»

Chủ nhật, 19/01/2025, 03:40:05 AM (GMT+7)

Thông báo về Lễ tang GS. TS. Mai Đình Yên

(12:15:47 PM 02/01/2020)
(Tin Môi Trường) - GS. TS. Mai Đình Yên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nguyên Giảng viên cao cấp, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Động vật có xương sống, Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bộ môn Động vật học và Bảo tồn, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) do tuổi cao sức yếu đã từ trần vào hồi 17 giờ 45 phút ngày 31 tháng 12 năm 2019 (tức ngày 06 tháng 12 năm Kỷ Hợi hưởng thọ 87 tuổi.

 Thông[-]báo[-]về[-]Lễ[-]tang[-]GS.[-]TS.[-]Mai[-]Đình[-]Yên

GS. TS. Mai Đình Yên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nguyên Giảng viên cao cấp, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Động vật có xương sống, Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bộ môn Động vật học và Bảo tồn, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) -  Ảnh: Tư liệu 
 
Lễ viếng từ 8h00 đến 10h00 ngày 03/01/2020 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy Hà Nội (đường Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), lễ truy điệu được tổ chức vào hồi 10h00 cùng ngày, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang Yên Kỳ, Ba Vì, Hà Nội.
 
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trân trọng kính báo và đề nghị các vị lãnh đạo, các tổ chức Hội và hội viên tập trung tại Nhà Tang lễ, cùng vào viếng lúc 8h30.
 
. GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Mai Đình Yên sinh năm 1933 tại Ba Vì, Hà Nội.
 
1956 – 1986: Chủ nhiệm bộ môn Động vật có xương sống, Khoa Sinh học (Đại học Tổng hợp Hà Nội).
 
1986 - 1989: Giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Tlemcen (Angieri).
 
2006: Được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ.
 
2010: Được trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 20 cuốn sách, giáo trình và có trên 100 bài báo viết về lĩnh vực động vật học, ngư loại học, sinh thái học… đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế.
 
GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Mai Đình Yên hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Giáo sư đã ra đi vào ngày cuối cùng năm 2019 để lại niềm tiếc nuối vô hạn cho Hội và những người hoạt động trong lĩnh vực sinh học, môi trường.
Tên tuổi của GS.TS Mai Đình Yên gắn liền với sự ra đời của hai ngành Sinh thái học và Môi trường học ở Việt Nam. Đặc biệt, những công trình nghiên cứu về các loài cá của ông được giới khoa học trong nước và thế giới đánh giá rất cao. Nhiều người đã ví ông là “cuốn từ điển sống về loài cá” của Việt Nam.
 
Năm 1964, tại một hội nghị khoa học ở Bắc Kinh (Trung Quốc), bản báo cáo khoa học mang tên “Khu hệ cá ở sông Hồng” của nhà khoa học trẻ Việt Nam Mai Đình Yên được trình bày trước các nhà khoa học thế giới và ngay lập tức nó đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học uy tín trên thế giới. Lúc đó, nhà khoa học trẻ Mai Đình Yên vừa bước sang tuổi 31. Từ bản báo cáo khoa học này, lần đầu tiên các nhà khoa trên thế giới mới biết và có được những cứ liệu chắc chắn về số lượng cũng như những giá trị đặc biệt của các loài cá trong hệ thống sông Hồng của Việt Nam.
 
Từ những thành công này, nhà khoa học trẻ Mai Đình Yên bắt đầu dấn thân sâu hơn vào con đường nghiên cứu về lĩnh vực môi trường và sinh thái học còn đầy mới mẻ và nhiều thử thách lúc bấy giờ. Bằng cách tự tìm tòi nghiên cứu, học tập, nhất là từ các nguồn thông tin khoa học tiên tiến trên thế giới, nhà khoa học trẻ Mai Đình Yên bắt đầu tiếp cận và khám phá ra nhiều vấn đề thú vị về môi trường và sinh thái học ở Việt Nam. Và cũng từ đó, ông liên tục có những công trình khoa học mới gửi đến các hội nghị quốc tế và được dư luận đánh giá cao.
 
GS.TS Mai Đình Yên kể rằng, vào những năm 50 – 60 của thế kỉ trước, Việt Nam chưa có ngành môi trường. Trong khi đó, ở phương Tây, người ta đã đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này. Vốn là một giảng viên chuyên ngành sinh thái học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), nên ông sớm ý thức được rất rõ vai trò, tầm quan trọng của yếu tố môi trường tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, ông nung nấu mong muốn Việt Nam sớm có một nơi đào tạo ngành này. Với suy nghĩ ấy, ông đã mạnh dạn lập một bản đề cương chi tiết trình lên Trường, rồi lên Bộ Giáo dục. Với những luận cứ khoa học thuyết phục, bản đề cương của ông đã được Bộ chấp nhận và quyết định giao cho trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập Khoa Môi trường. Kể từ đó, ngoài việc làm Chủ nhiệm bộ môn Động vật có xương sống của Khoa Sinh học, ông được nhà trường giao thêm nhiệm vụ giảng dạy cho các lớp sinh viên đầu tiên của khoa Môi trường.
 
Trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1975, để cổ vũ cho phong trào kháng chiến chống Mỹ đang lên cao ở miền Nam, tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, không khí học đi đôi với hành, đem kiến thức sách vở ứng dụng vào thực tiễn lao động sản xuất để phục vụ cuộc sống tại các trường đại học diễn ra rất sôi nổi. Vì thế, ngoài thời gian giảng dạy trên giảng đường, thầy Mai Đình Yên lại hăm hở cùng với học trò và đồng nghiệp lặn lội về các làng quê, các vùng rừng núi để nghiên cứu, xác định, phân loại các loài động vật quý hiếm của Việt Nam để đưa vào Sách đỏ.
 
Riêng với ngành Sinh thái học, ngay từ năm 1968, cuốn giáo trình “Sinh thái học động vật” của ông đã được coi như cuốn sách “gối đầu giường” của các thế hệ sinh viên Khoa Sinh học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuốn giáo trình vừa là “đứa con tinh thần” đầu tiên của cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông, vừa là cuốn sách mở đầu cho trào lưu tiếp cận với những kiến thức khoa học mới ngoài Liên Xô và Trung Quốc của giới khoa học Việt Nam thời bấy giờ.
 
Những năm tháng say mê nghiên cứu, ông đã cho ra đời nhiều công trình khoa học lớn được giới khoa học đánh giá cao như: “Ngư loại học đại cương”, “Cơ sở khoa học môi trường”, “Cơ sở sinh thái học”, “Cơ sở sinh lí sinh thái cá”, “Định loại các loại cá nước ngọt Việt Nam”, “Đời sống động vật”... Những công trình này đã góp phần đắc lực cho công tác phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam.
 
Với những đóng góp không biết mệt mỏi cho ngành sinh thái học và môi trường, năm 2006, ông đã vinh dự được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ, giải thưởng cao quý nhất dành cho những người có công hiến lớn cho ngành khoa học của Việt Nam.
 
Mấy chục năm gắn bó với giảng đường, lặng lẽ với công việc giảng dạy và nghiên cứu, phần thưởng dành cho GS.TS Mai Đình Yên không chỉ là những tấm bằng khen, là những danh hiệu cao quý, mà còn có cả sự tin yêu, kính trọng của các thế hệ học trò, bạn bè và đồng nghiệp. Đó chính là “tấm huy chương” đẹp nhất, sáng nhất gắn lên ve áo của một người thầy giáo, một nhà khoa học chân chính như GS.TS Mai Đình Yên, nhà ngư học hàng đầu của Việt Nam.
Hội BVTN&MT Việt Nam
Từ khóa liên quan: Thông báo, về , Lễ tang , Mai Đình Yên
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Thông báo về Lễ tang GS. TS. Mai Đình Yên

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI