(Tin Môi Trường) - Thói quen ăn thịt của con người và chuyện chăn nuôi trồng trọt đang đe dọa Trái đất như thế nào mà tạp chí WIRED ngày 8-8 lại giật dòng tít đáng sợ: “Chúng ta đang “ăn chết” hành tinh này”?
Nguồn: Harvard.edu
Cùng ngày, CNN dùng tít “Hành tinh của chúng ta
đang bị con người
ăn hết”. Cả hai bài viết đều đưa tin về báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, thuộc Liên Hiệp Quốc) công bố ngày 8-8, nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến việc con người sử dụng tài nguyên đất và các ảnh hưởng của chúng lên biến đổi khí hậu.
Trong vòng 30 năm tới, dân số thế giới dự báo vượt mốc 9 tỉ người, đồng nghĩa với việc chúng ta phải tăng sản xuất lương thực thêm ít nhất 70% so với hiện tại để có thể tránh được nạn đói trên diện rộng.
Báo cáo IPCC nhấn mạnh: nhân loại không thể thực sự chống chọi với biến đổi khí hậu mà không giải quyết vấn đề đất đai, bao gồm suy thoái sinh cảnh, nạn phá rừng và đất bị giảm màu mỡ vì nông nghiệp, do lẽ 22% khí nhà kính toàn cầu đến từ hoạt động nông-lâm nghiệp.
Ngoài ra, lãng phí thực phẩm và tiêu thụ thịt cũng là tác nhân lớn cho việc Trái đất nóng lên, trong đó việc lãng phí thức
ăn chiếm 8-10% phát thải toàn cầu, còn hoạt động chăn nuôi chiếm 14,5%, theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF).
Thông điệp của báo cáo là “nếu chúng ta không tìm ra cách để nuôi sống giống loài mình (tức con người) bền vững hơn, biến đổi khí hậu sẽ tăng tốc và khiến việc trồng lương thực khó khăn hơn”. Các giải pháp đó là giảm việc
ăn thịt, thay đổi cách trồng trọt và chăn nuôi, trồng thêm rừng, tất cả nhằm giúp việc sử dụng đất tốt hơn để nguồn tài nguyên này có thể tiếp tục chống lại biến đổi khí hậu, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực của dân số toàn cầu
đang tăng nhanh.
Chuyện cái ăn và
tài nguyên đất
Ngành chăn nuôi vốn gây hại cho môi trường vì chăn nuôi số lượng lớn hay ô nhiễm từ chất thải của các trang trại gia súc nuôi lấy thịt và sữa sẽ làm suy thoái sinh cảnh (môi trường sống tự nhiên bị giảm sút đến mức sinh vật không thể sống được).
Ngoài ra, gia súc còn thải ra một lượng lớn khí metan, một loại khí làm Trái đất nóng lên mạnh gấp 3 lần so với CO2. Chăn nuôi cũng chiếm dụng đất để làm trang trại, bãi chăn thả hay tiêu tốn tài nguyên (một con bò có thể cần hơn 41.500 lít nước mỗi năm).
Theo báo cáo công bố vào tháng 7-2019 của Viện Tài nguyên thế giới, nếu con người giữ nguyên thói quen
ăn uống như hiện tại sẽ cần thêm 593 triệu ha (gần gấp đôi diện tích Ấn Độ) dành cho trồng trọt chăn nuôi mới có thể đủ nuôi sống dân số dự báo ở mức 9,8 tỉ người vào năm 2050.
“Tóm lại, chúng ta phải cơ bản nghĩ lại cách chúng ta trồng trọt và chăn nuôi - bài trên WIRED viết - Nhưng nếu chúng ta không tìm ra cách để nuôi sống mình bền vững, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tăng, khiến việc trồng đủ lương thực khó khăn hơn, hệ thống lương thực sẽ sụp đổ và con người sẽ chết”.
Nguồn: NYT.com
Ăn thịt và vấn đề của chúng ta
Theo CNN, mặc dù các chuyên gia IPCC không đưa ra khuyến nghị cụ thể nào, có thể suy được rằng báo cáo đặt mục tiêu hàng đầu là dịch chuyển chế độ
ăn uống ở các nước phát triển theo hướng giảm việc tiêu thụ quá nhiều thịt và sản phẩm từ sữa.
“Để có được một tương lai tốt hơn, đồng nghĩa với việc chia tay một số thói quen ưa thích của chúng ta - tác giả viết trên CNN - Bạn có sẵn sàng làm điều này không? Câu trả lời sẽ nằm trong đĩa thức
ăn nằm trước mặt trong bữa
ăn kế tiếp của bạn”.
Ăn quá nhiều thịt vừa không tốt cho sức khỏe con người vừa là thảm họa môi trường. Các khu rừng nhiệt đới ở Brazil
đang bị xóa sạch để lấy đất vừa làm bãi chăn thả bò nuôi lấy thịt, vừa trồng đậu tương để xuất sang châu Âu làm thức
ăn gia súc.
Nhu cầu thịt cao đòi hỏi tăng lượng gia súc phải nuôi và điều này gián tiếp gây sức ép lên nông nghiệp, nguồn cung thức
ăn gia súc. Điều đáng nói là trồng trọt cũng chiếm rất nhiều tài nguyên - đất trồng, nước tưới, phân bón. Vì thế, con người còn
ăn nhiều thịt thì đường nào cũng làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu.
Trong bài viết “Tránh
ăn thịt là cách làm duy nhất và hữu hiệu nhất để giảm tác động của mỗi cá nhân lên biến đổi khí hậu” vào tháng 5-2018, Guardian dẫn một nghiên cứu cho biết nếu không dùng thịt và sản phẩm từ sữa, lượng đất nông nghiệp toàn cầu có thể giảm hơn 75% - bằng diện tích của Mỹ, Trung Quốc, các nước Liên minh châu Âu và Úc cộng lại, mà nhân loại vẫn đủ lương thực để dùng.
“Giảm tiêu thụ các thực phẩm sử dụng nhiều tài nguyên để làm ra như thịt đỏ có thể giúp cứu hành tinh này” - Sujatha Bergen, giám đốc các chiến dịch sức khỏe liên quan đến thực phẩm thuộc Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ, viết trên trang web của tổ chức này.
Trả lời phỏng vấn CNN, Sharon Palmer, chuyên gia dinh dưỡng và phát triển bền vững người Mỹ, cho biết “giảm mạnh việc
ăn thức
ăn từ động vật và chuyển sang chủ yếu dùng lương thực từ thực vật là một trong những cách quyết liệt nhất chúng ta có thể làm để giảm tác động của mình lên hành tinh trong cuộc đời mình”.
Báo cáo của IPCC cũng gợi ý thực phẩm làm từ thực vật có thể là những cây họ đậu và các loại rau, củ, quả và hạt. Nhưng vì sao
ăn thực vật lại tốt cho môi trường hơn? Palmer cho rằng các loại cây họ đậu như đậu, đậu hà lan, đậu lăng là nguồn protein bền vững nhất trên hành tinh này vì chúng chỉ cần rất ít nước để mọc và có thể được trồng ở các môi trường khô, khắc nghiệt.
“Chúng cũng như một loại phân bón thiên nhiên khi hấp thu khí nitơ trong không khí rồi chuyển xuống đất, và điều này sẽ làm giảm nhu cầu phải sử dụng phân bón tổng hợp” - Palmer giải thích.
Khẩu phần chủ yếu là thực vật không chỉ tốt cho Trái đất, mà còn cho sức khỏe bản thân người
ăn khi chúng làm giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2, theo CNN.
Ngoài việc chuyển sang
ăn thực vật (không nhất thiết đồng nghĩa với
ăn chay), giới khoa học cũng
đang tích cực theo đuổi việc tạo ra thịt trong phòng thí nghiệm thay vì chăn nuôi gia súc gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, do “thịt nhân tạo” vẫn chưa thể trở thành sản phẩm chủ lưu, CNN cho rằng việc tốt nhất mà mỗi cá nhân người tiêu dùng ở các nước phương Tây có thể làm là từ bỏ món bíttết hay thịt cừu yêu thích của mình. Càng giảm nhu cầu thịt thì diện tích nông nghiệp càng giảm, dành ra thêm nhiều đất đai cho tự nhiên.
Chống lãng phí thực phẩm cũng là một cách bảo vệ hành tinh. Theo báo cáo của IPCC, lãng phí thực phẩm chiếm 10% phát thải nhà kính do con người gây ra. Tình hình lãng phí hiện rất đáng lo ngại khi có 25-30% thực phẩm làm ra không bao giờ được tiêu thụ mà phải bỏ đi, trong khi có đến 821 triệu người thiếu
ăn khắp thế giới.
Nguồn: RT.com
Cải thiện nông nghiệp
Theo CNN, song song với việc con người cắt giảm khẩu phần thịt và thay đổi thói quen
ăn uống, bản thân ngành nông nghiệp cũng phải thay đổi theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để đạt tăng năng suất dù diện tích trồng trọt không tăng hoặc giảm, giúp tiết kiệm tài nguyên đất. Nông nghiệp cũng cần các hạt giống tốt hơn, có thể sinh trưởng tốt mà không cần quá nhiều nước và phân bón, có thể chống chọi được với côn trùng mà không cần dùng hóa chất…
Thịt và ô nhiễm
Chăn nuôi chiếm 14,5% phát thải khí nhà kính toàn cầu, vì thế là một trong các tác nhân chính góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc. 65% lượng phát thải nhà kính từ chăn nuôi đến từ bò và các gia súc nuôi lấy sữa.
Theo một nghiên cứu của Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên về tiêu thụ thực phẩm ở Mỹ hồi năm 2017, cứ 1kg thịt bò sẽ sinh ra 26,5kg khí CO2 - cao hơn 5 lần so với thịt gà. Mức phát thải CO2 của thịt bò cũng cao nhất trong số các thực phẩm được xét trong nghiên cứu.
Giảm
ăn thịt bò là cách hiệu quả để giảm phát thải carbon toàn cầu. Theo Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, người Mỹ tính đến năm 2017 đã
ăn ít thịt bò hơn 17% so với năm 2015, và sự cắt giảm khẩu phần này tương đương với giảm 185 triệu tấn khí thải (bằng khí thải phát ra từ 39 triệu chiếc xe hơi).
“Giảm lãng phí thực phẩm đồng nghĩa sẽ giảm bớt lượng đất và tài nguyên dùng trong nông nghiệp, từ đó giảm phát thải nhà kính” - báo cáo của IPCC viết.■