(Tin Môi Trường) - Điều tôi lo nhất là “Đà Nẵng lựa chọn Singapore làm hình mẫu học tập bởi những nét tương đồng: đô thị nén, mật độ cao nhưng nhiều không gian công cộng, hệ thống giao thông thông minh và tiên tiến, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân”.
Tôi không phải là dân Đà Nẵng nhưng yêu Đà Nẵng như chính quê mình. Chẳng hiểu tại sao. Chỉ cảm chứ rất khó diễn đạt cụ thể. Đà Nẵng là “Thành phố tiên phong”, “Thành phố đáng sống”, “Thành phố của những cây cầu”... Từ trước 1975, tôi đã “Yêu em Đà Nẵng” (Lê Minh Quốc) qua bài thơ “Đôi mắt sáng nhìn lên” (Hoài Hương) trong phong trào sinh viên đô thị Sài Gòn. Sau này, làm cán bộ Đoàn, rồi làm du lịch, có thêm nhiều bạn bè Đà Nẵng; càng yêu thêm vùng đất nghĩa tình này. Càng yêu thì càng lo, bởi nhiều vụ việc làm tổn hại đến những danh xưng làm nên thương hiệu Đà Nẵng.
Vụ Sơn Trà, khởi đầu cho hàng loạt mảng tối Đà Nẵng về nhiều mặt. Từ tiêu cực của lãnh đạo đến “Vũ nhôm” đình đám. Từ sân vận động Chi Lăng đến các tệ nạn xã hội. Danh xưng “Thành phố 5 không” được gầy dựng bao năm nay hình như đã theo người khởi xướng, về thế giới bên kia. Đà Nẵng bây giờ “gì cũng có”. Thiên hạ có gì, Đà Nẵng có đó, dứt khoát không thua kém các tỉnh thành bạn. Chỉ số canh tranh PCI các tỉnh thành, Đà Nẵng nhường ngôi đầu sau nhiều năm thống trị. Năm 2017 xếp thứ 2 và 2018 xếp thứ 5. Cứ đà này sẽ còn tụt hạng nữa. Gần đây là vụ Phó Viện trưởng, cá chết và nước biển ô nhiễm. Du lịch vẫn giữ được nét tiên phong, đột phá nhưng doanh thu trên đầu mỗi khách năm 2018 chỉ 3.165.000 đồng, vẫn xếp thứ 3 cả nước, sau Khánh Hòa (3.258.000đồng) và thành phố Hồ Chí Minh (3.836.000 đồng).
Điều tôi lo nhất là “Đà Nẵng
lựa chọn Singapore làm hình mẫu học tập bởi những nét tương đồng: đô thị nén, mật độ cao nhưng nhiều không gian công cộng, hệ thống giao thông thông minh và tiên tiến, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân”. Có lãnh đạo còn xem đó là ước mơ từ những nhiệm kỳ trước, nay mới được hiện thực hóa thành văn bản và được chính phủ phê duyệt.
Singapore là mô hình mơ ước để nhiều nước vận dụng. Học tập lẫn nhau, cả cái hay và cái dở (để tránh) là điều tất yếu. Nhưng xem đó là hình mẫu để rập khuôn thì ít ai làm. Bản sao, dù tài tình cách mấy cũng không thể bằng bản chính.
Singapore có quá nhiều điều để học hỏi, nhất là về kinh nghiệm quản lý, năng suất lao động, tính minh bạch, môi trường, sự nghiêm minh của pháp luật... nhưng hình mẫu để phát triển thì không.
Singapore lập quốc vào năm 1965 với diện tích 582km2. Sau gần 60 năm tận lực mua gom cát của các nước để lấn biển, diện tích tăng lên 721km2, dân số gần 6.000.000 người. Nước ngọt phải mua từ Malaysia, sông hẹp và ngắn, cầu thấp lè tè. Đất chật, người đông, phòng khách sạn đa phần bé tẹo. Dù không công nhận nghề mãi dâm nhưng “khu đèn đỏ Geylang” hoành tráng, luôn tấp nập khách mua, bán quốc tế; thuộc top đầu của thế giới. Là đảo quốc nhưng du khách đến
Singapore không phải để tắm biển.
Đà Nẵng có diện tích 1.285km2, dân số 1.200.000 người. Diện tích Đà Nẵng gần gấp đôi, còn dân số chỉ bằng 20% Singapore. Sông Hàn thơ mộng với những cây cầu tuyệt đẹp. Đà Nẵng có nhiều bãi tắm cực đẹp, có Ngũ Hành Sơn sừng sững giữa đồng bằng ven biển, cao nguyên Bà Nà lãng mạn, đèo Hải Vân hùng vĩ... Gánh hai đầu di sản thế giới của Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Chỉ riêng quận Hòa Vang là chấp luôn
Singapore về diện tích lẫn tài nguyên du lịch.
Tôi rất dị ứng với các cao ốc ở Đà Nẵng, đặc biệt là các cao ốc dọc sông Hàn. Cứ như những cọc nhọn đâm toạc dòng sông tĩnh lặng, yên bình. Tôi cũng rất khó chịu với việc bê tông hóa bờ biển. Có người bảo “Đà Nẵng đang ra sức học tập Singapore”. Họ lấn biển (vì sông
Singapore như con kênh nhỏ, không thể lấn được) thì mình lấn sông, thi đua nhau lấn. Sông Hàn oằn mình xót xa. Có phóng viên đặt câu hỏi về số lượng các dự án dọc sông Hàn, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trả lời "Các dự án dọc dòng sông Hàn, thành phố đang chỉ đạo rà soát tất cả các dự án. Có bao nhiêu dự án thì hôm nay chưa nói được ngay vì đang rà soát”. Dự án nào cũng to đùng, nằm chình ình ngay thành phố mà không nắm được thì đành bó tay chấm com.
Cứ mỗi lần đến Đà Nẵng, lại thấy thêm cao ốc. Càng hiện đại, thành phố càng kém duyên. Tình trạng ngập, kẹt trước sau cũng sẽ thành đặc sản như bao địa phương khác. Nhiều người bảo sao không học tập (chứ không chọn làm hình mẫu) Đài Loan. Đài Loan rất ít nhà cao tầng. Vỉa hè thông thoáng, có mái che như châu Âu. Chủ nhân các nhà mặt tiền được xây nhà ra tận mép đường, nhưng phải dành 3 - 5m tầng trệt làm vỉa hè. Đài Loan hạn chế phương tiện cá nhân. Phương tiện công cộng chưa đáp ứng được toàn bộ thì họ ưu tiên xe gắn máy hơn ô tô. Giản đơn vì khi di chuyển lẫn dừng đậu, gắn máy chiếm diện tích ít hơn. Sử dụng xăng dầu cũng ít hơn nên tiết kiệm hơn. Quan trọng nhất là xả khí thải ít hơn. Đài Loan chấp nhận giảm chỉ tiêu tăng trưởng để bảo vệ môi trường.
Nghe đâu, trước đây, có lãnh đạo còn tính chọn Hong Kong làm hình mẫu cho Đà Nẵng. Hong kong, chiếm 20% nhà cao tầng của thế giới. Nếu tất cả dân Hong Kong ra khỏi nhà thì mỗi người chỉ để được một bàn chân. “Nhà quan tài” là đặc sản chỉ Hong Kong mới có. Biệt thự của các đại gia cỡ Lý Gia Thành cũng kém xa tư dinh và biệt phủ của giám đốc Sở ở Yên Bái và nhiều nơi khác tại Việt Nam.
Vợ tôi bảo “Anh cứ đa đoan như người cõi trên. Đừng lo bò trắng răng. Dân Đà Nẵng không lo thì thôi, mắc mới gì mà anh cứ bần thần như gà mắc tóc”. Không mắc mớ gì thật, mà cứ lo nên mới có bài viết. Ai bảo dân Đà Nẵng không lo? Tôi không phải dân Đà Nẵng mà con lo nữa là những người dân Đà Nẵng chính hiệu. Chính hiệu về phong cách và tâm hồn chứ không chỉ là nơi sinh hay ở.