»

Thứ sáu, 01/11/2024, 00:25:51 AM (GMT+7)

Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai họp phiên thứ 9 Tin mới nhất

(17:52:42 PM 06/11/2015)
(Tin Môi Trường) - Ngày 6/11, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã họp phiên thứ 9 nhằm đánh giá tình hình triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai năm 2015 và kế hoạch năm 2016; tổng kết nhiệm kỳ 2013 - 2015 và triển khai kế hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2017.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cùng đại diện 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tham dự phiên họp.

 

Ủy[-]ban[-]Bảo[-]vệ[-]môi[-]trường[-]lưu[-]vực[-]hệ[-]thống[-]sông[-]Đồng[-]Nai[-]họp[-]phiên[-]thứ[-]9

Một góc Cù Lao Phố- sông Đồng Nai- Ảnh: TL


* Ô nhiễm vượt quá sức chịu đựng của dòng sông


Theo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, hiện nay trên lưu vực có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc, trong đó đầu nguồn là tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và hạ nguồn là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là một trong những khu vực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất của cả nước hiện nay. Trong đó, nguồn nước sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố trên lưu vực trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay hệ thống sông Đồng Nai đang cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu dân trong khu vực; cung cấp nguồn nước sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam .

Tuy nhiên, sức ép do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai ngày càng lớn. Hậu quả là nguồn nước mặt ngày càng gia tăng ô nhiễm, tập trung chủ yếu ở các đoạn sông chảy qua những khu đô thị, khu công nghiệp.Theo thống kê, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hiện nay mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 20 tấn BOD, 77 tấn COD, 1,6 tấn nitơ, 15 tấn chất rắn lơ lửng… từ nguồn xả thải các khu công nghiệp, nhà máy, khu dân cư.

Đại tá Dương Văn Linh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Cục C49) cho biết: Hiện nay các nguồn xả thải ra hệ thống sông Đồng Nai đang ngày càng gia tăng dẫn đến quá tải cho dòng sông. Hiện, riêng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh thành trên lưu vực sông Đồng Nai mỗi ngày xả thải ra sông Đồng Nai koảng 120.000 m3/ngày. Trong đó tập trung chủ yếu là các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, 400 làng nghề thủ công, hàng nghìn cơ sở chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh trên lưu vực mỗi ngày xả ra sông Đồng Nai khoảng 150.000 m3 nước thải. Nguồn nước thải sinh hoạt của hơn 10 triệu dân sống trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn là khoảng 992.000 m3/ngày đêm. Bên cạnh, khu vực này còn có 200 bệnh viện, 550 cơ sở y tế. Trong đó, 119 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố hiện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại các bệnh viện tuyến quận, huyện và các cơ sở y tế hầu như chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có xây dựng nhưng không đảm bảo quy chuẩn. Tất cả những nguồn nước thải y tế trên đều được xả thải ra sông Đồng Nai. Đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua môi trường nước.

* Tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi


Trên lưu vực sông Đồng Nai đã có nhiều dòng kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng như kênh Ba Bò, Kênh Tàu Hủ, kênh An Hạ, kênh Tham Lương, kênh Tam Hoá – Lò Gốm…Ngoài các hành vi xả thải của các nhà máy, khu công nghiệp thì hành vi chôn lấp, đổ thải chất thải nguy hại ra môi trường cũng là một nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm và nước mặt hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm.

Thời gian qua, Cục C49 cùng cơ quan chức năng các địa phương đã bắt quả tang và xử lý nhiều vụ về hành vi vi phạm môi trường. Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện những hành vi vi phạm môi trường tinh vi từ việc lợi dụng việc nạo vét luồng lạch, khai thác khoáng sản tận thu khiến hệ thống sông Đồng Nai phải "oằn lưng" chịu ô nhiễm. Trong đó, hoạt động khai thác cát, đá, đất sét chủ yếu ở khu vực hạ lưu hồ Dầu Tiếng trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh; khai thác quặng ở Lâm Đồng, Đắk Nông. Đặc biệt, nhiều đơn vị lợi dụng việc nạo vét luồng lạch, duy tu thuỷ điện, lòng hồ thủy điện để khai thác cát tận thu trên các tuyến sông. Các vi phạm này thường là nạo vét, bơm hút cát vượt độ sâu cho phép; nạo vét bùn đất ở luồng bên này rồi đổ sang luồng bên kia dòng sông. Từ năm 2013 đến nay, Cục C49 và Phòng PC49 của 11 tỉnh, thành trên lưu vực sông Đồng Nai đã phát hiện trên 2.100 vụ vi phạm về môi trường, xử phạt vi phạm hành chính trên 100 tỷ đồng, thu gần 300 tang vật phương tiện; chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố 15 vụ với 28 đối tượng.

* Bảo vệ sự phát triển bền vững của toàn vùng

Tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng: Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi truờng diễn ra trên các lưu vực sông, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt đổ ra môi trường gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đang diễn ra hàng ngày. Sông là nơi tiếp nhập tất cả những nguồn nuớc thải từ sinh hoạt đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Những hành vi này diễn ra ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến sức chịu đựng của các dòng sông đã quá tải.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, không thể chấp nhận vận đề ô nhiễm môi trường để đổi lấy phát triển bằng mọi giá. Mục tiêu của chúng ta đặt ra là tăng trưởng nhưng làm giảm sự tác động đến môi trường. Trong khi đó những mâu thuẫn lợi ích tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở các địa phương còn nhiều bất cập; mâu thuẫn về kỹ thuật bảo vệ môi trường còn lạc hậu; mâu thuẫn về lợi ích của các địa phương trên lưu vực vẫn còn tồn tại. Do đó, thời gian tới cần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động kinh tế, hoạt động con người có tác động đến môi trường để bảo vệ dòng sông Đồng Nai.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với các thành viên Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai rằng, thời gian tới sẽ kiến nghị Chính phủ trong việc cấp phép nạo vét các luồng lạch trên hệ thống sông phải có sự giám sát, tham gia của nhiều bộ và địa phương thay vì chỉ giao cho Bộ Giao thông Vận tải như hiện nay.

Tại phiên họp, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đã thống nhất, thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang là những địa phương nằm trong tiểu lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai và sông Vàm Cỏ có quy chế phối hợp thống nhất trong quản lý, khai thác và bảo vệ vì cùng sử dụng nguồn nước trong các tiểu lưu vực sông.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai cho rằng, thời gian tới cần phát huy hơn nữa sự phối hợp giữa các địa phương mang tính liên vùng để cùng chia sẻ lợi ích và chung tay bảo vệ hệ thống sông Đồng Nai. Các địa phương phải thể hiện quyết tâm, bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai cũng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và của toàn vùng.

Tại phiên họp này, cương vị Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Đồng Nai cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chuyển giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trong nhiệm kỳ thứ ba (2015 – 2017).

Sỹ Tuyên
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai họp phiên thứ 9

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI