Thứ tư, 22/01/2025, 07:05:13 AM (GMT+7)

Đường xuân Mường Phăng

(14:35:32 PM 30/01/2014)
(Tin Môi Trường) - Mường Phăng là xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh (thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), nằm cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km. Từ lâu, tên gọi "Mường Phăng" đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân trong nước và vượt qua giới hạn không gian, Mường Phăng còn trở nên gần gũi với bạn bè quốc tế.


( Ảnh minh họa )

 

Tại mảnh đất này, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng cơ quan đầu não của quân đội ta - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ để làm nên một chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 


Trong không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc, sắc xuân đã hiển hiện, điểm tô, làm đẹp bản làng Mường Phăng. 

Cung đường hàng chục kilômét ngoằn ngoèo, uốn lượn qua nhiều đồi núi, men theo lòng hồ Pa Khoang dẫn chúng tôi về với mảnh đất lịch sử Mường Phăng. Trên đường, người dân tấp nập, hối hả nối đuôi nhau chở những cành đào rừng chi chít nụ ra thành phố. Trong hơi lạnh và sương sớm, các bản Xôm, Đông Mệt, Co Cượm… của bà con dân tộc Thái cứ hiện dần trong mắt chúng tôi. 


Bản Bua - “cửa ngõ” của miền đất lịch sử Mường Phăng thật ấn tượng bởi sắc vàng ấm áp của loài hoa dã quỳ đang bung nở khoe sắc, trải dài. Những nếp nhà sàn của bà con nằm san sát hai bên đường; khói từ các gian bếp tỏa lên hòa quyện cùng sương sớm thật ấm áp, tạo điểm nhấn yên bình cho bản làng. 


Tại bản cửa ngõ này, đã thành thông lệ, cứ mỗi độ hoa mận bung nở trắng muốt phía đầu hồi của từng chái bếp, hiên nhà thì bà con dân tộc từ các bản làng xa gần lại tập kết đào rừng về đây bày bán. Hàng trăm mét đường của trung tâm bản Bua đã trở thành “phố” đào rừng, thỏa sức lựa chọn cho du khách “xông đất” Mường Phăng. 


Chợ Trung tâm Mường Phăng những ngày cuối năm mang không khí đông, vui hơn ngày thường. Có mặt tại phiên chợ xuân, chúng tôi nhanh chóng “lạc” mắt trước cảnh nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Màu sắc thổ cẩm của trang phục người dân các dân tộc Mông, Thái mặc khi xuống núi, ra chợ cũng cuốn hút du khách. Vẫn là những sản phẩm, sản vật quen thuộc, đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt thường nhật của bà con dân tộc như quần áo, mật ong, lợn “cắp nách”, gà “chạy bộ”, rau cải mèo, dao, cuốc... nhưng phiên chợ thật ấn tượng. 


Rời xa khu vực Trung tâm xã, chúng tôi đến Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - một địa danh gắn với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các bản Phăng 1, Phăng 2 nằm trên con đường dẫn về Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ “hút” mắt chúng tôi bởi sắc vàng của những vườn hoa cải cuối vụ mà bà con để lại lấy giống mùa sau. Đó đây, trên các nóc nhà, bên cạnh hình ảnh chiếc Khau-cút (biểu tượng đặc trưng của nhà sàn dân tộc Thái), lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió sớm. 


Vẫn là cảnh sắc quen thuộc dưới những tán rừng của đại ngàn, nhưng khuôn viên tại các lán trong khu di tích sở Chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã gây sự chú ý đặc biệt đối với chúng tôi. Hệ thống lán như Lán Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Trạm gác tiền tiêu, Cơ quan thông tin, Lán tác chiến hội trường…tất cả đã được chỉnh trang, tu sửa gọn gàng, sạch đẹp. Đường hầm xuyên núi dài 69m, nối Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái được quét dọn sạch sẽ, hệ thống bóng điện được lắp đặt, thắp sáng. 


Theo anh Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Hàng năm, mỗi độ Tết đến, Xuân về, chúng tôi lại lên kế hoạch chỉnh trang, tu sửa di tích để phục vụ du khách tham quan. Năm nay, chào đón sự kiện trọng đại Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), ngành du lịch đã chỉnh trang, tu sửa hệ thống lán, đường mòn dẫn vào Khu di tích…với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Dịp này, du khách đến với địa điểm lịch sử Mường Phăng sẽ ấn tượng và cảm xúc hơn.


Chỉ tay về phía cây hoa đang bung nở những chùm hoa màu hồng phai nằm ở hành lang Khu di tích, anh Hoàng vui vẻ nói: “Du khách có thể ngắm hoa Anh Đào Indohigan Sakura của đất nước Nhật Bản trên chính mảnh đất lịch sử Mường Phăng, ngay tại di tích lịch sử này”. 


Theo anh Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng di tích và Cảnh quan môi trường Mường Phăng: Sắp tới, nhân Tết trồng cây, Ban quản lý di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng sẽ trồng hơn 300 cây Anh Đào ngay tại khu vực hồ Noọng Luông (xã Mường Phăng, người dân địa phương vẫn quen gọi là “Hồ Đại tướng”) để tạo cảnh quan và đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách khi đến với hồ”. 


Ông Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cho biết: Sau khi chia tách địa giới hành chính thành 2 xã Mường Phăng và Pa Khoang, xã Mường Phăng có diện tích tự nhiên trên 3.400ha; toàn xã có 26 đội, bản với trên 1.000 hộ dân, 3.600 nhân khẩu, thuộc 3 dân tộc Kinh, Mông và Thái sinh sống. 


Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Mường Phăng có nhiều khởi sắc, đã đạt 6 tiêu chí. Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên các mặt văn hóa, vật chất, tinh thần. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ trên 43% (năm 2011) xuống còn 30,5% (năm 2013); toàn xã có 9/26 bản, đội và hơn 900 hộ đạt danh hiệu văn hóa. 


Trong công cuộc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xã Mường Phăng cũng đã khôi phục được một số lễ hội truyền thống như lễ hội Xên bản, Xên mường, Cầu mưa. Các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn cũng đã phục dựng, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và trở thành thế mạnh của du lịch Mường Phăng. 


Trên con đường tới đỉnh Pú Huốt (núi Sừng Trời) - đỉnh cao nhất trong các ngọn núi của dãy núi Pú Đồn, bao bọc Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, ôm một phần lòng chảo Mường Phăng - nơi mà cách đây gần 60 năm, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội ta đã chỉ đạo xây dựng, đặt Đài quan sát, bên sườn đồi, những cây đào rừng đang bung nở, khoe sắc đón xuân mới. Khe suối Huổi Luông vẫn róc rách chảy góp phần tắm mát cho ruộng lúa của bà con dân tộc Thái các bản làng. Từ độ cao hơn 1.700m của đỉnh Pú Huốt nhìn xuống, không khí xuân đang tràn khắp bản làng Mường Phăng.

( TTXVN )
Từ khóa liên quan: Đường xuân, Mường Phăng
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Đường xuân Mường Phăng

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

Thu hồi chứng nhận kỷ lục của hồ Lắk

(Tin Môi Trường) - Viện Kỷ lục Việt Nam quyết định thu hồi chứng nhận kỷ lục "hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam" của hồ Lắk.

Tin Môi Trường
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

VACNE 30 năm
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ

(Tin Môi Trường) - Về thôn 2, xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), tận mắt ngắm nhìn cây cổ thụ-cây Đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2015 mới thấy được sự hùng vĩ của cây có tuổi đời trên 300 năm.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI