Hôm qua, liên tiếp xảy ra hai trận động đất. Đây là trận động đất thứ 10 và 11 xảy ra trong vòng 5 ngày qua. Nâng tổng số các trận động đất khu vực này hơn 1 năm qua lên trên 60.
Những kết quả trên cũng cho thấy, mật độ rung chấn khu vực này ngày một "dày" hơn và cường độ mạnh hơn. Hiện tượng này không thể gọi là bình thường mà là bất thường. Và, hãy đặt mình vào vị trí người dân sống trong khu vực này, chắc chẳng mấy ai có thể... yên tâm.
Được biết, công trình thiết kế có thể chịu được động đất cấp 8, tương đương 6 độ Richter, rung chấn cường độ mạnh nhất tại địa phương (cho đến nay) mới 4,2 Richter nên các nhà khoa học khẳng định là đập vẫn an toàn.
Nhưng người dân lại không nghĩ như các nhà khoa học. Họ lý luận một cách đơn giản: Nếu có một trận động đất cấp 6 đập vẫn trụ được nhưng động đất nhỏ lại xảy ra liên tục nó lại khác. Kiểu như người nông dân lắc lắc nhiều lần để nhổ cái cọc, hoặc như người đập đá, dùng búa đập không mạnh nhưng liên tục thì (sự cộng hưởng) tảng đá cứng mấy cũng phải vỡ ra. Đó là lập luận dựa vào thực tế đời sống và không phải là không có lý, thậm chí nó đầy tính... khoa học!
Ấy là chưa kể, VnExpress.net dẫn lời GS Cao Đình Triều cho biết:
"Khu vực này có thể xảy ra động đất mạnh nhất đạt xấp xỉ 5,5 đến 6,1 độ Richter. Nếu trận động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn tác động trực tiếp vào thân đập rất nguy hiểm. Động đất kích thích diễn ra thường xuyên có thể gây biến đổi môi trường của đới đứt gãy đã có trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như trượt lở đất, nứt sụt đất, lũ quét". Tức là, khu vực này có thể xảy ra động đất trên mức thiết kế đập thủy điện cho phép và nguy cơ tai biến địa chất luôn luôn rình rập.
Trước tình hình đó, chiều 6/9, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương báo cáo tình hình các rung chấn liên tiếp xảy ra tại H.Bắc Trà My trong những ngày vừa qua.
Công văn cũng nêu rõ, yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 3, Công ty thủy điện Sông Tranh khẩn trương kiểm tra, báo cáo tình hình an toàn, vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2, cung cấp các số liệu quan trắc động đất (qua hệ thống quan trắc của công trình) xảy ra cho UBND tỉnh Quảng Nam, UBND H.Bắc Trà My và các cơ quan hữu quan của tỉnh để theo dõi, chỉ đạo và thông tin chính xác đến người dân, giải tỏa tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân sống trong vùng.
Đoàn kiểm tra nào đến cũng khẳng định an toàn nhưng rồi hết đoàn này đoàn khác lại đến, người dân rất tinh ý và không khó để nhận ra. Các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý không thể trấn an suông khi thông tin chưa minh bạch và dứt khoát.
Người dân trong vùng thủy điện và khu vực hạ lưu chỉ cầu an, tỉnh báo cáo lên Chính phủ cũng là muốn được xử lý để dân an, tức là cũng cầu an. Khi ăn ở bất an thì nói gì đến chuyện làm ăn và phát triển kinh tế?
Lại có ý kiến rằng, sao chúng ta lại không thể hy sinh chỉ tích nước một mức vừa phải, phát điện ít tổ máy lại, chịu lỗ ở một công trình, lấy an toàn làm trọng vì dân?