Đừng tin quảng cáo “chữa khỏi vảy nến”
(09:31:15 AM 30/10/2016)(Tin Môi Trường) - Nhiều người bệnh vảy nến chỉ vì tin quảng cáo, lời truyền miệng chữa dứt bệnh vảy nến mà tìm đến chữa trị. Hậu quả bệnh nặng thêm, “tiền mất, tật mang”.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Bích Liên khám vảy nến cho bệnh nhân N.A.Đ - Ảnh: L.TH.H.
Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số lượt người đến khám do vảy nến đứng thứ tư trong các bệnh da liễu thường gặp. Tỉ lệ mắc bệnh này trên thế giới ước tính khoảng 2-3% dân số, tương đương với 125 triệu người mắc.
Mọc cứng người do... thuốc lạ
Nằm trên giường bệnh sau nhiều ngày điều trị tại khoa lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP, toàn thân ông N.A.Đ. (47 tuổi, Đắk Lắk) sần sùi vảy nến.
Theo ông Đ., ông bị vảy nến 20 năm nay, đã điều trị ở một số bệnh viện. Thấy trị hoài không hết hẳn, ông Đ. không đi tái khám mà tự mua thuốc Dibetalic (thành phần có corticoid và acid salicylic) về bôi.
“Tôi bôi lâu lắm, gần 5 năm và không đi bệnh viện khám. Mỗi tuýp thuốc sử dụng được hai ngày là hết. Tôi cứ bôi như thế thì bệnh giảm nhưng không dừng thuốc được vì chỉ dừng vài ngày là vảy nến lại mọc lên rất nhiều” - ông Đ. kể.
Gần đây có người chỉ cho ông Đ. đến một thầy lang ở Đắk Lắk mua thuốc nam uống sẽ khỏi hẳn bệnh, thế là ông đến. Thầy lang bán cho ông cây cỏ gì đó giá 40.000 đồng/thang, mỗi ngày sắc uống một thang. Khi uống thuốc nam một tháng, bệnh ông phát mạnh, đỏ tấy toàn thân, sưng người, sốt cao.
Tại khoa lâm sàng 2 còn có ông V.V.T. (61 tuổi, Bến Tre) bị bệnh cũng hơn 20 năm. Ông T. cũng từng đi điều trị vảy nến theo cách “người khác bày cho hay lắm, nghe thấy mừng quá thì đi” và không ngờ bệnh ngày càng nặng thêm.
Thậm chí ông T. còn bị một bác sĩ ở Bến Tre điều trị vảy nến bằng cách “chích thuốc gì đó đục đục như nước vo gạo” mỗi tuần một mũi. Sau đó một y sĩ gần nhà nói là bác sĩ này chích thuốc K-Cort độc lắm, 2-3 tháng mới được chích một lần nên ông sợ quá, đến mũi thứ tư thì bỏ luôn.
Ông T. cũng từng xem quảng cáo và đến một phòng khám có “bác sĩ” Trung Quốc ở TP.HCM điều trị nhưng bệnh không giảm mà vảy nến còn “mọc cứng hết mình, người sưng đỏ” khiến ông phải bao xe tức tốc lên Bệnh viện Da liễu TP điều trị.
Đừng tin quảng cáo láo
“Dù y học rất phát triển, có nhiều thuốc mới trị vảy nến nhưng bệnh này hiện chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn hoàn toàn. Cơ sở nào, cá nhân nào quảng cáo là trị dứt điểm vảy nến đều không tin được” - TS.BS Nguyễn Trọng Hào, giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, khẳng định.
Theo TS Hào, vảy nến là bệnh da mãn tính, hay tái phát, biểu hiện bệnh là đỏ da, tróc vảy một số vùng da tì đè nhiều (đầu gối, cùi chỏ, da đầu, nếp mông, lưng) hoặc toàn thân. Vảy nến còn làm tổn thương móng tay, chân, làm cho móng sù sì, tăng sừng, đổi màu nhìn rất xấu.
Đặc biệt sẽ có 10-30% người mắc vảy nến diễn tiến sang viêm khớp vảy nến (đau, sưng, cứng các khớp).
Bệnh vảy nến gặp ở cả nam, nữ và ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, có hai đỉnh tuổi phát bệnh nhiều là trước 20 tuổi (khởi phát lúc trẻ) và khi 40-60 tuổi (khởi phát lúc già). Vảy nến khởi phát ở người trẻ thường nặng hơn so với người lớn tuổi và khó kiểm soát, khó điều trị do liên quan đến di truyền nhiều hơn.
Đến nay y học chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng bệnh khởi phát do có sự tương tác giữa yếu tố di truyền và một số yếu tố bên ngoài. Mối tương tác này tạo ra sự rối loạn hệ thống miễn dịch của người bệnh, khiến hệ thống này bị kích thích, làm cho da tăng sản xuất vảy rất nhiều, rất nhanh.
Bình thường khoảng 4 tuần da người sẽ thay mới một lần. Khi đó vảy trên da sẽ bong ra nhưng ta không thấy được.
Nhưng ở người vảy nến, tốc độ sản xuất vảy nhanh gấp nhiều lần người bình thường khiến lớp da trước bong ra chưa hết thì lớp da sau đã tróc ra và tích tụ lại tạo ra vảy, kết hợp với quá trình viêm, làm cho da bị đỏ hồng lên.
Khi bị vảy nến, tùy theo mức độ nặng nhẹ và thể bệnh, bác sĩ da liễu sẽ chỉ định phương pháp, thuốc điều trị thích hợp. Nếu nhẹ chỉ dùng thuốc bôi, nặng thì thuốc uống và bôi, có khi kết hợp chiếu tia cực tím, thuốc tiêm. Gần đây có thêm nhóm thuốc sinh học có tác dụng kiểm soát vảy nến tốt hơn nhưng khá đắt tiền.
“Dù là phương pháp gì, người bệnh cần xác định phải kiên trì điều trị lâu dài, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Xong điều trị tấn công phải đến điều trị duy trì cho đến khi bệnh ổn mới dừng thuốc.
Nếu bệnh nặng phải nhập viện điều trị 2-4 tuần, khi ổn điều trị ngoại trú và 2 tuần tái khám một lần. Khi hết triệu chứng sẽ không phải tái khám nhưng khi tái phát cần đến bệnh viện ngay. Nếu được điều trị hợp lý và người bệnh tuân thủ tốt, có thể kiểm soát lâu dài vảy nến, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh” - TS Hào lưu ý.
Đừng tự làm bác sĩ
Theo TS Hào, do là bệnh mãn tính, chưa có thuốc điều trị dứt hẳn nên người bị vảy nến cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu hướng dẫn, tư vấn kỹ để hiểu rõ bệnh, hợp tác điều trị tốt.
Nếu không được tư vấn đầy đủ, người bệnh dễ chán nản và tìm đến nơi điều trị không chính thống, quảng cáo chữa dứt hẳn bệnh nhưng thực chất là cho người bệnh dùng thuốc có thành phần corticoid (dạng bôi, chích, uống) không đúng và không có kiểm soát.
Corticoid sẽ ức chế miễn dịch làm cho bệnh giảm ngay nhưng được một thời gian bệnh sẽ bùng phát dữ dội, làm cho vảy nến lan rộng nhiều hơn, xuất hiện thể vảy nến nặng, cấp tính hơn như vảy nến mủ, vảy nến đỏ da toàn thân, vảy nến khớp.
Về lâu dài gây ra hiện tượng teo da, giãn mạch, hội chứng cushing, rối loạn chuyển hóa...
Người mắc chứng này cần lưu ý: không tự làm bác sĩ, tự mua thuốc điều trị, kể cả mua thuốc theo toa bác sĩ chỉ định của những đợt điều trị trước.
Tại Bệnh viện Da liễu TP đã từng có người không đi tái khám theo hẹn mà tự mua thuốc Methotrexate uống kéo dài mấy năm. Trong khi việc sử dụng thuốc này phải tầm soát, xét nghiệm trước, trong và sau khi uống.
Sau thời gian tự dùng thuốc không những không khống chế được bệnh mà còn bị xơ gan, sau khi quay lại tái khám.
Tránh yếu tố gây tái phát
Stress: đây là yếu tố tâm lý, tinh thần cực kỳ quan trọng. Nếu không kiểm soát được cảm xúc, công việc hoặc gia đình có nhiều áp lực, căng thẳng, mâu thuẫn... sẽ tạo điều kiện cho bệnh bùng phát rất kinh khủng. Nhiễm trùng: cần được kiểm soát thường xuyên.
Bất cứ một ổ nhiễm trùng nào trên cơ thể (ở da hay hầu họng...) cũng làm bệnh nặng thêm. Thuốc lá: phải bỏ hoàn toàn do trong thuốc lá có những chất làm cho bệnh nặng hơn, giảm tác dụng của thuốc trị vảy nến; rượu bia: tốt nhất không nên uống...
Vảy nến có nhiều thể khác nhau nhưng thường gặp là: vảy nến thông thường (mảng da đỏ, tróc vảy), vảy nến mủ, viêm khớp vảy nến, vảy nến đỏ da toàn thân. Vảy nến hiện được xem là bệnh viêm hệ thống, gây tác động lên nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Vì thế người bệnh vảy nến có nguy cơ mắc bệnh khớp, bệnh lý tiêu hóa, mắt, thận, xơ vữa động mạch...
Theo TTO
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Vì sao Bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ "thoát" bị xử phạt vi phạm môi trường?
- AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng gây đông máu
- Thói quen của nhiều người Việt trong buổi tối làm tăng nguy cơ ung thư
- Nắng nóng cháy da, làm sao để hồi phục?
- Bạn có chắc sản phẩm Fucoidan Okinawa đang dùng là sản phẩm chính hãng?
- Lễ dâng hương và an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
- Lá ổi chứa chất chống ung thư
- Công dụng chữa bệnh của lá ổi có thể bạn chưa biết
- Ăn ổi, đừng bỏ phí vỏ, thậm chí lá vì công dụng kỳ diệu này
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn?
(Tin Môi Trường) - Chế độ ăn tốt giúp sống lâu và khỏe mạnh là chế độ ăn bao gồm nhiều trái cây, các loại hạt và các loại đậu, rau, ngũ cốc nguyên hạt.
Thông nước: Cây Di sản làm thuốc
(Tin Môi Trường) - Thông nước hay Thủy tùng, gọi như vậy vì cây này gần giống cây Thông, nhưng mọc ở dưới nước hay ven nước, tên khoa học là Glyptostrobus pensilis (Staunt.) K. Koch, họ Bụt mọc (Taxodiaceae).
"Kết hợp chết người" nếu dùng Viagra và thứ này cùng lúc
(Tin Môi Trường) - Viagra và một số thuốc trị rối loạn cương dương cùng thành phần có thể gây nguy hiểm khi kết hợp với một loại thuốc dùng trong bệnh động mạch vành.