Thứ tư, 22/01/2025, 04:49:36 AM (GMT+7)

Thư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi học trò về chống biến đổi khí hậu

(16:46:05 PM 21/09/2012)
(Tin Môi Trường) - Vấn đề bảo vệ môi trường Vườn quốc gia Nam Cát Tiên đã nóng lên nhân dịp đoàn chuyên gia của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đến làm việc tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên để thẩm định lại nội dung của hồ sơ đề cử VQG Các Tiên là di sản thiên nhiên thế giới (DSTNTG), TMT xin giới thiệu (trích) thư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi học trò về chống biến đổi khí hậu

>>Bảo vệ môi trường: Giải pháp của Phật giáo 

 

Một góc Nam Cát Tiên

 

 

Ngồi Giữa Gió Thu

 

Bích Nham vào mùa Thu rất đẹp. Rừng núi điểm tô bằng lá thu đủ cả mọi sắc màu. Ngày hôm nay, bắt đầu vào 11giờ sáng, thiền sinh khắp nơi sẽ bắt đầu có mặt cho một khóa tu với chủ đề Ngồi Giữa Gió Thu. Số người muốn ghi tên rất đông nhưng tu viện không thể tiếp nhận được hết, phải từ chối hàng trăm người. Các thầy, các sư cô và các Phật tử cư sĩ trong ban tổ chức cảm thấy lòng áy náy, nhưng không biết làm sao. Đây là khóa tu lớn đầu tiên của thiền viện Bích Nham của Làng ở tiểu bang Nữu Ước. Ai cũng muốn đến tu tập với tăng thân, đồng thời “coi mặt” tu viện mới.

 

Time Magazine trực tuyến

 

Trưa hôm 9 tháng 10 năm 2007, tạp chí Time Magazine có đến phỏng vấn Thầy về những biến cố ở Miến Điện và về vấn đề hâm nóng trái đất. Buổi phỏng vấn truyền hình sẽ được đưa lên trực tuyến. Về Miến Điện, Thầy có nói là các vị xuất gia bên ấy đã can đảm đứng dậy đưa đường chỉ lối cho toàn dân về vấn đề nhân quyền và dân chủ. Các vị đã tỏ ra xứng đáng là những người lãnh đạo tâm linh của đất nước. Đất nước và dân tộc không thể không có một chiều hướng tâm linh (spiritual dimension). Đời người cũng không thể thiếu vắng một chiều hướng tâm linh. Thiếu một con đường tâm linh, ta sẽ không có khả năng đối diện với khổ đau, chuyển hóa khổ đau và hiến tặng được gì cho cuộc đời. Người không có đường đi là người đi trong bóng tối. Có đường đi rồi, ta sẽ không còn lo sợ. Các thầy ở Miến Điện đã đưa đường chỉ lối cho đất nước, cho dân tộc của họ. Tuy họ đang bị đàn áp, tù đày hoặc giết chóc, nhưng tâm của họ rất an, vì họ đã làm được việc họ phải làm: cung cấp cho đất nước và dân tộc họ vai trò lãnh đạo tâm linh (spiritual leadership). Các vị đã làm xong nhiệm vụ của họ. Các tầng lớp dân chúng trong nước mỗi khi nghĩ đến các vị ấy là thấy lòng mình xúc động: chính năng lượng của tình thương và của niềm tin ấy sẽ là động lực nuôi dưỡng hành động của họ để mang lại nhân quyền và dân chủ cho đất nước họ. Thế giới đang yểm trợ Miến Điện, như thế giới đã từng yểm trợ cuộc tranh đấu của Phật tử và đồng bào Việt Nam trong những năm sáu mươi trong cuộc vận động tranh đấu cho dân quyền và tự do dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Không phải chỉ một Phật tử đứng lên mà toàn thể các Phật tử cùng đứng lên một lượt. Bây giờ ở Miến Điện cũng thế. Không phải chỉ một thầy đứng lên mà tất cả các thầy đều đứng lên. Đây mới thực sự là lãnh đạo tâm linh.

 

Thầy cũng đã nói thêm với tuần báo Time: Chúng tôi ở trên thế giới cũng đang trông chờ các nhà lãnh đạo tâm linh ở đất nước Hoa Kỳ đứng dậy để cung cấp cho dân chúng Hoa Kỳ sự lãnh đạo tâm linh ấy để tang tóc và đau thương có thể được chấm dứt sớm tại đất nước Iraq. Các vị nên cùng đứng lên một lượt với một tiếng nói rất rõ ràng để giúp cho dân chúng tỉnh thức và thấy được con đường đi. Cái thấy của dân đã tỏ, tâm ý của dân đã quyết thì chính quyền không thể không làm theo. Cuộc chiến ở Việt Nam đã được chấm dứt cũng nhờ sự thức tỉnh của toàn dân Hoa Kỳ lúc ấy... 

 

Kinh Tử Nhục

 

Về vấn đề hâm nóng trái đất, Thầy đã kể cho tạp chí Time câu chuyện cặp vợ chồng trẻ ăn thịt đứa con trai còn bé của họ, câu chuyện mà đức Thế Tôn đã kể lại trong Kinh Tử Nhục. Cặp vợ chồng trẻ này trên đường vượt biên tỵ nạn với đứa bé trai nhỏ tuổi đã phải đi ngang qua một sa mạc. Do thiếu kiến thức địa lý, họ đã lâm vào trường hợp hết lương thực khi mới vượt được nửa đường qua sa mạc. Họ biết là cả ba sẽ chết trong sa mạc, không còn hy vọng gì qua tới nước xin tỵ nạn. Cuối cùng họ quyết giết đứa con trai, mỗi ngày mỗi người ăn một miếng thịt của đứa con để có sức tiếp tục đi. Phần còn lại họ vác trên vai để phơi khô. Mỗi lần ăn xong một miếng thịt con, hai người nhìn nhau và hỏi nhau: đứa con thân yêu của chúng ta bây giờ ở đâu? Họ chảy nước mắt, đấm ngực và than khóc. Nhưng rồi cuối cùng họ ra khỏi sa mạc và được chấp nhận làm dân tỵ nạn ở đất nước mới. Sau khi kể câu chuyện thương tâm này, đức Thế Tôn nhìn các thầy và hỏi: Quí vị có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia cảm thấy hạnh phúc khi ăn thịt đứa con mình hay không? Các thầy đáp: Bạch đức Thế Tôn, họ cảm thấy rất khổ đau khi ăn thịt con. Bụt dạy: Này liệt vị, chúng ta phải tập ăn như thế nào để có thể gìn giữ được chất liệu từ bi trong trái tim chúng ta. Ta phải ăn trong chánh niệm. Nếu không, ta có thể đang ăn thịt của đứa con của chính mình.

 

Tổ chức UNESCO đã từng báo cáo rằng mỗi ngày có khoảng 40.000 trẻ em chết vì thiếu ăn hoặc thiếu dinh dưỡng. Trong khi đó thì bắp và lúa trồng ra ở Tây phương phần lớn là để nuôi bò nuôi lợn nuôi gà hoặc để làm rượu. Trên 80% số bắp và trên 95% số lúa mạch được sản xuất tại Hoa Kỳ là để nuôi súc vật để làm thịt. Súc vật ta nuôi để ăn thịt trên thế giới tiêu thụ số lượng thực phẩm tương đương với số thực phẩm để dành nuôi gần chín tỷ người (8.7 billion), nghĩa là nhiều hơn dân số thế giới.

 

Ăn thịt và uống rượu với ý thức ấy, ta sẽ thấy ta đang ăn thịt đứa con ruột của chúng ta

 

Để nuôi súc vật làm thịt ăn, loài người chúng ta đã sử dụng tới 70% diện tích đất nông nghiệp và 30% tổng diện tích bề mặt trái đất. Ngay ở Châu Mỹ La Tinh, 70% diện tích của các khu rừng đã phá là để làm đồng cỏ cho bò ăn. Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 29 tháng 11 năm 2006 cho biết rằng nuôi súc vật để ăn thịt tạo ra nhiều chất khí gây nên hiệu ứng nhà kính nhiều hơn những chất khí do tất cả xe cộ trên trái đất nhả ra[1] . Ông Henning Steinfeld, một viên chức cao cấp của tổ chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) cho biết là kỹ nghệ nuôi súc vật để bán thịt là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa tới cuộc khủng hoảng sinh môi hiện đại (“the meat industry is one of the most significant contributors to today’s most serious enviromental problems”). Gà, lợn và bò ở các trại chăn nuôi lớn nhả ra những khối lượng khí mê-tan (methane – CH4) vĩ đại, từ sự tiêu hóa và từ phân chúng thải ra. Các nhà khoa học cho biết là khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính hai mươi ba lần nhiều hơn khí các-bon-níc (khí CO2). Cơ quan Bảo Hộ Môi Trường[2] cho biết là chăn nuôi làm tiết ra khí mê-tan nhiều nhất ở Hoa Kỳ[3]. Ngoài khí mê-tan, lại còn khí đinitơ-oxít (Nitrous Oxide – N2O) mà hiệu năng nhà kính còn lớn hơn hiệu năng của chất khí CO2  tới 300 lần. Mà khí N2O, cũng theo bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, là do kỹ nghệ chăn nuôi gây ra. Nuôi bò, nuôi lợn, nuôi gà, chế biến thực phẩm từ sữa và trứng chịu trách nhiệm chế tác ra khoảng 65% tổng số khối lượng chất khí N2O trên toàn thế giới. Ngành chăn nuôi ở Mỹ thải ra một khối lượng khổng lồ phân thú vật, nhiều gấp 130 lần số lượng phân người trên thế giới, nghĩa là mỗi giây thú vật thải ra tới 97.000 pound phân. Các thứ phân này chảy ra sông hồ làm ô nhiễm nước uống tạo ra không biết bao nhiêu bệnh tật cho mọi loài. Như ta đã biết phần lớn khí N2O do phân chăn nuôi mà phát xuất. Ngành chăn nuôi đã tàn phá hàng trăm triệu mẫu rừng ở khắp nơi trên thế giới. Phá rừng là để trồng bắp, trồng lúa nuôi súc vật và để có đồng cỏ cho bò gặm. Khi rừng bị phá, những khối lượng khí COkhổng lồ chứa trong cây cối được nhả ra không trung. Nuôi súc vật để bán thịt cũng làm hao hụt nước của thế giới. Chỉ cần 25 gallon nước là đủ tưới và sản xuất 1kg lúa. Trong khi đó muốn chế tác 1kg thịt thì phải dùng tới 2.500 gallon nước.

 

Đúng như lời đức Thế Tôn dạy, chúng ta đang ăn thịt con cháu chúng ta, ăn thịt cha mẹ ta, ăn thịt cả hành tinh của chúng ta. Kinh Tử Nhục cần được đem ra cho cả loài người học hỏi và thực tập!

 

Tổ chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) khuyên ta nên hành động gấp (Urgent action is required to remedy the situation). Nghĩa là phải giảm thiểu ít nhất là 50% công nghiệp sản xuất thịt. Và như vậy nhân loại phải bỏ ăn thịt bớt 50%.

 

Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 29 tháng 11 năm 2006 cho biết rằng dù có giảm bớt 50% kỹ nghệ chăn nuôi thì ta cũng vẫn phải sử dụng những kỹ thuật mới để giúp cho phần kỹ nghệ còn lại ít gây ô nhiễm môi trường hơn, như chọn lựa thức ăn cho súc vật như thế nào để các thức ăn ấy không bị lên men nhiều trong đường tiêu hóa của súc vật. Chính sự lên men này tạo ra nhiều chất khí mê-tan nhất.

 

Phật tử chúng ta từ trên 2000 năm nay đã biết ăn chay. Chúng ta biết ăn chay là để nuôi dưỡng từ bi, từ bi đối với các loài động vật. Bây giờ ta biết thêm: ăn chay cũng là để bảo vệ trái đất, ngăn ngừa không cho hiệu ứng nhà kính gây nên thiệt hại nặng nề; trong tương lai không xa, khi hiệu ứng nhà kính trở nên trầm trọng, mọi loài sẽ chịu thiệt hại; hàng trăm triệu người sẽ chết, nước biển sẽ dâng lên tràn ngập hàng ngàn thành phố và đất đai canh tác. Nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo sẽ phát sinh và tất cả mọi loài đều sẽ phải gánh chịu.

 

Cả hai giới xuất gia và tại gia chúng ta đã thực tập ăn chay. Tuy số lượng các vị Phật tử cư sĩ ăn chay trường như giới xuất gia chưa nhiều bằng giới xuất gia nhưng ai cũng đã từng thực tập ăn chay hoặc 4 ngày/tháng (tứ trai) hoặc 10 ngày/tháng (thập trai). Thầy nghĩ rằng để cứu được hành tinh, bỏ ăn thịt là một hành động không khó khăn gì mấy. Giới tại gia nên dũng mãnh phát tâm ăn chay trường, ít nhất cũng ăn được 15 ngày trong mỗi tháng, đó là thập ngũ trai, theo lời khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc. Làm được như thế, ta sẽ thấy khoẻ trong người, ta sẽ có an vui và hạnh phúc ngay từ giờ phút phát nguyện. Trong các khóa tu năm nay tổ chức tại Hoa Kỳ, rất nhiều Phật tử Hoa Kỳ đã phát nguyện ngưng ăn thịt hoặc bớt ăn thịt 50%, đó là nhờ họ tỉnh thức được sau khi nghe được bài giảng về hiệu ứng nhà kính. Chúng ta hãy thương lấy đất Mẹ, thương lấy muôn loài, trong đó có con cháu chúng ta. Ta chỉ cần ăn chay là cứu được trái đất. Ăn chay ở đây cũng có nghĩa là không tiêu thụ những thực phẩm chế biến từ trứng và sữa bởi vì hai loại ấy là sản phẩm của chăn nuôi. Nếu ta ngừng tiêu thụ thì họ sẽ ngừng sản xuất. Chỉ có một sự tỉnh thức tập thể (collective awakening) mới tạo ra đủ ý chí hành động.

 

Tháng chạp 2007 này, tu viện Lộc Uyển sẽ có đủ 100% điện lực chế tác từ ánh sáng mặt trời để sử dụng cho tu viện. Các chùa thuộc Làng Mai ở Châu Âu và Châu Mỹ của chúng ta cũng đã thực tập mỗi tuần 1 ngày không sử dụng xe hơi và hàng ngàn thân hữu của chúng ta cũng đang thực tập theo. Chúng ta cũng đã bắt đầu sử dụng xe hơi bớt lại, sử dụng xe điện (electric car) và xe chạy bằng dầu thực vật. Những loại này có thể giúp ta giảm bớt 50% số lượng khí CO2. Mua một chiếc xe nửa xăng nửa điện Prius Toyota, ta giảm bớt được một tấn khí COmỗi năm, nhưng ta vẫn còn phải thải ra 50% khí ấy. Viện Đại Học Chicago cho biết: mỗi người ăn chay có thể ngăn ngừa khoảng 1.5 tấn khí CO2 không cho bốc lên khí quyển nhiều hơn một người ăn thịt. Các con thấy không? Chỉ cần ăn chay thôi là đủ cứu được trái đất. Mà ai trong chúng ta lại không có kinh nghiệm rằng ăn chay cũng rất ngon. Chỉ có những người chỉ quen ăn thịt mới không thấy được sự thực ấy.

 

Chiều nay khi khóa tu khai mạc, mọi người sẽ được báo tin là trong suốt khóa tu chúng ta sẽ không dùng các thực phẩm làm bằng sữa và trứng. Và tất cả các khóa tu sau này do chúng ta tổ chức đều sẽ như thế. Cố nhiên là các trung tâm tu học của chúng ta ở Á Châu, Âu Châu và Mỹ Châu cũng đều thực tập như thế. Thầy tin chắc thiền sinh sẽ hiểu và sẽ yểm trợ hết lòng. Để cứu đất Mẹ và muôn loài, sự thực tập của chúng ta hiện nay là giúp cho mọi người ý thức về hiểm họa trái đất hâm nóng. Ta biết nếu không có một sự bừng tỉnh tập thể thì trái đất và mọi loài không có cơ hội được giải cứu và cách sống hàng ngày của chúng ta phải chứng minh rằng chúng ta đã tỉnh thức.

 

Hôm 2 tháng 10 năm 2007, tại trường Đại Học San Diego (USD), Thầy có nói về đề tài lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng liên hệ tới hiểm họa trái đất bị hâm nóng. Số người vì lo sợ và tuyệt vọng mà sinh bệnh càng ngày càng nhiều. Họ thấy nếu con người cứ tiếp tục sống trong tham vọng, hận thù và mê ngủ như hiện nay thì trái đất và muôn loài không thể nào có được một cơ hội thoát khỏi hiểm nguy. Và sẽ có những người trong chúng ta chết vì tâm bệnh trước khi những hiểm họa kia đi tới. Trong buổi giảng, Thầy đã đưa ra phương pháp thực tập mà đức Thế Tôn chỉ dạy: nhìn nhận và chấp nhận sự thật mà đừng trốn tránh nó.

 

Các con biết là đức Thế Tôn từng dạy ta thực tập nhìn thẳng vào những hạt giống sợ hãi trong ta mà đừng tìm cách che phủ hoặc chạy trốn chúng: Tôi thế nào cũng phải già, phải chết, phải bệnh. Tôi không thể nào tránh được cái già, cái chết, cái bệnh. Những gì tôi trân quý hôm nay, những người tôi trân quý hôm nay một ngày mai tôi sẽ phải buông bỏ khi thân thể này tàn hoại, tôi không mang theo được gì hết, ngoài thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp của tôi. Đó là gia tài duy nhất mà tôi có thể mang theo. Thực tập chấp nhận được như thế, mình sẽ có bình an, mình sẽ có khả năng sống lành mạnh và từ bi, không còn gây đau khổ cho mình và cho người khác. Những người từng bị ung thư hay sida khi được bác sỹ cho biết là mình có các bệnh ấy và chỉ còn có 3 tháng hay nửa năm để sống, thường bắt đầu bằng thái độ phản kháng, phẫn nộ, phủ nhận, tuyệt vọng, không muốn chấp nhận sự thật. Nhưng một khi họ đã chấp nhận được sự thật rồi thì họ bắt đầu có bình an. Có được bình an, họ sẽ có cơ hội tập sống ‘sâu sắc’ từng phút giây của đời sống hàng ngày. Do đó họ có cơ hội sống lâu, có người sống thêm cả 15 năm. Như sư thầy Đàm Nguyện ở Hà Nội. Năm ấy, sư thầy qua Làng Mai với ý muốn được sống với Thầy và tăng thân vài tháng rồi sau đó sẽ về Hà Nội để chết. Vì bác sĩ bảo sư thầy chỉ sống được chừng 3-4 tháng nữa. Khi qua tới Làng Mai, các sư cô đề nghị sư thầy đi bác sĩ, sư thầy không chịu đi. Sư thầy nói không cần. Sư thầy đã chấp nhận cái chết của mình và đã hết lòng sống với tăng thân trong ba tháng từng giây, từng phút. Khi thị thực gần hết hạn, sư thầy chào tăng thân ra về. Một sư chị đề nghị sư thầy đi bác sỹ “khám chơi” cho biết. Sư thầy chiều lòng. Bác sỹ nói những di căn ung thư của sư thầy trong toàn thân đã rút về một nơi và sư thầy hiện đang rất khỏe. Và sư thầy đã về Hà Nội trong niềm vui. Hiện sư thầy vẫn còn sống ở Hà Nội và từ ấy đến nay đã là 14 năm.

 

Đức Thế Tôn dạy vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Nền văn minh hiện tại của chúng ta cũng thế. Trong lịch sử của Trái Đất, nhiều nền văn minh đã từng bị tiêu diệt. Nền văn minh hiện tại của chúng ta nếu có bị tiêu diệt thì đó cũng là theo luật vô thường. Nếu loài người cứ tiếp tục sống u mê và với lòng tham vô đáy như hiện nay thì sự tiêu diệt của nền văn minh này không còn xa nữa. Ta phải chấp nhận sự thật ấy, như là chấp nhận cái chết của chính chúng ta. Chấp nhận được rồi ta sẽ không còn bị đối kháng, phẫn nộ, phủ nhận và tuyệt vọng nữa. Ta sẽ có bình an. Có bình an rồi ta mới biết cách sống như thế nào để cho trái đất có một tương lai, ta mới tới được với nhau trong tình huynh đệ và sử dụng được kỹ thuật khoa học hiện đại mà ta đang có để cứu được hành tinh xanh yêu dấu. Còn nếu không thì ta sẽ bị tâm bệnh mà chết trước khi nền văn minh chấm dứt.

 

Mẹ ta, Trái Đất, hành tinh xanh, đã từng bị khốn khổ nhiều lần, đã từng khổ đau vì thấy đàn con dại dột. Chúng ta tàn phá đất Mẹ như một loại vi trùng tàn phá một cơ thể con người, vì đất Mẹ cũng là một cơ thể. Nhưng có những loài vi khuẩn rất thân hữu và có ích cho cơ thể con người. Hàng tỷ con như thế đang có mặt trong ta, nhất là trong hệ thống tiêu hóa; chúng giúp bảo vệ cơ thể và chế tác những sinh tố mà ta cần đến. Loài người có thể là những sinh vật có khả năng bảo vệ cơ thể đất Mẹ như thế, nếu loài người tỉnh thức, biết sống có trách nhiệm và từ bi. Đạo Phật ra đời là để ta học sống có trách nhiệm và từ bi. Ta phải thấy được tính cách tương tức, đồng sinh cộng tử giữa ta với đất Mẹ.

 

Đất Mẹ đã từng được tái sinh nhiều lần. Sau trận hồng thủy do hiện tượng hâm nóng trái đất gây ra, có thể chỉ còn một phần rất nhỏ nhân loại sống sót. Trái đất sẽ cần  trên 1 triệu năm để tái sinh và khoác lên một chiếc áo màu xanh lành lặn tươi đẹp khác, và một nền văn minh mới của loài người sẽ được bắt đầu. Nền văn minh ấy là hậu thân của nền văn minh chúng ta. Đối với con người, 1 triệu năm là lâu lắm, nhưng đối với trái đất, đối với thời gian địa chất (geological time), 1 triệu năm không có nghĩa gì; đó chỉ là một thời gian rất ngắn. Tất cả sinh diệt chỉ là bề mặt. Bất sinh bất diệt mới thật là bản chất của vạn pháp. Đây là giáo lý Trung Đạo của Bụt.

Thiền viện Bích Nham ngày 12 tháng 10 năm 2007

Thích Nhất Hạnh
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Thư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi học trò về chống biến đổi khí hậu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

(Tin Môi Trường) - Nhận định xu thế thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Miền Bắc khả năng có rét đậm vào khoảng 28 tháng chạp và duy trì nền nhiệt thấp đến những ngày chính Tết.

Tin Môi Trường
 Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

Động đất có độ lớn 3.8 tại Kon Plông, Kon Tum

(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 8/12, một trận động đất có độ lớn 3.8 đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; không gây thiệt hại về người và tài sản.

VACNE 30 năm
 Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

Khôi phục tầng ozone, giảm thiểu biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức, truyền tải các thông điệp bảo vệ tầng ozone tới cộng đồng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Dự báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt ngày 28/6/2023

Dự báo chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím và tiềm năng nhiệt ngày 28/6/2023

(Tin Môi Trường) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 28/6/2023, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao (6.6 - 9.7), riêng thủ đô Hà Nội và Cần Thơ ở ngưỡng cao (6.2 - 7.4).

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI