»

Thứ bảy, 18/01/2025, 07:52:02 AM (GMT+7)

Kịch bản các hệ sinh thái của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng tới 2030 Tin ảnhTin video

(13:18:50 PM 03/05/2013)
(Tin Môi Trường) - Trong một báo cáo mới nhất, WWF đã cảnh báo rằng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng tại khu vực Đông Nam Á có nguy cơ mất hơn 1/3 diện tích rừng còn lại trong vòng 2 thập kỉ tới nếu chính phủ các nước trong khu vực không tăng cường bảo vệ, coi trọng và khôi phục nguồn vốn tự nhiên và đi theo hướng tăng trưởng xanh.

 

WWF khuyến cáo các quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Mekong về tăng trưởng xanh để duy trì nguồn tài nguyên rừng- Ảnh IE

 

 

Các phân tích của WWF cho thấy khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng hiện duy trì được khoảng 98 triệu héc-ta rừng tự nhiên – chỉ bằng hơn một nửa diện tích đất của khu vực. Tuy nhiên, với tốc độ phá rừng như hiện nay thì diện tích này, theo dự đoán, sẽ mất đi một cách nhanh chóng. Từ năm 1973 đến năm 2009, năm quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng mất gần 1/3 diện tích rừng che phủ còn lại. Trong thời gian này, Campuchia mất 22% diện tích rừng của năm 1973, Lào và My-an-ma mất 24%, Thái Lan và Việt Nam mất tới 43%.

 

Những khu vực rừng trọng yếu diện tích lớn được kết nối cũng giảm đáng kể trên toàn khu vực, từ 70% của năm 1973 xuống còn 20% vào năm 2009. Rừng trọng yếu là phần diện tích rừng không bị chia cắt và rộng tối thiểu là 3,2km2. Nếu xu hướng này tiếp diễn, WWF dự đoán rằng tới năm 2030, chỉ có 14% diện tích rừng còn lại của khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là có khả năng duy trì sinh cảnh cho quần thể các loài hoang dã.

 

“Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đang đứng trước một thời điểm quan trọng để quyết định hướng đi của mình. Có hướng đi sẽ dẫn đến việc suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học và sinh kế. Ngược lại, nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên được quản lý một cách có trách nhiệm, khu vực này có thể đảm bảo được một tương lai tốt đẹp và thịnh vượng cho người dân,” Ông Peter Cutter, Quản lý Bảo tồn Cảnh quan của WWF-Greater Mekong cho biết.

 

Báo cáo “Các hệ sinh thái khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng: xu hướng trong quá khứ, hiện trạng và kịch bản tương lai” đưa ra các phân tích về hiện trạng và bối cảnh tương lai của các khu rừng trọng yếu, các hệ sinh thái nước ngọt trong khu vực và của những loài nguy cấp nhất phụ thuộc vào các hệ sinh thái này.

 

Báo cáo xây dựng hai kịch bản cho các hệ sinh thái của khu vực. Một kịch bản dự đoán những khả năng có thể xảy ra đối với các hệ sinh thái cho tới năm 2030 nếu như các nước tiếp tục phát triển theo mô hình tăng trưởng không bền vững, trong đó tình trạng chặt phá rừng và suy thoái diễn ra trong thập kỉ qua vẫn tiếp diễn. Kịch bản thứ hai được xây dựng dựa trên giả định cắt giảm 50% tỉ lệ chặt phá rừng hàng năm và một tương lai dựa trên tăng trưởng xanh. Trong giả định thứ hai, theo mô hình tăng trưởng xanh, diện tích rừng trọng yếu trong năm 2009 tại cả 5 nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng vẫn còn nguyên vẹn.

 

“Cách tiếp cận theo hướng nền kinh tế xanh là lựa chọn cho tương lai của khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng”, ông Cutter nói thêm. “Các nhà lãnh đạo khu vực đã khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế bền vững phải đi cùng với việc duy trì các hệ sinh thái khỏe mạnh, cần phải có ngay những can thiệp hiệu quả để tránh những suy thoái môi trường vĩnh viễn.”

 

Báo cáo nhấn mạnh, việc phát triển đập Xayaburi là một mối đe dọa chính đối với sức khỏe và năng suất của sông và đồng bằng sông Mekong. Lưu vực sông Mekong có tới 13 hệ sinh thái nước ngọt đặc biệt, liên kết với nhau, và việc xây dựng đập Xayaburi, một dự án vốn gây nhiều tranh cãi, sẽ cắt đứt dòng chảy chính của hạ lưu sông Mekong, chặn đường di cư của cá và dòng chảy trầm tích, gây hậu quả nghiêm trọng tới sinh kế và an ninh lương thực cho 60 triệu người.

 

Báo cáo cũng đưa ra các dữ liệu về sự suy giảm mạnh mẽ về quần thể của một số loài quan trọng và mang tính biểu trưng của khu vực, bao gồm hổ, voi châu Á, cá heo Irrawaddy và Sao la đặc hữu. Sự sống còn của nhiều loài trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng phụ thuộc vào hiệu quả quản lý của các khu bảo tồn. Từ năm 1970, đã có nhiều khu bảo tồn được thành lập và mở rộng, tuy nhiên, rất nhiều trong số đó không được quản lý tốt.

 

Ông Cutter cho biết: “Nhiều khu bảo tồn chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Ngay cả những khu bảo tồn được coi là tương đối an toàn cũng đang chịu áp lực lớn từ nạn săn bắn bất hợp pháp và khai thác gỗ trộm. Tại một số khu bảo tồn khác, diện tích đã và đang bị thu hẹp do chính phủ chuyển quyền sử dụng đất đai cho các công ty khai thác mỏ hoặc các chủ đồn điền.”

 

Tuy có nhiều dữ liệu về sự xuống cấp của các hệ sinh thái trong hơn 50 năm qua, báo cáo vẫn nhấn mạnh rằng tài nguyên thiên nhiên khu vực vẫn còn phong phú và giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái, bao gồm thực phẩm, nguồn nước và sợi nguyên liệu, vẫn nằm trong số cao nhất trên thế giới. Sự giàu có của các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là một cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững, và WWF tin rằng xây dựng nền kinh tế xanh hơn hoàn toàn nằm trong tầm tay của các chính phủ.

 

“Phần lớn các tài nguyên sinh học và hệ sinh thái hỗ trợ nằm tại những khu vực xuyên biên giới, nên sự hợp tác giữa các quốc gia và trong khu vực là cực kỳ cần thiết,” ông Cutter kết luận. “Đầu tư tăng cường và bền vững hơn đối với việc duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái phải trở thành một trong những ưu tiên ở cấp cảnh quan, quốc gia và khu vực.”

Xem video về: Kịch bản các hệ sinh thái của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng tới 2030
NGUYỄN PHƯƠNG NGÂN (WWF-Việt Nam)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Kịch bản các hệ sinh thái của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng tới 2030

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 8/12, một trận động đất có độ lớn 3.8 đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; không gây thiệt hại về người và tài sản.

VACNE 30 năm
 Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI