Giao lưu trực tuyến
Không bắt buộc đổi số điện thoại từ 1/3/2015
(15:30:32 PM 10/01/2015)>>Sẽ thay đổi mã vùng điện thoại trong 2 năm
Sáng 10/1/2014, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã có cuộc trao đổi với báo chí về những điểm đáng chú ý trong quy hoạch kho số viễn thông, một vấn đề nóng đang được dư luận rất quan tâm, và đang có nhiều thông tin chưa thực sự chính xác.
.Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Ảnh: B.M
-Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư số 22 về quy hoạch kho số viễn thông. Tại sao cần phải ban hành quy hoạch này vừa dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy hoạch, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Như chúng ta biết, năm 2009, Quốc hội thông qua Luật Viễn thông, có hiệu lực từ ngày 1/6/2010.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25 để hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, trong đó quy định rõ kho số là tài nguyên viễn thông quốc gia, giao Bộ TT&TT phải xây dựng và ban hành quy hoạch kho số viễn thông theo hướng bảo đảm cho quản lý sử dụng tài nguyên viễn thông, trong đó có kho số viễn thông làm sao được hiệu quả nhất, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đấy, Bộ TT&TT đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông, khảo sát đánh giá tình hình thực tế sự phát triển của thị trường và công nghệ để từ đó đưa ra quy hoạch kho số bảo đảm cho việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, và bảo đảm tính bền vững của quy hoạch này trong một thời gian dài, tránh chuyện thường xuyên thay đổi các mã số ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trên cơ sở các căn cứ pháp luật cũng như nghiên cứu thực tế phát triển của thị trường và công nghệ, Bộ TT&TT vừa qua đã ban hành Thông tư số 22 về quy hoạch kho số viễn thông.
Về lý do phải ban hành quy hoạch này, thì thứ nhất, quy hoạch kho số viễn thông, đặc biệt là mã vùng, mã mạng đã tồn tại cách đây hơn 50 năm, từ khi có ngành viễn thông Việt Nam. Đến năm 2008, chúng ta có điều chỉnh một chút là thêm đầu mạng có 3 chữ số. Còn về cơ bản các quy hoạch về mã vùng, mã mạng đã tồn tại 50 năm nay, không thay đổi. Trong 50 năm đó, môi trường kinh doanh viễn thông, các công nghệ viễn thông đã thay đổi nhanh chóng.
Cách đây chỉ 15 năm trước, hầu như dịch vụ thông tin di động còn rất hạn chế. Số người sử dụng dịch vụ thông tin di động rất thấp, có thể tính chỉ có vài triệu người, còn số người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định lên đến hàng chục triệu người. Nhưng 15 năm qua, bức tranh đã thay đổi rất nhanh chóng. Về mặt công nghệ thì dịch vụ điện thoại cố định ngày càng giảm, và dịch vụ di động ngày càng phát triển. Hiện nay cả nước có gần 140 triệu thuê bao điện thoại, trong đó khoảng gần 133 thuê bao điện thoại di động. Bức tranh đã thay đổi hoàn toàn. Trong khi đầu mã để dùng cho quy hoạch mã vùng và mã mạng chỉ có 9 đầu mã (từ đầu 1 đến đầu 9), trong đó 7 mã đã sử dụng cho điện thoại cố định, 2 mã là đầu 9 và đầu 1 dùng cho điện thoại di động. Dẫn đến bất cập là số mã mạng rất ít trong khi số thuê bao điện thoại di động lại rất lớn. Số thuê bao cố định rất ít nhưng lại được sử dụng số mã mạng rất nhiều. Đấy là bất cập rất cơ bản.
Để giải quyết bất cập ấy, trong năm 2008, chúng ta đã phải có giải pháp tình thế, là bắt buộc phải thêm mã mạng có độ dài là 3 chữ số, dẫn đến việc bây giờ có thuê bao 10 số, có thuê bao11 số. Nếu chúng ta tiếp tục để tình trạng này diễn ra thì ngày càng bất cập, vì số thuê bao điện thoại cố định trong trong 1 vài năm tới thậm chí có thể giảm xuống còn một vài triệu thuê bao, còn số thuê bao di động ngày càng tăng. Đặc biệt, hiện nay chúng ta biết kết nối di động không chỉ giữa người với người, mà cả giữa người với máy, máy với máy. Theo dự đoán của các tổ chức thế giới thì đến năm 2050, trên thế giới có khoảng 50 tỷ kết nối. Nếu chúng ta không có quy hoạch các đầu số di động thì sẽ không đủ để kết nối. Bây giờ tất cả các thiết bị trong nhà, từ bếp điện, máy giặt… trong xu hướng hình thành công nghệ nhà thông minh đều có khả năng kết nối, thì với đầu số di động hiện nay không thể bảo đảm kết nối giữa người với người, chưa nói là kết nối giữa máy với máy trong tương lai. Để bảo đảm sự phát triển công nghệ trong thời gian dài khoảng 30 – 50 năm tới thì chúng ta phải quy hoạch, tổ chức lại để số lượng mã mạng dùng cho di động tăng lên, đáp ứng nhu cầu kết nối giữa người với người, máy với máy, còn đầu số dùng cho mã vùng phục vụ cho điện thoại cố định giảm đi, phù hợp với xu hướng các thuê bao, dịch vụ điện thoại cố định ngày càng giảm.
Lý do khác nữa của sự cần thiết phải thay đổi quy hoạch kho số là về môi trường. 15 năm trước môi trường viễn thông tại Việt Nam là môi trường độc quyền. Chúng ta chỉ có một doanh nghiệp VNPT trước năm 2000. Giờ chúng ta đã có hơn chục doanh nghiệp có hạ tầng mạng, hàng trăm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thì số lượng đối tượng cần sử dụng các mã số tăng lên rất nhiều. Ví dụ, trước đây chúng ta không có khái niệm nhà cung cấp dịch vụ nội dung, nhưng những năm gần đây, với sự phát triển của Internet và thiết bị điện thoại thông minh, thì các dịch vụ nội dung phát triển rất mạnh. Trước đây chúng ta không bố trí các đầu số cho nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Bây giờ chính là lúc chúng ta phải quy hoạch lại để phù hợp với thị trường trong môi trường hoạt động cạnh tranh, có nhiều doanh nghiệp tham gia.
Đó là những sở cứ cần thiết phải xây dựng quy hoạch kho số mới đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và của công nghệ, thị trường.
-Bộ TT&TT đã tính toán, dự liệu ảnh hưởng của quy hoạch đến người sử dụng hay chưa?
Trong quy hoạch mới thì thay đổi lớn thứ nhất là quy hoạch lại mã vùng. Thực tế, mã vùng hiện chỉ phục vụ các cuộc gọi cố định, đặc biệt là chỉ dùng cho các cuộc gọi đường dài. Theo số liệu thống kê từ báo co của các doanh nghiệp thì tổng lưu lượng của các cuộc gọi đường dài, cố định gọi đường dài, các cuộc gọi từ di động gọi vào các máy cố định, và các cuộc gọi từ quốc tế vào máy cố định vào Việt Nam…, tóm lại là lưu lượng tất cả các cuộc gọi có sử dụng đầu mã vùng chỉ chiếm 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam.
Như vậy, tác động thực sự rất hạn chế. Không phải như các báo nói là ảnh hưởng đến tất cả người tiêu dùng. Thực tế phần lớn các máy điện thoại cố định được sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không phải bất kỳ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng gọi đường dài. Trong một năm, số lượng cuộc gọi đường dài cũng hạn chế. Giờ khi gọi đường dài, người ta chủ yếu gọi bằng di động, sử dụng môi trường Internet, các dịch vụ OTT… . Nên lưu lượng và doanh thu điện thoại cố định để dùng gọi đầu mã vùng rất ít. Khi có thay đổi, sắp xếp bố trí lại mã số thì tất nhiên có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, còn người dùng cá nhân giờ rất ít người dùng điện thoại cố định để gọi đường dài.
Có một thay đổi thứ 2 có thể tác động xã hội là sau khi bố trí sắp xếp mã vùng, thì mã vùng thừa ra sẽ được dùng cho mã mạng di động. Như vậy, chúng ta có cơ hội để chuyển tất cả các thuê bao đang từ đầu 11 số thành đầu 10 số. Hiện nay số lượng thuê bao dùng đầu 10 số và đầu 11 số đang tương đương nhau (50% – 50%). Khi thay đổi đầu 11 số xuống đầu 10 số thì chỉ ảnh hưởng đến thuê bao 11 số. Trong thay đổi thuê bao 11 số thì không thay đổi số thuê bao, 7 số cuối vẫn giữ nguyên. Ví dụ đang dùng số 11 số với đầu mã 0126, sau đó có 7 số thuê bao thì chỉ thay đổi 3 số đầu thành 126. Khi thay đổi như vậy thì sẽ chuyển mã mạng di động từ 3 số thành mã 2 số. Dự kiến sẽ sử dụng những đầu đã được giải phóng như 05, 06, 07, 08 và các thuê bao vẫn giữ nguyên số dịch vụ.
Thay đổi này theo chiều hướng tích cực, được sự ủng hộ của đa số người sử dụng. Vì tất cả những người sử dụng 11 số đều có mong muốn được dùng 10 số, ngắn hơn, dễ nhớ hơn và bình đẳng với tất cả các thuê bao di động còn lại. Không phải tất cả mọi người sử dụng đều bị ảnh hưởng bởi quy hoạch đầu số lần này.
-Quy hoạch được ban hành vào thời điểm đúng dịp Tết, nhiều doanh nghiệp có ý kiến là đã quen số rồi, giờ phải thay đổi toàn bộ số điện thoại trên mẫu mã, bao bì… thì gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
Thời điểm 1/3 là thời điểm có hiệu lực của quy hoạch chứ không phải tất cả các nội dung quy hoạch bắt đầu phải có hiệu lực từ 1/3. Quy hoạch để có định hướng trong 20 – 30 năm, thậm chí 50 năm tới. Để triển khai quy hoạch này, Bộ TT&TT đã nói rõ trong Thông tư là Bộ sẽ xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch. Kế hoạch có thể thực hiện trong rất nhiều năm. Giống như quy hoạch đô thị, không phải là ngay khi có quy hoạch, người dân trong diện mở rộng đường phải ngay hôm sau hoặc 1 – 2 tháng sau phải chuyển nhà đi nơi khác. Đấy mới chỉ là quy hoạch để người dân biết định hướng của Nhà nước. Sau đó, Nhà nước mới xây dựng các kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch.
Việc đổi mã vùng thì chúng tôi dự kiến sẽ làm trong nhiều giai đoạn, theo từng khu vực, mỗi khu vực có thể kéo dài nhiều tháng, như vậy có thể hàng năm sau mới thực hiện xong phần đổi mã vùng. Sau khi xong mã vùng rồi thì mới dư ra các đầu mã vùng để dùng cho các mạng di động, và chúng tôi mới xây dựng tiếp kế hoạch chuyển đổi các thuê bao 11 số thành thuê bao 10 số. Việc triển khai sẽ trong thời gian rất dài. Để thực hiện từng nội dung thì sẽ có kế hoạch cụ thể và nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ được thông báo lộ trình cụ thể để thực hiện, bảo đảm có thời gian thay đổi các số thuê bao, các mối quan hệ, liên hệ với các đối tác khác. Sẽ có lộ trình từng bước, đổi mã vùng khu vực nào trước, khu vực nào sau, thời gian bao lâu, để đảm bảo tác động ít nhất đến người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị nếu có tác động đến họ.
Mặt khác, kể cả khi có kế hoạch cụ thể thì khi thực hiện, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để có giải pháp cụ thể để ảnh hưởng ít nhất đến người sử dụng dịch vụ điện thoại. Sau khi ban hành kế hoạch về một nhiệm vụ cụ thể, sẽ thông báo cho đối tượng bị ảnh hưởng trước 60 ngày. Sẽ có các phương thức thông tin tuyên truyền bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, hoặc nhắn tin, hoặc qua hợp đồng, hoặc đến tận nhà người dân để thông tin cho người dân, cơ quan, tổ chức có liên quan về thay đổi đó.
Đồng thời, sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật. Trong thời gian đổi mã số dịch vụ, người dân, tổ chức, doanh nghiệp không phải làm gì, không phải đến đăng ký lại, hoặc làm các thủ tục, giấy tờ. Các hệ thống kỹ thuật sẽ lập trình song song cả số mới và số cũ. Trong một thời gian nhất định khoảng vài tháng, gọi số mới hay số cũ đều được. Sau 1 thời gian nữa, khi thông tin tuyên truyền tốt rồi, người dân gọi vào số cũ thì có thể không kết nối cuộc gọi nhưng sẽ có thông báo rằng số đang gọi là số sai, cần phải quay số mới. Việc thông báo tự động sẽ được thực hiện trong thời gian dài. Sau đó mới thực hiện chuyển đổi hoàn toàn. Việc triển khai quy hoạch có lộ trình với nhiều giải pháp, biện pháp đi kèm để đảm bảo tác động đối với tổ chức, cá nhân là ít nhất.
-Vậy nội dung nào trong quy hoạch sẽ được thực hiện đầu tiên, thưa Thứ trưởng?
Như tôi đã nói ở trên, Bộ TT&TT đang xây dựng kế hoạch để triển khai quy hoạch trong thời gian dài. Có những nội dung chẳng ảnh hưởng đến ai thì có thể thực hiện ngay. Ví dụ như quy hoạch cung cấp thêm đầu mã cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Giờ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung có thể nhận ngay đầu mã.
Còn những vấn đề có ảnh hưởng, tác động xã hội thì cần có thời gian chuẩn bị kỹ hơn. Trong năm 2015, trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung cho việc quy hoạch mã vùng. Không phải thay một lúc ngay hàng chục mã vùng mà thực hiện theo từng giai đoạn, vùng trước, vùng sau có kế hoạch cụ thể.
Có một lợi ích rất lâu dài của việc quy hoạch mã vùng, đó là để phù hợp công nghệ. Thực bỏ mã vùng hoặc giảm số mã vùng xuống cũng được, nhưng khi đó thì giá cước cuộc gọi sẽ cao, người nghèo trong vùng không thể gọi được giá cao như vậy. Việc chia nhỏ thành vùng là để bảo đảm cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể gọi nội hạt trong vùng với giá thấp nhất. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ (chẳng hạn, môi trường Internet thì cả thế giới là một vùng, hoặc với điện thoại di động thì cả nước là một vùng) và với hiện trạng giá dịch vụ viễn thông ngày càng giảm, thì cần quy hoạch để giảm số vùng. Hiện có 63 vùng điện thoại cố định. Nhưng với quy hoạch mới thì sẽ sắp xếp lại số vùng theo địa bàn hành chính, ví dụ các tỉnh Tây Bắc đều bắt đầu bằng mã vùng 20, 21… Trong tương lai gần sẽ chỉ còn 10 vùng. Lâu dài hơn nữa thì cả Việt Nam sẽ chỉ còn 1 vùng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Ông Phạm Văn Sơn: Khơi dậy và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường như một thói quen, hành động từ tiềm thức
- Giải cứu cây xanh
- Kênh đào Phù Nam - Techo ảnh hưởng đến ĐBSCL như thế nào?
- Nông dân miền Tây sống chung hạn mặn
- Dự báo, xả lũ và tính mạng con người
- Giàu nhanh từ đất, khó rồi đấy!
- Mùa lũ năm nay, ai sát cánh hỗ trợ miền Trung?
- Phong tỏa vô tội vạ
- Ghét thói háo danh, hơn thua, hằn học !
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?
(Tin Môi Trường) - Từ ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 quy định khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.
Diễn đàn về quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
(Tin Môi Trường) - Chiều 5/12/2024, tại thành phố Rạch Giá, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phối hợp với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang”.
Danh sách 25 Giải thưởng của Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả và trao giải cuộc thi viết về Cây di sản Việt Nam năm 2024 cho các cá nhân và tập thể thuộc 25 tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc thi.