Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nguy cơ là một loại thông tin rất khó truyền đạt. Bản chất của nguy cơ là xác suất. Diễn giải xác suất và hiểu xác suất như thế nào là một đề tài học thuật rất cổ điển trong giới triết học khoa học.
Có thể nói rằng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát: Xác suất có nghĩa là gì. Nhưng ai cũng đồng ý rằng xác suất mang tính bất định, và nhận thức này rất quan trọng để con người có thể sống thành công trong môi trường rủi ro.
Có hai cách mô tả nguy cơ: Cách mô tả theo tần số và cách mô tả xác suất chủ quan. Cách mô tả tần số có thể minh hoạ qua một ví dụ như sau: Nếu trong 1.000 phụ nữ sau mãn kinh, có 300 người bị loãng xương, thì tôi có thể phát biểu rằng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh là 30%.
Tương tự, nếu trong 100 vùng có động đất nhỏ xảy ra, và có năm trận động đất lớn xảy ra sau đó, thì xác suất hay nguy cơ động đất là 5%. Đó là cách hiểu nguy cơ theo trường phái tần số.
Trường phái này đòi hỏi nguy cơ phải có mẫu số (trong ví dụ trên là 1.000 người hay 100 vùng). Nhưng trong những biến cố hiếm như động đất thì chúng ta không có cái xa xỉ phải quan sát hàng trăm trường hợp để đưa ra một ước tính về nguy cơ - chúng ta đang nói về tính mạng của người dân chứ không phải con số!
Một loại xác suất khác khó hiểu hơn là loại xác suất biến cố đơn. Chẳng hạn như phát biểu: "Xác suất trời mưa ngày mai là 30%". Hay "khả năng động đất trong 12 tháng tới là 1%", được gọi là xác suất biến cố đơn (single event probability). Cách hiểu xác suất biến cố đơn có thể phức tạp, vì còn tuỳ theo cảm nhận.
Trong một nghiên cứu về cách hiểu nguy cơ, câu "Xác suất trời mưa ngày mai là 30%" được hiểu như sau: Một số người nghĩ rằng câu đó có nghĩa là 30% nơi trong thành phố sẽ mưa; một số khác hiểu rằng câu đó có nghĩa trời sẽ mưa trong hơn bảy tiếng (30% của 24 giờ).
Một số khác nữa thì hiểu câu đó có nghĩa trong vòng 100 năm qua, có 30 ngày trời mưa đúng vào ngày đó; lại có người hiểu một cách hài hước là trong số 100 nhà khoa học khí tượng tiên đoán trời mưa, có 30 người tiên đoán đúng!
Do đó, nếu nhà khoa học dự báo rằng: "Khả năng động đất trong vòng 12 tháng sắp tới là 1%" thì không mấy người có thể hiểu câu này nghĩa là gì (có khi chính người phát biểu cũng không hiểu!). Đối với người dân, họ cần biết có hay không có động đất (vì đây là biến cố đơn), còn xác suất 1% là một con số hay khái niệm khó hiểu.
Ngoài ra, còn có sự khác biệt về cảm nhận giữa người dân và giới khoa học.
Trong y khoa, nếu bác sĩ biết rằng một thuốc nào đó có hiệu quả giảm nguy cơ tiểu đường 50% nhưng cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư 1% (chỉ là ví dụ), và không nói nguy cơ ung thư cho bệnh nhân biết; nếu bệnh nhân mắc bệnh ung thư, bác sĩ có thể phải hầu toà.
Tương tự, đối với nhà khoa học, xác suất 1% động đất sẽ xảy ra cũng có nghĩa là xác suất 99% động đất không xảy ra. Và, họ có thể kết luận là an toàn.
Nhưng với người dân, cho dù là 1% thì khả năng vẫn có thể xảy ra cho dù khả năng thấp. Dù chỉ 1%, nhưng nếu xảy ra thì sẽ có tử vong, thương tích, thiệt hại cho tài sản của cả một cộng đồng. Do đó, chia sẻ thông tin về nguy cơ với người dân là rất cần thiết, nếu không muốn nói là nghĩa vụ của nhà khoa học.
Thủy điện Sông Tranh 2 |
Nói một cách triết lý, sống là chấp nhận rủi ro. Hàng ngày, ngay từ lúc chúng ta thức giấc, đến khi lái xe đi làm, và hít thở không khí đã là một sự chấp nhận những nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường chung quanh. Khi ăn uống, rủi ro càng cao hơn nữa.
Vấn đề do đó, không phải là xoá bỏ tất cả những rủi ro (vì không thể thực hiện được), mà là sống với rủi ro một cách sáng suốt. Điều đáng mừng là chúng ta, những "thường dân" dù chẳng có kiến thức khoa học cao siêu gì, nhưng lại rất thành công trong việc sống chung với rủi ro qua hàng ngàn năm.
Tại sao con người dù không có kiến thức khoa học gì cao siêu nhưng vẫn rất thành công trong việc sống chung với rủi ro? Một cách sống sáng suốt với rủi ro là xử lý thông tin đúng và hành động dựa vào chứng cứ.
Chứng cứ có khi không hẳn phải hoàn chỉnh, nhưng đủ để chúng ta quyết định. Do đó, cung cấp thông tin về nguy cơ trong xã hội hiện đại không chỉ là một nghệ thuật, mà còn là một khoa học: Khoa học về truyền đạt thông tin khoa học (science of science communication).
Giáo sư Daniel Kahneman, một nhà tâm lý học lừng danh từng được trao giải Nobel Kinh tế (2002), là một nhà khoa học về rủi ro. Ông bỏ ra hơn 40 năm nghiên cứu về nguy cơ và cách truyền đạt thông tin nguy cơ.
Trong cuốn sách mới xuất bản Thinking, fast and slow (tạm dịch: Suy nghĩ, nhanh và chậm), ông mô tả hai cơ chế mà con người sử dụng để cảm nhận thế giới chung quanh.
Cơ chế hai là suy nghĩ chậm, có ý thức, đòi hỏi nhiều thông tin và thông tin phải đầy đủ để quyết định. Cơ chế một là suy nghĩ nhanh và quyết định nhanh, dựa vào những thông tin chưa đầy đủ (như giọng nói qua điện thoại, thái độ người đối diện, ánh mắt của động vật, tín hiệu từ lòng đất...).
Cơ chế một áp dụng thông tin xác suất cho một biến cố, và phân nhóm khả năng biến cố này xảy ra thành ba nhóm: Không thể xảy ra, có thể xảy ra, và chắc chắn xảy ra.
Chính cơ chế suy nghĩ nhanh này giúp cho con người tồn tại thành công trong môi trường đầy rủi ro. Có thể nói rằng cách hành động của cư dân sống xung quanh con đập Sông Tranh 2 thuộc cơ chế này.
Dù người dân không hiểu gì về khoa học địa cầu hay vật lý, họ vẫn có thể dùng cơ chế một để ứng phó với tình thế. Liên quan đến kết quả dự báo và thực tế, chúng ta có thể nghĩ đến bốn tình huống với những hệ quả rất khác nhau.
Bốn tình huống đó là:
Dự báo động đất không xảy ra, và trong thực tế động đất không xảy ra. Đây là tình huống lý tưởng nhất. Khoa học thành công, người dân an tâm.
Dự báo động đất xảy ra, và trong thực tế động đất không xảy ra. Tình huống này phản ảnh sự thất bại của khoa học.
Dự báo động đất xảy ra, và trong thực tế động đất xảy ra. Tình huống này phản ảnh sự thành công của khoa học, nhưng tác hại đến môi trường, tài sản và thậm chí tính mạng người dân.
Dự báo động đất không xảy ra, nhưng trong thực tế động đất xảy ra. Đây là tình huống xấu nhất, nó phản ảnh sự thất bại của khoa học, và gây tác hại có thể nghiêm trọng đến người dân. Đây là trường hợp xảy ra ở thành phố L'Aquila đề cập ở bài "Nhà khoa học đáng bị mắng?".
Câu hỏi đặt ra là nguy cơ xảy ra tình huống bốn là bao nhiêu. Đối với những người bình thường (như người viết bài này), không có kiến thức chuyên môn về động đất, nhưng chúng ta có thể suy nghĩ theo lương năng bình dân (tức cơ chế một, nói theo Kahneman).
Lương năng bình dân dựa vào những tín hiệu, vì những tín hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định hành động. Bệnh không xảy ra một cách ngẫu nhiên, mà có yếu tố nguy cơ và dấu hiệu báo trước. Chẳng hạn như rung nhĩ là dấu hiệu báo trước nguy cơ tai biến mạch máu não gia tăng.
Tương tự, động đất xảy ra phải có nguyên nhân và tín hiệu báo động. Dù người dân không có khả năng thực hiện những phân tích toán học phức tạp để biết nguy cơ (khả năng) động đất là bao nhiêu, nhưng họ có thể đánh giá nguy cơ động đất cao hơn hay thấp dựa vào tín hiệu.
Những đợt địa chấn cho dù là nhỏ có thể là tín hiệu báo động rằng nguy cơ động đất gia tăng. Theo Kahneman, nếu nguy cơ gia tăng dù chỉ 10% cũng đủ để con người có hành động thích hợp. Hiểu như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự hoang mang và bức xúc của người dân sống chung quanh Sông Tranh 2.
Chia sẻ thông tin về nguy cơ với dân
Năm 1989, Hội đồng Quốc gia về nghiên cứu (Mỹ) công bố một báo cáo về cải tiến truyền đạt thông tin nguy cơ (risk communication). Trong báo cáo, hội đồng đề nghị cách truyền đạt thông tin một chiều (từ chuyên gia đến công chúng) nên thay thế bằng phương pháp truyền đạt mang tính tương tác cao hơn, như chia sẻ, trao đổi thông tin và ý kiến.
An toàn đã trở thành một trong những giá trị căn bản nhất của các xã hội hiện đại. Trong xã hội hiện đại, rất ít ai còn tin vào thần thánh, và không chấp nhận thiên tai hay động đất là do sự trừng phạt của một thế lực siêu thiên nhiên nào.
Theo quan điểm khoa học, mọi tai nạn, rủi ro đều có thể ngăn ngừa được. Người ta không chấp nhận quan điểm cho rằng những tai nạn và thương tổn không thể ngăn ngừa được. Người ta cảm thấy khó đương đầu với những sự bất an, một phần vì những tiến bộ vượt bậc do khoa học đem lại cho con người và xã hội.
Kiến thức khoa học càng tích luỹ nhiều chừng nào, những sự kiện ngẫu nhiên càng trở nên khó chấp nhận, nhất là sự ngẫu nhiên đó gây ra thương vong.
Theo nguyên lý phòng ngừa, rủi ro là một khiếm khuyết của xã hội đáng lẽ không nên tồn tại. Chính vì thế mà gần đây người ta cho rằng hai chữ "tai nạn" là một cái gì không phải đạo.
Ở Mỹ và Anh, giới y tế công cộng muốn loại bỏ từ "accident" (tai nạn) trong các danh mục bệnh tật, vì theo họ, "accident" thể hiện một cái gì vô trách nhiệm.
Năm 2001, tập san y học British Medical Journal tuyên bố họ sẽ tẩy chay danh từ "accident" trong tập san, vì ngay cả bão hay động đất là những sự kiện có thể dự báo được, và các nhà chức trách có trách nhiệm cảnh báo cho dân.
Đành rằng dự báo không thể chính xác tuyệt đối, nhưng cung cấp thông tin khách quan cho công chúng quyết định là trách nhiệm của nhà khoa học.
Nhìn như thế để thấy rằng trách người dân kém hiểu biết là không công bằng. Thật vậy, trong sự việc Sông Tranh 2, các nhà khoa học đã nói rằng động đất sẽ giảm nhưng trong thực tế lại tăng, tức là đã có "thành tích" dự báo không đúng.
Như một quan chức địa phương nói: "Đang ngồi họp với dân mà động đất làm rung chuyển cả nhà, rơi cả ly thì làm sao bảo họ bình tĩnh ứng xử hợp lý với động đất được". Với một "thành tích" như thế thì khó trách người dân sao không phó thác sinh mạng và tài sản cho những dự báo thiếu độ tin cậy cao.
Càng khó tin hơn khi nhà khoa học chưa cung cấp thông tin nào có thể làm cơ sở cho những nhận xét của họ.
Phát biểu cảm tính thì dễ, nhưng phát biểu có chứng cứ khoa học thì rất khó. Người dân khó được thuyết phục bằng những lời nói suông vô bằng chứng, càng không thuyết phục bởi những phát biểu nhân danh khoa học nhưng xúc phạm. Tuy nhiên, người dân sẽ cảm thấy thuyết phục bởi chứng cứ và thông tin thật.