- Trả lời: Cây chùm ngây có tên khoa học là Moringa Oleifera Lam, đã được biết và sử dụng từ rất lâu ở Ấn Độ, Hy Lạp, Ý… Ở Việt Nam, người dân ở Nam Trung Bộ từ lâu đã biết lợi ích của chùm ngây là dùng làm thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh.
Chùm ngây được xem như là cây thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao: 100g lá non chùm ngây có 6,35g protein (chất đạm); 1,7g lipit (chất béo), 8g gluxit (tinh bột); 3,75g chất khoáng, trong đó Phospho 50 mg; Kali: 216 mg; Can-xi: 123 mg; đồng, sắt, caroten..., và chứa nhiều hợp chất tự nhiên quý như: Zeatin, quercetin, anpha sitosterol, caffeoylqunic…
Lá và hoa chùm ngây có lượng vitamin C gấp 7 lần vitamin C có trong quả cam, gấp 4 lần can-xi và 2 lần protein có trong sữa, gấp 3 lần Kali có trong quả chuối.
Cây chùm ngây có tác dụng chữa được nhiều bệnh (rễ, lá) như: u xơ tiền liệt tuyến, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, làm giảm cholesterol máu, hạ đường huyết; ngoài ra chùm ngây còn có tác dụng ngừa thai. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không nên dùng chùm ngây có thể gây sảy thai.
Trường hợp mẹ của bạn do phẫu thuật tuyến giáp và đang xạ trị, cơ thể yếu mệt, ăn ngủ kém nếu không có điều kiện dùng các loại thuốc nâng cao sức khỏe đắt tiền như đông trùng hạ thảo, linh chi, nhân sâm… thì sử dụng chùm ngây là một biện pháp tốt.
Để nâng cao sức khỏe, chống mỏi mệt, giúp ăn ngon, ngủ ngon… có thể sử dụng chùm ngây dưới dạng món ăn đơn giản như sau:
150g lá non chùm ngây rửa sạch, thái nhỏ, 150g thịt nạc băm nhỏ hoặc thái chỉ (hoặc thay thế bằng tôm, tép, cá). Cho vào 750 ml nước nấu với thịt tới chín, nêm nếm gia vị vừa ăn. Sau đó đổ lá chùm ngây đã rửa sạch, thái nhỏ vào khuấy đều và bắc ra ngay (không đun lâu) để ăn như món canh. Cũng có thể nấu lá chùm ngây cùng với bí đỏ và đậu phộng giã nát, hoặc nấu canh suông với bột ngọt, nước mắm.
Rễ hoặc lá chùm ngây 100g rửa sạch cho vào nồi, đổ thêm 1,5 lít nước vào sắc kỹ. Chắt lấy nước uống thay nước hằng ngày.