người chết và đãi dân làng. Đến sáng hôm sau, dân bản sẽ tụ tập về quanh nhà người xấu số, mỗi người đều phải chuẩn bị một thứ đem góp cùng với 10.000 đồng. Người góp cành củi khô, người góp vài bát gạo, người góp con gà, con chim bắt được trên rừng... Sau khi được thầy cúng cho phép, tất cả cùng kéo nhau vào rừng, phát quang một khu vực đất trống, chất củi thành đống to rồi đặt quan tài lên trên châm lửa đốt. Dân làng sẽ đứng quanh đống lửa chờ cho đến khi lửa tàn, nhặt cốt của người chết đem bỏ vào chiếc chum nhỏ rồi chôn ngay bên cạnh. Người nhà sẽ dựng cột treo con ngựa và cái ô để cúng tế làm “phương tiện” cho người quá cố đi lại.
Kể từ đó linh hồn người chết sẽ về với rừng và không có ngày giỗ để tưởng nhớ hay đến thăm mỗi dịp giỗ chạp nữa. Hỏi Quàng Phiêng tại sao không cúng bái hay vào rừng thăm mộ, Quàng Phiêng móm mém cười nói: “Hồn nó về rừng để ngủ đấy, vào thăm nó là đánh thức nó dậy, nó sẽ tức giận và trừng phạt làm cho ốm đau”.
Bởi thế mới có chuyện người Thái ở Tà Vài từ trẻ con đến người già không ai dám mon men vào rừng ma linh thiêng. Bởi thế, cánh rừng xanh thẳm nằm cạnh quốc lộ 6 ầm ào xe chạy vẫn còn gần như nguyên thủy, mà không bị chặt phá cho đến tận ngày hôm nay.
Nhưng như thế không có nghĩa là người chết sẽ bị lãng quên. Những khau cút nhà sàn (hai mảnh ván đóng chéo nóc nhà) vẫn là cánh cửa cho linh hồn tổ tiên về với con cháu.
Ông Đào Quang Tố đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về dân tộc Thái ở Yên Châu, Sơn La. Ông cho biết dân tộc Thái đen sinh sống vùng Sơn La rất coi trọng vùng đất làm nghĩa địa, gọi là Pa Hèo (hoặc Pá Heo, có nghĩa là rừng ma). Vùng đất này thậm chí còn được chọn và ưu tiên hơn người sống đang ở.
Phần lớn khu rừng được chọn làm Pa Hèo là những vùng rừng già, bằng phẳng, có độ ẩm, có nhiều cây cổ thụ. Đặc biệt không một ai được vào khu vực đó chặt hạ một cây dù là nhỏ nhất đem về nhà dùng. Chính vì vậy lúc nào Pa Hèo cũng um tùm, rậm rạp, huyền bí, vắng lặng...Khi đưa thi hài người chết đến Pa Hèo, người dân tộc Thái đen rất quan tâm đến việc chọn nơi nghỉ: vừa có chỗ cho người đưa đám nghỉ ngơi, vừa có chỗ đẹp mắt thích hợp cho linh hồn yên nghỉ. Thi hài phải đặt trên một cái giường tre do bốn người con rể khiêng, nếu thiếu con rể thì lấy cháu rể khiêng. |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa
- Hơn 750ha rừng thông ở Nghệ An bị sâu róm ăn trụi lá
- Thêm 5 loài cây mới lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam
- Công nhận quần thể 57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là Cây Di sản Việt Nam
- Cây Hoa nhài đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Thêm 88 cây cổ thụ được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam
- Ba cây ở Hà Trung - Thanh Hóa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
- 9 cây Giáng hương ấn tại Làng sinh thái Hương Trà - Quảng Nam là Cây Di sản Việt Nam
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.