(Tin Môi Trường) - Đó là khẳng định của LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM tại buổi tọa đàm "Ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư ở TP.HCM" do Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam (tinmoitruong.com.vn) tổ chức sáng ngày 29/03/2012 tại TP.HCM.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu đọc tham luận tại buổi tọa đàm
Để rộng đường dư luận, Tin Môi Trường xin giới thiệu đến bạn đọc chi tiết bản tham luận của LS Nguyễn Văn Hậu đọc tại buổi tọa đàm này:
Các quy định pháp luật về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Có thể nói các khoảng cách an toàn về môi trường được quy định rõ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Điều 37 LuậtBảo vệ môi trường quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
Trường hợp nước thải được chuyển về hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải tuân thủ các quy định của tổ chức quản lý hệ thống xử lý nước thải tập trung; Có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn và phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; Có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động…
Riêng đối với cơ sở sản xuất có chất dễ cháy, dễ gây nổ; phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người; gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước, gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép…thì không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.
Tùy theo mức độ và tính chất, khả năng gây ra ô nhiễm môi trường mà các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đặt trong khu dân cư hoặc biện pháp buộc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.
Về khoảng cách an toàn về môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư đã được quy định rõ và cụ thể tại Phụ lục 21 tiêu chuẩn, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động được ban hành kèm theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 10 tháng 10 năm 2002 về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động.
Ví dụ đối với cơ sở sản xuất nitơ và phân đạm thì phải cách xa 1000m tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất tới khu dân cư; hoặc đối với các nhà máy sản xuất bánh mỳ, nhà máy cưa, gỗ dán và đồ gỗ, xí nghiệp đóng tàu, thuyền bằng gỗ, nhà máy rượu, nhà máy xay, xí nghiệp thức ăn gia súc, nhà máy thịt và nhà máy ướp lạnh thịt...thì phải cách xa khu dân cư 100m tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất...
Về quy định các cơ sở sản xuất không được đặt trong khu dân cư thì tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay theo 200/2004/QĐ-UB của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc công bố danh sách các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung thì 17 ngành nghề như các ngành sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm lạnh, phèn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, sản xuất phân bón; Ngành tái chế, mua bán chất phế thải : giấy, nhựa, kim loại dầu nhớt cặn; Ngành tẩy, nhuộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan; Ngành luyện cán cao su; Ngành thuộc da…kể từ ngày 28/08/2004 thì cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước không được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung.
Đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục ngành nghề sản xuất, kinh doanh nêu trên đang hoạt động trong khu dân cư tập trung thì phải thực hiện kế hoạch di dời ra khỏi khu dân cư.
Tọa đàm "Ô nhiễm do sản xuất trong khu dân cư ở TP.HCM do Tin Môi Trường tổ chức
Thực trạng tuân thủ các yêu cầu về tuân thủ khoảng cách an toàn về môi trường của các cơ sở sản xuất trong khu dân cư
Các quy định của pháp luật về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư đặt ra cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư có rất nhiều nhưng trên thực tế vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà các quy định pháp luật trên chưa được thực hiện triệt để, nghiêm chỉnh.
Hiện nay vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất thuộc diện phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư vẫn nằm ngay sát cạnh khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh này đã gây ra cho người dân xung quanh rất nhiều thiệt hại, đặc biệt là về sức khỏe, tính mạng, tài sản và thường bị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, các bệnh về da...
Người dân xung quanh các cơ sở sản xuất này đã khiếu nại và tố cáo nhiều lần về hành vi vi phạm pháp luật môi trường của các cơ sở này nhưng đa phần đều không được giải quyết như mong muốn. Các cơ sở sản xuất này rất ít khi bị xử phạt cũng như buộc phải khắc phục hậu quả của vi phạm, trường hợp nào nghiêm trọng thì mới bị xử phạt…
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra các hành vi vi phạm về môi trường đối với các cơ sở sản xuất đặt trong khu dân cư còn nhiều yếu kém, lực lượng thanh tra về môi trường hiện này còn mỏng, chưa phát huy hết vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường. Một vấn đề quan trọng khác nữa là các đối tượng vi phạm hiện nay rất chây lì, thiếu ý thức bảo vệ môi trường, họ chỉ chú trọng tới lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua quyền lợi chính đáng, hợp pháp là có được môi trường sống trong lành của người dân xung quanh…
Sở dĩ có vấn đề này, một phần cũng vì công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của chúng ta hiện nay còn lỏng lẻo, nhưng nguyên nhân không kém quan trọng khác nữa là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật môi trường, ý thức tuân thủ và giữ gìn, bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Qua thực tiễn, tôi thấy rất ít các cuộc tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, phần lớn là không có hoặc có thì chỉ mới dừng lại ở dạng hình thức, phong trào; rất ít trường hợp, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường…
Chế tài và giải pháp
Về xử phạt hành chính, hiện nay chúng ta có Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/03/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này đưa ra các mức phạt rất nặng đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiêm môi trường.
Ví dụ đối với cơ sở sản xuất có hành vi gây độ rung vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với khu vực khu dân cư thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000; đồng trong thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.
Bên cạnh đó cơ sở sản xuất vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp giảm thiểu độ rung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…ngoài ra, các cơ sở này còn sẽ bị công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác
Người có hành vi vi phạm pháp luật môi trường còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 182 Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì “người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Người phạm tội gây ô nhiễm môi trường ở mức độ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm…
Chế tài của pháp luật đã có để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, từ xử lý hành chính đối với các trường hợp nhẹ, vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng cho đến xử lý hình sự khi hậu quả do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra nặng, nguy hiểm, vấn đề còn lại nằm ở khâu thừa hành và đưa pháp luật vào cuộc sống. Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện tốt khâu đưa pháp luật vào cuộc sống, từ bước đầu tiên là tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho đến khâu kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, có như vậy thì mới mong có được kết quả tốt.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005 thì khi bị hành vi gây ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu đối tượng vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình, do đó khi có thiệt hại phát sinh như về tài sản, sức khỏe, tính mạng…thì người bị thiệt hại cần nắm rõ các quy định của luật để yêu cầu đối tượng vi phạm bồi thường cho mình thông qua con đường khởi kiện hoặc tự thương lượng với đối tượng vi phạm. Trong vụ Vedan, vụ Sonadezi vừa qua, các doanh nghiệp này do hành vi vi phạm pháp luật môi trường đã buộc phải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho người dân.