|
Chiều 28/10, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết, suốt từ sáng đến chiều nay, bão số 8 chủ yếu di chuyển theo hướng bắc, men theo vùng bờ biển nước ta.
“Hiện vẫn chưa biết chính xác thời điểm bão đổ bộ và khu vực đổ bộ của tâm bão. Nhiều khả năng, bão số 8 sẽ áp sát và đi dọc bờ biển các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ. Nếu bão đổ bộ, nhiều khả năng Nam Định và Thái Bình sẽ là khu vực tâm bão quét qua, suy yếu dần và sau đó di chuyển ra phía bắc vịnh Bắc bộ”, ông Tăng nhận định.
Theo ông Tăng, các tỉnh, thành ven biển từ Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa cần đề phòng gió mạnh cấp 9 - cấp 10. Mưa chủ yếu xảy ra ở vùng ven biển với lượng mưa phổ biến trên 200 mm. Phía sâu trong đất liền mưa nhỏ hơn, lượng mưa dự báo ở vào khoảng trên dưới 100 mm.
Chịu ảnh hưởng của bão số 8, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 5, giật cấp 7; Văn Lý (Nam Định) gió cấp 6, giật cấp 8…
Trên đất liền, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 - 100 mm. Một số nơi có mưa lớn hơn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 173 mm, Hương Sơn 154 mm, Mai Hóa (Quảng Bình) 139 mm…
Hàng ngàn người dân đến nơi trú ẩn an toàn
Tại Thanh Hóa: Hiện nay, các địa phương ven biển ở Thanh Hóa đã hoàn thành việc di dời dân sát mép nước đến nơi trú bão an toàn.
Tại Hậu Lộc (Thanh Hóa), địa phương được xác định sẽ là nơi tâm bão số 8 đi qua, công việc di dân và cứu hộ tàu thuyền vào tránh bão đã được triển khai hết sức khẩn trương.
Cho đến trưa nay mọi công tác đối phó với bão số 8 tại Thanh Hóa đã hoàn thành.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận công tác chuẩn bị đối phó với siêu bão, dự kiến đổ bộ vào đất liền tối nay, của người dân Thanh Hóa:
Tại Nam Định, mưa lớn trên diện rộng bắt đầu từ rạng sáng nay.
Sau khi thực hiện lệnh cấm biển từ 12 giờ trưa 27.10, Bộ đội biên phòng Nam Định kiên quyết yêu cầu các tàu thuyền phải tìm nơi tránh, trú an toàn.
Đến 10 giờ 30 sáng nay, Ban tác chiến, Bộ đội biên phòng Nam Định khẳng định toàn bộ 2.080 tàu thuyền của tỉnh này đã về nơi neo đậu an toàn. Trong đó 2.018 tàu với 10.450 ngư đang neo đậu trong tỉnh, 62 tàu với 422 ngư dân neo đậu tại các tỉnh khác. Ngoài ra, Nam Định cũng bố trí chỗ đỗ, đậu cho 5 tàu với 28 ngư dân của Thanh Hóa và Hải Phòng.
Lúc 11 giờ trưa nay, Bộ đội biên phòng Nam Định xác nhận đã hoàn thành sơ tán xong 4.417 người dân đến nơi trú ẩn an toàn, cũng như đã thuyết phục được 50 các chủ ki-ốt, hộ kinh doanh ở 2 bãi biển Quất Lâm (Giao Thủy) và Thịnh Long (Hải Hậu) sơ tán.
Trước 16 giờ ngày 28.10, Bộ đội biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương sẽ dùng biện pháp cưỡng chế nếu các đối tượng này không chịu di dời.
Đưa tàu thuyền vào vị trí tránh, trú an toàn tại cống số 8, Giao Thủy, Nam Định - Ảnh Hoàng Long
Trưa nay, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Nam Đinh cho biết vừa hoàn thành di dân ở các khu chung cư cũ, các vùng trũng đến nơi an toàn. TP.Nam Định đã sẵn sàng các phương án chống ngập, úng.
Lúc 12 giờ 30 ngày 28.10, ông Đỗ Văn Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Nam Định cho biết vấn đề đáng lo ngại nhất khi bão số 8 đổ bộ vào Nam Định là địa phương đang có 8 km đê biển khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) đang trong giai đoạn thi công.
Cùng với việc tập kết 20.000 m2 vải bạt chống tràn, 100 rọ thép, 200 m3 đá hộc, trên 300 người và máy móc để hộ đê, từ sáng ngày 28/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Đoàn Hồng Phong đã trực tiếp xuống chỉ đạo bảo vệ đoạn đê này.
Ngoài ra, Nam Định còn có trên 3.000 ha lúa nếp, lúa đặc sản chưa gặt và gần 6.000 ha rau màu vùng trũng có thể bị ảnh hưởng nặng khi bão số 8 tràn vào.