»

Thứ hai, 20/01/2025, 05:22:22 AM (GMT+7)

Những biển báo tiếng Việt đáng buồn

(20:34:57 PM 10/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Thời gian sống ở Mỹ, tôi gặp nhiều trường hợp người Việt bị “kỳ thị” bằng các biển báo bằng tiếng Việt như “Vui lòng không bẫy chim ở khu vực này”, “Vui lòng tôn trọng không gian chung”, “Vui lòng dọn chất thải của vật nuôi”...Tôi tự hỏi nếu tình cờ gặp những bảng hiệu này thì bạn còn có thể “tự hào” mình là người Việt Nam nữa hay không?-Đó là chia sẻ của ông Arden Nguyễn Đức Huy - một người Việt từng sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài.



Sau một chương trình giao lưu với một nhân vật khá nổi tiếng tại sân vận động Thống Nhất (Q.10, TP.HCM), trên sân toàn rác là rác. Nhiều người Việt có thói quen vô tư xả rác tại những nơi công cộng - Ảnh: T. Uyên



Đất nước ta đã phát triển ổn định và ngày càng hòa mình vào nhịp sống sôi động của thế giới, tiếp thu tinh hoa của các dân tộc khác để phát triển quê hương cũng như không ngừng giới thiệu đến bạn bè thế giới những nét đẹp truyền thống từ ngàn đời của ông cha.

Tuy nhiên những vụ việc không hay liên quan đến hình ảnh người Việt trong mắt người nước ngoài gần đây như vụ cô tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt vì liên quan đến đường dây ăn cắp hàng hóa bên Nhật, cũng như bức thư được cho là do một người Nhật viết về những thói xấu của người Việt thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh đến lòng tự hào dân tộc của chúng ta.

Cần nhìn thấp xuống...


Có lẽ đã đến lúc người Việt phải nhìn thấp xuống để xem truyền thống cao đẹp đó có được thể hiện qua nếp sống hiện tại không hay đó chỉ là những điều ghi trên sách vở.

Tôi đã sống và làm việc nhiều ở nước ngoài với tám năm tại Mỹ, nhiều lần du lịch thăm người thân tại châu Âu và công việc hiện tại cho phép tôi đi gần hết các nước ở Đông - Đông Nam Á. Nhìn chung mọi người đã biết nhiều đến đất nước Việt Nam và con người Việt Nam nhưng vẫn có không ít trường hợp tôi chứng kiến tỏ ra xem thường người Việt Nam ta.

Người Việt Nam ngày càng thành đạt và mức sống ngày càng cao nên có nhiều gia đình người Việt đã có điều kiện đi du lịch nước ngoài. Họ có quyền tự hào về thành công kinh tế của bản thân nhưng xem ra một số người lại có cách cư xử kém văn minh. Nói một cách thẳng thắn, một bộ phận người Việt sinh sống ở nước ngoài thường hay soi mói, sẵn sàng đàm tiếu về một việc hay một ai đó trong khi với đa số người nước ngoài quyền riêng tư là quyền quan trọng nhất.

Bạn không nên đứng ở nơi công cộng và oang oang cười đùa, chỉ trỏ người khác bằng ngôn ngữ mà họ không hiểu được. Càng không nên đi vào những nơi bị hạn chế đi lại chỉ để xem trong đó có gì, không nên tùy tiện vứt giấy gói bánh kẹo bên đường, không nên chen lấn khi người khác nhẫn nại xếp hàng... Nhưng nói chung người Việt Nam ta có những người “càng cấm càng làm”.

Trong một lần đi Singapore, tôi xếp hàng chờ mua vé xem phim tại rạp chiếu phim Shaw Centre. Lúc đó tình cờ trông thấy một nhóm bạn trẻ người Việt có vẻ như là du học sinh ăn nói rất thiếu văn hóa bằng tiếng Việt và khi vừa thấy rạp mở cửa thì chen ngay lên trên cả một hàng dài. Một số người Singapore bĩu môi nhưng không nói gì trong khi một anh chàng châu Âu gần đó bật miệng nói: “No wonder why this kind of place there is a mess” (Bảo sao cái rạp chiếu phim thật náo loạn).

Hay như thời gian ở Mỹ, tôi gặp nhiều trường hợp người Việt Nam bị “kỳ thị” bằng các biển báo, biển cảnh cáo bằng tiếng Việt như “Vui lòng không bẫy chim ở khu vực này”, “Vui lòng tôn trọng không gian chung”, “Vui lòng dọn chất thải của vật nuôi”... ở nơi công cộng. Tôi tự hỏi nếu tình cờ gặp những bảng hiệu này thì bạn còn có thể “tự hào” mình là người Việt Nam nữa hay không?

Tôn trọng để được tôn trọng

Ở các nước phát triển, người ta quan niệm “tôn trọng để được tôn trọng”. Nếu bạn làm người khác thấy phiền toái thì làm sao người khác đem lại cho bạn sự thoải mái được. Vài lần đầu có thể họ không phán xét điều gì vì cho rằng đây là sự khác biệt về văn hóa. Nhưng hết người này đến người khác, hết lượt này đến lượt khác sẽ khiến người nước ngoài kỳ thị và phân biệt người Việt, thậm chí còn quơ đũa cả nắm cho rằng chắc người Việt nào cũng thiếu văn minh như thế.

Văn hóa của từng cá nhân chính là thước đo giá trị của một dân tộc chứ không phải chỉ là kinh tế. Nhưng bên cạnh đó một khi đất nước phát triển hiện đại thì sẽ kéo theo sự phát triển về văn minh, và tất nhiên những thói hư tật xấu cũng dần biến mất.

Thói hư tật xấu của người Việt là câu chuyện dài và tồn tại như hít thở không khí hằng ngày. Bạn thấy đấy, khi đem thói quen xấu đến xứ người thì không những chẳng ai muốn tiếp mà họ còn khinh mình, không chỉ nhục cho mình mà nhục cho người Việt Nam nói chung. Lúc ấy, tôi thiết nghĩ nếu bạn có thể giao tiếp được bằng một ngôn ngữ khác, bạn thậm chí không muốn khai mình là người Việt và liệu bạn có dám tự hào là dòng giống ngàn năm văn hiến nữa không?

Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng cũng còn rất nhiều người Việt đang cố gắng tiếp thu sự văn minh của các nước phát triển cũng như chịu khó học tập. Tôi tin tưởng những người này sẽ giúp xóa dần “hình ảnh người Việt xấu xí” trong mắt người nước ngoài.

Con người Việt Nam vẫn nổi tiếng khiêm nhường và giỏi giang. Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng một nếp sống văn minh trước tiên là ở trong nước và sau đó nếu có cơ hội sẽ giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh những người Việt văn minh và tự trọng.

ARDEN NGUYỄN ĐỨC HUY (Đại diện Công ty giải pháp xử lý đồ họa NVIDIA khu vực Đông Dương)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Những biển báo tiếng Việt đáng buồn

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
Tin Môi Trường
 Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

(Tin Môi Trường) - Sau buổi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” vừa diễn ra tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban tổ chức đã chọn được một số tác giả có đề tài xuất sắc nhất.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI