Tài nguyên - Thiên nhiên » Thực vật
Thứ tư, 30/10/2024, 00:27:06 AM (GMT+7)
Cây Di sản-một nguồn gen cây thuốc quý
(19:59:53 PM 24/03/2020)(Tin Môi Trường) - Sau 10 năm phát động sự kiện “Bảo tồn cây Di sản Việt Nam” (2010-2020), đến nay, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) đã có hồ sơ của 3.975 cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thuộc 125 loài, ở 54 tỉnh/thành phố trong cả nước được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Trong số 125 loài cây Di sản đã được công nhận có 38 loài (30%) có giá trị làm thuốc. Sau đây, chỉ xin kể một số “cụ” cây Di sản vừa là cây thuốc tượng trưng ở nước ta. Bài viết của TSKH. Trần Công Khánh, Ủy viên Ban chấp hành VACNE, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP)
>> Cây Thị tại đền - chùa Thái, thành phố Hải Phòng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam >> Cây Gõ mật đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam >> Thêm 45 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam >> Làng Vạn Lộc tổ chức Lễ đón nhận Cây di sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh 2/9 >> Cây đầu tiên của huyện Nghi Xuân được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
>>Phòng chống tác động bất lợi của môi trường sống và sinh vật hại cho Cây Di sản
Cây Long não
Còn gọi là Dã hương, tên khoa học là Cinnamomum camphora (L.) Presl., họ Long não (Lauraceae). Cây tại miếu Nhà Bà, thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên (Nam Định) có tuổi đời 598 năm, cao khoảng 28m, chu vi thân 11m. Một cây khác ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), có tuổi đời trên 700 năm, cao 36m, chu vi thân chỗ to nhất 12,5m, chỗ nhỏ nhất 8,3m. Cây này đã được Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại Vương” (cây Dã hương lớn nhất nước). Bách khoa Từ điển Laurouse của Pháp công nhận đây là cây Long não lớn nhất Việt Nam và xếp thứ hai trên thế giới sau một cây Long não ở Ấn Độ.
Cây Long não có giá trị làm thuốc. Toàn cây chứa tinh dầu, với hàm lượng thay đổi 0,1-2,6% trong lá, 0,6-6,6% trong gỗ, 1,6-6,4% trong raễ. Tinh dầu Long não có 24 hợp chất, trong đó chủ yếu có camphen, phellandren, 1-8 cineol, camphor, 4 terpineol, safrol, vv. Tinh dầu quả có 49 hợp chất, thành phần chính là safrol. Lá có 17 hợp chất, thành phần chính là phellandren.
Tây y dùng bột Long não (camphor) pha cồn 10% để xoa bóp; có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, trị đau dây thần kinh, thấp khớp, viêm da mẩn ngứa, chân tay lạnh.
Rễ Long não 40g, thái nhỏ, sắc nước uống để chữa đầy bụng, nôn mửa, tiêu hoá kém, hoặc chữa cảm cúm, đau đầu, đau dạ dày và thấp khớp, chấn thương. Vỏ, cành, lá Long não trị mụn nhọt, nấm tóc, ngứa, rết cắn. Dùng 10-15g quả Long não, sắc uống, trị viêm đường tiêu hoá, trướng bụng, đau dạ dày, khó tiêu. Lá và hạt Long não đốt để xông đuổi muỗi.
Cây Kơ nia
Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nằm ở sân sau nhà văn hoá trung tâm tỉnh (cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét), và 4 cây Kơ nia cổ thụ khác cũng có tuổi như vậy trong khuôn viên Trường tiểu học Bắc Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Hai cây lớn cao khoảng 30m, tán rộng 300 - 500m2, đường kính thân khoảng 1,75m, và 2 cây nhỏ hơn có đường kính 0,75m.
Cây Kơ nia (còn có tên là Cầy hay Cốc), tên khoa học là Irvingia malayana Oliv. ex Benn., họ Kơ nia (Irvingiaceae).
Theo tài liệu nước ngoài, từ vỏ thân Kơ nia các nhà khoa học đã phân lập được acid betulinic. Chất này có tác dụng gây độc tế bào và chống lại dòng tế bào ung thư HeLa. Nhân hạt Kơ nia chứa 7,5% nước và 70% chất dầu. Dầu này chứa các acid béo bão hòa, chứa ít α-tocopherol hơn so với γ-tocopherol và hợp chất sterol tương tự như các loại dầu thực vật khác, dùng làm xà phòng và thắp đèn. Gỗ cây Kơ nia chứa các hợp chất là aldehyd caffeic, ferulaldehyd, n-hexacosyl ferulat, 7β-hydroxy-β-sitosterol, β-sitosterol-β-D-glucosid, glutinol, acid oleanoic, neolignan và phenylpropanoid.
Theo Đông y, cây Kơ nia có tác dụng tiêu phù, trừ đờm, trục u bướu và tiêu thức ăn. Nước chiết lá Kơ nia trong cồn có tác dụng kháng ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây bệnh sốt rét. Người dân ở Tây Nguyên cũng biết dùng vỏ cây Kơ nia làm thuốc chữa sốt rét rừng và đầy bụng. Ở Campuchia, vỏ cây Kơ nia được sử dụng trong toa thuốc bổ dùng cho sản phụ uống cho khỏe.
Đối với người dân tộc ở Tây Nguyên, loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn, đó là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi dám đụng chạm và chặt phá. Vì vậy, trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ nia cổ thụ để che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa.
Cây Kơ nia đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam 1996, tình trạng “Sẽ nguy cấp” (V). Cần phải bảo vệ nguồn gen quý này.
Cây Mã tiền
Cây Mã tiền hơn 350 năm tuổi, cao chừng 20m, chu vi thân 3,7m trong khuôn viên Am Bà Chúa, ở thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh là một trong 5 cây cổ thụ ở tỉnh Khánh Hòa mới được Hội BVTN&MT Việt Nam đưa vào danh sách cây Di Sản.
Cây Mã tiền có tên khoa học là Strychnos nux-vomica L., họ Mã tiền (Loganiaceae). Cây này còn có tên là Củ chi. Mã tiền là một cây độc nổi tiếng. Chất độc có trong lá, vỏ thân, đặc biệt trong hạt.
Hạt Mã tiền được cả Tây y và Đông y dùng làm thuốc, đã được ghi trong trong Dược điển của Việt Nam và Trung Quốc (với tên Mã tiền tử), nhưng có chứa các alcaloid độc (bảng A) với hàm lượng 1,5-3%, chủ yếu là strychnin (khoảng 50% alcaloid toàn phần). Ngoải ra, còn có brucin, α- và β-colubrin, vomicin, pseudostrychnin, và nhiều chất khác. Hạt Mã tiền cũng được dùng làm nguyên liệu để chiết xuất strychnin. Chất này được dùng trong Tây y làm thuốc trị các bệnh suy nhược, viêm dây thần kinh, ngộ độc thuốc ngủ barbituric và làm thuốc kích thích tiêu hoá. Người có bệnh di tinh, mất ngủ không được dùng.
Y học cổ truyền dùng hạt Mã tiền chữa phong thấp, nhức mỏi chân tay, đau dây thần kinh, bại liệt nửa người, kém tiêu hoá, và người bị chó dại cắn. Liều trung bình cho người lớn 0,05g/ lần, 0,15g/ 24 giờ, dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, hoặc rượu thuốc. Trẻ em dưới 3 tuổi không được dùng. Vì thuốc có chất độc nên khi dùng phải hết sức cẩn thận, cần theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Cây Gạo
Còn có tên Pơ lang (Tây Nguyên), Mộc miên (Trung Quốc), tên khoa học là Bombax ceiba L., họ Gạo (Bombacaceae). Cây mọc nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, có những cây Gạo cổ thụ, sống lâu năm, tạo thành những biểu tượng được chú ý ở vùng quê Việt Nam. Cuối tháng 3/2019, cây Gạo bên bờ sông Mã, ở làng Sun, thôn Giang Sơn, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa) hơn 500 năm tuổi, cao khoảng 25m, chu vi thân 11m, được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đây là một trong 2 cây Gạo khổng lồ nhất nước ta.
Gạo không chỉ là cây cho bóng mát, mà các bộ phận của cây còn được dùng làm thuốc.
Theo tài liệu nước ngoài, chất chiết xuất trong cồn từ vỏ thân cây Gạo chứa các hợp chất phenolic và flavonoid, có tác dụng chống oxi hoá mạnh, kháng vi khuẩn gam âm (Salmonella typhi) và vi khuẩn gam dương (Staphylococcus aureus).
Nụ hoa Gạo chứa protein, carbohydrat, chất vô cơ, Ca, P, Mg. Gôm Gạo (chẩy ra từ thân) khi thuỷ phân cho L-arabinose, D-galactose, acid D-galacturonic. Hạt cây Gạo có chất béo và các chất D-galactose và L-arabinose.
Theo Y học cổ truyền Việt Nam và nước ngoài, nhiều bộ phận của cây Gạo được dùng làm thuốc:
- Vỏ thân cây Gạo: Có vị cay, tính bình; có tác dụng khư phong, trừ hấp, hoạt huyết, tiêu thũng, viêm khớp (vỏ Gạo tươi 50g, rửa sạch, giã nát đắp vào khớp bị đau nhức; hoặc kết hợp với Nghệ, Ngải cứu, giã nhuyễn để bó gẫy xương, sai khớp, làm vết thương mau lành). Nước sắc vỏ cây Gạo có thể ngậm hoặc súc miệng để chữa đau răng. Người Mường ở Cúc Phương (Ninh Bình) dùng vỏ thân cây Gạo, sắc uống, để chữa đau dạ dày và bệnh quai bị. Theo tài liệu Ấn Độ, nước sắc vỏ cây Gạo có tác dụng làm dịu viêm, cầm máu.
- Hoa Gạo (Mộc miên hoa): Có vị ngọt, tính lương, vào hai kinh tâm và vị; có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu viêm, giải độc, cầm máu. Chữa các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, băng huyết. Hoa Gạo tươi rửa sạch, giã nát, đắp mụn nhọt, chỗ sưng tấy do va đập, vết thương chảy máu. Hoa Gạo khô làm trà giải nhiệt, giúp tiêu hoá.
- Hạt cây Gạo: Kinh nghiệm ở Việt Nam dùng hạt cây Gạo làm thuốc lợi sữa cho sản phụ. Dầu hạt có thể dùng để ăn hoặc làm xà phòng.
- Gôm Gạo: Có tác dụng bổ, làm săn da, giảm viêm. Ở Ấn Độ, dùng gôm Gạo để tăng cường sinh dục. Ở Campuchia, dùng gôm Gạo hoà với nước để cầm máu và chữa bệnh lậu.
Cây Đại
Còn có tên là Bông sứ, Sứ cùi; tên khoa học là Plumeria rubra L., họ Trúc đào (Apocynaceae). Cây Đại ở thôn Hạ Quất, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội có tuổi đời hơn 350 năm. Hoặc cây Đại 200 năm tuổi trong khuôn viên Thanh tra, thành phố Hải Phòng. Hoa Đại có tác dụng hạ huyết áp. Vỏ cây Đại có tác dụng thanh nhiệt, chữa thuỷ thũng, dùng làm thuốc tẩy. Lá Đại giã đắp chữa bong gân, sai khớp, mụn nhọt.
Hoạt động “Bảo tồn cây Di sản Việt Nam” đã lan rộng khắp cả nước, được sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng dân cư và các cấp lãnh đạo ở nhiều địa phương từ Bắc đến Nam, từ miền núi đến đồng bằng và cả các đảo xa trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Cây Di sản không chỉ là niềm tự hào của nhiều địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân nhiều địa phương, mà còn là một nguồn gen đặc biệt của nhiều cây thuốc quý. Đến nay, đất nước ta đã biết có trên 4.000 loài cây thuốc, đa số chúng mọc ở trong rừng tự nhiên, nhưng rừng ngày càng bị thu hẹp, nên khi mất rừng thì nhiều loài cây thuốc mọc trong rừng cũng bị mất theo. Trong khi đó, nguồn gen của nhiều loài cây Di sản là cây thuốc đang được bảo vệ và gìn giữ lâu dài.
TSKH. Trần Công Khánh, Ủy viên Ban chấp hành VACNE, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa
- Hơn 750ha rừng thông ở Nghệ An bị sâu róm ăn trụi lá
- Thêm 5 loài cây mới lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam
- Công nhận quần thể 57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là Cây Di sản Việt Nam
- Cây Hoa nhài đầu tiên được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Thêm 88 cây cổ thụ được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam
- Ba cây ở Hà Trung - Thanh Hóa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
- 9 cây Giáng hương ấn tại Làng sinh thái Hương Trà - Quảng Nam là Cây Di sản Việt Nam
- Hải Dương: Cây muồng ràng ràng 300 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Quảng Nam:Huyện không thống nhất cấp phép thăm dò vàng Phước Sơn
(Tin Môi Trường) - Huyện Phước Sơn cho rằng đề nghị cấp phép thăm dò vàng có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, gây ảnh hưởng hệ động, thực vật, mất rừng, môi trường nên không thống nhất.
Phát hiện thiếu sót tại một số nhà máy điện gió nghìn tỷ ở Cà Mau
(Tin Môi Trường) - Qua kiểm tra nhiều nhà máy điện gió đang vận hành ở Cà Mau, ngành chức năng đã phát hiện một số thiếu sót.
Phát hiện loài sinh vật lạ trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
(Tin Môi Trường) - Nhóm thám hiểm tại Quảng Bình mới đây đã phát hiện một loài sinh vật lạ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.