(Tin Môi Trường) - Đã có những biến tướng trong "phong trào" phóng sinh bằng cách tổ chức quyên tiền, mua lại cá, rùa từ những trại nuôi để thả ra sông, ra hồ. Ở góc nhìn khoa học, chính điều này có thể gây hại.
Những chú chim tội nghiệp bị bắt nhốt để bán cho người dân thực hành phóng sinh - Ảnh: T.T.D
Hiểu đúng về phóng sinh
Trong triết học cũng như trong câu chuyện Phật giáo, diễn giải ở Thế Tôn thuyết pháp, đều xem chuyện phóng sinh (tiếng Anh là "release life") như một hành động cứu mạng, như một hành vi nhân đạo, đối với một con vật bị bẫy bắt, bị giam nhốt, bị mua bán qua lại và bị hành hạ đau đớn hoặc sắp bị giết.
Khi đó, ta đứng ra xin lại, hay bỏ tiền để mua hay chuộc rồi đem về chữa trị (nếu nó bị thương),
cho nó ăn (nếu nó bị đói), rồi cuối cùng phải thả nó trong trạng thái khỏe mạnh, có khả năng tự tìm thức ăn, trở lại môi trường sống của nó hay trả nó về bầy đàn của chúng.
Đó chính là hành động phóng sinh đúng nghĩa, mang tính nhân văn và phù hợp với khoa học tự nhiên.
Các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trên thế giới cũng có những chương trình cứu những con thú hoang dã bị nuôi bắt trái phép về chữa trị, phục hồi bản năng sinh tồn trong thiên nhiên của chúng, rồi tìm cách trả chúng trở lại môi trường sống phù hợp của chúng.
Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm này như vậy họ không gọi là phóng sinh mà dài dòng hơn là "tái thả các cá thể hoang dã trở lại tự nhiên". Ngành thủy sản cũng có những đợt thả cá con, tôm con vào thủy vực để "tái tạo nguồn lợi thủy sản", tuy nhiên đây là những loài thủy sản có nguồn gốc bản địa, phù hợp với môi trường sống và đã có xác nhận sạch bệnh.
Chuyện phóng sinh một lượng lớn các loài chim, cá, rùa, cua, tôm, ốc… có lẽ có hàng trăm năm trước, chủ yếu ở các cộng đồng người Trung Hoa theo Phật giáo hoặc các tín ngưỡng thờ thần thánh, người dân tin theo một nghi lễ phóng sinh động vật gọi là "fang sheng" có nghĩa là trả vật sống vào thiên nhiên như sông nước, rừng cây, với niềm hy vọng cầu may hoặc nhằm để tích phước, trả ác.
Trước khi trả, họ thường làm lễ cầu nguyện, đọc kinh
cho các con vật bị bắt nhốt, xong mới thả ra.
Thực hành phóng sinh sai
Các năm gần đây, một số chùa ở Việt Nam, gồm cả các tu sĩ và Phật tử đã có những đợt phóng sinh ồ ạt với một số lượng lớn động vật như chim sẻ, cá, rùa... các loại xuống thủy vực trong các ngày rằm, tập trung nhiều nhất là vào tháng bảy âm lịch nhân ngày lễ Vu lan, ngày Xá tội vong nhân.
Đã có những biến tướng trong "phong trào" phóng sinh bằng cách tổ chức quyên tiền, mua lại cá, rùa từ những trại nuôi cá để thả ra sông, ra hồ. Điều cần thấy rõ, là họ mua với số lượng lớn những hầm cá nuôi đã quá lứa.
Dễ thấy ở một số chùa, đội ngũ đông đảo những người bán những lồng đầy chim trời, các chú chim tội nghiệp bị bỏ đói, một số chim lớn bị cắt gân cánh, nuôi nhốt chật hẹp.
Các chim hoang dã này bị những tay săn bắt bằng những kiểu bẫy tự chế như lưới tàng hình, hoặc tàn độc hơn như lấy kim chỉ may mù mắt chim mồi để dụ đàn, dùng keo dính hoặc rải thuốc độc
cho chim bị say, ngất để dễ bắt.
Trong môi trường thủy vực, mỗi vùng tự nhiên đã quy định một số loài nhất định, số quần thể giới hạn tương ứng với nguồn thức ăn tự nhiên mà loài
thủy sinh đó có thể tự kiếm thức ăn để tồn tại.
Nếu thả thêm nhiều số loài khác như cá trê, cá ba sa, cá lóc, cá chép, cá thác lác…, kể cả một số người thả luôn rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cua… với số lượng lớn sẽ tạo ra một sự xáo trộn, mất cân bằng sinh thái, nhiều loài sẽ chết tức tưởi dần dần vì đói, bị thương tật, bị nhiễm bệnh, bị ngộ độc, bị sốc nước, bị nhiễm lạnh…
Khi thả các loại cá nuôi trong hồ theo cách nuôi nhân tạo ra môi trường sống tự nhiên, thì chúng hoàn toàn không có khả năng tìm thức ăn, không bắt mồi được từ thiên nhiên, không có khả năng tự vệ chống trả hay trốn chạy với những yếu tố bất lợi.
Thả ra tự nhiên, chắc chắn chúng sẽ chết đói hoặc bị các loài khác tấn công. Hoặc một số loài trở nên hung hãn như rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cá Nam Mỹ, cua… tiêu diệt các loài bản địa hoặc giành thức ăn của các loài bản địa, kể cả các loại thức ăn không hạp với chúng để sống còn. Còn các loài chim thì bị kiệt sức do đói lả cũng không bay xa được và dễ dàng bị bắt lại, rồi đem đi bán tiếp. Đó là chưa kể vào mùa sinh sản, những con chim bố mẹ bị bắt để bán phóng sinh, còn lại chim con trong tổ thì chỉ có đói mà chết!
Ngoài ra, một số cá nuôi đang bị nhiễm bệnh hoặc mang vi rút nhưng chưa phát bệnh do được
cho ăn với thức ăn có trộn kháng sinh, khi thả xuống sông, cơ thể chúng có thể là nguồn phát tán dịch bệnh ra diện rộng hơn, lúc đó rất khó ngăn chặn. Đây là những vấn đề đáng lo.
Ngay cả tín đồ lẫn tu sĩ đi phóng sinh, khi tiếp xúc trực tiếp với cá, rùa, chim, thú, không hề có trang thiết bị bảo hộ cần thiết như găng tay, khẩu trang, thuốc khử khuẩn… thì cũng có thể có nguy cơ bị lây nhiễm một số bệnh sinh vật phóng sinh như bệnh ghẻ lở, bệnh nấm da, khuẩn E. coli, sốt Ebola, cúm A, đậu mùa khỉ và một số dịch bệnh lạ khác
cho chính bản thân mình, đem bệnh về chùa chiền và cộng đồng tín hữu.
Một bài học tại New York trước kia, chính quyền phát hiện cộng đồng người Hoa khi "phóng sinh" các con rùa đã nhiễm vi khuẩn Salmonella. Hiện nay, theo luật lệ ở Mỹ và nhiều nước ở châu Âu, thả động vật vào tự nhiên mà không có giấy phép là hoàn toàn bất hợp pháp, có thể bị phạt tiền hoặc tù tùy theo mức độ vi phạm.
Gần đây, một số tu sĩ Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng khuyến cáo mọi người không nên tổ chức phóng sinh trái khoa học. Các nơi phải cương quyết từ chối các nhóm bán chim, rùa bắt trong tự nhiên hay không tham gia các nhóm mua cá nuôi trong các ao cá đem thả ra sông rạch, phóng sinh.
Do đó, khi muốn thả một loài nào, cần có những tham vấn từ các nhà khoa học về sinh học, môi trường, thủy sản, lâm nghiệp để không làm hại đến môi sinh, môi trường. Rất không nên thực hành phóng sinh tràn lan, trái với khoa học và đạo đức như một số nơi hiện nay!
Cần hiểu là làm chuyện "phóng sinh" sai do thiếu hiểu biết có thể trở thành một cái họa "phát tử"! Tưởng rằng làm "phóng sinh" là phước thiện nhưng vô tình gây ra cái đau đớn cho chúng sinh, trở thành "ác nghiệp" cho hệ sinh thái và con người.
TS. LÊ ANH TUẤN