»

Thứ sáu, 22/11/2024, 18:50:23 PM (GMT+7)

Chủ đầu tư thừa nhận “thấm nhẹ”, người dân lo lắng

(08:32:04 AM 08/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Sau khi những vết trám chằng chịt trong hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm, TP.HCM), được báo chí phát hiện và thông tin, lượng xe qua lại đường hầm này có dấu hiệu giảm.

 

 
Vết thấm đã được trám trét loang rộng hết chiều ngang nóc hầm và kéo dài hơn 3m ở giữa hầm vượt sông Sài Gòn (hướng từ quận 1 sang quận 2). Ảnh:  Lê Quang Nhật

Trong lúc nhiều người dân lo lắng thì ban quản lý thừa nhận có hiện tượng thấm nhưng giải thích rằng: “Có một số vị trí thấm nhẹ phát sinh trong giai đoạn bảo hành cần tiến hành sửa chữa. Đây là các vị trí thấm ở mức độ nhẹ, nằm trong giới hạn cho phép”.

 

“Nằm trong giới hạn”

 

Ngày 7.8, trong một văn bản phát đi, ông Lương Minh Phúc, trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố – chủ đầu tư dự án – thừa nhận theo kết quả quan trắc của tư vấn giám sát OC, trong phạm vi đường hầm sông Sài Gòn hiện có một số vị trí thấm nhẹ phát sinh trong giai đoạn bảo hành cần tiến hành sửa chữa. Đây là các vị trí thấm ở mức độ nhẹ, nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chí kỹ thuật hợp đồng, xuất hiện trong giai đoạn sau khi thông xe đưa vào sử dụng (không trùng lắp với các vị trí thấm đã được sửa chữa trước đây) và đã được hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, cho phép sửa chữa trong giai đoạn bảo hành. Quy trình sửa chữa thấm do tư vấn đề xuất và đã được hội đồng nghiệm thu Nhà nước thông qua bao gồm các bước: khoan lỗ, lắp các đầu bơm, bơm chất chống thấm, tháo các đầu bơm, vệ sinh bề mặt khu vực xử lý… “Các hình ảnh được các báo phản ánh chính là các công đoạn của quá trình xử lý thấm nêu trên”, thông báo trên cho biết.

 

Hiện công tác sửa chữa thấm cùng công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ đường hầm đang được nhà thầu, tư vấn tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8.2012. Sau khi sửa chữa, các vị trí thấm sẽ được tiếp tục kiểm tra, quan trắc và báo cáo kết quả với hội đồng nghiệm thu nhà nước.

 

Văn bản cũng dẫn thông báo số 641 ngày 18.7.2012 của sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, có việc “phân luồng giao thông phục vụ duy tu, bảo dưỡng định kỳ đường hầm sông Sài Gòn”. Theo đó, trong các ngày từ 21.7 – 31.8.2012, tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn, nhà thầu thi công Obayashi và tư vấn giám sát OC sẽ triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ đường hầm sông Sài Gòn. Đây là công tác được thực hiện bởi nhà thầu Obayashi (đơn vị thi công đường hầm sông Sài Gòn) nhằm duy tu, bảo dưỡng định kỳ các hạng mục, công trình của đường hầm và sửa chữa một số vị trí thấm phát sinh trong giai đoạn bảo hành đường hầm theo điều kiện hợp đồng.

 

Tại sao hầm vượt sông Sài Gòn lại xảy ra tình trạng hết thấm chỗ này đến chỗ khác? Trước đây, khi lần đầu tiên hầm vượt sông Sài Gòn xảy ra tình trạng thấm cục bộ đã có không ít nhà khoa học khẳng định tình trạng thấm sẽ không thể chấm dứt, vì việc khắc phục rất khó, nếu không muốn nói là không thể.

 

Theo GS.TS Đỗ Kiến Quốc, chủ nhiệm bộ môn sức bền – kết cấu, khoa kỹ thuật xây dựng thuộc trường đại học Bách khoa TP.HCM, về nguyên tắc, nếu có hiện tượng xâm thực thì sẽ có hiện tượng suy giảm tuổi thọ công trình. Tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể, phân tích cụ thể xem mức độ nước thấm vào nhiều hay ít, nước đó nồng độ và hàm lượng như thế nào, phản ứng hoá học xảy ra như thế nào…

 

Người dân lo lắng

 

Theo ghi nhận của phóng viên, dù vào giờ cao điểm trưa ngày 7.8, nhưng hầm vượt sông Sài Gòn vắng lạ thường, nhất là ở hướng lưu thông từ quận 1 sang quận 2. Ở hướng đi này, đứng quan sát hơn 30 phút chúng tôi chỉ đếm được khoảng 50 xe ôtô các loại qua hầm. Riêng lượng xe máy, theo những người buôn bán thuốc lá phía bên quận 2, những ngày qua ít đi hẳn so với thời điểm mới thông xe.

 

“Nhìn mà phát hoảng”, đó là nhận xét của chị Vũ Thị Hạnh, ngụ tại khu dân cư An Khánh, quận 2. Theo chị Hạnh, trước đây mỗi khi chạy xe qua hầm vượt sông Sài Gòn, lâu lâu bị nước văng vào mặt, cứ ngỡ là do ai đó bất lịch sự phun nước bọt. Nhưng mấy ngày qua, khi đến giữa hầm chị thấy xuất hiện những nút nhựa màu vàng bên trên nóc hầm, giống như thạch nhũ trong hang động, thì chị đã phát hoảng. Những giọt nước trước đây nghĩ là nước bọt chắc chắn là nước sông Sài Gòn thấm qua đường hầm, mà vết tích là những đường ngoằn ngoèo keo, nhựa bôi trét trên nóc hầm.

 

“Hơn một tuần nay, chỉ khi nào có chuyện gấp tôi mới lưu thông theo hướng hầm sông Sài Gòn, riêng hai đứa nhỏ đang học đại học thì tôi cấm tuyệt đối chúng đi đường hầm vào trung tâm thành phố. Đi đường cầu Thủ Thiêm xa thêm chút nhưng thấy an tâm hơn”, chị Hạnh nói.

 

Chuyện hầm vượt sông Sài Gòn xuất hiện nhiều vết thấm, đang là đề tài “nóng bỏng” của người dân sinh sống hai bên đầu hầm. Ngồi ở quán càphê trong khu dân cư An Khánh chưa đầy mười phút, phóng viên ghi nhận rất nhiều câu hỏi nghi ngờ và lo lắng về chất lượng hầm này.

 

Sáng 7.8, phóng viên đã chạy xe qua hầm Thủ Thiêm, đến đoạn giữa hầm, hướng từ quận 1 sang quận 2, cũng không khỏi lo sợ khi ngước nhìn lên nóc hầm. Vết thấm loang rộng gần như hết chiều ngang nóc hầm, chạy dài trên ba mét; đặc biệt ở vị trí này nhìn bằng mắt thường ai cũng có thể thấy có hiện tượng nước đọng thành giọt, dù chủ đầu tư đã trét keo để che.

 

 

GS.TS Đỗ Kiến Quốc, chủ nhiệm bộ môn sức bền – kết cấu, khoa kỹ thuật xây dựng (trường đại học Bách khoa TP.HCM):

 

Không thể gọi là bình thường được

 

Một kết cấu bêtông cốt thép nếu được làm đảm bảo chất lượng thì sẽ không có chuyện thấm. Khi xảy ra thấm thì đó là sự biểu hiện của “bệnh”. Những kết cấu mỏng, khả năng thấm còn dễ, nhưng với một kết cấu dày như thế mà lại thấm từ ngoài vào thì không thể gọi là bình thường được.

 

“Với sự cố thấm ở đốt hầm vượt sông Sài Gòn, việc sửa chữa trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ là khó. Bởi đốt hầm đã định vị rồi, trong môi trường đất đã vùi và nước đã ngập lên như vậy thì việc chặn từ bên ngoài là khó. Trong khi đó, cách hay nhất là phải ngăn nước từ bên ngoài để nước đừng thấm vào. Còn nếu ngăn bên trong chẳng qua là che lại vết thấm thôi, điều này không còn hiệu quả nữa. Đó là nhận định của tôi, bởi biết đâu các nhà công nghệ, các nhà kỹ thuật lại có cách xử lý? Nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi tin họ làm được!”

 

PGS.TS Vũ Xuân Hoà, giám đốc công ty cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa: 

 

Cần khắc phục kịp thời

 

Theo kinh nghiệm của tôi, hầm Thủ Thiêm bị thấm cục bộ rất có khả năng là do bêtông có vết nứt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nứt: nứt do quá trình hình thành bêtông (co, ngót), nứt do lực gây ra. Nếu thực sự có vết nứt thì kết cấu của hầm sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu không khắc phục kịp thời thì khi đó thép sẽ bị hoen gỉ, làm tăng thể tích, khiến bêtông bị hư hỏng, giảm tuổi thọ công trình.

(Nguồn: SGTT)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chủ đầu tư thừa nhận “thấm nhẹ”, người dân lo lắng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1

(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 01/10/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, Chương trình “Trái Đất xanh” do VTV1 thực hiện đã có buổi trao đổi của Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về chủ đề “Quản lý chất thải điện tử”.

Tin Môi Trường
 Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

(Tin Môi Trường) - Sau buổi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” vừa diễn ra tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban tổ chức đã chọn được một số tác giả có đề tài xuất sắc nhất.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI