(Tin Môi Trường) - Sau bê bối hạt mè nhập khẩu từ Ấn Độ nhiễm Ethylene Oxide, thị trường châu Âu đã đưa ra hàng loạt biện pháp khắc phục, siết chặt kiểm soát dư lượng chất cấm trong thực phẩm.
Ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) tuyên bố thu hồi một số lô hàng mì ăn liền Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022) do công ty Acecook Việt Nam sản xuất.
Không lâu sau, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đưa cảnh báo sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken and beefspices” của Công ty CP thực phẩm Thiên Hương và thu hồi lại mặt hàng này ở thị trường Na Uy.
Căn cứ kết quả điều tra của hệ thống cơ quan quản lý tại châu Âu, cả 3 sản phẩm kể trên đều
chứa chất cấm Ethylene Oxide. Trong đó, sản phẩm mì khô của Thiên Hương
chứa 0,052 mg/kg - ppm Ethylene Oxide, vi phạm Chỉ thị số 91/414/EEC của EU.
Ethylene Oxide có hại cho sức khỏe ra sao?
Theo FSAI,
Ethylene Oxide là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại EU, đặc biệt ở quy trình chế biến. Đây loại hóa chất thường xuất hiện trong thuốc trừ sâu, chất khử trùng…
Mặc dù việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm
Ethylene Oxide không gây nguy hiểm cấp tính, người tiêu dùng vẫn có khả năng gặp vấn đề về sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài. Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) phân loại
Ethylene Oxide vào danh mục chất độc gây đột biến, ung thư và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Hai sản phẩm của Acecook Việt Nam bị FSAI thu hồi vì nhiễm Ethylene Oxide. ẢNh: FSAI.
Ethylene Oxide từng được sử dụng ở châu Âu để khử trùng silo lương thực. Năm 1981, chất này bị loại bỏ vì tính độc. Tuy nhiên, các quốc gia khác như Ấn Độ vẫn còn sử dụng loại chất này.
Đối
với một số mặt hàng nhất định,
EU vẫn cho phép sử dụng
Ethylene Oxide để khử trùng, đặc biệt là những thực phẩm dễ hư hỏng nếu trải qua chế biến nhiệt độ cao như gia vị, thảo mộc, hạt.
Trong ngành công nghiệp gia vị Mỹ,
Ethylene Oxide có khả năng ngăn chặn một số vi sinh vật như Salmonella, E. coli hoặc giảm thiểu nấm men, mốc…
Siết chặt kiểm tra thực phẩm chứa Ethylene Oxide vì bê bối
Tại EU, tình trạng thực phẩm nhập khẩu có
chứa Ethylene Oxide không hiếm. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, FSAI đã ra thông báo thu hồi 10 trường hợp thực phẩm xuất hiện hàm lượng chất cấm này.
Ngoài lô hàng mì nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam, FSAI còn phát hiện
Ethylene Oxide trong một số sản phẩm như kem, kẹo, phô mai, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung hữu cơ… do các thương hiệu của Đức, Anh, Ba Lan, Pháp sản xuất.
Trên thực tế, thị trường
EU đang siết chặt các biện pháp quản lý hàm lượng chất cấm, đặc biệt là Ethylene Oxide, có trong thực phẩm kể từ vụ bê bối hạt mè nhập khẩu của Ấn Độ.
Đầu tháng 9/2020, cơ quản quản lý của Bỉ lần đầu tiên phát cảnh báo về hàm lượng
Ethylene Oxide dư thừa trong hạt mè có nguồn gốc từ Ấn Độ. Không chỉ nhập khẩu vào Bỉ, lô hạt mè này còn thông quan vào các quốc gia như Áo, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Qatar, Singapore…
Mỗi năm, khoảng 70.000 tấn hạt mè nhập khẩu sang châu Âu, khoảng 50% số lượng này đến từ Ấn Độ. Ảnh: NewsNrd.
Hệ thống Cảnh báo Nhanh về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi châu Âu (RASFF) cho biết hàm lượng
Ethylene Oxide có trong hạt mè vượt 1.000 lần giới hạn dư lượng tối đa (MRL). Theo quy định của EU, mức MRL của
Ethylene Oxide có trong thực phẩm không được quá 0,05 mg/kg.
Hạt mè là nguyên liệu sử dụng trong loại thực phẩm như ngũ cốc, salad, chocolate, bánh quy, bánh mì, dầu mè… Để bảo vệ người tiêu dùng, hàng loạt quốc gia tại châu Âu quyết định thu hồi lô hàng hạt mè từ Ấn Độ cũng như mặt hàng thành phẩm.
Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp trong nước tiêu hủy sản phẩm liên quan đến hạt mè nhiễm
Ethylene Oxide vì không thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hay phân bón.
Tại Pháp, nhà chức trách yêu cầu những người từng mua sản phẩm có hạt mè nhiễm chất cấm trả lại cho điểm bán để được hoàn tiền.
Theo Foodwatch, kể từ tháng 9/2020, giới chức trách Pháp đã thu hồi gần 7.000 lô thực phẩm, từ hạt mè, kem, hạt tiêu, gừng, bánh mì, cà phê, đồ ăn sẵn, có
chứa Ethylene Oxide.
Ngày 9/10/2020, Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức cuộc họp về vụ bê bối này. Sau khi kêu gọi các bên liên quan cung cấp dữ liệu về thực phẩm nhiễm Ethylene Oxide, EC đã phát hiện 87 trường hợp vi phạm từ hơn 650 mẫu phân tích.
Một trong những yêu cầu được các nước thành viên thống nhất là yêu cầu Ấn Độ kiểm tra trước đối
với mặt hàng chuẩn bị xuất khẩu sang
EU về định lượng MRL của Ethylene Oxide. EC đồng thời tăng cường kiểm soát quá trình thông quan của các lô hàng hạt mè Ấn Độ.
Ngày 17/2/2021, Ủy ban Kinh tế Pháp cáo buộc hệ thống kiểm soát thực phẩm nhập khẩu của
EU thiếu chính xác. Theo báo cáo,
EU hiện áp kiểm soát 1.498 hoạt chất khác nhau trong thực phẩm, trong đó 907 hoạt chất được yêu cầu giới hạn nghiêm ngặt dư lượng. Mặc dù vậy, các biện pháp kiểm soát của
EU đối
với thực phẩm nhập khẩu chỉ tập trung vào 176 hoạt chất, để lại một lượng lớn các chất không bị phát hiện.
Bộ Công Thương vào cuộc
Tại Việt Nam, theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế,
Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.
Sau khi 3 sản phẩm mì xuất khẩu do Acecook Việt Nam và Công ty CP thực phẩm Thiên Hương sản xuất bị thu hồi tại châu Âu do nhiễm Ethylene Oxide, nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam bày tỏ sự lo ngại đối
với các sản phẩm hiện phân phối trong nước.
Tại cuộc họp báo hôm 28/8 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, khẳng định 2 sản phẩm bị FSAI thu hồi là lô hàng xuất khẩu dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa.
Acecook Việt Nam cho biết đang tiến hành phân tích, kiểm tra trên diện rộng các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Đơn vị cung cấp nguyên liệu của Acecook Việt Nam cũng tuyên bố không dùng chất
Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất.
Để làm rõ sự việc trên, Bộ Công Thương đã yêu cầu 2 công ty khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất, chỉ ra sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối
với sản phẩm bị thu hồi để đánh giá hàm lượng chất Ethylene Oxide.
Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Acecook Việt Nam và Công ty CP thực phẩm Thiên Hương phân phối trong nước, kiểm tra xác minh, làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đồng thời cho biết các cơ quan chức năng đang phối hợp kiểm tra, xác minh làm rõ để kịp thời thông báo tới người tiêu dùng.