»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:13:22 PM (GMT+7)

Đến Mẫu Sơn nghe chuyện huyền bí

(13:34:12 PM 17/03/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Du khách thường tìm đến Mẫu Sơn để tìm cảm giác lần đầu tiên thấy băng tuyết trên quê hương, nhưng ở đây không chỉ có tuyết...

Với một chút máu phiêu lưu, du khách sẽ tìm thấy nhiều điều kỳ thú ở đây nhưng phải chịu cảnh đi xuyên rừng, có khi đổ đèo dốc thăm thẳm, rồi lại băng lên những cửa ải hùng vĩ. Nếu đi vào mùa khô phải men theo khe suối, còn mùa mưa phải lần trên các gò đồi cao tránh suối lớn, trơn trượt...

Những gì còn sót lại của quần thể linh địa Mẫu Sơn một thời hoành tráng... - Ảnh: Lam Thanh

Điểm đến cần khám phá này là khu linh địa cổ Mẫu Sơn thuộc địa phận xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

 

Lỡ hẹn với... băng tuyết

 

Lần nào cũng vậy, mỗi khi trời dưới xuôi rét đậm tôi lại nghĩ ngay tới băng tuyết Mẫu Sơn. Nhìn các tấm ảnh cành cây, nhành hoa bị băng tuyết bao phủ trong vắt như pha lê mà người bạn ở Lạng Sơn gửi về khiến tôi không khỏi ước ao được một lần chứng kiến, được tự tay chụp những khoảnh khắc hiếm đó.

 

Có lẽ do chúng tôi chưa bén duyên với sự xuất hiện của băng tuyết Mẫu Sơn. Đợt rét gần đây nhất cậu bạn gọi điện báo xuất hiện băng tuyết, tôi vội vã nhảy lên con Dream “chiến” lên đường. Thế nhưng khi mới tới trung tâm huyện Chi Lăng thì bất ngờ trời xứ Lạng hửng nắng… Một trải nghiệm bất ngờ!

 

“Đã lên tới đây rồi thì nên đi Mẫu Sơn, chỗ này độc lắm - Linh địa cổ nhé” - cậu bạn vỗ vai tôi.

Ngôi mộ tổ của dân tộc Dao được khắc chữ Nôm Dao - Ảnh: Lam Thanh

 

Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn, chúng tôi vượt hơn 20km đến huyện Lộc Bình theo con đường đi cửa khẩu Chi Ma. Tiếp tục đi theo con đường này đến cột mốc kilômet số 7 thì rẽ trái vào một đường đất nhỏ. “Đến đây gửi xe, bắt đầu đi bộ nhé” - cậu bạn chỉ vào Trường tiểu học xã Mẫu Sơn (thuộc thôn Lặp Pịa). Suốt dọc con đường nhỏ chạy men theo sườn núi ước gần 1km chúng tôi nhiều lần giật mình thú vị vì những chú sóc tinh nghịch băng qua đường, chúng quá nhanh nên chẳng chộp được tấm ảnh nào ra hồn.  

 

Rồi một bãi đá lớn được xếp rất lạ mắt hiện ra trước mắt. Người bạn đồng hành giải thích đó là ngôi mộ tổ của dân tộc Dao, Mẫu Sơn. Ngôi mộ được đánh dấu bằng bảy phiến đá phẳng, cao gần 1m, mặt trước phiến đá có khắc các dòng chữ loằng ngoằng. Anh bạn tôi giải thích đó là chữ Nôm Dao và đây là ngôi mộ tổ của dòng họ Triệu, dân tộc Dao.

 

Tiếp tục cuộc hành trình qua các loại địa hình từ đường đất rồi đến đường mòn, băng rừng và men theo con đường nhỏ dọc sườn núi, chúng tôi đã đến được khu linh địa cổ Mẫu Sơn.

 

Một bãi đất đá trống trải ra trước mắt chúng tôi. Không quá kỳ bí như những gì tôi tưởng tượng về khu linh địa cổ qua câu chuyện người bạn kể trên đường. Đứng ở một vị trí cao đủ bao quát thì có thể hình dung được quần thể linh địa một thời hoành tráng với những nền móng bằng đá, chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm và cả cánh cửa đá… 

Toàn bộ khu vực nền móng ngôi đền cổ - Ảnh: Lam Thanh

 

Những câu chuyện hư cấu

 

Qua người bạn, tôi được biết thời gian qua có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đặt chân tới mảnh đất này. Những nền móng được xác định đó là ngôi đền cổ có từ thế kỷ 10, hai ngôi mộ cổ cũng vậy. Các phiến đá tại khu linh địa cổ này do bàn tay con người đục đẽo, gọt giũa bằng phẳng, các góc của mộ đá vuông thành sắc cạnh, mộ đá có mái che…

 

Để khám phá linh địa cổ Mẫu Sơn, từ Hà Nội chúng ta có thể đi ôtô khách hoặc xe máy. Nhưng để chủ động và thích hợp với phong cách khám phá thì chúng ta nên đi bằng xe máy bởi hơn 180km không phải là quá xa.

 

Nên đi vào buổi chiều để tối chúng ta ngủ tại TP Lạng Sơn lấy sức chuẩn bị cuộc hành trình khám phá với hơn 8g. Nên đi với số lượng 4-5 người trở lên và càng mang đồ gọn nhẹ càng tốt.

Bao phủ xung quanh linh địa này là những câu chuyện hư hư thực thực được truyền miệng khiến hành trình khám phá thêm phần bí hiểm và thú vị. Bất kỳ ai lên đây cũng đều sẽ được nghe câu chuyện kể về phiến đá khóc ra máu. Chuyện kể rằng trong một chuyến đi săn, ông chủ gia đình người Dao vác về một phiến đá kỳ lạ từ khu linh địa cổ, với suy nghĩ đơn giản là dùng vào công việc cá nhân của gia đình.

 

Thật kỳ lạ là mờ sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc ông chủ nhà thấy phiến đá đang rỉ ra những giọt máu. Ông vội vã cùng gia đình thành khẩn cõng phiến đá thiêng lên trả lại chỗ cũ và cầu xin tha thứ. Câu chuyện cứ thế lan truyền mãi trong ký ức của người Dao và các dân tộc khác trong vùng, trở thành câu chuyện kể cho các lữ khách lạc bước lên đây.

 

Bóng hoàng hôn dần khuất sau bước chân với bao câu chuyện kỳ bí khác. Nào là câu chuyện hoa đào vùng Mẫu Sơn có màu đỏ sẫm vì mảnh đất này được nhuộm bởi dòng máu vô tận từ một câu chuyện tình đầy nỗi oan khiên. Rồi cả lý do tại sao Mẫu Sơn lại nức tiếng với tên một loại rượu mang tên địa danh này… “Cuối tháng 3 này lại lên nhé, mùa hoa đỗ quyên nở đẹp lắm. Khắp núi rừng sẽ rực bởi sắc đỏ loài hoa này” - cậu bạn hẹn tôi trước khi chia tay.

LAM THANH/ TTCT
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Đến Mẫu Sơn nghe chuyện huyền bí

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI