Thứ sáu, 27/12/2024, 17:27:40 PM (GMT+7)

Người hùng và đời thường Tin ảnh

(09:17:39 AM 10/07/2011)
(Tin Môi Trường) - "Nếu được trở thành một người hùng lần thứ 2, tôi mong muốn mình trẻ lại 20 tuổi hoặc nhiều hơn nữa". - Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn.

 

Nếu có thể, tôi vẫn mong được làm người hùng

 

Nhà báo Hoàng Hường: Xin được hỏi anh Hồng Sơn, thời gian vừa qua rất ít khi thấy anh xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người hâm mộ hẳn rất tò mò về thần tượng một thời. Anh có thể chia sẻ một chút thông tin về mình không?

 

Cựu cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn: Qua một thời gian giã từ sự nghiệp bóng đá, năm 2003 Hồng Sơn lập gia đình, nay đã có một bé trai học lớp 2 và bé gái sắp học lớp 1. Công việc trong 5 năm vừa qua của tôi là huấn luyện, dạy dỗ các VĐV trẻ năng khiếu của Thể Công - Viettel, nay là lớp năng khiếu của Viettel.

 

Ngoài công việc huấn luyện hàng ngày, tôi dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Trước kia là cầu thủ, đi tập luyện và thi đấu trong nước lẫn quốc tế nên thời gian cho gia đình không được như hiện nay. Đó cũng là trách nhiệm của người làm cha, làm chồng, và đặc biệt, tôi là một quân nhân chuyên nghiệp, ngoài công việc hàng ngày thường xuyên đóng góp cho xã hội, cho đất nước thì việc chăm sóc gia đình, vợ con cũng là một điều rất quan trọng trong đời sống của tôi hiện nay.

 

Hong[-]son
Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, Ảnh Lê Anh Dũng

Độc giả Nguyễn Văn Đình Bá ở Cà Mau : Thưa anh Sơn: Nếu được chọn một lần nữa để làm người hùng sân cỏ thì anh Hồng Sơn có chọn lại không?

 

Cựu cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn: Rất cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi nghĩ nếu ở bất kì ngành nghề nào, một công việc nào đó mà mình cảm thấy hạnh phúc khi có thể mang lại niềm vui cho những người xung quanh, cho những người mà mình yêu quý - như trong thể thao là người hâm mộ - nếu được trở thành một người hùng lần thứ 2, thì chắc chắn là tôi mong muốn mình trẻ lại 20 tuổi hoặc nhiều hơn nữa để lại tiếp tục được cống hiến cho những niềm vui, cho nền thể thao, bóng đá của Việt Nam.

 

Hiện tại tôi bằng lòng với những gì mình đang theo đuổi, tôi nghĩ một người hùng thật sự trước hết là người làm tốt trách nhiệm của mình trong đời thường.

 

Tôi sẵn sàng làm người hùng

 

Nhà báo Hoàng Hường: Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016 đang bắt đầu, thu hút sự chú ý quan tâm của cử tri cả nước. Hôm 20/3 khi VietNamNet đưa tin hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng tự ứng cử đại biểu Quốc hội, nhiều độc giả bày tỏ ủng hộ quyết định này của anh.

 

Độc giả Nguyễn Văn Quyết, Thái Bình hỏi anh Hùng: Thưa anh Hùng, bản thân tôi cũng là một người khuyết tật, nhiều năm nay tôi cũng không đi lại được, nhưng tôi may mắn hơn anh là tôi có đôi tay. Tôi muốn biết điều gì đã giúp anh vượt qua những mặc cảm của bản thân để anh có thể sống và thành công như ngày hôm nay?

 

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng: Thưa bạn Quyết, sức khỏe của Hùng bây giờ cũng rất yếu nhưng động lực để Hùng sống và làm việc hiệu quả, yếu tố lớn nhất chính là gia đình. Gia đình và bạn bè luôn động viên những công việc của mình, cũng như luôn sẵn sàng hỗ trợ cho mình trong các công việc khi mình cần. Đặc biệt là lĩnh vực mình làm là đào tạo Công nghệ thông tin, khi mình giúp được một em nhỏ khuyết tật và hỗ trợ được công ăn việc làm, bạn ấy đã trưởng thành và ra đời, mình rất vui. Đó là một động lực rất lớn cho mình nỗ lực làm việc.

 

Độc giả Lương Hoàng Khương, Thái Nguyên hỏi: Trên thế giới có nhà vật lý học nổi tiếng là Stephen HawKing. Chắc anh cũng đã đọc về ông ấy, vậy anh có thần tượng ông ấy không?

 

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng: Stephen HawKing bị nặng hơn tôi, ông ấy chỉ điều khiển bằng một đầu ngón tay di di trên cái nút nhưng ông ấy đã giỏi rất nhiều so với tôi. Trên thế giới có rất nhiều người khuyết tật giỏi khác, những người xung quanh tôi, rồi cả những gương mặt trẻ tiêu biểu của năm nay và cả những năm trước đó. Tôi luôn hứa với mình phải cố gắng để đi theo và đồng hành với những người đó.

 

Stephen HawKing đã vươn ra ngoài vũ trụ, còn vũ trụ của tôi là một khát vọng nhỏ, có một chiếc đệm với một chiếc máy tính có nối mạng.

 

Nguyen[-]Cong[-]Hung
Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng (phải), Ảnh Lê Anh Dũng

Độc giả Nguyễn Mười Hai, TP HCM quan tâm đến mục đích ứng cử của anh Hùng: nếu anh đắc cử đại biểu QH, anh sẽ làm những gì cho cộng đồng người khuyết tật nói riêng và cử tri nói chung. Anh có thể nêu lên một số dự định, những điều mà anh cho rằng người khuyết tật chưa thể hiện được nhiều?

 

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng: Vì tôi là người trong cuộc nên tôi hiểu người khuyết tật trông đợi điều gì, họ cần gì. Mong muốn của tôi khi ứng cử QH là góp tiếng nói của mình để nhằm một chút tác động đối với Đảng và Nhà nước có thể hỗ trợ thêm cho người khuyết tật.

 

Hiện nay đã có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người khuyết tật, đặc biệt là bộ luật chính thức mới ra đời đầu năm 2011, nhưng việc đi vào thực thi thì cũng đang còn nhiều khó khăn nữa. Tôi muốn có thể góp phần nhỏ nhoi nào đó của mình để hỗ trợ tốt hơn cho việc thực thi bộ luật này. Đặc biệt ở những lĩnh vực còn nhiều bất cập mà hiện tại tôi rất băn khoăn như vấn đề về sức khỏe của những người khuyết tật để làm sao họ được hỗ trợ chăm sóc y tế tốt hơn, và việc giáo dục cho các bạn trẻ khuyết tật ở vùng sâu vùng xa. Các bạn ấy hầu như rất ít có điều kiện tiếp cận với sự hỗ trợ về dạy nghề và việc làm.

 

Tôi đã là người hùng

 

Nhà báo Hoàng Hường: Trong những ngày này, không chỉ người dân Việt Nam mà toàn thế giới đang hướng sự quan đặc biệt đến Nhật Bản, nơi thảm họa động đất và sóng thần đã khiến hơn 20.000 người chết và mất tích. Bên cạnh những con số đau thương mất mát là những câu chuyện vô cùng xúc động và đáng khâm phục về tình người. Sự kiện này nhắc lại cho chúng ta nhớ đến những trận bão lũ và rất nhiều thiên tai đã diễn ra ở Việt Nam. Người Việt Nam cũng từng rơi vào những hoàn cảnh đau thương, nhưng cũng như người Nhật Bản, trong hoàn cảnh đó cũng là những dịp mà tình người, lòng bao dung được thể hiện trong cơn hoạn nạn.

 

Một trong những khách mời của chúng tôi hôm nay có Thượng úy Vũ Văn Chiêm - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Thiềng Liềng, Đồn Biên phòng 554 - Bộ đội Biên phòng - TP. HCM. Trong năm 2006, cơn bão số 9 (Durian) ập đến biển Cần Giờ. Một số tàu bè ngoài khơi chưa kịp vào bờ. Nhận tin khẩn cấp, khi đó chiến sĩ Vũ Văn Chiêm đang là trạm trưởng thuộc đồn 562 (Cần Giờ) lập tức cùng đồng đội lao đi trong mưa bão để vận động bà con trưng dụng tàu bè lớn ra khơi cứu nạn.

 

Bản thân anh đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vượt qua khó khăn, nguy hiểm. Anh và đồng đội đã cứu vớt được 36 ngư dân trôi dạt trong bão, tìm được 05 xác chết trên biển.

 

Vu[-]van[-]chiem
Thựong úy Vũ Văn Chiêm, Ảnh Lê Anh Dũng

Thưa anh, độc giả VietNamNet rất muốn biết động lực nào đã khiến anh không quản ngại nguy hiểm khi đó để xông vào cơn bão cứu người dân? Lúc đó anh nghĩ gì và đã quyết định làm những việc như thế?

 

Thượng úy Vũ Văn Chiêm: Tôi xuất phát từ người lính biên phòng. Nhiệm vụ của người lính biên phòng là bảo vệ dân, giúp đỡ dân và giữ gìn chủ quyền an ninh biển đảo, chủ quyền an ninh biên giới.

 

Trong cơn hoạn nạn mưa bão như thế, động lực chính thôi thúc tôi vượt qua khó khăn để ra cứu giúp dân gặp nạn trên biển đó là xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ. Tôi luôn xác định dù bất cứ công việc gì, khó khăn nào, và ở đâu cũng phải có trách nhiệm bảo vệ dân.

 

Khi đó có rất đông ngư dân bị kẹt trên biển, nếu có bề gì người ta bị chết, thì cả gia đình người ta sẽ thiếu vắng trụ cột trong gia đình và để lại gánh nặng cho xã hội. Tôi làm việc ở miền biển nên tôi biết rất rõ. Xuất phát từ tình cảm tấm lòng và nhiệm vụ của người lính, tôi đã cùng đồng đội quyết tâm vượt khó khăn ra sức để cứu giúp dân.

 

Độc giả Vĩ Hạnh ở Cà Mau hỏi rằng: Lúc đó anh có sợ không? Trước khi anh lao vào hiểm nguy như thế, anh đặt gia đình ở vị trí nào?

 

Thượng úy Vũ Văn Chiêm: Khi đó tôi có vợ rồi, vợ tôi cũng mới sinh con trai được một tháng. Nhưng trong lúc đó tôi chỉ nghĩ mình là bộ đội, mình cũng xuất phát từ nhân dân, là anh em ruột thịt của nhân dân. Thì mình cũng như ngư dân thôi. Tôi nung nấu ý nghĩ lúc đó là bằng mọi cách, mọi khả năng để cứu giúp dân thôi, chứ lúc đó cũng không nghĩ gì nhiều...

 

Chúng tôi không chỉ là những người hùng

 

Nhà báo Hoàng Hường: Việt Nam cũng được biết đến là đất nước có nhiều sắc tộc phong phú. Có một dân tộc thiểu số mà có lẽ rất ít người biết đến đó là người Chứt ở bản Rào Tre, Hà Tĩnh. Dân tộc Chứt từng đối mặt với nguy cơ bị biến mất vì đói nghèo và lạc hậu. Chính những người lính biên phòng ở Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ bảo tồn, cũng như phát triển dân tộc Chứt.

 

le[-]van[-]son
Thượng úy - bác sĩ Lê Văn Sơn (trái) và nhà báo Hoàng Hường, Ảnh Lê Anh Dũng

Đến góp mặt hôm nay có thượng úy, bác sĩ Lê Văn Sơn là chiến sĩ biên phòng ở Rào Tre. Anh có thể nói thêm để độc giả VietNamNet hiểu rõ về dân tộc Chứt được không?

 

Bác sĩ quân y Lê Văn Sơn: Khi chúng tôi mới đến năm 2001, cuộc sống người dân tộc Chứt rất khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống ăn củ mài củ sắn thay cơm, về văn hóa thì 100% mù chữ. Chỉ có sau này mấy em nhỏ được đưa đi học trường dân tộc nội trú. Bộ đội biên phòng đã xóa mù cho đồng bào, xóa mù rồi lại tái mù rồi lại xóa, vì dân trí của họ rất thấp, họ không nhớ hết được. Dân tộc Chứt cũng đứng trước nguy cơ bị diệt vong vì bệnh tật và đói nghèo. Đồng bào Chứt sinh đẻ cũng nhiều nhưng nuôi thì cũng không được nhiều.

 

Bản Rào Tre khi chúng tôi mới lên thì có 22 hộ, giờ đã có 37 hộ. Người Chứt có tiếng nói riêng nhưng vẫn biết tiếng Kinh.

 

Khi những bác sĩ quân y mang một tư duy mới, phương pháp chữa bệnh mới, ban đầu đồng bào đón nhận các anh như thế nào thưa anh?

 

Chúng tôi lúc đầu rất khó khăn. Chúng tôi khám bệnh họ không cho khám. Chúng tôi đưa thuốc họ không uống, họ nói rằng đã có thầy mo rồi, không uống thuốc của bác sĩ. Đến khi một bệnh nhân bị sốt rét ác tính, chúng tôi phải vận động uống thuốc. Sau một ngày chữa trị thì người bệnh đã có chuyển biến rất rõ rệt và rất tốt, dân bản mới thấy đó là phương pháp điều trị đúng, rồi dần dần họ mới chịu uống thuốc. Đặc biệt là chính thầy mo của người Chứt, một lần bị ốm cũng đã được chúng tôi chữa trị, một ngày sau thì thầy mo khỏi bệnh. Sau đó thầy mo cũng đã vận động người dân uống thuốc của bộ đội.

 

Bạn Thùy Linh ở Học viện báo chí hỏi: Đọc trên Tuần Việt Nam, em mới biết đến dân tộc Chứt và cảm thấy rất băn khoăn nếu một dân tộc có nguy cơ diệt vong vì đói nghèo và bệnh tật. Em muốn hỏi anh Sơn bây giờ cuộc sống của họ đã khá hơn chưa? Chắc họ không còn đối mặt với nguy cơ diệt vong nữa chứ? Nhà nước đã có những biện pháp nào đó để giúp đỡ những người dân tộc này, thưa anh?

 

Cuộc sống của người Chứt trước đây rất lạc hậu và khó khăn, giờ thì đã khá hơn rất nhiều rồi. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ý kiến cá nhân tôi, thì việc đưa bộ đội biên phòng về đó là một phương án có hiệu quả. Vì bộ đội biên phòng về đó là cùng ăn cùng ở cùng làm. Như chúng tôi không chỉ đảm đương một việc mà vừa là bác sĩ, vừa là người làm khuyến nông, vừa đứng ra tổ chức cho dân bản hoạt động văn hóa văn nghệ, và có lúc tôi cũng đứng lên bục giảng để dạy chữ cho bà con.

 

Bạn Trần Hòa Minh Vượng, Thái Nguyên thắc mắc rằng ở một số nơi con gái dân tộc có những tập tục bắt chồng hoặc những phong tục lạ. Cá nhân anh đã từng bị cô gái nào "bắt", hoặc bộ đội biên phòng đã bao giờ bị rơi vào tình huống khó xử hay chưa?

 

Người dân tộc Chứt xem bộ đội như là cha là mẹ, họ không nghĩ đến điều đó. Có những đoàn tham quan hoặc đến tìm hiểu phong tục đã hỏi những cô gái dân tộc Chứt là có thích chú Sơn không, có yêu chú Sơn không, nhưng các cô trả lời rằng: Không, bộ đội là cha là mẹ, chứ không được thích theo tình cảm của yêu đương, tức là không được nghĩ những tình cảm ấy, mà phải kính trọng (cười).

 

Tôi không nghĩ mình là người hùng

 

Nhà báo Hoàng Hường: Năm 2006 ở Nghệ An đã có 1 tai nạn đắm đò thương tâm làm 6 bạn học sinh tử nạn khiến cả nước sững sờ, bàng hoàng và phải xem lại những phương thức di chuyển trên sông nước. Có một bạn học sinh đã biến sự choáng váng và lòng thương cảm của mình thành sáng tạo, đó là chiếc cặp cứu sinh để có thể cứu giúp được những người bạn vẫn ở vùng sông nước, phải đối mặt với nguy cơ rủi ro tai nạn. Đó là bạn Lê Trọng Hiếu, hiện là học sinh lớp 11A6, trường PTTH Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội.

 

lê[-]trọng[-]hiếu
Nhà sáng chế trẻ tuổi Lê Trọng Hiếu, Ảnh Lê Anh Dũng

Mời Hiếu giới thiệu chiếc cặp cứu sinh của em được sáng tạo như thế nào, tác dụng và nó được sử dụng ra sao?

 

Em sáng tạo ra chiếc cặp đó trong hoàn cảnh khi em thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng những vụ đắm đò thương tâm. Nguyên nhân chính là do các bạn không có áo phao, và nếu có thì các bạn cũng ngại mặc vì nó rất cồng kềnh. Còn chiếc cặp thì luôn theo sát các bạn. Vậy nên em nghĩ tại sao mình không sáng tạo ra một chiếc cặp phao hai trong một vừa là cặp, vừa là phao cứu sinh để có thể giúp các bạn.

 

Bạn Triệu Vương ở Hà Nội muốn biết tiện ích cũng như nhược điểm của những chiếc cặp cứu sinh. Các bạn ở vùng sông nước thì nên dùng cặp phao, nhưng theo em các bạn ở thành phố thì có nên dùng hay không? Và em có ý định phát triển thêm ý tưởng này không?

 

Theo em thì với các bạn thành phố thì chiếc cặp này không có tác dụng nhiều lắm. Các bạn vẫn có thể sử dụng chiếc cặp này vì nó rất nhẹ. Nhưng em khuyên chân thành các bạn là cũng không nên dùng vì nó hơi to một chút. Thành phố Hà Nội hay ngập nước cũng chưa phải dùng đến cặp phao của em ạ (cười).

Theo VNN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Người hùng và đời thường

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?

Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?

(Tin Môi Trường) - Từ ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 quy định khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.

Tin Môi Trường
 Diễn đàn về quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang

Diễn đàn về quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang

(Tin Môi Trường) - Chiều 5/12/2024, tại thành phố Rạch Giá, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phối hợp với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang”.

VACNE 30 năm
 Danh sách 25 Giải thưởng của Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Danh sách 25 Giải thưởng của Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả và trao giải cuộc thi viết về Cây di sản Việt Nam năm 2024 cho các cá nhân và tập thể thuộc 25 tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc thi.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI