Tài nguyên - Thiên nhiên » Thực vật
Điêu đứng ...Thanh Long Bình Thuận
(16:16:52 PM 11/09/2011)Thanh long lâm vào cơn khủng hoảng... thừa.
Điều tệ hại đã đến...
Đó là sự rớt giá một cách thê thảm, chưa từng xảy ra với người nông dân Bình Thuận. Người dân điêu đứng khi gặp 2 cơn “bão” rớt giá 2 vụ thanh longp. Giá xuất khẩu rơi xuống còn 2.000 đồng/kg, thậm tệ đến mức trái nhỏ chỉ còn 300 đồng/kg. Cả đống thanh long, hàng chục tấn không bán được. Đó là “cơn ác mộng” của người trồng thanh long từ tháng 5.2011 đến chính vụ thu hoạch thanh long vừa rồi. Giá bán chỉ vài trăm đồng khiến nhà vườn “bấm bụng” cho… bò ăn! Chúng tôi chứng kiến cảnh bà con xếp hàng chờ được bán thanh long mà không khỏi não lòng. Chính vụ năm nay, đi đến đâu cũng nghe chuyện rớt giá, từ 17.000-18.000 đồng/kg khoảng cuối tháng 3.2011, giá giảm xuống 7.000-8.000 đồng/kg đến cuối tháng 4 và tụt thảm hại chỉ vài ngày sau đó còn vài trăm đồng/kg.
Giá thì rơi thảm hại, nông dân “chạy” khắp nơi năn nỉ, mà cơ sở vựa kinh doanh thu gom vẫn không chịu mua. Thanh long đổ tràn lan 2 bên đường, trái chín đỏ vườn không ai hái. Ông Nguyễn Văn Dưỡng, một chủ vườn phải thanh lý liên tục hàng chục tấn thanh long với 2 mức giá 300 đồng và 1.500 đồng/kg cho biết: “Với hàng không thắp điện thì cũng phải đạt 5.000-6.000 đồng/kg mới mong hòa vốn. Bởi giá nhân công, chi phí phân thuốc đã tăng gấp 3-4 lần, vậy mà giá bán tính ra chỉ bằng 1/5 giá thành, làm sao nông dân còn lực đầu tư thắp đèn cho cây ra trái mùa vụ tới. Gần 20 năm qua, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh doanh nghiệp bắt nhà vườn xếp hàng chờ bán, giá thanh long rẻ đến mức nhiều chủ vườn vừa bán vừa cho cũng không xong”.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân giá thanh long hạ xuống mức thấp nhất trong lịch sử giữa lúc vật giá đồng loạt tăng được cho một phần là năm nay được mùa, thanh long lại thu hoạch cùng thời điểm của nhiều loại trái cây khác. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến giá loại trái cây này liên tục trồi sụt bất thường là do diện tích tăng nhanh nhưng lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 15.000ha thanh long, sản lượng khoảng 400.000 tấn. Khối lượng lớn như vậy nhưng chỉ có thể bán tươi, không có nhà máy chế biến, trong khi thị trường không được mở rộng, nhiều năm nay, thanh long chủ yếu được xuất bán tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo số liệu cụ thể của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, trong tổng sản lượng thanh long xuất khẩu thì thị trường Trung Quốc chiếm tới 65%, các nước châu Á khác chiếm 15% còn lại là châu Âu và châu Mỹ. Đáng nói, trong số 65% sản lượng thanh long xuất khẩu vào Trung Quốc, chỉ có 2% là xuất chính ngạch, 98% buôn bán theo đường tiểu ngạch, không hợp đồng, không kiểm dịch. Chuyện tăng giảm phụ thuộc gần như vào thị trường Trung Quốc.
Vài năm trước, khi trái thanh long Bình Thuận được cấp “giấy thông hành” vào một số nước châu Âu… và đặc biệt là vào thị trường Mỹ, người nông dân ở Bình Thuận háo hức đón chờ những chuyến hàng vượt biển. Nhưng thực tế không phải dễ “ăn”, vì rào cản kỹ thuật việc xuất thanh long đi Mỹ và các nước châu Âu rất khó. Bằng chứng, suốt năm 2010, Bình Thuận chỉ xuất sang Mỹ được 48 tấn thanh long. Đáng chú ý, cả năm chỉ có 30.000 tấn được xuất chính ngạch, tức 12% sản lượng, cộng với tiêu thụ trong nước khoảng 15%, còn lại đều xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Riêng thị trường châu Á được coi là khá ổn của trái thanh long Bình Thuận thì đã tạm dừng từ tháng 3.2009 đến nay.
Nông dân vẫn tiếp tục lấp ruộng lúa trồng thanh long. Ảnh: Phùng Bắc |
Mạnh ai nấy trồng!
Bình Thuận là địa phương có số người trồng thanh long lớn nhất nước, với khoảng 25.000 hộ dân trồng và kinh doanh loại trái cây này. Theo số liệu được Chủ tịch UBND tỉnh báo với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi cuối tháng 6.2011 là 15.000ha, trong khi đó, tỉnh xếp thứ hai là Tiền Giang và Long An cũng chỉ khoảng 6.000ha.
Tuy nhiên, ở Bình Thuận, diện tích thực tế lớn hơn nhiều so với báo cáo này, và chính quyền phải thừa nhận là mất khả năng kiểm soát do người nông dân đổ xô trồng thanh long. Càng nghịch lý hơn, dù giá rơi thảm hại, nhưng nông dân vẫn lấp ruộng trồng thanh long. Bởi dù giá thấp hơn 3-4 lần so với năm ngoái, nhưng so với lúa, lợi nhuận từ thanh long vẫn hơn hẳn. Vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Thống, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam gần 1,5ha từng là ruộng lúa, ông Thống lại còn đang lấp thêm vài ha ruộng nữa để trồng thanh long. Theo tính toán của ông, chi phí đổ đất cho 1ha ruộng lúa để trồng thanh long là gần 150 triệu đồng, chưa tính giống, trụ, phân bón… nhưng chi phí cao không ngăn được chuyện bỏ lúa theo thanh long của gia đình ông.
Hiện xã Tân Thuận đã có 18ha ruộng lúa bị lấp, còn xã Tân Thành, từ đầu năm đến nay cũng có 50 hộ bỏ lúa trồng thanh long. Ông Trần Văn Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Toàn huyện có 4.500ha diện tích đất lúa, nhưng lại có đến 7.500ha trồng thanh long. Trung bình mỗi năm có khoảng 200ha đất lúa bị chuyển sang trồng thanh long. Dù phát hiện trường hợp tự ý chuyển ruộng lúa trồng thanh long, nhưng địa phương chưa có chế tài xử phạt, nên chỉ động viên người dân tạm dừng”.
Trong khi đó, tại huyện Hàm Thuận Bắc, vùng chủ lực sản xuất lúa, thì việc nông dân bỏ lúa sang trồng thanh long lại là chuyện không còn cách nào khác. Ông Phạm Kim Trọng ở xã Hàm Chính vừa chuyển 2 sào lúa sang trồng thanh long cho rằng: “Không định phá lúa trồng thanh long, nhưng vì ruộng xung quanh đều chuyển hết, nên tôi không thể làm lúa được nữa, phải trồng như mọi người”. Còn bà Nguyễn Thị Tư đã chuyển toàn bộ 4 sào lúa sang thanh long đang lo lắng vì giá thanh long rớt, giá lúa lại tăng mạnh.
Thế nhưng, ruộng đã lấp, giờ có muốn trồng lúa lại cũng không dễ, đành chấp nhận… Bởi vậy, tại cuộc họp HĐND tỉnh Bình Thuận mới đây, chuyện quy hoạch đã được đưa ra mổ xẻ. Ông Nguyễn Ngọc Hai - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Việc phát triển thanh long ồ ạt hiện nay là quá nóng và chính quyền không thể kiểm soát nổi”. Cũng theo ông, mấy năm nay, do thấy thanh long có giá, người dân cứ thi nhau trồng, chính quyền khó có thể dùng biện pháp hành chính để can thiệp, dù các giải pháp như hạn chế cung cấp điện, nước cho sản xuất đã tính đến nhưng không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, câu chuyện diện tích trồng thanh long phát triển ồ ạt không chỉ là mất kiểm soát. Nhiều năm nay, thanh long được khẳng định là cây trồng chủ lực nên được khuyến khích phát triển. Phát triển nhanh, nhưng diện tích thực thì chính quyền chưa nắm chính xác. Từ năm 2008, diện tích đã vượt quy hoạch năm 2010, nhưng số liệu luôn chỉ gần đạt quy hoạch. Vì vậy diện tích cứ tăng cho bằng quy hoạch. Theo kế hoạch đến năm 2015, diện tích thanh long Bình Thuận đạt 15.000ha, nhưng mới đến giữa năm 2011, con số 15.000ha của 4 năm sau đã cán đích, đáng nói chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, diện tích trồng mới đã gần 2.000ha. Không chỉ vùng chuyên canh Hàm Thuận Nam mà hầu như toàn tỉnh, nhà nhà trồng thanh long.
Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn rất thiếu nước tưới, thiếu kinh nghiệm chăm sóc cũng vỡ đất trồng thanh long. Dù là vùng chuyên canh cây thanh long lớn nhất nước, nhưng nói đến chuyện đầu ra là nông dân ngao ngán. Bởi mỗi năm, nông dân lại tự “ôm” khoảng 300.000- 500.000 tấn trái tự xoay đầu ra, vì vậy họ liên tục bị ép giá, hàng loạt doanh nghiệp ôm nợ.
Thanh long đổ đống chờ... hỏng! |
Phá sản cũng vì thành long
Trước cơn “đại hồng thủy” khủng hoàng thừa thanh long ở Bình Thuận, chúng tôi tìm hiểu số liệu của Chi cục thi hành án dân sự huyện Hàm Thuận Nam, nơi có diện tích thanh long chiếm đến hơn 50% diện tích của toàn huyện, thì cũng là nơi có số doanh nghiệp xuất khẩu loại trái cây này lâm vào cảnh vỡ nợ nhiều nhất. Tổng số tiền thi hành án 6 tháng đầu năm 2011 tăng đột biến, lên đến gần 15 tỉ đồng, tăng gấp nhiều lần so với các năm trước, trong đó chủ yếu do các chủ vựa bị vỡ nợ. Vợ chồng ông Trần Văn Bỗng ở xã Hàm Mỹ, vay vốn đầu tư nhà xưởng, xe tải thu mua thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Những chuyến hàng đầu tiên gia đình ông được thanh toán sòng phẳng. Nhưng đến chuyến thứ ba, thứ tư, đối tác tìm cách xù nợ, chiếm dụng vốn. Mất khả năng thanh toán cho nông dân, ông Bỗng phải chuyển tiền mua hàng của nhà vườn thành nợ vay. Bản án mà tòa án huyện vừa xử lý buộc ông phải trả nợ số tiền hơn 3,6 tỉ đồng. Thanh long đã làm cho gia đình ông không còn nhà để ở. Hay vợ chồng ông Nguyễn Minh Hữu ở xã Hàm Cường, với cơ sở nhà xưởng thu mua đồ sộ, nay vỡ nợ phải thi hành án gần 6 tỉ đồng. Chủ vựa Nguyễn Xuân Thanh ở thị trấn Thuận Nam cũng phải thi hành án cho 5 chủ nợ lên đến hơn 1,6 tỉ đồng. …
Theo một giám đốc chi nhánh ngân hàng, không thể cho các doanh nghiệp buôn thanh long sang Trung Quốc vay tiền nữa, vì người kinh doanh cứ bị rơi vào “bẫy” của các doanh nhân bên kia biên giới. Khi trái cây ít thì các doanh nghiệp bên đó đến tận vườn mua với giá trên trời. Nhưng khi phát hiện trúng mùa thì hạ một cách thê thảm, thậm chí đóng cửa không mua. Vì thế mà có lúc hàng chục doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa khi thanh long đã chở đến cửa khẩu Tân Thanh, nhưng bạn hàng thì mất hút.
Câu chuyện này được lặp đi lặp lại nhưng các doanh nghiệp của mình vẫn vấp phải. Những nhà kinh doanh, xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận khả năng tài chính yếu, phải đi vay vốn kinh doanh với lãi suất khủng, lại rơi vào tình trạng mua cao bán thấp không tiêu thụ được hàng nên vỡ nợ, tiêu tan tài sản là tất yếu.
Ông Lê Tiến Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, giải pháp trọng điểm để phát triển ổn định cho thanh long là phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% diện tích thanh long Bình Thuận đạt chuẩn VietGap (hiện nay mới gần 3.000ha đạt chuẩn này) để mở rộng các thị trường ở cả châu Á, Âu và Mỹ... đặc biệt là thị trường Ấn Độ. Có chiến lược xuất khẩu theo chính ngạch. Ngoài ra là tăng cường tìm các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chiếu xạ, xử lý gia nhiệt để đáp ứng yêu cầu xuất thanh long đi khắp thế giới. |
Theo Trần Lê - Chí Hải/ Lao Động
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa
- Hơn 750ha rừng thông ở Nghệ An bị sâu róm ăn trụi lá
- Thêm 5 loài cây mới lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam
- Công nhận quần thể 57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là Cây Di sản Việt Nam
- Cây Hoa nhài đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Thêm 88 cây cổ thụ được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam
- Ba cây ở Hà Trung - Thanh Hóa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
- 9 cây Giáng hương ấn tại Làng sinh thái Hương Trà - Quảng Nam là Cây Di sản Việt Nam
Bài viết mới:
- Đại diện Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT đánh giá cao vai trò của VACNE trong xây dựng phát triển bền vững của đất nước (27/11/2024)
- Hội nghị Ban Chấp hành VACNE 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội (26/11/2024)
- Các nhà khoa học thế giới bàn về môi trường trái đất tại Quy Nhơn (26/11/2024)
- 25 tác phẩm được trao giải viết về "Cây di sản Việt Nam năm 2024" (26/11/2024)
- Hòa Bình:Công nhận Cây Di sản vào Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc (25/11/2024)
- Sinh viên Nhân văn làm sống dậy kịch hình thể với “Mắt Rừng” (24/11/2024)
- Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp (23/11/2024)
- Trại Cai Nhựa - Chữa lành hành tinh bắt đầu từ những hành động nhỏ (22/11/2024)
- Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam (22/11/2024)
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.