»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:38:34 PM (GMT+7)

Dự án lạ và nguy cơ mất rừng

(09:09:48 AM 12/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Dự án trồng cây ca cao dưới tán rừng ở tỉnh Phú Yên đang dẫn đến nguy cơ mất hàng trăm hecta rừng tự nhiên

 

Những đám rừng một người ôm không xuể có nguy cơ biến mất do nằm trong dự án trồng cây ca cao. Ảnh: Hồng Ánh
 
Các ngành chức năng tỉnh Phú Yên vừa thông qua quy hoạch chi tiết vùng đầu tư liên danh, liên kết trồng rừng kinh tế kết hợp trồng cây ca cao.
 
Dự án… lạ
 
Dự án do Công ty TNHH Đại Hoàng Nguyên (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) làm chủ đầu tư với quy mô 360 ha ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh - Phú Yên. “Điều lạ là quy hoạch chi tiết một dự án nhưng lại chẳng căn cứ vào một quy chuẩn nào” - ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói. Giải thích về sự “lạ” này, đại diện Trung tâm Quy hoạch thiết kế NN-PTNT Phú Yên, đơn vị tư vấn lập dự án, cho rằng hình thức được chủ đầu tư đưa ra là trồng cây ca cao dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng, một mô hình chưa từng có ở Việt Nam nên… không có quy chuẩn.
 
Thực tế tại Việt Nam, cây ca cao chủ yếu được trồng dưới tán cây công nghiệp hoặc cây ăn quả, chẳng ai trồng dưới tán rừng vì có nguy cơ ảnh hưởng đến rừng. Theo quy hoạch này, người dân có đất tham gia dự án sẽ được hưởng 25% lợi nhuận, còn lại 75% là nhà đầu tư. Lợi nhuận của dự án đưa ra cũng làm nhiều ngành chức năng… hoa mắt. Trong 3 năm tới, cây ca cao sẽ cho thu hoạch trung bình 2 tấn/ha/năm, với giá bán hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg, người dân có đất tham gia mỗi năm chẳng làm gì cũng thu vào 20 triệu đồng. Thế nhưng, theo ông Lê Văn Cựu, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Phú Yên, đây là con số khó có thực. “Đã có một ít mô hình trồng cây ca cao dưới tán rừng được triển khai trên thế giới với hiệu quả rất thấp, chỉ khoảng 100 - 200 kg hạt/ha/năm, lấy đâu ra 2 tấn/ha/năm như dự án đã nêu” - ông Cựu phản bác.
 
Một điều lạ nữa là trong số 360 ha đất để triển khai dự án, các ngành chức năng chưa hề có đánh giá nào về hiện trạng đất và rừng mà chỉ dựa vào đánh giá của chủ đầu tư để thông qua quy hoạch. Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thừa nhận: “Đây là một bất cập. Có đánh giá được hiện trạng rừng mới quy được trách nhiệm với chủ đầu tư nếu sau này rừng bị mất nhưng các ngành chức năng chưa làm được điều ấy”. Càng lạ hơn, trong cuộc họp thông qua quy hoạch dự án, ông Cao Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, lại dõng dạc: “Tôi đề nghị cứ cho tác động vào rừng nghèo, rừng non thuộc rừng tự nhiên vài chục hecta xem thử dự án có hiệu quả không”.
 
Thí điểm trong… rừng giàu, rừng già
 
Theo đánh giá hiện trạng đất, rừng của chủ đầu tư, trong diện tích 360 ha đất để triển khai dự án, có 88,9 ha là rừng tự nhiên, trên 173 ha là đất lâm nghiệp và gần 98 ha là đất rừng trồng và nương rẫy. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo và rừng non với trữ lượng trên 100 m3/ha, còn đất lâm nghiệp có trữ lượng gỗ trên 10 m³/ha. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Huân, Trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho rằng theo quy định, với trữ lượng từ 100 đến 200 m3/ha đã là rừng trung bình, trên 10 m³/ha là rừng tự nhiên, không còn là đất lâm nghiệp.
 
Trước khi triển khai dự án, tỉnh Phú Yên đã cho phép Công ty TNHH Đại Hoàng Nguyên trồng thí điểm 15 ha cây ca cao dưới tán rừng nghèo, rừng non ở các tiểu khu 313 và 314 thuộc xã Sông Hinh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rừng được trồng cây ca cao là rừng giàu, rừng già. “Khi kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện điều này nên yêu cầu dừng lại, không mở rộng thêm diện tích trồng thí điểm cây ca cao trong rừng tự nhiên” - ông Đặng Đình Toại cho biết.
 
Theo ông Lê Văn Trúc, không lấy gì bảo đảm sau này rừng sẽ không bị mất khi triển khai dự án. “Khi cây ca cao trưởng thành, lấy gì bảo đảm chủ đầu tư không chặt hạ rừng để chúng phát triển?”. Khi câu hỏi này được đặt ra với ông Cao Hữu Lộc thì ông này đáp: “Cam kết bảo vệ rừng trong vùng dự án là của nhà đầu tư chứ không phải của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên”.
 
Theo quy hoạch dự án, chủ đầu tư sẽ mở hơn 3 km đường nội vùng để bảo vệ và chăm sóc cây ca cao. “Khi mở đường nội vùng, không chỉ có nguy cơ đốn hạ một diện tích rừng mà còn gây áp lực cho các cơ quan quản lý rừng vì tình trạng khai thác gỗ lậu sẽ tăng cao do lâm tặc lợi dụng đường để vận chuyển” - ông Lê Văn Cựu nhận định. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Huân, diện tích rừng tự nhiên nằm trong quy hoạch dự án mặc dù trên giấy tờ là rừng sản xuất nhưng thực tế lại là rừng phòng hộ đầu nguồn hồ thủy điện Sông Hinh. Mất diện tích này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và hoạt động của Nhà máy Thủy điện Sông Hinh.
 
Đã có bài học trước mắt
 
TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), cho biết hiện nay, Việt Nam chưa có một đề tài khoa học nào nghiên cứu trồng cây ca cao dưới tán rừng. Khi trồng cây ca cao dưới tán rừng, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến rừng. Việc đánh giá tính khả thi của 15 ha trồng thí điểm mới chỉ 3 năm là thiếu cơ sở khoa học vì trong vòng 4-5 năm đầu, cây ca cao thường phát triển tốt dưới tán rừng do độ che phủ lớn. Tuy nhiên, khi cây ca cao trưởng thành thì nó cần từ 30% - 50% lượng ánh sáng. Nếu độ che phủ lớn như dưới tán rừng nguyên sinh sẽ làm cho cây ca cao không phát triển được. Bên cạnh đó, độ che phủ lớn sẽ dẫn đến độ ẩm trong không khí lớn, đây là môi trường lý tưởng cho 2 loại sâu bệnh chuyên hại trái ca cao là thối quả do nấm Phytopthora palmivora và bọ xít muỗi (Helopeltis theobromae). Hai loại sâu bệnh này cực kỳ nguy hiểm với cây ca cao trưởng thành vì chúng sẽ làm cho năng suất giảm một nửa, có khi tới 70% - 80% sản lượng.
 
“Trước đây, tôi đã từng phản đối một dự án trồng cây điều dưới tán rừng khộp nhưng đã bị cơ quan chức năng bỏ ngoài tai. Hậu quả, cây điều không thể phát triển được, còn rừng thì bị tác động mạnh” - TS Lê Ngọc Báu cảnh báo.

 Thích… “nhảy” vào rừng tự nhiên

 
Theo ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, kinh nghiệm học được từ các tỉnh có rừng cho thấy các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp rất thích “nhảy” vào những khu vực có rừng tự nhiên được cho là rừng nghèo, rừng non. “Đây là những khu vực nhạy cảm. Họ thích… “nhảy” vào đầu tư vì sau này có mất rừng cũng khó quy trách nhiệm vì rừng nghèo, rừng non có mất cũng ít ai chú ý” - ông Trúc nói.
H.Ánh
Hồng Ánh- Cao Nguyên
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Dự án lạ và nguy cơ mất rừng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn

(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI