Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>TH True Milk: "Đầu độc" người dân bằng... phân gia súc?
>>Vụ "Đầu độc" người dân bằng... phân gia súc: Công ty CP sữa TH vi phạm Luật Bảo vệ môi trường?
>>TH True Milk có “truyền thống” đổ phân bẩn vào đầu dân?
>> TH True Milk: Không chỉ "đầu độc" người dân bằng... phân gia súc?
Các hố chôn bò đã được đào sẵn.
Ô nhiễm từ phân và xác bò chết
Ngọn đồi Cu lẳng, xóm Đông Lâm xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An) lổn nhổn đất đá cùng những vết bánh xe, vết đào xúc cũ mới. Trên đó, chỗ là hố phân ứ đọng thứ nước đen sền sệt đang bốc mùi đặc trưng, chỗ lùm lùm những nấm mồ chôn lấp sơ sài xác bò sữa, chỗ đã được “quy hoạch” đào sẵn các hố chôn chờ những chú bò xấu số tiếp theo đến “nhập khẩu”.
Cách đó không xa, là ruộng rau, vườn chuối và hồ nước sinh hoạt của xóm Đông Lâm. Ông Trần Ngọc Hòa - xóm trưởng xóm Đông Lâm đứng trên khu đồi ngán ngẩm nói: “Dân chúng tôi kêu nhiều lắm rồi, nhưng đến giờ vẫn chẳng thay đổi được gì. Phân bò vẫn thải ra ngày ngày, bò chết thì phải mang đi chôn…”.
Nói đoạn ông Hòa nhớ lại: khoảng 4 năm trước, quanh đây là bạt ngàn vườn cam, ruộng dưa… của bà con trồng trọt. Từ khi TH True Milk triển khai dự án chăn nuôi bò sữa. Khi những mảnh đất cuối cùng đã được ký giao – nhận, người dân nơi đây cũng mới chỉ nghĩ đến quang cảnh của những cánh đồng cỏ xanh mướt bao la, những trang trại với chú bò khoang đen trắng thay cho cây cam, bờ dưa nhà mình, mà không ngờ đến được cảnh tượng kinh hoàng ngày hôm nay.
Vẫn có khung cảnh thường thấy trong các chương trình quảng cáo trên tivi, nhưng những bãi phân ngập ngụa, tràn lan, và từng chú bò nặng hàng trăm ký thường xuyên được chở lên đồi, đào hố, quẳng xuống, lấp lại ngay bên hông nhà mình thì không thể nào tưởng tượng nổi.
Phân chảy thành dòng về hồ nước sinh hoạt xóm Đông Lâm.
Sống dưới “túi phân” khổng lồ
Khu đồi Cu Lẳng rộng lớn vài chục hec ta là nơi tập trung của tất cả các chất thải: phân bò, nước tiểu, xác bò chết… Điều đáng nói đây lại là khu vực cao nhất làng, và cách trung tâm xóm Đông Lâm chỉ khoảng gần 500m. Hai bên là con khe cạn dẫn nước chảy xuống hồ nước sinh hoạt của xóm Đông Lâm. Vậy là mùa nắng, bao nhiêu mùi xú uế theo gió bay thẳng về làng, ruồi muỗi không đếm đâu cho xuể.
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là những ngày mưa bão. Vẫn chưa thôi rùng mình khi nhớ lại cơn bão số 9, 10 năm 2013, anh Nguyễn Văn Hóa kể lại: “Năm ngoái, mấy hố phân này bị vỡ do mưa lớn, nước phân tràn ra ngoài chảy thành dòng đổ ào xuống nhấn chìm vườn tược, rau màu, ao cá của bà con, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ô nhiễm kinh khủng lắm”.
Trận lụt phân năm ngoái khiến cho bao nhiêu hoa màu hư hại, cá chết, đất đai phủ dày phân bò và tai hại nhất là tràn vào cả giếng nước sinh hoạt của dân. Cho đến bây giờ người dân vẫn phải lọc nước để ăn uống, tắm rửa chứ không dám sử dụng trực tiếp.
Các hố phân hiện đã được đắp lại, nhưng để khắc phục và đề phòng trường hợp vỡ bờ như đợt bão lụt năm ngoái, mỗi hố đều được khơi sẵn một cái rãnh, đắp bờ thấp hơn so với xung quanh, để nếu trời mưa to, nước phân dâng cao lên sẽ chảy qua rãnh ra ngoài. Chảy đi đâu thì ai cũng biết, nhưng miễn là không chảy ồ ạt khiến người dân trở tay không kịp và “tố tội” như năm vừa rồi.
Ông Trần Ngọc Hòa cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần họp và có đơn kiến nghị, phía công ty có cam kết, nếu bắt được lái xe chở phân tươi đổ ra bên ngoài thì ghi lại biển số xe, tên lái xe rồi báo với công ty, nhưng rồi đâu lại vào đó, không giải quyết được cái gì”.
Việc ô nhiễm từ phân bò vẫn chưa được giải quyết, người dân xóm Đông Lâm lại thêm phần khổ sở vì việc Công ty Cổ phần sữa TH đào hố chôn bò chết cũng ở khu đồi Cu Lẳng cao nhất làng này. Bên cạnh các hố phân bây giờ là khu “nghĩa trang” bò, với các hố chôn được đào sẵn thành hàng lối dài khoảng 2,5m, sâu từ 1,5 – 2m.
Ông Lê Xuân Nươm - Hội phó Hội cựu chiến binh xóm Đông Lâm nhìn dãy “huyệt” đào sẵn, lắc đầu nói: “Hầu như ngày nào cũng có bò chết, đợt nắng nóng có ngày hàng chục con. Khu vực này bây giờ là đất của công ty rồi, họ chôn là quyền của họ. Các hố đào đúng độ sâu quy định nhưng đất ở trên đồi là đất được bồi đắp, không có độ nén như đất nguyên khối, nên dù có được đào sâu đúng quy định khi chôn lấp, thì chó, mèo… cũng rất dễ đào bới lên. Hôm trước vừa chôn bò, hôm sau đã thấy những mảnh xương, thịt vương vãi lẫn lộn đất đá là chuyện không còn xa lạ. Hơn nữa, ban ngày đem bò đi chôn thì họ còn chôn đúng độ sâu, nhưng ban đêm thì ai biết, ai quản lý được”?
(Còn nữa)