»

Thứ tư, 22/01/2025, 23:18:06 PM (GMT+7)

Căng thẳng canh rừng U Minh mùa khô hạn

(11:07:04 AM 15/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Những ngày giữa tháng 3, cái nắng như đổ lửa càng làm cho bầu không khí giữa đại ngàn U Minh Hạ trở nên oi bức nhiều hơn. Trên vọng gác cao hơn 15 m so với mặt đất, những người làm công tác giữ rừng vẫn luôn đưa đôi mắt nhìn về tứ phía. Họ là những kiểm lâm viên một lòng chung sức canh giặc lửa.
Cực khổ, thiếu thốn

 

Chúng tôi có mặt tại chốt canh Cây Rừa T-1200 đúng vào buổi các anh em làm nhiệm vụ tại đây ăn bữa trưa. Mâm cơm chỉ vỏn vẹn có mấy con cá rô kho nằm cong queo trong nồi, một dĩa rau muống luộc “sáu phần sống, bốn phần chín” và một nồi cơm được nấu vội, nhưng ai nấy cũng “chén” ngon lành không khác nào được ăn cao lương mỹ vị.

 

Nhìn mọi người vui vẻ bên mâm cơn, anh Hà Thanh Sơn, Ban quản lý VQG U Minh Hạ, người dẫn đường cho chúng tôi, nói đùa: “Cầu trời cho năm nay không phải bị ám ảnh bởi ba từ “củ cải muối”. Anh Sơn bỏ lửng câu nói của mình làm cho chúng tôi cứ nhìn nhau mà mặt ai cũng “đơ” ra vì không hiểu chuyện gì.

 

Thấy những người lần đầu tiên lội rừng như chúng tôi có vẻ không hiểu, anh Sơn vội giải thích: “Số là bây giờ dù cho có thiếu thốn đến cách mấy cũng còn được ăn uống ngon hơn là khi có sự cố (cháy rừng - PV) xảy ra. Vì khi đó những người tham gia chữa cháy từ lãnh đạo cho tới "lính", tất tần tật ai cũng phải ăn cơm với củ cải muối lót dạ để mà còn kịp khống chế đám cháy, không để cháy lan”.

 

Mấy câu lý giải có phần hóm hỉnh về ba từ “củ cải muối” của anh Sơn làm cho chúng tôi bật cười mà trong lòng cảm thấy thán phục vô cùng. Tôi chợt nghĩ, để có được những cánh rừng già bạt ngàn như ngày hôm nay thì đã có không ít mồ hôi và nước mắt của nhiều thế hệ rơi xuống dưới từng gốc tràm.

 

Trong lúc tôi còn đang mường tượng ra cái khó, cái khổ của những người giữ rừng, thì anh bạn đi chung hình như đã nghiệm ra cái khổ của anh em nên kêu ồ lên: “Bây giờ tôi mới thấm được câu nói trồng được rừng đã khó mà muốn giữ được rừng càng khó hơn”.

 

Dẫn chúng tôi đi khảo sát thực tế quanh chốt canh Cây Rừa, anh Sơn cho biết: Ngay từ những ngày đầu mùa khô năm nay chúng tôi đã được phân công từng nhiệm vụ cụ thể, người nào có việc nấy nên anh em tự nói với lòng bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc.

 

Cũng như bao chốt canh khác ở VQG U Minh Hạ, chốt canh Cây Rừa có 5 nhân viên trong và ngoài biên chế đảm nhận nhiệm vụ túc trực và thay phiên nhau canh lửa 24/24. Anh Dương Thanh Đệ, chốt trưởng chốt Cây Rừa chia sẻ: “Chỉ có những người thật sự yêu rừng và quý rừng mới có đủ sức để chịu đựng những thiếu thốn mà lo bảo vệ rừng. Làm nhiệm vụ giữa đại ngàn phải thường xuyên chịu thiếu thốn về vật chất.

 

Nhưng cái đó thì ăn nhằm gì, quan trọng nhất là nỗi nhớ vợ con, vì có khi cả tháng trời mới được về thăm gia đình một lần. Đôi khi về bị bà xã cằn nhằn, nhưng khi nghe mình giải thích là vì lợi ích chung rồi bà nhà cũng hiểu. Tới lúc đó chưa kịp tâm sự được gì thì đã vội cơm nắm, khăn gói vào rừng làm nhiệm vụ”.

 

Cùng một số anh em leo lên tháp canh lửa tại chốt Cây Rừa, chúng tôi mới thấm thía hơn sự cực khổ của anh em làm nhiệm vụ tại đây. Tuy ở độ cao hơn 15 m, nhưng căn chòi nằm lơ lửng giữa khu rừng này rộng chỉ đủ mắc một chiếc võng, máy chòi được lợp bằng thiết nên độ nóng càng tăng lên.

 

Chúng tôi có cái cảm giác như mình đang ngồi cạnh lò lửa với nhiệt độ phải hơn 40 độ C. Theo lời anh Sơn, cái nóng ban ngày không đáng sợ bằng bị muỗi đốt vào ban đêm. “Ai ơi có nhớ xứ cạnh đề: Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh”, anh Sơn đưa mắt ra xa ngâm nga câu hát.

 

Dù đang trong ca trực, nhưng thấy có khách đến, ông Hai Thành (Trần Văn Thành, 48 tuổi) vừa đưa mắt quan sát khu rừng già trước mặt, nhựng miệng thì tiếp chuyện với khách không ngớt lời: “Tôi là dân sống trong vùng đệm Vồ Dơi (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) nhưng hơn 10 năm qua mỗi khi mùa khô đến tôi lại có mặt cùng anh em kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng.

 

Làm công việc này tuy cực mà vui. Cực là có khi đến nước, mì gói cũng thiếu để ăn, nhưng vui là khi mình kịp thời phát hiện và dập tắt đám cháy ngay khi nó mới bắt đầu manh nha”, ông Thành tự hào.

 

Chỉ tay xuống đám rừng già, ông Thành nói: “Năm nay khô hạn khốc liệt hơn các năm trước, hiện tại có nhiều kinh mương trữ nước trong lâm phần rừng tràm gần như đã cạn nước, nơi vồ cao phải đào sâu hơn 0,8 m nhưng vẫn chưa có nước. Nếu cái đà nắng nóng kiểu này kéo dài thì không lâu nữa kinh mương sẽ trơ đáy. Tới lúc đó anh em chúng tôi sẽ còn cực nhiều hơn”.

 


Trang thiết bị PCCR luôn sẵn sàng

 

Hỏi anh Sơn về cái khổ, cái khó và sự nguy hiểm khi tham gia chữa cháy. Không ngần ngại, không giấu diếm, anh Sơn nói: “Cực khổ lắm chứ không phải chơi. Mỗi khi có đám cháy là anh em phải băng rừng đào đất tạo thành hàng rào chắn khoang vùng đám cháy. Có khi bị đỉa, vắt hay kiến cắn cho sưng mình. Dù vậy, nhưng khi đó chẳng ai them nghĩ đến mà chỉ lo mỗi việc làm sao dập được lửa để cứu rừng”.

 

Anh kiểm lâm viên có gần 30 năm trong nghề PCCR này nhớ lại: “Còn nhớ đợt cháy lớn năm 2002 ở tuyến T25 thuộc Tiểu khu 70, lâm trường U Minh 3 (cũ). Để chữa cháy BCH phải huy động lực lượng và phương tiện của nhiều tỉnh thành lân cận. Lúc đó, BCH chỉ đạo cắt tuyến từ T26 lên 100 m theo tuyến T23-T29.

 

Tôi nhớ rất rõ lần đó lực lượng của Tiểu đoàn U Minh 2 nhận nhiệm vụ chữa cháy tuyến T96, đoạn T23 về T27. Do đám cháy quá lớn, tàn lửa bay ra hàng trăm mét làm đám rừng phía sau lưng của các chiến sĩ Tiểu đoàn U Minh 2 cháy lớn tạo thành một vòng tròn bao bộc. Hàng trăm chiến sĩ phải tản ra tán loạn xuống kinh T96 tránh lửa chờ lực lượng tiếp cứu ra ngoài. Cũng may là anh em được đưa ra kịp thời, nhưng cũng có hàng chục người bị ngộp khói phải chuyển vào viện cấp cứu gấp”.

 

Lau vội giọt mồ hôi trên mặt, đôi mắt anh Sơn và những người có mặt rực niềm tin: “Nếu chúng ta đồng lòng và có ý thức PCCR tốt thì sợ chi”.

 
Giữ rừng bằng mọi giá

 

Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc VQG U Minh Hạ. “Để đảm bảo việc canh lửa 24/24 thì phải phân công anh em túc trực suốt. Mình là lãnh đạo muốn cho anh em nghe, thì mình phải làm gương. Dù ban đêm sương xuống khả năng cháy ít xảy ra nhưng mình cũng phải thức trắng đi thăm hỏi, động viên anh em. Chứ nếu mình vô ngủ khò thì nói ai nghe”. Vị giám đốc này nói vui với chúng tôi như thế.

 

Theo ông Nguyên, ở thời điểm hiện tại thời tiết có nắng nóng gây gắt, nhiệt độ tăng cao, lượng nước trên rừng và dưới lòng kinh xáng bốc hơi nhanh, làm cho diện tích rừng bị khô hạn tăng nhanh. Nguy cơ cháy ở cấp 4, cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 

“VQG U Minh Hạ có tổng diện tích tự nhiên 8.527,8 ha là hệ sinh thái rừng tràm ngập nước trên nền đất than bùn với cây tràm chiếm ưu thế, là nơi hội tụ nhiều loài động thực vật tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng tràm U Minh. Chính vì vậy VQG U Minh Hạ có tầm quan trọng rất lớn về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử và an ninh - quốc phòng. Do đó việc PCCC là nhiệm vụ then chốt trong thời điểm này”, ông Nguyên nói.

 

Ý thức PCCR được lạnh đạo VQG U Minh Hạ quán triệt từ đầu mùa khô năm 2013 nên tới thời điểm hiện tại trên lâm phần rừng tràm do vườn quản lý chưa để ra vụ cháy nào. Đơn vị đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân theo từng cụm để triển khai kế hoạch PCCR. Các dụng cụ PCCR như máy móc, thiết bị luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng, nhằm thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.

 

Ngoài ra, việc tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng PCCC rừng cũng là yếu tố được ban lãnh đạo VQG U Minh Hạ chú trọng. Đồng thời đơn vị đã xây dựng xong quy chế phối hợp giữa 10 đơn vị giáp ranh trong công tác PCCR. Xây dựng lực lượng dân cư vùng đệm 382 lực lượng, lực lượng trực trong ngày lên đến 126 người.

 

Với sự quyết tâm giữ rừng của các cấp lãnh đạo tỉnh Cà Mau và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của quần chúng nhân dân. Hy vọng rằng rừng tràm ở U Minh Hạ sẽ bước qua mùa khô năm nay trong niềm vui toàn thắng.

Theo NN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Căng thẳng canh rừng U Minh mùa khô hạn

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

(Tin Môi Trường) - Nhận định xu thế thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Miền Bắc khả năng có rét đậm vào khoảng 28 tháng chạp và duy trì nền nhiệt thấp đến những ngày chính Tết.

Tin Môi Trường
 Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 8/12, một trận động đất có độ lớn 3.8 đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; không gây thiệt hại về người và tài sản.

VACNE 30 năm
 Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI