»

Thứ bảy, 23/11/2024, 12:02:23 PM (GMT+7)

Hội thảo chuẩn bị triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam Tin mới nhất

(10:41:57 AM 04/03/2016)
(Tin Môi Trường) - Ngày 4 tháng 3 năm 2016, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMUB) ủy quyền Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo chuẩn bị Diễn đàn cấp cao về việc triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam.

Hội[-]thảo[-]chuẩn[-]bị[-]triển[-]khai[-]Hiệp[-]định[-]Paris[-]về[-]Khí[-]hậu[-]tại[-]Việt[-]Nam

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc


Hiệp định Paris thực hiện Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (Hiệp định Paris về Khí hậu) vừa được thông qua tại COP 21, Pháp, bao gồm 29 Điều tập trung vào giải quyết toàn diện các nội dung của Công ước khí hậu, áp dụng cho tất cả các quốc gia từ năm 2020.

 

Nội dung Hiệp định Paris về Khí hậu đã giải quyết cơ bản được sự khác biệt về mức độ trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển và được xây dựng trên một nền tảng các quốc gia cùng cam kết liên tục thực hiện với nỗ lực cao nhất trong những năm tới. Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cam kết giảm 8% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường sẽ được cộng đồng quốc tế xem xét và có thể yêu cầu điều chỉnh vào năm 2018. Mức phát thải và kết quả đạt được trong việc thực hiện INDC sẽ được đánh giá quốc tế năm năm một lần, lần đầu tiên là năm 2023.

 

Về thích ứng, Hiệp định khẳng định thích ứng là một thách thức toàn cầu mà tất cả phải đối mặt ở cấp độ địa phương, vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế, và là cấu phần chủ chốt tạo nên đóng góp lâu dài vào ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Khuyến khích xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) trong đó nêu các ưu tiên, nhu cầu thực hiện và hỗ trợ để quốc tế xem xét.


Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao về việc chuẩn bị triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam, Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu dự kiến tổ chức Diễn đàn cấp cao về việc triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam (Diễn đàn cấp cao), dự kiến trong tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Để chuẩn bị cho Diễn đàn cấp cao, Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm xác định cơ hội, thách thức và những nội dung quan trọng Việt Nam cần thực hiện từ nay đến 2020 để triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu.


Ngay sau hội thảo này, Nhóm chuẩn bị cho Diễn đàn cấp cao triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu ở Việt Nam bao gồm đại diện từ các Bộ, ngành; các đối tác phát triển; các chuyên gia cao cấp sẽ có buổi làm việc tập trung trong 02 ngày để dự thảo các nội dung: chuẩn bị cho Diễn đàn cấp cao; xây dựng lộ trình xây dựng thể chế, các nội dung chính sách cần thiết cho Việt Nam từ nay tới 2020; xây dựng lộ trình thích ứng để thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu; xây dựng lộ trình giảm nhẹ để thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu.

 

Hội[-]thảo[-]chuẩn[-]bị[-]triển[-]khai[-]Hiệp[-]định[-]Paris[-]về[-]Khí[-]hậu[-]tại[-]Việt[-]Nam

Quang cảnh hội thảo ngày 4/3.2016 tại Hà Nội

"...Ngày 12 tháng 12 năm 2015, 195 quốc gia đã thống nhất thông qua Hiệp định Paris về khí hậu, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.


Với mục tiêu có tính tham vọng cao là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C, Hiệp định Paris về khí hậu yêu cầu các Bên tham gia cam kết và không ngừng nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, Hiệp định Paris về khí hậu cũng mang lại cơ hội cho các Bên trong việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới mô hình phát triển các-bon thấp, thúc đẩy tăng cường liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia để hướng đến mô hình tăng trưởng phát thải ít các-bon ở phạm vi quốc gia và toàn cầu.


Tuy nhiên, thực hiện Hiệp định Paris về khí hậu cũng tạo ra nhiều thách thức trong bối cảnh năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính toàn cầu chưa cụ thể; hình thái mới trong hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu chưa định hình rõ...

...
Với mục đích giúp Việt Nam chuẩn bị thật tốt để triển khai Hiệp định Paris về khí hậu, tôi đề nghị Hội thảo tập trung vào các thảo luận các vấn đề sau:


Một là, những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Paris về khí hậu. Trong đó, cần xem xét yêu cầu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng các-bon thấp, chống chịu cao; yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng tới mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản.


Hai là, những yêu cầu rà soát các cơ chế, chính sách trên cơ sở các nội dung của Hiệp định Paris về khí hậu, từ đó sửa đổi bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai.


Ba là, các giải pháp thực hiện các yêu cầu về tuân thủ, thực thi các quy định của quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần lưu ý sự cần thiết về hệ thống các chỉ tiêu và công cụ phục vụ việc đánh giá, giám sát; xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo thống nhất về các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc huy động và sử dụng nguồn hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, người dân nhằm đảm bảo tính minh bạch trong triển khai thực hiện.


Bốn là, những yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải các-bon thấp; thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sớm hình thành và phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như vật liệu thông minh với biến đổi khí hậu, chuyển hóa năng lượng, năng lượng tái tạo.


Năm là, giải pháp huy động hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu để đa dạng hoá nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và đóng góp tự nguyện về tài chính với cộng đồng quốc tế.


Kết quả thảo luận của Hội thảo sẽ giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch triển khai Hiệp định Paris về khí hậu tại Việt Nam một cách hiệu quả, đảm bảo Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vừa từng bước đưa phát triển kinh tế theo hướng bền vững..."



(TRÍCH PHÁT BIỂU CỦA THỨ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ TẠI HỘI THẢO KỸ THUẬT CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ KHÍ HẬU TẠI VIỆT NAM)

TIN MÔI TRƯỜNG (tinmoitruong@tinmoitruong.vn)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Hội thảo chuẩn bị triển khai Hiệp định Paris về Khí hậu tại Việt Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI