»

Chủ nhật, 19/01/2025, 17:12:24 PM (GMT+7)

Cao Bằng: Nỗi đau "vàng" núi

(21:55:23 PM 05/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Việc khai thác khoáng sản ở những tỉnh miền núi như Cao Bằng không phải là một câu chuyện mới. Nhưng việc "chảy máu tài nguyên" kèm theo những đau thương mất mát từ việc khai thác khoáng sản đang là một nỗi đau giữa miền sơn cước.

Khai thác bừa bãi


Ngay từ đầu câu chuyện đề cập đến vấn đề khai thác quặng bừa bãi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận tình trạng này đã diễn ra kéo dài trên địa bàn tỉnh. Song ông cũng cho biết, tỉnh đang cố gắng bằng mọi cách lập lại trật tự khai thác khoáng sản, đẩy mạnh việc trấn áp đối tượng khai thác trái phép.


Thực tế chúng tôi ghi nhận cho thấy, ngay dọc quốc lộ 34 đoạn qua thị trấn huyện Nguyên Bình trong suốt thời gian qua đã hình thành lên những điểm tập kết và buôn bán quặng sắt rầm rộ. Nhiều người dân ngang nhiên khai thác quặng sắt ngay ven đường đem bán.

 

Tình[-]trạng[-]khai[-]thác[-]quặng[-]sắt[-]ở[-]Cao[-]Bằng.
Tình trạng khai thác quặng sắt ở Cao Bằng.

 

Ngay tại khu vực mỏ sắt Nà Lũng, xã Duyệt Chung (nơi xảy ra lũ bùn hồi tháng 11/2010), xung quanh khu mỏ thấy rất nhiều người dân địa phương đang khai thác quặng sắt tự phát, phương tiện khai thác còn thô sơ. Qua hỏi han, chúng tôi được biết quặng sẽ được chở bằng xe máy về một bãi tập kết ở đầu xóm Bẫy, xã Duyệt Chung, thị xã Cao Bằng, đầu nậu đứng ra thu mua là một người đàn ông họ Lê.


Chúng tôi vào nhà Lê Văn V., nghe nói là cháu ruột của đầu nậu kia, người này cho biết anh tốt nghiệp ngành xây dựng và cũng từng tham gia một số công trình xây dựng ở Hà Nội với mức lương 4 - 5 triệu đồng: "Làm việc ở Hà Nội lương thấp quá nên mình về quê làm ruộng, tranh thủ lúc nông nhàn khai thác ít quặng sẵn ngay trong vườn nhà, đem bán cũng có khoản thu. Thi thoảng hết tiền lại chở vài tạ đi bán là đủ tiền uống rượu".

Có mặt tại địa bàn xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, khi chúng tôi đi qua một cây cầu bắc qua sông Bằng Giang nối liền hai xã Hoàng Tung và Hưng Đạo, quan sát thấy rất nhiều đống cát sỏi lổn nhổn giữa sông. Dọc hai bên sông có những điểm bị móc sâu xuống lòng sông rất nguy hiểm cho người và gia súc.

Còn tại huyện Trùng Khánh, tình trạng thảm hại và đau lòng hơn rất nhiều. Gần như cả huyện biên giới trở thành những vũng sâu - hậu quả của việc đào đất, móc núi lấy quặng sắt. Tại mỏ Tả Than - Hiếu Lễ, thực trạng khai thác tự phát đã diễn ra trước năm 2002. Đến năm sau, một công ty thuộc cỡ "bự" có giấy phép vào khai thác rầm rộ khiến địa phương thành điểm nóng của việc khai thác quặng.


Theo như lời ông Lưu Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Thông Huề thì từ năm 1991: "Dân khai thác tự phát, rồi sau đó có 2 công ty tiếp quản cho đến hiện tại". Khắp tỉnh Cao Bằng, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy những dãy núi đẹp như mơ bị tàn phá, móc "ruột" đến tận cùng. Những hố sâu đủ loại xuất hiện như những cái bẫy lộ thiên trên sườn núi hay ngay bên ven đường.

 

Huy[-]động[-]cả[-]máy[-]móc[-]để[-]khai[-]thác.
Huy động cả máy móc để khai thác.

 

Từ "chảy máu tài nguyên"

Và điều đáng nói, những tài nguyên được khai thác trái phép kia đã - đang và sẽ được tuồn sang biên giới qua đường tiểu ngạch một cách vô điều kiện.

Trở lại câu chuyện với cháu của đầu nậu họ Lê, anh ngồi trên hai đống quặng cao như hai "quả núi" hồn nhiên: "Bây giờ giá quặng rẻ, chỉ 700đ/kg chứ như trước vài ngàn một cân thì mình đã ăn to. Đấy, đống quặng này mấy chục tấn đang phải để lại chờ lên giá rồi bán cho mấy công ty bên Trung Quốc".

Chúng tôi hỏi rằng, chính quyền địa phương làm ngơ hay sao mà không ngăn chặn, anh ta phì khói thuốc: "Biết thế nào được, cả tỉnh Cao Bằng đâu chẳng là quặng. Dân khai thác trong vườn nhà họ, thích hay không là quyền. Còn việc bán cho ai, bán như thế nào là cái nghề của mình".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay tại xã Thông Huề lúc cao điểm có tới gần 2.000 người tham gia "vồ" quặng, thậm chí còn cướp quặng của nhau như lời ông chủ tịch xã Thông Huề là: "Vì miếng cơm manh áo cả thôi, không ai muốn đi cướp".

Tại các cửa khẩu giáp ranh Trung Quốc, từng "phi đội quặng" với đủ mọi phương tiện, từ xe máy, xe ba gác đến xe thồ chở đầy quặng qua đường tiểu ngạch. Theo tiết lộ của một đồng nghiệp, chỉ một đêm đã đếm được 30 xe chở quặng lậu, mỗi xe 60 tấn. Cứ thế nhân lên, gần 2.000 tấn quặng "chảy máu" mỗi đêm.

Tại xã Hoàng Tung (Hòa An) không ai có thể quên "chiến tích" chỉ một thôn Hào Lịch trong thời gian ngắn đã "xơi" hết cả một quả đồi để lấy quặng. Đáng ngẫm hơn khi Chủ tịch UBND xã Hoàng Tung, ông Lê Quang Tấn cho biết: "Chúng tôi biết rõ nhưng đấy là đất của họ, họ muốn làm gì thì kệ họ".
 
Đến nỗi đau đổ máu, liệt giường
 
Tưởng khai thác quặng chỉ là việc nhỏ kiểu "nhặt sắt cho vào bao". Nhưng ai ngờ, không biết bao nhiêu nhân mạng đã vì quặng mà đổ máu, thậm chí mất mạng. Chỉ tính riêng ở xã Thông Huề (Trùng Khánh) từ năm 2005 đến nay đã có hàng chục người thiệt mạng. Người bản Khuông còn nhớ cái chết của hai thanh niên vì nghiện hút mà nửa đêm năm 2005 mò ra mỏ quặng hưởng "sái", chẳng may lò sập, đống quặng sắt đè vào người nên rất lâu sau người ta mới đưa được thi thể ra ngoài.


Năm 2007 cũng lại xảy ra thảm họa dẫn tới cái chết của 3 học sinh khi các em vào mỏ moi quặng mong kiếm vài đồng đóng học phí giúp bố mẹ bớt đi khó khăn. Nhưng ai ngờ, quặng cho dân bản ít tiền xóa mù chữ nhưng lại lấy đi nhiều thứ quý giá hơn thế. Cũng trong năm ấy, chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Đoài Côn lên Thông Huề "mót" quặng. Chẳng may bị va chạm với máy xúc, từ đó đến nay, chị nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người cha già ốm yếu.

 

Vì[-]quặng,[-]chị[-]Nhung[-]đã[-]phải[-]nằm[-]liệt[-]giường.
Vì quặng, chị Nhung đã phải nằm liệt giường.


Ông Nguyễn Xuân Tạo, bố chị là một cựu binh, một lão thành cách mạng trải qua bom lửa chiến tranh nên đã can trường. Can trường nhưng ông vẫn phải nhỏ lệ, ngậm ngùi cho số phận con gái mình: "Vì quặng chú ạ, người ta đi "mót", nó cũng phải đi không thì chết đói, ai ngờ". Và còn nhiều, nhiều những cái chết vì quặng, có thể không vì quặng nhưng lại vì hố quặng - hậu quả của việc không "hoàn thổ" sau khai thác.


Đứng trên một ngọn núi nhìn xuống, chúng tôi tự hỏi: Vài năm nữa, liệu Cao Bằng có còn một ngọn núi?

 
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên môi trường và UBND tỉnh Cao Bằng, hiện tỉnh này hiện có 142 mỏ và điểm quặng với 22 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có những mỏ quy mô lớn đáp ứng nhu cầu công nghiệp làm pin và luyện kim của cả nước.
 
Theo Trần Hòa (Kiến thức)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cao Bằng: Nỗi đau "vàng" núi

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
Tin Môi Trường
 Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

(Tin Môi Trường) - Sau buổi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” vừa diễn ra tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban tổ chức đã chọn được một số tác giả có đề tài xuất sắc nhất.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI