»

Thứ bảy, 18/01/2025, 13:23:46 PM (GMT+7)

Thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên và xây dựng văn hoá môi trường hướng tới phát triển bền vững đất nước

(12:27:19 PM 25/11/2021)
(Tin Môi Trường) - Nhân sự kiện “Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021”, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có bài viết nhân sự kiện này., xin giới thiệu nội dung bài viết của Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
 
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN
 

Thay đổi cách thức đối xử với thiên nhiên - văn hóa môi trường hiện nay

 
Khái niệm văn hóa môi trường (VHMT) là sự kết hợp của 2 khái niệm văn hóa và môi trường. Bản thân khái niệm văn hóa, môi trường có hàng trăm định nghĩa khác nhau. Do vậy, tác giả không đi sâu vào các định nghĩa có tính “hàn lâm” về VHMT.
 
Trong các quan niệm về văn hóa thường gặp các nội hàm về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, do vậy, VHMT cũng bao gồm cả VHMT vật thể và VHMT phi vật thể. Những điểm cốt lõi trong quan niệm về VHMT bao gồm các tri thức, chuẩn mực về đạo đức, theo đó con người có thể xây dựng, điều chỉnh cách ứng xử, hành vi của mình trong quan hệ với thiên nhiên, với môi trường xung quanh. Các quan niệm, tri thức và chuẩn mực được tích lũy, kế thừa, hoàn thiện trong thực tiễn theo suốt chiều dài lịch sử phát triển của xã hội loài người, được cụ thể hóa theo thời gian và không gian, được biểu hiện trong cuộc sống thông qua lối sống và cách ứng xử với thiên nhiên.    
 
Như một nội dung cơ bản của VHMT, việc nhận thức về thiên nhiên có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến cách ứng xử của con người với môi trường. Nếu coi môi trường là vô hạn, thì sẽ ra sức khai thác mà không phải lo lắng gì. Nhưng thực tế cho thấy, môi trường là có hạn, Trái Đất rất mong manh, thì phải chú ý giữ gìn, luôn tính toán được - mất. Con người phải nhận thức được, dù đòi hỏi là cả một quá trình về những hạn chế của Trái Đất, tính hệ thống và từng thành phần của môi trường và tác động giữa chúng. Con người phải đánh giá và nhận thức được những chiều hướng, xu thế diễn biến của môi trường, dự báo được khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên trong đời sống con người. Cao hơn, con người phải nhận thức mối quan hệ đạo đức giữa con người và thiên nhiên, về ảnh hưởng của các lối sống, hành vi ứng xử của con người với thiên nhiên.    
 
Để xây dựng một nền VHMT tiên tiến, hiện đại trên cơ sở kế thừa các yếu tố văn hóa tích cực của các giá trị văn hóa dân tộc trong quá khứ, làm nội lực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới, nhất thiết phải có những chuyển biến cơ bản, chiến lược từ quan niệm, nhận thức đến các hành vi ứng xử với thiên nhiên, môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức mới – đạo đức môi trường trong một xã hội thân thiện môi trường, lấy phát triển xanh, phát triển bền vững làm một trong các đích hướng tới.    

Xây dựng văn hóa môi trường tiên tiến – hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam
 
Thay[-]đổi[-]cách[-]ứng[-]xử[-]với[-]thiên[-]nhiên[-]và[-]xây[-]dựng[-]văn[-]hoá[-]môi[-]trường[-]hướng[-]tới[-]phát[-]triển[-]bền[-]vững[-]đất[-]nước
 Cận cảnh 2 gốc bàng cổ thụ trong sô 53 cây bàng được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là "Cây di sản Việt Nam" (Ảnh: Trần Linh)
 
Đề cao vai trò đạo đức môi trường – nền tảng tư tưởng của VHMT tiên tiến trong xã hội.
 
Đạo đức môi trường là một lĩnh vực mới xuất hiện, có lẽ cùng thời kỳ với việc hình thành quan niệm phát triển bền vững. Theo nhiều nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam những năm gần đây, có nhiều khuynh hướng khác nhau lý giải về đạo đức môi trường như khuynh hướng duy sinh vật, duy sinh thái, sinh thái học bề sâu… Điểm thống nhất giữa các khuynh hướng này là việc coi đạo đức môi trường là một nền đạo đức mới, cao hơn đạo đức truyền thống mang đậm tính vị kỷ nhân loại. Ngược lại, khuynh hướng sinh thái học xã hội lại chỉ coi đạo đức môi trường là một trường hợp đặc thù của đạo đức truyền thống trong hoàn cảnh hiện nay.    
 
Đạo đức môi trường là một phương diện của đạo đức chung, thể hiện và thực hiện đạo đức của con người, trong quan hệ giữa con người và tự nhiên. Thể hiện tinh thần này, tháng 6/1997, Tuyên bố Soul về đạo đức môi trường đã được công bố, đánh dấu bước tiến bộ quan trọng về nhận thức BVMT sau Hội nghị Thượng đỉnh RIO về môi trường và phát triển năm 1992. Tuyên bố xác nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên trong một hệ thống.
 
Tuyên bố Soul đưa ra các nguyên tắc của đạo đức môi trường, bao gồm nguyên tắc xây dựng nền văn hóa tinh thần như một đòi hỏi về sự cân bằng giữa các mục tiêu vật chất và mục tiêu tinh thần mà loài người phấn đấu cho sự sinh tồn của mình. Nguyên tắc thứ hai là bình đẳng về môi trường giữa các quốc gia, các nhóm cộng đồng, mọi người và các thế hệ hiện tại và tương lai. Nguyên tắc thứ ba là xanh hóa khoa học và công nghệ. Cuối cùng, nguyên tắc quan trọng và rất cơ bản của đạo đức môi trường là chia sẻ trách nhiệm trong BVMT trong ứng xử với thiên nhiên và giữa các quốc gia, lĩnh vực, nhóm xã hội... Thực hiện nguyên tắc này là thước đo quan trọng hàng đầu đối với đạo đức môi trường. Trên thực tế, việc thực hiện công ước quốc tế, nghị định thư quốc tế, các vấn đề môi trường toàn cầu hoặc những vấn đề tương tự, điểm vướng mắc nhất là ở khâu phân định trách nhiệm của các bên. Việc cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, việc thực thi mục tiêu thứ ba của Công ước Đa dạng sinh học (tiếp cận nguồn gen và chia sẻ bình đẳng, hợp lý nguồn lợi thu được)... thường bế tắc và chưa biết đến lúc nào mới có thể được giải quyết thỏa đáng.
 
Không khó để có thể đưa ra hàng loạt dẫn chứng ở phạm vi quốc tế cũng như quốc gia, trong đó có Việt Nam về việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức môi trường trong lĩnh vực VHMT. Việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp về môi trường cũng thường xuyên gặp cách ứng xử thiếu VHMT. Ở các quốc gia khác cũng vậy, các nước phát triển tìm cách “xuất khẩu” ô nhiễm sang các nước kém phát triển hơn, chẳng hạn như việc đẩy công nghiệp phá dỡ tàu cũ, độc hại sang các nước Nam và Đông Nam Á. Đặc biệt, Mỹ là nước có tiềm lực kinh tế hùng mạnh, nhưng là nước duy nhất cho đến nay không phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học, không ký vào Nghị định thư Kyoto nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Các cơ sở sản xuất không chịu đầu tư xử lý chất thải theo quy định. Từng gia đình, mỗi người dân cũng không tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường cho chính mình. Sự kiện Bảo tồn Cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương
 
Theo Nghị quyết Trung ương số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã nhận định, thời gian qua, việc ứng xử với thiên nhiên đã được quan tâm, đã có chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong số các nguyên nhân chủ quan là chủ yếu của những hạn chế, yếu kém, thì nhận thức và tầm nhìn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa coi trọng phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, Nghị quyết số 24-NQ/TW đưa ra giải pháp chủ yếu hàng đầu là “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT”. Điều quan trọng là Nghị quyết đã đề cập tới nội hàm “hình thành các thiết chế văn hóa, đạo đức môi trường trong xã hội”, điều mà chúng ta đang bàn.
 
Xuất phát từ tình hình thực tế và các nguyên tắc cơ bản của đạo đức môi trường theo Tuyên bố Soul, nhiều tác giả đưa ra các chuẩn mực cơ bản cho đạo đức môi trường ở Việt Nam. Song song với các quy tắc, nguyên tắc và chuẩn mực sẽ được từng bước xác định, vấn đề đạo đức môi trường cần được nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn phấn đấu cho cá nhân, cộng đồng, tổ chức, lĩnh vực, ngành nghề, cho vùng, từng quốc gia và rộng hơn. Đây chính là phương sách, kế sách cơ bản, lâu dài, làm nền tảng cho sự thay đổi tận gốc rễ VHMT, chuyển đổi chiến lược phát triển từ không bền vững sang bền vững. Đây cũng chính là điểm khởi đầu quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
 
Khẩn trương xây dựng xã hội phát triển bền vững - điều kiện bảo đảm cho VHMT tiên tiến. Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống chung của cộng đồng là nguyên tắc đầu tiên để xây dựng xã hội phát triển bền vững. Đây cũng chính là nguyên tắc đạo đức đối với lối sống của con người. Cần phải chia sẻ công bằng, hợp lý những phúc lợi và chi phí trong việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên và BVMT của Trái đất giữa cộng đồng, cá nhân, giữa thế hệ hiện tại và mai sau.
 
Nguyên tắc bảo vệ tính đa dạng sinh học của Trái đất là nguyên tắc cơ bản tiếp theo để xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Toàn bộ các hệ sinh thái trên Trái đất tập hợp thành sinh quyển và các hệ thống nuôi dưỡng sự sống con người. Liên hiệp quốc xác định Thập niên 2011-2020 là thập niên Đa dạng sinh học với thông điệp rất rõ ràng về mối quan hệ mang tính hệ thống, lệ thuộc của sự sống trên Trái Đất.
 
Nguyên tắc quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững là phải thay đổi thái độ và hành vi của con người. Trước đây và ngay cả hiện nay, nhiều người trong chúng ta không biết cách sống bền vững. Sự nghèo khổ buộc con người phải tìm mọi cách để tồn tại như: phá rừng làm nương rẫy, săn bắn chim thú... đã gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, làm nghèo kiệt quỹ đất, suy giảm nguồn tài nguyên. Còn đối với những nước có thu nhập cao thì nhu cầu sử dụng tài nguyên ngày càng cao, quá mức chịu đựng của thiên nhiên, làm ảnh hưởng lớn đến các cộng đồng. Vì lẽ đó, con người nhất thiết phải thay đổi thái độ và hành vi của mình.
 
Sau cùng, cần đề cập tới nguyên tắc “Để cho cộng đồng tự quản lý môi trường của mình”. Môi trường là ngôi nhà chung, không phải riêng của một cá nhân, cộng đồng nào. Vì vậy, việc cứu lấy Trái Đất và xây dựng một cuộc sống bền vững phụ thuộc vào niềm tin và sự đóng góp của mỗi cá nhân. Khi nào nhân dân biết tự tổ chức cuộc sống bền vững trong cộng đồng, họ sẽ có một sức sống mạnh mẽ cho dù cộng đồng của họ là giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn.
 
Ở quy mô toàn cầu, Tuyên bố Stockholm tại Hội nghị của Liên hiệp quốc về “Con người và Môi trường” năm 1972, Tuyên ngôn RIO tại Hội nghị Thượng đỉnh “Môi trường và Phát triển” năm 1992 đã nêu thành nguyên tắc về ứng xử môi trường.
 
Muốn xây dựng một xã hội phát triển bền vững, Việt Nam cần phải dựa vào các nguyên tắc cơ bản nêu trên. Trên thực tế, Việt Nam tiếp thu và xây dựng một xã hội phát triển bền vững, trong đó bao hàm về VHMT đã được khẳng định tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về việc tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 về việc Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam).
 
Theo đó, Quyết định số 153/2004/TTg đã nêu 8 nguyên tắc phát triển bền vững của Việt Nam trong đó có nhiều nội hàm quan trọng của VHMT như phải bảo đảm “mọi mặt: kinh tế, xã hội và môi trường đều cùng có lợi”, “phát triển phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai”, “phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư và mọi người dân”... Như vậy, định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam cũng chính là định hướng đưa VHMT tiên tiến trở thành hiện thực ở xã hội Việt Nam. Mặt khác, chính VHMT tiên tiến góp phần chuyển hóa xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Ủng hộ các hành động, hành vi VHMT tiên tiến đang hình thành trong xã hội
 

Vẻ đẹp hùng vĩ của những cây bàng di sản tại Côn Đảo (Ảnh: Trần Linh)
 
Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 ban hành năm 2012 xác định: Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng thân thiện môi trường, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu giảm 8-10% phát thải khí nhà kính so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng trên GDP là 1-1,5% mỗi năm, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường. Chiến lược xem xét việc thực hiện định hướng “công nghiệp hóa sạch”, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, phát triển “công nghiệp xanh”, “nông nghiệp xanh” thân thiện môi trường, phấn đấu đạt 42-45% giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP.
 
Phù hợp với chiến lược trên rất nhiều hành vi hàm chứa đạo đức môi trường của VHMT tiên tiến đang được các doanh nghiệp, các cộng đồng, các ngành, các địa phương áp dụng trên thực tế. Phong trào Hành trình xanh - Go Green do hãng Toyota Motor Việt Nam (TMV) phối hợp với Tổng cục Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Giai đoạn đầu của Hành trình xanh nhằm tới các mục tiêu: Giáo dục nâng cao nhận thức và từ đó góp phần thay đổi hành vi đối với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, Chương trình cuộc sống xanh với mục tiêu thúc đẩy thanh niên Việt Nam hành động vì môi trường qua các hoạt động thiết thực nhằm kêu gọi tất cả mọi người hãy nâng cao ý thức BVMT sống của chính mình. Phong trào Kết nối bàn tay sinh thái cùng thế hệ xanh là chiến dịch do Mạng lưới Thế hệ xanh của Hà Nội phát động để hưởng ứng Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học - 2010, chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ngày Quốc tế hành động vì Khí hậu - Phong trào 350. Rất nhiều các chiến dịch khác như: “Giờ Trái đất”, “Hành tinh chuyển động”, “Tháng hành động vì màu xanh học đường”, “Mái trắng - Tường xanh”, Làm cho thế giới sạch hơn... đều hưởng ứng sự kiện về môi trường, biến đổi khí hậu để đưa ra những hành động hàm chứa đạo đức môi trường áp dụng cho từng đối tượng, từng cộng đồng cụ thể.
 
Vào năm 2010, nhân kỷ niệm Nghìn năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội và khởi đầu của Thập niên Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã có sáng kiến phát động sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”. Các cây được công nhận là Cây Di sản đã trở thành biểu tượng cho sự trường tồn và khả năng thích nghi tuyệt vời với môi trường thiên nhiên, tạo cảnh quan yên bình, hài hòa giữa con người và vạn vật, giữ gìn nền nếp yêu quý thiên nhiên, môi trường. Sự kiện được các cơ quan chính quyền, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá tích cực, coi là một nét văn hóa đặc sắc của nước ta, biểu hiện của VHMT tiên tiến mang màu sắc Việt Nam.
 
Nhằm góp phần xây dựng VHMT tiên tiến của Việt Nam, biến VHMT thành một động lực quan trọng xây dựng đất nước, tác giả xin kiến nghị 3 giải pháp đó là: Coi trọng đạo đức môi trường theo quan điểm hiện đại dựa trên Tuyên bố Soul về đạo đức môi trường; Khẩn trương xây dựng xã hội theo Định hướng phát triển bền vững đã được Chính phủ thông qua; Phát triển nuôi dưỡng, hoàn thiện và nhân rộng các hành vi, cách ứng xử chứa đựng đạo đức môi trường đang hiện diện trong xã hội.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh,- Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên và xây dựng văn hoá môi trường hướng tới phát triển bền vững đất nước

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI