»

Thứ năm, 21/11/2024, 15:34:18 PM (GMT+7)

Sơn La... cao

(08:56:22 AM 20/05/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Ở nơi cao người ta thường nhìn xuống, còn ở Sơn La, khi rượu đã la đà, mọi người đều muốn ngước lên! Cụm từ “Sơn La cao” trong các bữa rượu say làm lung lay cột gỗ nhà sàn, như gửi vào đấy khát vọng của bao người sống và làm việc ở tỉnh miền núi có độ cao 600, 700m so với mặt biển.





 

Cao vì rừng thấp xuống

Có người bảo tôi “Sơn La cao vì rừng đang thấp xuống”. Sự thấp xuống của các cánh rừng khó đo đếm theo cách cơ học, nhưng có một thực tế đang hiển hiện là ở Sơn La, đâu đâu cũng trông thấy núi đồi trọc trơ nham nhở. Bất cứ ai ngược xuôi quốc lộ 6 cũng dễ dàng có suy nghĩ “Sơn La đang bị sa mạc hóa”. Quá trình sa mạc hóa diễn ra ở tỉnh miền núi giàu rừng nhất nhì vùng đầu nguồn châu thổ sông Hồng ít nhiều tạo cảm giác chua xót cho những người lên Sơn La để nhớ đến rừng.

Thủy điện Sơn La không xâm hại nhiều rừng! 224km2 diện tích hồ chứa Thủy điện Sơn La “rơi” vào nơi đất trống đồi trọc. Ông Lương Thái Hùng,  Phó Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La đã phát biểu như thế tại một hội thảo được tổ chức mới đây.

 Việc công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á không xâm hại nhiều đến rừng, có thể hiểu một cách dứt khoát và thỏa đáng là Sơn La không còn rừng! Với tư cách lãnh đạo cơ quan trực tiếp quản lý, bảo vệ, thực thi các chính sách về rừng, ông Hùng sòng phẳng thừa nhận: Sơn La mất quá nhiều rừng qua từng giai đoạn phát triển kinh tế. 

 4 năm trước (năm 2008), các nhà chuyên môn đưa ra số liệu thống kê, rừng tự nhiên giàu ở Sơn La còn… 11,95%. Con số này chỉ đủ để Sơn La khẳng định là một tỉnh miền núi từng có rừng!

Chi trả dịch vụ môi trường rừng - vui đấy, buồn ngay

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (CTDVMTR) ở Sơn La, Lâm Đồng. Mục tiêu của quyết định là xã hội hóa nghề rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng đầu nguồn, nâng cao chất lượng, bảo đảm nguồn nước cho các công trình thủy điện.

Tại tỉnh Sơn La, 2 xã Chiềng Cọ (TP Sơn La) và Nậm Păm (huyện Mường La) được chọn thực hiện thí điểm CTDVMTR.

Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ Quàng Văn Lẻ bảo, năm 2009, các hộ chủ rừng trong xã nhận được 306 triệu đồng và từ đó đến nay, chưa có thêm khoản tiền nào.

Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Păm Tòng Văn Pùa kể: Ngân hàng Chính sách xã hội đến từng hộ dân trả 282 triệu đồng cho việc bảo vệ 3.466ha rừng. Có tiền, bà con vui, nhưng vui xong lại buồn vì các năm tiếp theo dân đợi mãi chẳng thấy “cấp trên” nói gì. Hỏi “cấp trên” là ai, ông Pùa lắc đầu bảo rằng “mình làm cán bộ nhỏ, biết thế thôi”!

 

Đập chính Thủy điện Sơn La đang ở mức 138m (còn gọi là “Sơn La thấp”). Ảnh D.Th.Tùng
 
Sau 4 năm thí điểm, CTDVMTR, người dân các địa phương, các cộng đồng đã có ý thức cao hơn trong bảo vệ phát triển vốn rừng. Tuy nhiên, sự hồ hởi không giữ được lâu vì khoản tiền CTDVMTR các năm tiếp theo cứ mòn mỏi như… khói đốt nương.

Theo lời Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ Quàng Văn Lẻ, dân xã ông đang bị “cấp trên” nợ tiền CTDVMTR của 2 năm 2010 và 2011. Lãnh đạo xã Nậm Păm cũng cho biết, các chủ của 3.466ha rừng thuộc diện được chi trả chỉ mới được “cấp trên” cho ứng trước 60% tiền CTDVMTR năm 2009.

“Cấp trên” mà người dân nói đến là các doanh nghiệp đang khai thác vốn rừng, mà lớn nhất là ngành Điện. Ông Lương Thái Hùng không khỏi ngao ngán khi nhắc đến “thành tích” nợ tiền CTDVMTR kéo dài của doanh nghiệp điện thuộc địa bàn mình quản lý. Công ty Trường Thành, chủ đầu tư Thủy điện Suối Sập hiện đang nợ 2,2 tỉ đồng; còn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nợ khó đòi lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Khoản nợ CTDVMTR của ngành Điện được ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp chốt lại bằng con số đầy ấn tượng: 550 tỷ đồng năm 2011 và trong năm 2012 lên đến 700 tỷ đồng.

Cả 2 khoản tiền này, nếu chi trả đúng hẹn thì hàng chục nghìn hộ dân ở Sơn La chắc chắn sẽ là triệu phú đúng với tên gọi “chủ rừng”. Trong khi chờ đợi giấc mơ giàu có, chủ rừng ở Sơn La vẫn phải còng lưng trên từng đám nương khô cháy, đợi hoa màu đơm bông nảy hạt, bán lấy tiền đóng cho EVN. Dù chất phác thật thà đến mấy thì chủ rừng cũng hiểu rằng, chỉ 1 tháng chậm nộp tiền tiêu thụ điện, họ sẽ bị “con nợ” buộc phải… thắp đèn dầu!

 Sơn La cao - chút lãng mạn với rừng

Cụm từ “Sơn La cao” không hiểu xuất hiện từ bao giờ trong mọi cuộc rượu, đêm xòe ở Sơn La. Trước khi sà vào vít cong cần rượu, khách sẽ được thiếu nữ Thái thân hình uyển chuyển, mắt lúng liếng nâng chén mời “Sơn La cao”. Thật khó tưởng tượng nhân loại ở đầu thế kỷ XXI này lại có vũ điệu mời rượu say lòng và “chết lịm” như “Sơn La cao”.

Ai có thể cưỡng lại đôi tay trần nà nuột của thiếu nữ vít lấy cổ mình và lại được vòng tay qua cổ thiếu nữ cùng uống cạn chén rượu lâng lâng có tên gọi “Sơn La cao”?

Theo cách hiểu của tôi, “Sơn La Cao” có thể là sự kết hợp tính cách mạnh mẽ của thằng con trai trong lời bài hát đậm chất rừng: “Trai rừng, nói lời yêu cũng thẳng, tao thích mày! Hây! Trai rừng... dám cầm tay, dám vẹo má người yêu giữa chợ. Tao thích mày! Hây...”, với cái e ấp gọi mời của người con gái lớn lên giữa núi rừng! 

Lý giải lãng mạn là thế, nhưng khi đem chuyện hỏi TS Đào Trọng Tứ, một trong những nhà khoa học hàng đầu về sông ngòi và đập lớn của Việt Nam, câu chuyện gần như rẽ nước theo hướng khác.

Theo ông Tứ, cụm từ “Sơn La cao” xuất phát từ khát khao có thực về công trình Thủy điện Sơn La. Nếu đập lớn Thuỷ điện Sơn La được xây ở mức 170m (được gọi là Sơn La cao) thì sẽ lợi rất nhiều về kinh tế, nhưng vì lý do khách quan và chủ quan nên hiện nay đập chỉ đang dừng ở mức 138m (gọi là “Sơn La thấp”). Cán bộ Sơn La hiếu khách, đem theo khát khao này vào các cuộc rượu tiếp người dưới xuôi lên, nên có thể đã “vô tình” tạo ra một sản vật thuộc về văn hóa có một không hai là cách uống rượu “Sơn La cao”. 
Dương Thanh Tùng/Thanh Tra
Từ khóa liên quan: Son La, thủy điện, rừng, phá rừng
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Sơn La... cao

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
 Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI