»

Thứ sáu, 22/11/2024, 00:52:58 AM (GMT+7)

Khắc tinh của virus

(17:49:15 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Viện Vắc xin Quốc tế cùng đồng nghiệp vừa có một phát hiện mới về kháng thể có khả năng chống cúm H5N1 ở người. Điều đặc biệt là kháng thể này được chiết xuất từ… trứng gà Việt Nam.

 

 ts[-]huan

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân

 


NGƯỜI THÍCH “TỰ CHÂM BIẾM BẢN THÂN”



Thưa anh, đã có ai hỏi anh rằng tại sao anh lại chọn con đường trở thành một nhà khoa học? 

 

Khi ngồi trên ghế nhà trường tôi thích trở thành nhà chế tạo máy hoặc kỹ sư ngành điện. Khi được chọn đi du học thì tôi lại được Nhà nước “phân công” cho học Tổng hợp Sinh vật. Lúc đầu hơi nản nhưng khi học thì thấy trong ngành này có vô cùng nhiều những bí ẩn rất thú vị. Tôi vốn thích chuyện thám tử và mạo hiểm nên thấy làm khoa học cũng như nhà thám tử: Dựa trên chút ít bằng chứng (hiện tượng) cụ thể mình đặt giả thiết rồi chứng minh giả thiết bằng các thí nghiệm.

 

Giả thiết không phải lúc nào cũng đúng. Nếu kết quả thí nghiệm cho thấy giả thiết sai thì mình lại đặt giả thiết trên cơ sở mới, như thế mới thu được kết quả. Phần thưởng là chứng minh được giả thiết và công trình cho kết quả phục vụ lợi ích của con người và tự nhiên. Tôi thích khám phá những gì mới, nên khoa học là lĩnh vực lý tưởng để tôi theo đuổi.



Con đường theo đuổi ý thích làm khoa học của tôi không phải không có những lúc khó khăn. Thực sự, những lúc cuộc sống khó khăn, bám theo để làm khoa học thuần túy thì không đủ sống. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã phải bỏ dở sự nghiệp khoa học để làm việc khác kiếm sống. Tôi may mắn được bạn đời ủng hộ (vợ tôi cũng là nhà nghiên cứu khoa học), không đòi hỏi nhiều về cuộc sống vật chất và khuyến khích tôi “bám nghề”, nên tôi vẫn tiếp tục làm được những gì mình “chí thú”. Rất may mắn là tôi tìm được việc làm ở Mỹ- nơi mà tôi có thể toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu khoa học.

 

Nghĩa là anh phải từng là một người học “siêu khủng”?



Không hề (Cười). Từ nhỏ tôi không bao giờ được xếp là học sinh giỏi toàn diện mà thiên về những môn tự nhiên (tôi thích môn Toán, nhất là môn Hình học). Vì trí nhớ kém (so với vợ tôi) nên tôi “ngại” những môn học phải nhớ nhiều. Tôi không thuộc diện chăm chỉ lắm, nên thích đi tìm những lời giải ngắn và đơn giản.



Trên đây, tôi nghe anh hai lần nhắc đến vợ mình. Chắc chị nhà phải là một người đặc biệt lắm. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc trẻ một chút về chuyện tình yêu của anh chị được không?



Tôi xin phép mượn từ “siêu khủng” của anh để gọi vợ tôi trong chuyện học hành và chắc là không sai. Tôi và vợ tôi biết nhau từ lúc học phổ thông, nhưng phải lên đến đại học thì mới quen nhau. Chị có trí nhớ rất “khủng” và kiên trì. Ngoài những kiến thức học được cách đây nhiều năm chị còn có thể nhớ cả ngày sinh nhật của tất cả các bạn - kể cả những bạn gái - của tôi, (Cười).

 

Chị là tiến sĩ về Mô hình toán trong công nghệ hóa học. Khi sang Mỹ chị tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực Sinh học phân tử và Mô hình toán học cho sự tiến triển Sinh học. Chị đã tìm ra mô hình toán học giúp định lượng chính xác phân tử axít nucleic bằng phản ứng dây chuyền polymerase (PCR).

 

Anh có thể nói qua về công việc hiện tại của mình?



Tôi tìm hiểu cơ chế gây bệnh của virus cúm và cơ chế chống lại virus cúm của cơ thể. Dựa trên những kết quả nghiên cứu đó tìm ra những vắc xin và phương pháp điều trị mới có khả năng chống lại các chủng cúm khác nhau gồm cả chủng virus mới xuất hiện và có khả năng gây nên đại dịch cúm như H5N1 hay H1N1.



Một câu hỏi lý thú được đặt ra từ lâu (1965) nhưng vẫn chưa có câu trả lời là: Tại sao virus cúm với cấu trúc đơn giản mà luôn “lẩn tránh” được hệ thống miễn dịch tinh vi của cơ thể con người? Nó chỉ cần thay đổi chút ít cấu trúc bên ngoài là đủ để “lũng đoạn” hệ thống miễn dịch tinh vi của chúng ta. Vì vậy, mà hằng năm chúng ta cứ phải cập nhật chủng vắc xin cúm mới. Tôi nuôi hy vọng tìm được biện pháp mới để chống lại các loại cúm để hằng năm không cần phải tiêm vắc xin cúm. Nhất là đối với chủng cúm mới có khả năng gây nên đại dịch như H5N1.  

 

Nói như thế, tôi hình dung rằng, anh suốt ngày chỉ làm bạn với... virus thì phải? 



Một ngày của tôi bắt đầu bằng việc ngủ dậy khoảng lúc 6-7 giờ sáng. Vệ sinh cá nhân, ăn sáng, đến phòng làm việc, đọc email, vào phòng thí nghiệm cập nhật những hoạt động của phòng, trao đổi với các thành viên trong phòng thí nghiệm. Ăn trưa, sau đó đọc tài liệu, viết đề cương và công trình, tham gia công việc trong phòng thí nghiệm nếu cần thiết. 6-7 giờ tối thì về nhà ăn tối, nghỉ ngơi, xem TV, nghe nhạc, vào mạng thăm hỏi người thân, bạn bè.

 

Còn “…suốt ngày chỉ làm bạn với… virus” cũng đúng và cũng không đúng. Không phải cả ngày chỉ nghĩ đến và làm thí nghiệm với virus, nhưng đôi khi lại nghĩ đến nó lúc ăn, lúc ngủ, lúc bên cạnh cốc rượu vang đỏ…



Thế thì phải hình dung, anh là khắc tinh của virus mới đúng à?



(Cười) Có lẽ vậy. Vì tôi có dịp được làm về HIV với điều kiện hấp dẫn hơn nhưng tôi vẫn “bám” với… cúm. H5N1 là một trong những mô hình trong chương trình nghiên cứu của tôi. Tuy nhiên, do mức độ nghiêm trọng của H5N1, nhất là đối với Việt Nam, nên tôi chọn H5N1 như là mô hình ưu tiên.



HÃY THEO ĐUỔI CÁI MÌNH ĐAM MÊ



Nếu anh được sống lại tuổi hai mươi, việc mà anh khao khát nhất để làm là...?



Được học và theo đuổi cái mình đam mê.



Và anh vẫn chọn con đường làm “khắc tinh của virus” như hiện nay chứ?



Có lẽ vậy, vì đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy có gì làm tôi đam mê hơn...



Anh phát hiện ra “Kháng thể có trong trứng gà tại Việt Nam có khả năng phòng chống virus cúm H5N1” như thế nào?



Vào một buổi tối tháng 5. Sau khi đọc một vài tài liệu nghiên cứu về xu hướng tạo kháng thể chống virus cúm H5N1 bằng những phương pháp đắt tiền ở những nước phát triển, tôi chợt nghĩ đến việc: Gà ở Việt Nam đã được tiêm chủng chống cúm H5N1, như vậy chúng sẽ tạo ra kháng thể chống lại H5N1. Và về nguyên tắc thì kháng thể đó sẽ có trong trứng do những con gà được tiêm chủng đẻ ra. Kháng thể đó có thể tinh sạch một cách dễ dàng từ trứng gà và dùng để chống virus cúm H5N1 trên người.



Với suy nghĩ đó tôi quyết định về Việt Nam để kiểm chứng giả thiết này. Được sự giúp đỡ của Cục Thú y, tôi có được huyết thanh và trứng gà từ trang trại mà các anh ở Cục Thú y biết chắc là đã được tiêm vắc xin chống H5N1. Ngoài ra, tôi nhờ em gái tôi đi chợ mua trứng gà ở 2 siêu thị khác nhau ở Hà Nội. Quả nhiên, hơn 90% số trứng gà trên (bất kể mua ở đâu) đều có chứa kháng thể chống H5N1. Tôi gửi email cho anh bạn đồng nghiệp lâu năm người Mỹ (Tiến sỹ Terrence Tumpey, là đồng tác giả của công trình này) ở Cục kiểm dịch và phòng bệnh Hoa Kỳ (US-CDC) ở Atlanta, về ý tưởng dùng kháng thể có trong trứng gà tại Việt Nam để phòng chống H5N1. Anh bạn ủng hộ ngay ý tưởng đó và đồng ý hợp tác thử trên mô hình chuột nhiễm H5N1 tại phòng thí nghiệm tiêu chuẩn ở Mỹ.



Sau thí nghiệm đầu tiên, anh bạn rất ấn tượng và tiến hành các thí nghiệm tìm hiểu về cơ chế. Kết quả cho thấy khi đưa kháng thể lấy từ trứng gà Việt Nam vào đường hô hấp của chuột thí nghiệm trước khi gây nhiễm với virus cúm H5N1, toàn bộ số chuột thí nghiệm đều biểu hiện khỏe mạnh và không có dấu hiệu của việc nhiễm cúm. Hơn thế nữa, một nhóm chuột thí nghiệm khác sau khi bị gây nhiễm với virus cúm H5N1 nhưng được điều trị với kháng thể lấy từ trứng gà Việt Nam đã hồi phục hoàn toàn.

 

Công trình nghiên cứu này được giới khoa học đánh giá thế nào, thưa anh? 

 

 Các công trình khoa học trên thế giới gần đây về miễn dịch thụ động hướng vào việc sản xuất và sử dụng kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) để tiêm cho người bị cúm thay thế cho thuốc kháng virus như Tamiflu… Đây là biện pháp rất tốn kém và hiệu suất không cao, khó khả thi. Công trình kháng thể trong trứng gà chỉ ra rằng miễn dịch thụ động này có thể điều trị ở bề mặt niêm mạc – không cần phải tiêm – và không tốn kém, dễ thực hiện và cho thấy tác dụng tốt hơn thuốc kháng virus cúm hiện hành. Công trình mới được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Plos ONE sau khi được bình duyệt (peer-reviewed) bởi các chuyên gia quốc tế trong cùng lĩnh vực.

 

Sắp tới công trình này được chọn để phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về “Các biện pháp phòng chống cúm” tổ chức tại Hồng Kông từ 3-7/9/2010. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất về cúm được tổ chức 4 năm 1 lần và hội tụ khoảng 1.000 các chuyên gia hàng đầu thế giới về cúm.



Trong tương lai gần, anh có dự định gì với các nghiên cứu của mình không?



Tôi muốn đưa kết quả công trình nghiên cứu này vào thực tế Việt Nam để chúng ta có được thêm một biện pháp phòng chống cúm, kể cả cúm thông thường và đại dịch H5N1, nếu xảy ra trên người.



Câu hỏi cuối cùng. Điều mà anh luôn tự nhắc mình, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi tích tắc là...? 



Độ lượng với cuộc sống thì cuộc sống sẽ độ lượng với mình. Hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo độ lượng, từ bi để an trú trong hiện tại. Tôi tin vào thuyết nhân quả, và ghét những ai nhỏ nhen, để bụng với những lời nói thẳng, chân thành.



Cảm ơn anh, và chúc anh tiếp tục gặt hái những thành công! 

 

TS Nguyễn Hữu Huân

 
Sinh năm 1955, tại Hà Nội.
Năm 17 tuổi, sang CH Séc học Tổng hợp Sinh vật tại Praha, chuyên ngành Miễn dịch học.
Năm 1987, nhận  học bổng UNESCO và sang CH Séc học Tiến sĩ về cơ chế của miễn dịch tế bào chống ung thư.


Năm 1994, nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Hoa Kỳ, và năm 2000 được nhận làm giảng viên Đại học Alabama tại Birmingham.


Năm 2006, làm Chủ nhiệm Phòng Thí nghiệm về Miễn dịch chống virus tại Viện Vắc xin Quốc tế (International Vaccine Institute – IVI,  www.ivi.int) trụ sở đặt tại Seoul, Hàn Quốc

 

 

Lê Ngọc Sơn / SVVN ( thực hiện)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Khắc tinh của virus

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Bánh mì chấm sữa đặc -Tự hào văn hóa ẩm thực Việt

Bánh mì chấm sữa đặc -Tự hào văn hóa ẩm thực Việt

(Tin Môi Trường) - Bánh mì chấm sữa đặc Ông Thọ, món ăn gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ một lần nữa lại gây thương nhớ và trở thành món ăn “tạo cơn sốt” tại Lễ hội bánh mì 2024 được tổ chức lần 2 tại Tp.HCM vừa qua.

Tin Môi Trường
 Điều gì làm nên môi trường làm việc xuất sắc?

Điều gì làm nên môi trường làm việc xuất sắc?

(Tin Môi Trường) - Không chỉ là chế độ lương thưởng hay chính sách phúc lợi, người lao động ngày càng có nhiều mong muốn hơn về môi trường làm việc. Trong đó, các yếu tố tưởng từng là “cộng thêm” như chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, cơ hội học tập và phát triển, môi trường thể nghiệm những cái mới… đang được ưu tiên hơn.

VACNE 30 năm
 6 mẹo hay giúp bạn nhanh tìm được việc làm

6 mẹo hay giúp bạn nhanh tìm được việc làm

(Tin Môi Trường) - Để dễ dàng tìm được việc làm, cố gắng học tập, nâng cấp bản thân và rèn luyện các kỹ năng để chinh phục nhà tuyển dụng là điều tất yếu. Tuy nhiên bên cạnh các yếu tố cơ bản đó, bạn cần có những bí quyết trước khi quyết định ứng tuyển để gia tăng cơ hội. Sau đây là một số mẹo hay bạn có thể tham khảo.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 TẾT 2022: Nên lau dọn bàn thờ trước hay sau ngày ông Công ông Táo?

TẾT 2022: Nên lau dọn bàn thờ trước hay sau ngày ông Công ông Táo?

(Tin Môi Trường) - Vào dịp cuối năm, các gia đình đều tiến hành công việc lau dọn bàn thờ. Thế nhưng, nhiều người vẫn băn khoăn trước câu hỏi: Dọn bàn thờ trước hay sau ngày cúng ông Công ông Táo mới đúng?

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI