»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:10:42 AM (GMT+7)

Rừng thẳm trong bàn tay

(07:36:57 AM 22/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Ka Cường là một trong 40 người Châu Mạ ở Đạ Tẻh, Bảo Lâm (Lâm Đồng) được đào tạo thành những người giám sát rừng chuyên nghiệp biết xài GPS (định vị toàn cầu)

 

rung[-]2

Nhóm giám sát rừng người Châu Mạ đo sinh khối cây - Ảnh: MAI VINH 

 

 

PGS.TS Bảo Huy - phó trưởng mạng lưới nông lâm kết hợp Đông Nam Á, mở GPS ấn định một điểm ngẫu nhiên trong khu rừng tái sinh Lộc Bắc và đưa máy GPS cho Ka Cường: “Chúng ta đến đây đo đạc, anh dẫn đường nhé, chúng tôi có lạc đường hay không là nhờ anh”.

 

Người Châu Mạ với GPS

 

Ka Cường định bụng sẽ đi đường vòng nhưng thầy Huy ngăn lại, yêu cầu phải cắt rừng: “Một người giám sát rừng phải lặn lội trong những con đường được lựa chọn ngẫu nhiên để có thể ghi nhận nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến rừng”. Ka Cường và những người bạn Châu Mạ tỏ ra bối rối khi cầm chiếc máy GPS, nhưng sau một hồi được hướng dẫn thì anh đưa ra kết quả: “Cắt rừng đi khoảng 2km”. Thầy Huy gật đầu công nhận.

 

 

Khóa huấn luyện đo tính, giám sát rừng cho 40 đồng bào dân tộc Châu Mạ diễn ra tại huyện Bảo Lâm từ ngày 12 đến 16-11 nằm trong dự án “Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học tại VN”. Dự án do Bộ Tài nguyên - môi trường và an toàn hạt nhân Đức tài trợ. Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên tại VN thực hiện dự án.

 

Ở các điểm nghỉ chân, chiếc máy GPS phải làm việc liên tục vì thấy Ka Cường sử dụng thành thạo, Ka Chinh và Ka Riêu cũng muốn được thực hành tại chỗ. Ngồi nghe những người Châu Mạ hướng dẫn cho nhau bằng tiếng nói riêng của mình mà thầy Huy khấp khởi mừng.

 

Ông bảo: “Không có cách nào để bà con hiểu nhanh bằng cách để họ tự hướng dẫn cho nhau bằng chính vốn văn hóa của họ”. Và khi đến được đích thì tất cả những học viên đã biết dùng thành thạo GPS.

 

Bằng cọc nhọn, dây thừng, các học viên thực hiện việc chia rừng thành từng ô nhỏ 1.000m² để tính và đo bán kính các cây, đây là công việc quan trọng đòi hỏi sự chính xác cao cũng như lúc bấm tọa độ. Ô đầu tiên những học viên mất một giờ để tính, ô thứ hai mất 45 phút và ô thứ ba chỉ còn 30 phút. Mỗi thân cây to có giá trị đều được lấy tọa độ và ghi chép lại.

 

“Tọa độ được ghi nhận, điểm 100 có cây máu chó”, Ka Riêu la to và Ka Bắc ghi chép vào sổ. Thầy Huy cầm rựa cứa vào thân cây, một dòng nhựa đỏ chảy ra và ông xác nhận kết quả. Các báo cáo nhanh tại hiện trường do người Châu Mạ tự tay thực hiện đều được thầy Huy công nhận độ chính xác: “Chuẩn quốc tế cho phép sai số 5% nhưng sai số trong báo cáo này chỉ 2% - ông tỏ vẻ hài lòng - Tôi đã đi đo rừng nhiều lần, rất nhiều người đo rừng dốc rất qua loa nên sai số rất lớn, thường là 30%. Khác hẳn với nhóm học viên này”.

 

Sau vài ngày đi rừng, sự chuyên nghiệp và tận tâm của những người Châu Mạ bộc lộ rõ. Khác hẳn với ngày đầu tiên của khóa học, nhiều người còn không biết sự xuất hiện của mình ở đây có giá trị như thế nào. Trước buổi học, Ka Cường còn thắc mắc: “Tính hết cây rừng ở Bảo Lâm thì đến khi nào mới xong, cuối đời sao?”. Nhưng rồi sự hiểu biết về GPS và các công cụ đo tính rừng đã thay đổi suy nghĩ của họ. Ka Ba nở một nụ cười sau khi được hướng dẫn cách dùng: “Tôi biết đếm rồi thì tôi sẽ đếm rừng của tôi trước, nó là gia tài, ai ăn cắp cây gì, ở đâu cũng có chứng cứ mà bắt tội”.

 

Với Ka Riêu thì GPS trở thành trợ lý cho tiếng nói của mình: “Từ nay rừng bị phá chỗ nào, muốn báo cho ai tôi chỉ cần chỉ lên bản đồ là rõ”.

 

 

rung[-]

Ka Cường dùng GPS bấm tọa độ ghi nhận khu vực rừng vừa được kiểm đếm - Ảnh: MAI VINH 

 

 

“Người bảo vệ rừng số 1”

 

Và từ đây mọi hoạt động liên quan đến 56.000ha rừng thuộc địa phận các xã của huyện Bảo Lâm như Lộc Bắc, Lộc Bảo và Lộc Lâm đều được họ ghi nhận thành những báo cáo. Anh Lại Tùng Quân, nhân viên dự án, khẳng định: “Một cây rừng nằm xuống, một con thú rừng mất đi cũng không qua mắt được người Châu Mạ vì sau đợt đo đếm này, họ sẽ có cơ sở để đối chiếu với những lần tiếp theo và bằng máy GPS họ sẽ báo cho nhân viên quản lý dự án biết tọa độ chính xác”.

 

Những ngày ở rừng, Ka Hiền là người hăng hái đo đếm nhất. Trong suy nghĩ của anh thấy màu xanh nghĩa là rừng còn, nhưng chỉ sau một ngày thực tập kiểm đếm cây trong rừng thì cách nghĩ của anh đã thay đổi: “Rừng không còn nhiều và chúng tôi bị mang tiếng là phá rừng nhiều nhất. Nhiều người bảo chúng tôi sống chung với rừng và ăn mòn sự sống của rừng nhưng thật sự không phải vậy, trong mỗi cây rừng có tổ tiên ở đó”.

 

Ka Hiền vỗ tay vào bên hông, nơi đeo lủng lẳng chiếc máy GPS rồi nói: “Tôi sẽ chứng minh, chúng tôi yêu rừng xanh như thế nào”.

 

Trong đêm, giữa tiểu khu 398, Ka Ba chỉ tay vào vết dao khứa trên một thân cây to hiếm hoi: “Người ta chuẩn bị hạ cây này, tội nghiệp nó chỉ to vừa ôm một người, vết khứa đó là dấu hiệu cây đã có chủ, những ông chủ giấu mặt”.

 

Ông ngồi thừ bên đống lửa thú thật Nhà nước giao cho ông quản lý 24ha rừng ở tiểu khu 377 nhưng mỗi ngày rừng hao hụt một cách lặng lẽ. Tính theo diện tích thì rừng còn nguyên, nhưng tính về số cây và chủng loại thì đã sứt mẻ đi nhiều. Rừng rậm đã thành rừng thưa. Nửa đêm, nhìn từ lều, Ka Ba lại lôi đám dây nhợ và máy GPS ra tự thực hành trong lúc sương rừng bắt đầu đổ. Ông bảo không ngủ được, vì nghĩ đến rừng ông lại xót.

 

Lại Tùng Quân bảo thật ra mấy hôm nay tất cả mọi người đi đếm cây để tính lượng cacbon lưu trữ trong rừng. Một thị trường cacbon sẽ được hình thành. Các nước công nghiệp thải nhiều cacbon sẽ phải trả tiền cho những người giữ, chăm sóc rừng. Rừng càng phát triển giữ được nhiều cacbon thì những người giám sát sẽ nhận được nhiều tiền. Và hẳn nhiên những người Châu Mạ ở đây là người hưởng lợi đầu tiên, rừng sẽ nuôi sống họ.

 

PGS.TS Bảo Huy phân tích: “Đây là cơ chế của tương lai, Nhà nước có kiểm lâm quản lý rừng nhưng ai là người giám sát kiểm lâm giữ rừng như thế nào? Người dân bản địa sẽ làm việc đó với một số công cụ do các tổ chức quốc tế trang bị. Hai nhóm này sẽ giám sát nhau và giám sát rừng”.

 

 

Thay đổi thân phận

 

Ngày những chuyên gia Hà Lan mang máy móc và thiết bị đo rừng đến huyện Bảo Lâm, Ka Biện tỏ vẻ sợ sệt. Sau này, khi những khó khăn của chuyến thực địa giữa rừng sâu kéo gần tất cả mọi người lại với nhau thì anh thú nhận mình từng là lâm tặc. Bên đống lửa giữa rừng, anh góp chuyện: “Mỗi khi không làm vườn tôi đi chở gỗ lậu thuê, nói đúng ra tôi là lâm tặc!”.

 

Anh nhắc đến những chiếc xe máy gắn bánh xích đang lăn lóc tại sân Công ty lâm nghiệp Lộc Bắc, bảo đấy là xe của những người cùng xã đi chở gỗ bị bắt. “Nhiều khi đám chở gỗ chúng tôi tự cảm thấy nhục vì thấy người khác đốn cây trong rừng của mình mà lại tiếp tay, nhưng... làm vậy mới có tiền”.

 

Cầm que củi cơi đống lửa, Ka Biện bối rối thú nhận lỗi lầm của mình: “Các chuyên gia nói với tôi cánh rừng này là hiện thân của cả triệu năm, tiếng nói của tôi và người Châu Mạ cũng từ rừng này mà có”. Ka Biện bảo rằng cuộc sống của anh lạ quá, từ một lâm tặc bây giờ trở thành người giám sát rừng để cứu rừng.

 

 

MAI VINH (TTO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Rừng thẳm trong bàn tay

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 8/12, một trận động đất có độ lớn 3.8 đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; không gây thiệt hại về người và tài sản.

VACNE 30 năm
 Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI