»

Thứ năm, 31/10/2024, 02:20:51 AM (GMT+7)

Một đơn vị của VACNE đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động ứng phó sự cố môi trường đạt hiệu quả

(06:46:28 AM 25/11/2018)
(Tin Môi Trường) - Dù mới thành lập nhưng Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam của VACNE đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động ứng phó sự cố môi trường ở nhiều vùng miền trên cả nước, đạt hiệu quả cao.

Một[-]đơn[-]vị[-]của[-]VACNE[-]đã[-]ứng[-]dụng[-]công[-]nghệ[-]4.0[-]vào[-]hoạt[-]động[-]ứng[-]phó[-]sự[-]cố[-]môi[-]trường[-]đạt[-]hiệu[-]quả

Ảnh: TL 

 

Cụ thể, Trung tâm đã ứng dụng phục vụ cho: Thông báo khẩn cấp sự cố môi trường; Quan sát vệt dầu tràn; Trinh sát xác định đối tượng (đầu, hóa chất) gây sự cố để ứng phó hợp lý; Sử dụng dữ liệu khí tượng thủy văn trực tuyến để ứng phó nhanh, hiệu quả ngay khi sự cố vừa xảy ra và ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý các trạm ứng phó trên toàn quốc.  
 
Tiền thân là Công ty Cổ phần SOS Môi trường, trong những năm qua Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam của Hội BVTN&MT Việt Nam đã xử lý kịp thời, hiệu quả cho gần 90 sự cố môi trường (chủ yếu là sự cố tràn dầu và hóa chất) ở các vùng cửa sông và ven biền của nước ta. Có được kết quả này, là nhờ Trung tâm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai. Bằng cách xây dựng đội ngũ và phát triển mạng lưới các trạm ứng phó với đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng, sẵn sàng ở nhiều khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố ở nhiều vùng, miền. Đặc biệt, lãnh đạo Trung tâm rất quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động của  đơn vị, góp phần bảo vệ môi trường, tạo sự ổn định cho xã hội.
        
Nhiều người vẫn cho rằng: Thông báo khẩn cấp về các sự cố cháy nổ, tràn dầu, tràn hóa chất…nhanh nhất là gọi điện thoại. Nhưng thực tế, phương thức này có rất nhiều hạn chế, nhất là  sự mô tả chính xác về địa điểm (tọa độ), địa chỉ. Nhất là khi sự cố xảy ra trong rừng và trên biển. Không những thế, thời gian chờ nghe hết cuộc điện thoại thông báo sự cố và hướng dẫn đường đi…thường mất rất nhiều thời gian, thậm chí còn làm mất cơ hội cho việc ứng cứu. 
 
Vì thế, Trung tâm đã tập huấn cho cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp cách chia sẻ tọa độ (nơi xảy ra sự cố) bằng ứng dụng bản đồ cài đặt trong điện thoại thông minh để thông báo; đồng thời gửi video, hình ảnh hiện trường… qua các ứng dụng khác như Zalo, Viper, WhatsApp... để các chuyên gia đánh giá chính xác và đề xuất giải pháp ứng cứu tối ưu nhất. Câu chuyện về sự cố trượt ngã và dẫn đến cái chết (do ứng cứu quá muộn) của một du khách người Anh khi khám phá Phan xi păng vào tháng 6/2016 là một ví dụ. Nếu như tin nhắn chia sẻ tọa độ vị trí của nạn nhân được cô bạn gái cung cấp cho đội cứu hộ, thì Aiden đã không chết vì đói và lạnh. Trung tâm đã phổ biến rộng rãi ứng dụng này cho cán bộ, nhân viên của nhiều doanh nghiệp và địa phương, nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động ứng phó với các sự cố môi trường, đồng thời cũng có tác dụng: nâng cao kỹ năng sống cho cộng đồng. Dù chỉ một lần sử dụng công nghệ này thôi, cũng đủ giúp họ tự cứu mình, hoặc cứu người thân, trong những tình huống nguy hiểm.
       
Để chủ động ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển, Trung tâm thường sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) để quan sát phạm vi lan rộng của vệt dầu, thay cho phương pháp quan sát cổ điển bằng xuồng. Mỗi khi tiếp cận hiện trường, chỉ cần ít phút là các chuyên gia của đội ứng cứu đã có thể quan sát, bao quát được toàn bộ khu vực dầu tràn, cũng như hướng di chuyển, mức độ phân bổ các mảng dầu. Từ kết quả khảo sát này Trung tâm đã đưa ra chiến thuật ứng phó hợp lý nhất. Thiết bị drone với cấu hình đặc biệt theo đặt hàng, còn cho phép truyền trực tiếp hình ảnh tại hiện trường về Trực ban của Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt  Nam  tại Hà Nội.
 
Điển hình như sự cố tràn dầu ngày 24/6/2018, tại khu vực Hòn Nét (thuộc tỉnh Quảng Ninh) do một con tàu bị chìm gần bờ, sau khi bị một tàu khác đâm va. 
 
Sau khi nhận được thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban chỉ huy quân sự tỉnh đã phối hợp với Trung tâm, cùng triển khai lực lượng để khắc phục. Có mặt tại hiện trường đúng vào lúc mặt trời đang lặn và chuyển tối rất nhanh, nhưng lực lượng ứng cứu của Trung tâm đã sử dụng drone chuyên dụng (có độ nhạy sáng cao và tầm bay xa tới 8 km) để quan sát toàn bộ vùng lan loang của vệt dầu tràn. 
 
Nhờ đó, chuyên gia đánh giá chính xác phạm vi  lan tỏa, hướng đi của vệt dầu loang, loại dầu và lượng dầu thoát ra biển. Từ đó, họ quyết định: không sử dụng phao quây dầu thông thường, mà triển khai ngay phương án ứng phó chuyên biệt, rất hiệu quả và nhanh chóng ngay trong đêm đó.
 
Dù ai cũng biết, các phần mềm mô phỏng sự lan truyền của dầu tràn đã được đưa vào nhiều Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh và cấp cơ sở ở nước ta và trên thế giới. Nhưng để kích hoạt phần mềm này, bắt buộc phải các thông số xác định hướng gió, tốc độ gió, xác định hướng dòng chảy, tốc độ dòng chảy...Mà ngay lập tức, nơi xảy ra sự cố thì không có các thông số này. Vì thế, nhiều nơi đã có sáng kiến: mua phần mềm ứng dụng mô phỏng lan truyền dầu tràn với dịch vụ cung cấp dữ liệu khí tượng thủy văn trực tuyến liên tục (thay vì phải đo trực tiếp). Tuy nhiên, chi phí cho gói dịch vụ này sẽ không hề nhỏ, và cũng chỉ đưa ra mô phỏng thích hợp để áp dụng cho các sự cố tràn dầu lớn từ ngoài khơi, từ các giàn khoan và không thể đưa ra hình ảnh thực tế (qua drone chuyên dụng) như Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường của Hội BVTN&MT Việt Nam.
 
Tiếp cận hiện trường bằng việc sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa, các chuyên gia của Trung tâm có thể nhận biết được một số loại hóa chất thoát ra môi trường sau sự cố, hoặc các loại hóa chất bị sự cố phản ứng với nhau. Để từ đó, đưa ra quyết định: đưa các thành viên đội ứng phó vào tiếp cận hiện trường và tránh gặp nguy hiểm. Căn cứ vào kết quả trinh sát được từ hiện trường sự cố (kể cả khu vực lân cận và hướng gió...) chuyên gia sẽ xác định trang bị bảo hộ cá nhân, thiết bị chuyên dụng phù hợp và giải pháp ứng phó an toàn nhất. Với chế độ cài đặt đặc biệt, drone sẽ cung cấp chính xác thông tin về: hướng gió, tốc độ gió và hóa chất đang bay ở các tầng cao khác nhau, để các chuyên gia có thể tính toán khả năng lan truyền của hóa chất, trước khi đưa ra báo động, hoặc sơ tán cư dân trong vùng ở mức độ nào (xa hay gần) và theo hướng nào.
 
Mặc dù, dữ liệu khí tượng thủy văn trực tuyến đã được sử trong ứng phó sự cố tràn dầu rộng rãi và “lịch thủy triều” đã được in chi tiết cho từng khu vực biển, nhưng không phải ai cũng có thể mang chúng thường theo người. Vì thế, Trung tâm đã sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi thủy triều trực tuyến tương thích, xác định diễn biến của thủy triều ngay tại khu vực sự cố. Bởi việc xác định thủy triều đang lên hay đang xuống, tại thời điểm và khu vực xảy ra sự cố, rất quan trọng  cho việc quyết định phương án ứng phó, huy động lực lượng, trang thiết bị để cô lập, thu gom, khắc phục sự cố tràn dầu.
          
Công nghệ 4.0 cũng được Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam của Hội BVTN&MT Việt Nam đưa vào phục vụ cho công tác Quản lý các nhóm, các trạm ứng phó sự cố môi trường trong thời gian qua. Khắc phục được rất nhiều, những phát sinh thường xảy ra trong quá trình hoạt động ứng phó khẩn cấp sự cố môi trường. Dù thiết lập các nhóm riêng cho đội ứng phó của từng địa phương để tạo thế chủ động, nhưng vẫn có sự liên kết vùng rất chặt chẽ nhờ công nghệ 4.0. Khi Trung tâm tiếp nhận được cuộc gọi thông báo sự cố qua số hotline toàn quốc (ĐT: 18006558) và tất cả các cuộc gọi thông báo sự cố đều được ghi âm để làm căn cứ về việc huy động nguồn lực; đồng thời được lưu lại trên máy chủ. Khi đó, trực ban của Trung tâm sẽ chuyển ngay file ghi âm đó, đến các Trạm ứng phó gần nhất nơi xảy ra sự cố. Toàn bộ việc triển khai nguồn lực ứng phó, hướng dẫn lực lượng tại cơ sở triển khai ứng phó ban đầu, công tác chỉ huy hiện trường, truyền hình ảnh trực tiếp từ hiện trường, báo cáo kết quả xử lý, kết thúc hoạt động ứng phó/xử lý... đều được đưa tức thời lên nhóm. Trực ban hoặc chuyên gia của Trung tâm căn cứ vào hình ảnh truyền trực tiếp từ hiện trường có thể đưa ra các lệnh điều chỉnh chiến thuật ứng phó, hoặc thay đổi chủng loại, số lượng vật tư, thiết bị. 
                    
Trong suốt hành trình hoạt động ứng phó với gần 90 sự cố môi trường  những năm qua, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam còn cải tiến, chế tạo ra nhiều trang thiết bị phù hợp hơn cho hoạt động ứng phó, đưa ra nhiều giải pháp hay phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Vừa tiết kiệm, vừa ứng phó hiệu quả, trong đó có việc ứng dụng công nghệ số.
BTV - Hội BVTN&MTVN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Một đơn vị của VACNE đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động ứng phó sự cố môi trường đạt hiệu quả

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI