»

Thứ bảy, 18/01/2025, 23:03:46 PM (GMT+7)

Việt Nam và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong mở rộng cần xoá bỏ thị trường ĐVHD trái phép

(19:17:53 PM 17/11/2016)
(Tin Môi Trường) - Ngày hôm nay, Hội nghị Quốc tế về chống Buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã (IWT) đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Nhân dịp này, WWF và TRAFFIC kêu gọi chính phủ VN và các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng mạnh tay hơn nữa, có lộ trình cụ thể để giải quyết tội phạm về động thực vật hoang dã trong đó bao gồm đóng cửa các thị trường buôn bán trái phép các loài hoang dã.

Tại Hội nghị Quốc tế về Chống Buôn bán Trái phép các loài Động vật, Thực vật Hoang dã (IWT), khai mạc ngày hôm nay tai Hà Nội, Việt Nam thông báo lộ trình cụ thể nhằm xóa bỏ mạng lưới buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các bộ phận của hổ. Việt Nam hiện cũng đang là tâm điểm của cộng đồng vì nạn tội phạm động thực vật hoang dã tràn lan. 

 

Việt[-]Nam[-]và[-]các[-]quốc[-]gia[-]Tiểu[-]vùng[-]sông[-]Mekong[-]mở[-]rộng[-]cần[-]xoá[-]bỏ[-]thị[-]trường[-]ĐVHD[-]trái[-]phép[-]

Ảnh minh hoạ: TL

 

Thứ 7 tuần trước, lần đầu tiên Việt Nam đã tiến hành tiêu huỷ ngà voi và sừng tê giác thu giữ được. Tuy nhiên, nỗ lực để xoá sổ thị trường động thực vật hoang dã trái phép hay truy bắt và truy cứu những đối tượng buôn bán trái phép sản phẩm động thực vật hoang dã vẫn còn rất hạn chế. Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan cũng thất bại trong việc đóng những nơi bày bán công khai các bộ phận cơ thể của hàng trăm loài nguy cấp.
 
Đây sẽ là tiêu điểm thảo luận tại Hội nghị cấp cao Hà Nội với sự tham gia của 54 quốc gia. Hội nghị sẽ xem xét tiến trình thực hiện cam kết chống lại tội phạm động thực vật hoang dã được đưa ra trước đó trong Hội nghị London 2014 và Hội nghị Kasane 2015.
 
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam phát biểu: “Việt Nam không thể tiếp tục làm ngơ cho tội phạm động thực vật hoang dã, vấn đề cả thế giới đang dõi theo. Tại hội nghị này, chính phủ cần thông báo kế hoạch cụ thể nhằm chấm dứt nạn buôn bán trái phép sừng tê giác và ngà voi, đồng thời đóng cửa tất cả các trang trại nuôi nhốt hổ. Tiêu huỷ ngà voi và sừng tê giác đã là một quyết định đúng đắn, và hội nghị này là cơ hội để Việt Nam phát động một chiến dịch quy mô chống lại loại tội phạm này. Các quốc gia khác thuộc Tiểu vùng sông Mekong cần đồng hành cùng Việt Nam: cam kết xoá sổ thị trường, đặc biệt tại khu vực Tam giác vàng.”
 
Được coi là điểm tập kết chính của các vụ buôn bán trái phép sừng tê giác, tháng trước, chính phủ các nước trên thế giới yêu cầu Việt Nam hoặc mạnh tay xử lý nạn buôn bán trái phép sừng tê giác hoặc phải đối mặt với lệnh trừng phạt thương mại trong khuôn khổ Hiệp ước Thương mại quốc tế về các loài động thực vật nguy cấp (CITES). Tuần này, Việt Nam tiếp tục chịu sức ép phải hành động bởi kiến nghị của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này cũng như từ hơn 225.000 cá nhân ủng hộ thư thỉnh nguyện của WWF-Hà Lan.
 
Để tỏ rõ quyết tâm của Việt Nam trong cuộc chiến chống buôn lậu ngà voi, tháng trước chính phủ đã bắt giữ 5 kiện hàng lớn cất giấu hơn 4,5 tấn ngà voi. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một đối tượng đứng đầu đường dây buôn bán trái phép ngà voi hay sừng tê giác nào bị khởi tố.
 
Bà Kanitha Krishnasamy, Quản lý cấp cao Chương trình của TRAFFIC tại Đông Nam Á cho biết: “Việc bắt giữ lượng ngà voi lớn cho thấy các nỗ lực thực thi pháp luật đã có hiệu quả. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy luật pháp Việt Nam còn yếu, số lượng những vụ khởi tố cũng còn quá ít. Đây là nguyên nhân chính để các nhóm tội phạm có tổ chức vận chuyển số lượng lớn các sản phẩm từ động thực vật hoang dã bất hợp pháp qua đây. Thực thi pháp luật là một phần của giải pháp: Tại Hội nghị Hà Nội, các quốc gia tiêu thụ phải chứng minh họ đã thực hiện các cam kết quốc tế để xoá bỏ tận gốc nhu cầu sử dụng, là nguồn gốc của loại hình tội phạm này.”
 
Dù nỗ lực quốc tế đang gia tăng để đối phó với tội phạm này, khủng hoảng săn bắt trái phép và làn sóng buôn bán động thực vật hoang dã trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu giảm nhiệt – nguyên nhân chủ yếu là do nhiều quốc gia đã không thực hiện tới cùng cam kết của họ. Năm ngoái, tại châu Phi, có ít nhất 1.377 cá thể tê giác và khoảng 20.000 cá thể voi bị săn bắt trộm. Tê tê tiếp tục bị đưa ra khỏi Đông Nam Á và châu Phi với một số lượng lớn. Năm nay, Ấn Độ đã bị săn trộm 76 cá thể hổ, con số cao kỷ lục kể từ năm 2010. 
 
Bên cạnh việc cập nhật những tiến độ đạt được sau một loạt các hội nghị quốc tế về chống buôn bán động thực vật hoang dã trái phép bắt đầu từ năm 2014, các nước tham gia hội nghị lần này sẽ thông báo lộ trình chi tiết thực hiện cam kết với với thời gian cụ thể và đẩy mạnh cuộc chiến chống lại tội phạm động thực vật hoang dã trên qui mô toàn cầu.
 
Đặc biệt, WWF và TRAFFIC sẽ kêu gọi các nước xoá sổ thị trường ngà voi và chợ đen buôn bán động thực vật hoang dã, đóng cửa các trại nuôi nhốt hổ, đồng thời tiến hành kế hoạch cụ thể chống lại nạn tham nhũng, tăng cường thực thi pháp luật, điều chỉnh khung pháp lý và tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực và thế giới.
 
Cùng với đó, chính phủ các nước cũng cần cam kết thực hiện những thoả thuận trong hội nghị CITES vào tháng 10 vừa qua bao gồm đóng cửa thị trường ngà voi trong nước, cấm buôn bán tê tê và vẹt xám, đề ra giải pháp giảm cầu và thoả thuận đẩy mạnh quá trình thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về Ngà voi - hạt nhân cho các nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi và săn bắt voi trái phép.  
 
“Bây giờ là lúc các chính phủ cần tiến hành các hoạt động cụ thể và ý nghĩa để giảm nạn săn bắt, buôn bán và nhu cầu sử dụng, nếu không chúng ta sẽ có nguy cơ mất đi nhiều loài động thực vật nguy cấp của thế giới”, ông Colman O Criodain, Trưởng phái đoàn WWF tham gia hội nghị cho biết. “Hội nghị Hà Nội là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam chứng tỏ quyết tâm của giới lãnh đạo và đưa ra thông điệp tới mạng lưới tội phạm tại vùng sông Mekong và quốc tế rằng thế giới đang chiến đấu hết mình chống lại tội phạm động thực vật hoang dã.” 

Tại hội nghị London, 41 quốc gia và Liên minh châu Âu đã phê chuẩn bản Tuyên bố London gồm 25 điều khoản bao gồm cam kết xoá bỏ thị trường chợ đen, tăng cường thực thi pháp luật, thực hiện khung pháp lý hiệu quả, thúc đẩy sinh kế bền vững và phát triển kinh tế với sự tham gia của cộng đồng địa phương.

 
Năm ngoái, 32 quốc gia và Liên minh châu Âu phê chuẩn thêm một số biện pháp tập trung giải quyết nạn rửa tiền và các khía cạnh tài chính của tội phạm động thực vật hoang dã. Các nước tham gia cũng đồng ý kêu gọi khối doanh nghiệp vào cuộc, đặc biệt các công ty vận tải và hậu cần để ngăn chặn hoạt động vận chuyển các sản phẩm động thực vật hoang dã trái phép.
PHƯƠNG KHANH /Tin Môi Trường
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Việt Nam và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong mở rộng cần xoá bỏ thị trường ĐVHD trái phép

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI