»

Thứ bảy, 23/11/2024, 16:05:43 PM (GMT+7)

Những kỷ vật của nữ bác sĩ, liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm !

(19:46:20 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (VFEJ)- Câu chuyện về nữ bác sĩ, liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm lại sống lên từ lời kể của họa sĩ Phạm Mùi - người bạn thân cùng chiến đấu với Thùy Trâm - hiện đang sống tại Đà Lạt. Hiện tại, họa sĩ Phạm Mùi đang giữ hai kỉ vật, kỉ niệm về Thùy Trâm trong những ngày chiến tranh đầy khói lửa. Đó chính là lá thư Thùy Trâm (Thùy) kí bút hiệu Sao Mai viết gởi cho ông trước khi Thùy Trâm hi sinh và một bức kí họa Phạm Mùi vẽ cảnh Thùy Trâm đang cho thương binh ăn cháo trong một trám xá ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) năm 1969, nơi Thùy Trâm đã chiến đấu và hi sinh. VFEJ giới thiệu loạt bài xúc động quanh câu chuyện của những bạn từ sống và chiến đấu với người nữ bác sĩ , liệt sĩ anh hùng này Bài 1: LÁ THƯ CỦA NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

                                                                                                                                     

      Gặp ông giữa buổi chiều chạng vạng, sương bắt đầu xuống lạnh giữa “thành phố sương mù”, những câu chuyện ông kể đã khiến chúng tôi thật sự bất ngờ và xúc động về nữ liệt sĩ anh hùng. Và ông cũng không giấu nổi nỗi buồn khi nhắc đến người bạn gái thân thiết cùng chiến đấu ấy, nhất là lúc đọc lại lá thư Thùy gởi cho ông lần cuối.

 

 

      Tình bạn giữa họa sĩ và bác sĩ

 

                                    

 

                                                                    Họa sĩ Phạm Mùi.

 

Thật ra Thùy Trâm quen biết Phạm Mùi trong bốn tháng cô làm cuộc hành trình từ Bắc vào Nam (cuối 1966). Phạm Mùi sinh 16/8/1943 tại Đức Nhuận huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, lớn hơn Thùy một tuổi. Năm 1954, ông cùng ba má và các anh chị em tập kết ra Bắc học trong trường học sinh miền Nam. Năm 1963, ông học trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội. Năm 1967 – 1975, ông tác tại chiến trường B (Ban tuyên huấn tỉnh Quảng Ngãi).

 

Trong căn phòng rộng, bề bộn những bức tranh ông đang vẽ, giọng ông buồn buồn khi nhớ lại cái thời ông và Trâm còn ở cạnh với nhau. Ông kể rằng ông quen biết cô Thùy Trâm vào dịp tết Nô en năm 1966, khi ông cùng một đoàn cán bộ chuyên môn hơn 70 người hầu hết là y, bác sĩ cùng một số văn nghệ sĩ vượt Trường Sơn vào miền Nam công tác. Địa điểm đến là chiến trường Quảng Ngãi. Chuyến đi ấy, ông đặc biệt chú ý đến một cô gái có gương mặt hiền hậu và sở hữu một nụ cười rất rạng rỡ. Người con gái ấy chính là Đặng Thùy Trâm. Suốt dọc đường đi, cô bác sĩ có tên thường gọi là Thùy ấy thường hay hát để phục vụ anh em trong đoàn mỗi khi dừng chân nghỉ bên đường. Cô hay hát bài “Em là hoa Pơ lang”. Nói đến đây, bất giác họa sĩ Phạm Mùi chợt tủm tỉm cười. Ông bảo: “Nói thiệt, lúc ấy hoa Pơ lang là hoa như thế nào, thật sự tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng qua tiếng hát của Thùy, tôi hình dung ra loài hoa ấy rất đẹp, rất trong trắng, sáng ngời và ngát hương. Còn cô gái trong bài hát thì tôi lại tưởng tượng đấy chính là cô gái đang ở trước mắt tôi, cái cô bác sĩ kiêm nghệ sĩ có giọng hát trong trẻo kia. Và trong lúc cao hứng tôi đã quyết định vẽ Thùy trong một khoảnh khắc cô đang hát bài “Em là hoa Pơ lang”. Nói là vẽ, nhưng thực ra tôi lén vẽ thôi dù đã cố tình chọn góc vẽ cho Thùy được tự nhiên. Vậy mà không ngờ cô ấy đã phát hiện. Dứt tiếng hát là Thùy chạy thẳng đến bên tôi đòi xem cho bằng được bức kí họa mà tôi vừa vẽ . Cô hồn nhiên reo cười một cách sung sướng và nài xin cho được bức họa ấy. Lúc đó, tôi vui cũng nào kém cô. Vậy là tôi kí tặng ngay cho Thùy và hứa sẽ vẽ Thùy nhiều hơn nữa. Và cũng từ đó, tôi và Thùy đã nhanh chóng trở thành bạn thân của nhau”.

 

Trầm ngâm một chút, họa sĩ Phạm Mùi nói: “ Khi vào đến Quảng Ngãi rồi, tôi làm ở Ban tuyên huấn Quảng Ngãi. Còn cô Trâm thì làm việc ở Trạm xá huyện Đức Phổ. Cô ấy là người rất mê nghệ thuật: làm thơ, truyện ngắn và viết nhật kí. Nhưng thú thật, hai cuốn nhật kí Thùy viết được công bố vào năm 2005 thì tới lúc thằng em tôi từ Hà Nội gọi về bảo rằng báo Tuổi trẻ viết Trâm đấy, tôi mới biết. Tôi cứ ngỡ mọi thứ của Thùy đã bị khói đạn vùi chôn hết rồi chứ. Cú điện thoại của thằng em, cộng thêm tờ báo Tuổi Trẻ viết về Thùy mà tôi tìm mua liền sau đó đã làm tôi thực sự xúc động mạnh. Tôi nhớ lại thời trai trẻ cùng chung chiến trường với Thùy với biết bao nhiêu là kỉ niệm. Tôi tặng rất nhiều tranh cho Thùy Trâm nhưng cuối cùng cũng mất vì chiến tranh mà, rồi Thùy cũng hi sinh nữa. Thùy chẳng có gì để tặng tôi cả, ngoại trừ những lá thư. Tranh của tôi cũng mất nhiều trong chiến tranh, đồ đạc cũng mất và cả những lá thư Thùy viết nữa. Chỉ còn lá cuối cùng của Thùy may mắn còn sót lại là do tôi gói trong bọc ni lon, bỏ vào túi áo ngực thường xuyên nên nó còn. Lá thư này, Thùy gởi cho tôi trước lúc cô ấy mất hơn 40 ngày. Nó gần như là một lời trăn trối để lại. Bức thư được viết vào ngày 6/5/1970 đúng ngày tôi được chuyển sinh hoạt Đảng chính thức”.  Tôi hỏi ông :  - Bức thư ấy chú còn giữ ở đây không?

 Họa sĩ Phạm Mùi bảo :

-          Còn chứ !

Tôi nói :  - Chú có ngại không, có thể cho cháu xem lá thư ấy một chút được không?

Ông bảo :  - Không ngại gì cả. Để tôi lấy cho cháu xem. Đợi chút, tôi lên lầu lục lại.

 

Chừng gần 10 phút sau, ông cầm xuống một tập tài liệu được bọc trong một bì nhựa cứng, lấy cho tôi xem lá thư – bút tích cô Thùy để lại cho ông. Đó là một lá thư được viết bằng mực xanh, vỏn vẹn chỉ có 3 trang giấy học trò, nét chữ nghiêng nghiêng, một vài chữ đã bị nhòa. Lá thư này được họa sĩ Phạm Mùi ép nhựa dẻo cẩn thận. Nhìn lá thư có đề hai chữ “Sao Mai” ở bên mép trái, đầu lá thư, tôi hỏi ông : - Cô Thùy ghi hai chữ “Sao Mai” có ẩn ý gì không chú?

Họa sĩ Phạm Mùi bảo rằng: “Không có ẩn ý gì cả. Đó là bút hiệu của Thùy, chỉ có những người thân thiết mới biết và Thùy chỉ dùng khi viết thư mà thôi!”.

    

Lá thư của người đã khuất.

 

                                                         


                                                        Lá thư Thùy Trâm viết gởi cho họa sĩ Phạm Mùi.

  

Lá thư của cô Thùy đã được họa sĩ Phạm Mùi cất giữ cẩn thận suốt 38 năm qua. Tuy rằng bức thư mang tính cá nhân nhưng những lời lẽ trong thư đã thể hiện những điều Thùy nghĩ trong cuộc chiến tàn khốc, qua đó thể hiện tình yêu quê hương một cách sâu sắc, tấm lòng của Thùy đối với người thân và tình bạn rất chân thành của Thùy đối với Mùi.

   Đã có nhiều báo chí nói về lá thư cô Thùy gởi cho họa sĩ Phạm Mùi, nhưng nó chỉ là những trích đoạn. Được sự đồng ý của họa sĩ Phạm Mùi, tôi xin chép lại toàn bộ lá thư của người đã khuất , để mọi người có thể hiểu hơn về nữ bác sĩ, liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm.

     Sao Mai

       6/5/7

      Mùi thân thương .

    Được thư Mùi rất cảm động trước tấm tình của người bạn thủy chung - Nhưng Th. không bị thương đau. Th. vẫn khỏe qua nhiều trận suýt chết.

  Cuộc chiến tranh thật là tàn khốc, cũng như Mùi, Th. căm thù đến bầm gan tím ruột kẻ nào đã gây chiến, kẻ nào đã cướp đi tất cả từ hạnh phúc đơn sơ nhất đến cả những gì quí báu nhất của mọi người. Bao nhiêu là m ất mát, bao nhiêu là đau thương, nói sao cho hết được hở Mùi? Lật lại từng trang nhật kí, Th. gặp rất nhiều những dòng chữ nặng trĩu đau thương căm thù, thấm mặn nước mắt. Tất cả cũng vì chiến tranh !

  Tuổi trẻ của chúng ta sẽ qua đi trong lửa đạn chiến trường, ta không hề tiếc thương. Ta có thể ngã xuống miệng vẫn cười vì cuộc sống ta đã dâng trọn cho đất nước. Nhưng Th. sẽ thương vô cùng những thanh niên lớn lên từ trong đau khổ chưa hề được hưởng một ngày hạnh phúc mà đã phải ngã xuống. Mùi ơi, bằng nét bút M hãy tả cho hết những gì ta đã nghe đã thấy trong cuộc chiến đấu này nghe Mùi.

  Ngày mai nếu được trở về, được gặp lại nhau, Thùy sẽ mời người bạn thân thương đến căn phòng nhỏ của Th. trên đất thủ đô. Th. sẽ lại mở cho Mùi nghe bản nhạc ngày xưa: “Lòng mừng mùa xuân đến nơi rồi, ngàn cây thơm tươi thắm sáng ngời …” và Mùi cho Th xem những tác phẩm đẻ ra từ trong cuộc chiến đấu sinh tử hôm nay.

   Còn nếu như không còn ngày đó nữa thì ai còn sống người đó sẽ không được quên người đã mất, phải làm gì cho xứng đáng với người đã mất.

   Ơi người bạn thân thương, chiều nay rừng cây im lặng, một mình Th. lặng ngắm cảnh núi rừng chìm dần trong sương chiều. Đài phát thanh Hà Nội đang trình bày một bài vọng cổ. Tất cả gợi cho Th một nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ những người thân thương trên cả hai miền. Giờ này Hà Nội đã lên đèn, những con đường phố tấp nập người đi sau giờ tan buổi làm việc. Giờ này nơi xã thôn cuộc chiến đấu chắc cũng vừa tạm dứt, bao nhiêu tên giặc phải đền tội, ai còn ai mất sau cuộc chiến đấu ngày hôm nay? Giờ này nơi căn cứ những người thân thiết của Th đang làm gì? Có ai chung ý nghĩ nh ư Th trong chiều nay?

    Và Mùi, Mùi đang làm gì đó? Gởi qua không gian đến người bạn thân thương của Th tất cả tâm tình của người bạn gái ngày xưa. Chúc Mùi bình an, vui mạnh. Chăm viết thư Mùi nhé !

       Nhớ thương.”

 

 

                                     

                                      Tác giả (phải) cùng những đồng đội chiến đấu cùng  Thùy Trâm

 

 Họa sĩ  Phạm Mùi cũng chính là nhân vật tên Mùi mà Thùy hay viết trong nhật kí. Đọc lại nhật kí Đặng Thùy Trâm, chúng tôi đã thấy mấy lần Thùy nhắc đến Mùi và lần nào cũng vậy, Thùy cũng đều thể hiện tình bạn của mình đối với Mùi . Đây là một đoạn Thùy viết về Mùi trong nhật kí.

 

  “ 8.7.68.

    Mấy bức tranh và dòng chữ đơn sơ của Mùi gửi tặng làm cho mình thấy bâng khuâng. “Lần này mình không viết cho TT một bức thư không phải vì mình không thương yêu người bạn gái rất quý của mình …”. Vậy thì vì sao hở Mùi? Tâm tình những đứa tiểu tư sản bao giờ cũng phức tạp. Có điều lạ là mình vẫn muốn như vậy hơn là chỉ giản đơn rành mạch chất phác như người nông dân.

   Tính tiểu tư sản của mình còn ở đó đó, chứ không phải như họ nói mình tác phong tiểu tư sản đâu. Tiểu tư sản gì đâu trong tác phong khi mà mình hòa mình được khắp trong mọi tầng lớp nhân dân”. 

                                                    (Còn nữa)

TƯỜNG THÀNH

 

  Kỳ  2 : Tình yêu thời chiến

(Nhiều người cứ ngỡ Phạm Mùi chính là nhân vật M mà Thùy viết trong nhật kí, nhưng không phải thế. M đấy chính là đồng chí Khương Thế Hưng. M chính là bút danh Đỗ Mộc viết tắt mà Khương Thế Hưng hay dùng để viết báo trong chiến tranh. Họa sĩ Phạm Mùi khẳng định: Mối tình Mộc – Thùy là một “thiên tình sử” đẹp trong thời chiến lúc bấy giờ…)

     

TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Những kỷ vật của nữ bác sĩ, liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm !

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Môi Trường
 Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?

(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI